Chiều ngày (10/4), tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh". Đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ban ngành trung ương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT có ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban Giám đốc Sở Y tế và lãnh đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc; đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
|
Theo báo cáo tại Hội nghị, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới hiện đang diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm trước nên công tác tiêm chủng vắc xin cho trẻ em bị gián đoạn, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đang có xu hướng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi, ho gà, sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm cơ bản đã được kiểm soát, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc một số bệnh đã có vắc xin dự phòng như: thủy đậu (4.040 ca), sởi (130 ca), ho gà (118 ca), bạch hầu (03 ca). Một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như: bệnh tay chân miệng (gần 10.200 ca, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023); bệnh sốt xuất huyết (hơn 14.540 ca) với hàng chục trường hợp tử vong. Ngoài ra, Việt Nam đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời điểm chuyển mùa với thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển; nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm cũng rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn.
Trước tình hình này, các đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu đã tích cực chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục đề cao vai trò và trách nhiệm của trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường hiệu quả của thông tin, truyền thông nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch; triển khai thực chất và hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh…
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 03 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 278 ca mắc bệnh Tay chân miệng (tăng 95,8% so với cùng kỳ năm 2023); 212 ca Sốt xuất huyết Dengue (giảm 37% so với cùng kỳ năm 2023); 01 ca Sởi lâm sàng và 04 ca sốt phát ban nghi Sởi – Rubella.
Nhằm chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Ngành y tế tỉnh đã triển khai, xây dựng kế hoạch các hoạt động phòng chống dịch, ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Sởi - Rubella, ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh có số ca tăng cao; tăng cường điều tra, xác minh và giám sát, xử lý các ổ dịch; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu cũng đã xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh bùng phát; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm trong tình huống số ca bệnh nhập viện tăng cao. Ngoài ra, BR-VT cũng đang đề xuất Bộ Y tế cấp đủ các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, cấp vắc xin Td tiêm cho trẻ 07 tuổi thuộc đối tượng của năm 2023 và đối tượng 07 tuổi của năm 2024 trước khi học sinh nghỉ hè.