Hoạt động Hoạt động
Hội nghị tổng kết đánh giá đề án Cải thiện điều kiện bảo đảm thức ăn đường phố giai đoạn 2013-2015

Sáng 10-6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết đề án "Cải thiện điều kiện bảo đảm thức ăn đường phố giai đoạn 2013-2015" và "tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016, qua đó đánh giá những việc đã làm được và những tồn tại, hạn chế, từ đó có những biện pháp khắc phục trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đấu tranh với thực phẩm bẩn hiện nay.


Quang cảnh Hội nghị

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông  Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh; các thành viên trong BCD9LNVSATTP, đại diện các Sở Ban Ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế, các phòng y tế huyện, thành phố, các đơn vị hữu quan và phóng viên báo BR-VT, đài PTTH tỉnh…  

 

Thao báo cáo của Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành, trong giai đoạn 2013-2015 tỉnh đã xây dựng được 04 mô hình điểm về Thức ăn đường phố (TAĐP) tại đường Thống Nhất mới Tp. Vũng Tàu, Trung tâm Thương mại Tp Bà Rịa và Trung tâm Thị trấn Long Điền và Khu ăn uống tại Dinh Cô – Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền; Trong 03 năm thực hiện đề án, chưa để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm lớn do ăn uống tại các cơ sở thực hiện mô hình điểm; tỷ lệ cơ sở kinh doanh TAĐ P đạt chuẩn tăng theo từng năm. Đầu năm 2013 tỷ lệ đạt chuẩn về kinh doanh thực phẩm là 75%  và đến 2015 tỷ lệ này đã là 85.8%. Trong 04 mô hình được triển khai thìmô hình điểm tại đường Thống Nhất mới -TP.Vũng Tàu đạt được kết quả tốt nhất, trở thành điểm dịch vụ ăn uống rất đáng tin cậy của du khách trong và ngoài tỉnh.


Ông Tiêu Văn Linh – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP báo cáo tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế của mô hình điểm như: Người kinh doanh TAĐP đa phần nghèo, trình độ thấp, có sự chênh lệch trong hiểu biết và thực hành; việc khám sức khỏe của người chế biến thực phẩm thực hiện chưa tốt do sự thay đổi liên tục của các nhân viên làm thuê tại cơ sở kinh doanh; người kinh doanh vẫn có thói quen mua hàng trôi nổi, giá rẻ, không rõ nguồn gốc để chế biến nhằm tăng lợi nhuận; tỷ lệ xử phạt vi phạm còn hạn chế, đa phần chỉ nhắc nhở...

Cũng tại Hội nghị, Sở NN&PTNT thay mặt Ban chỉ đạo liên ngành đã báo cáo kết quả của tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2016. Thao đó, trong đợt cao điểm này, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã tiến hành kiểm tra hơn 2.300 lượt  tại các cơ sở kinh doanh. Kết quả, có 398 cơ sở vi phạm, chủ yếu là các lỗi như: không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ... Đã tiến hành xử phạt hành chính  21 cơ sở vi phạm…


Ông Lê Thanh Dũng- PCT UBND tỉnh,
trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP của tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh: cuộc chiến với thực phẩm bẩn là nhiệm vụ của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển nòi giống, vì thế ngành Y tế - Cơ quan thường trực ban chỉ đạo liên ngành cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở ban ngành, các địa phương, có phân công, phân nhiệm thật cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai cơ sở vi phạm và biểu dương cơ sở thực hiện tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng… Bên cạnh đó cần có đánh giá sâu hơn, chỉ ra nguyên nhân vì sao mô hình chỗ này tốt, chỗ kia chưa tốt lắm, cách nhân rộng mô hình khu phố ẩm thực trên địa bàn toàn tỉnh như thế nào…để phát huy lợi thế của thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu và thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với tỉnh BRVT.

Tin, ảnh: Thăng Thành