Dự Thảo Online Dự Thảo Online
Dự thảo
Dự thảo báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá thực trạng, dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về “Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh BR-VT, giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Lĩnh vực thống kê:
Cơ quan soạn thảo:
Ủy ban thẩm tra:
Ngày xuất bản: 09/06/2020
Số lượt xem: 411
góp ý: 0
Phạm vi điều chỉnh:

UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

SỞ Y TẾ

 

 
 
 

 


 

Dự thảo

Số:           /BC-SYT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

 


Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày      tháng     năm 2020

 

BÁO CÁO

Đánh giá tác động “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”

 

 
 

 

 

 

I.Xác định vấn đề bất cập tổng quan:

1.Bối cảnh xây dựng chính sách:

Trong những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể và các địa phương, Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến bộ về mọi mặt, thu được những thành quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân của tỉnh.

          Để đạt được và duy trì bền vững những thành tựu trên, Ngành Y tế luôn quan tâm đến yếu tố con người, coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực y tế là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của Ngành. Nguồn nhân lực y tế đã được củng cố, nâng cao, phát triển cả số lượng và chất lượng … để đáp ứng xu thế ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

          Hàng năm, Ngành Y tế tỉnh thường xuyên xây dựng kế hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Ngành. Thông qua các kế hoạch này, Ngành đã đào tạo được đội ngũ công chức, viên chức có trình độ đại học, sau đại học: Chuyên khoa I, Chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ.

          Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cũng được Ngành Y tế quan tâm, xác định là nhu cầu cần thiết, cấp bách để tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn, quản lý của hệ thống phòng bệnh, khám chữa bệnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, kỹ thuật tốt, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đặc biệt, công tác phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập; còn thiếu nhiều bác sĩ đại học, sau đại học và chuyên môn sâu; đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực; cơ cấu nhân lực theo từng vùng, từng lĩnh vực chưa phù hợp với quy định; số lượng bác sĩ về công tác hàng năm trên phạm vi toàn Tỉnh nói chung và hải  đảo, vùng sâu vùng xa nói riêng chưa đảm bảo và đáp ứng được quy hoạch phát triển ngành và phát triển dân số của tỉnh. Đặc biệt, tình trạng thiếu bác sĩ về công tác tại các đơn vị y tế, lĩnh vực đặc thù như: Lao, Phong, HIV/AIDS, Pháp y, Tâm thần và tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Hạn chế này góp phần làm quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

          Việc thiếu cán bộ y tế (chủ yếu là bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên  môn sâu) và năng lực chuyên môn còn hạn chế là do công tác hoạch định và cơ chế đào tạo chưa chặt chẽ, chưa bắt kịp với việc phát triển công nghệ kỹ thuật mới và hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bên cạnh việc hạn chế trong công tác đào tạo, chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh chưa tạo động lực hấp dẫn; đặc biệt là điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc chưa đáp ứng cho cán bộ đến công tác tại tỉnh.

          Tiếp tục duy trì tính bền vững những thành tích đã đạt được của Ngành và góp phần vào việc nâng cao chất lượng khám và điều trị, cùng với mục tiêu đạt được 8,5 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ đã đề ra, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thiết phải xây dựng “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn ngành Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

2. Mục tiêu xây dựng chính sách:

- Nhằm cụ thể hóa quan điểm: “Nghề Y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Nhằm đào tạo, thu hút để bổ sung số lượng bác sĩ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu đối với Ngành Y tế.

- Sự ra đời của chính sách góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế nhằm tạo đội ngũ cán bộ y tế tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng: Đội ngũ y tế có năng lực, kỹ thuật tốt, có phẩm chất, đạo đức,có ý thức phục vụ nhân dân, đáp ứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ tăng thêm thu nhập hàng tháng đối với Bác sĩ nhằm góp phần hạn chế thực trạng Bác sĩ nghỉ việc ngày một gia tăng trong gia đoạn hiện nay.

 

II.Đánh giá tác động của chính sách:

  1. Xác định vấn đề bất cập:

- Trong những năm gần đây hệ thống y tế tư nhân phát triển dẫn đến đội ngũ bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc để ra làm tại hệ thống y tế tư nhân với mức thu nhập cao hơn;

- Thu nhập đội ngũ nhân viên y tế công lập thấp hơn so hệ thống y tế tư nhân trên địa bản và thấp hơn nhiều so với hệ thống y tế công - tư tại các tỉnh thành lân cận. Nguồn thu chính và duy nhất của đội ngũ y nhân viên hiện nay chủ yếu là dựa vào tiền lương hàng tháng và các chế độ phụ cấp theo quy định;

- Việc tuyển dụng bác sĩ hàng năm chưa đảm bảo đủ số lượng để phục vụ tại các bệnh viện. Đặc biệt là không tuyển được các bác sĩ về công tác tại các bệnh viện chuyên khoa: Tâm thần, phong, lao…việc này dẫn đến áp lực giải quyết công việc của đội ngũ bác sĩ càng trở nên khó khăn.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt khó khăn về nguồn kinh phí đào tạo. Việc sử dụng nguồn kinh phí đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều VIII Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 19/01/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh dẫn đến một số đơn vị trong Ngành chỉ tạo điều kiện về thời gian cho phép nhân viên đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, các cá nhân đi học phải tự túc về kinh phí đào tạo. Nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị không đủ để chi trả cho hoạt động đào tạo. Do không được hưởng kinh phí đào tạo nên dẫn đến một số trường hợp không gắn bó với Ngành, họ tìm dđến nơi có thu nhập cáo hơn để công tác.

  1. Mục tiêu giải quyết vấn đề:

- Đào tạo bác sĩ, đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên khoa sâu.

- Bổ sung đủ nhân lực Ngành y tế theo vị trí việc làm, bố trí đủ tại các tuyến điều trị, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và thực hiện công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến.

- Bổ sung đủ Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề các chuyên khoa hiếm và các chức danh chuyên môn y tế cần thiết khác cho tuyến y tế cơ sở.

- Tăng thu nhập cho nhân viên y tế để tạo điều kiện cho nhân viên y tế an tâm làm việc, gắn bó ổn định, lâu dài với Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

- Thu hút các chuyên gia y tế có trình độ cao từ ngoài tỉnh đến làm việc và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

  1. Các giải pháp đề xuất giải quyết vấn đề:

3. 1. Giải pháp về chính sách nhằm duy trì ổn định nguồn nhân lực y tế:

3.1.1. Chế độ đãi ngộ theo trình độ chuyên môn

3.1.1.1. Đối tượng:

a. Đối tượng được hưởng: Công chức, viên chức, người lao động trực tiếp làm chuyên môn y tế và có mã số chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế đang công tác tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành Y tế.

b. Đối tượng không áp dụng:

- Các trường hợp tham gia chính sách thu hút;

- Hợp đồng lao động thời vụ;

- Công chức, viên chức và người lao động đang được cơ quan/đơn vị cử đi đào tạo có thời gian từ 03 tháng trở lên;

- Công chức và người lao động làm việc tại cơ quan hành chính: Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ, Chi cục ATVSTP.

3.1.1.2. Mức hưởng:

- Đối với những người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II: Mức hưởng 7.800.000 đồng/người/tháng.

- Đối với những người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I: Mức hưởng 7.400.000 đồng/người/tháng.

- Đối với những người có trình độ đại học ngành y khoa (đa khoa, y học cổ truyền…) và những người có trình độ sau đại học thuộc khối ngành sức khỏe (hộ sinh, điều dưỡng, ký sinh trùng, y sinh, vi sinh, xét nghiệm…): Mức hưởng 7.000.000 đồng/người/tháng.

- Đối với những người có trình độ đại học thuộc khối ngành sức khỏe (điều dưỡng, hộ sinh, y tế công cộng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, gây mê….): Mức hưởng 3.900.000 đồng/người/tháng.

- Đối với những người có trình độ cao đẳng, trung cấp thuộc khối ngành sức khỏe: Mức hưởng 1.900.000 đồng/ người/tháng.

3.1.1.3. Điều kiện hưởng: công chức, viên chức và người lao động đảm bảo các điều kiện sau:

- Có quyết định tuyển dụng/tiếp nhận/hợp đồng lao động;

- Hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không bị kỷ luật dưới mọi hình thức.

3.1.1.4. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện dự kiến tính trên biên chế khối ngành sức khỏe hiện có thời điểm 31/12/2019 là 3.076 người:

- 01 tháng:   9.918.000.000 đồng

- 01 năm: 119.016.000.000 đồng

- 05 năm: 595.080.000.000 đồng

3.1.2. Chế độ đãi ngộ theo hạng bệnh viện:

3.1.2.1. Đối tượng:

a. Đối tượng được hưởng: Công chức, viên chức và người lao động tại đang công tác tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành y tế.

b. Đối tượng không áp dụng:

- Các trường hợp tham gia chính sách thu hút;

- Hợp đồng lao động thời vụ;

- Công chức, viên chức và người lao động đang được cơ quan/đơn vị cử đi đào tạo có thời gian từ 03 tháng trở lên;

     - Công chức và người lao động làm việc tại cơ quan hành chính: Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ, Chi cục ATVSTP.

3.1.2.2. Mức hưởng: Căn cứ quyết định xếp hạng bệnh viện của Uỷ ban nhân dân tỉnh và quy định của Bộ Y tế:

- Đối với với công chức, viên chức và người lao động công tác tại Bệnh viện hạng I: mức hưởng: 2.300.000 đồng/tháng/người.

- Đối với với công chức, viên chức và người lao động công tác tại Bệnh viện hạng II: Mức hưởng: 1.900.000 đồng/tháng/người.

- Đối với với công chức, viên chức và người lao động công tác tại Bệnh viện hạng III: Mức hưởng: 1.100.000 đồng/tháng/người.

- Đối với với công chức, viên chức và người lao động công tác tại Bệnh viện hạng IV, Trường Trung cấp y tế, TYT xã/phường/thị trấn: Mức hưởng: 780.000 đồng/tháng/người.

3.1.2.3. Điều kiện hưởng: Công chức, viên chức và người lao động đảm bảo các điều kiện sau:

- Có quyết định tuyển dụng/tiếp nhận/hợp đồng lao động;

- Hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không bị kỷ luật dưới mọi hình thức.

3.1.2.4. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện dự kiến tính trên biên chế hiện có thời điểm 31/12/2019 là 3.549 người:

- 01 tháng:   5.169.340.000 đồng

- 01 năm:   62.032.080.000 đồng

- 05 năm: 310.160.400.000 đồng

3.2. Giải pháp về đào tạo: Đào tạo đại học và sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế:

3.2.1. Đối tượng:

- Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập tham gia kỳ thi THPT Quốc gia và trúng tuyển đại học liên thông chính quy ngành y khoa (Y đa khoa) tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe;

- Sinh viên trúng tuyển đại học hệ chính quy ngành y khoa (Y đa khoa) tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe;

- Sinh viên trúng tuyển bác sĩ nội trú tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe.

- Các bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh trúng tuyển chuyên khoa cấp I, II, chuyên khoa sâu ngành: nội, ngoại, sản, nhi, da liễu, phong, lao, tâm thần, pháp y, chẩn đoán hình ảnh ..tại các trường Đại học chuyên ngành sức khỏe.

3.2.2. Mức hưởng: Tối thiểu mỗi tháng bằng 01 lần mức lương tối thiểu vùng nơi sinh viên/bác sĩ tham gia học tập.

3.2.3. Điều kiện hưởng:

- Có nguyện vọng và có Bản cam kết phục vụ/làm việc trong Ngành Y tế tỉnh BR-VT tối thiểu gấp 02 lần thời gian đào tạo;

- Chấp hành theo sự phân công/điều động của Sở Y tế, đồng thời cam kết thực hiện các quy định của Tỉnh.

3.2.4. Biện pháp chế tài: Khi sinh viên/Bác sĩ không thực hiện đúng cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi hoàn gấp 02 lần tổng số tiền đã nhận.

 

 

3.2.5. Kinh phí thực hiện:

- Kinh phí dự kiến chi trả bình quân cho 01 sinh viên/6 năm học là 322.200.000 đồng.

- Kinh phí dự kiến chi trả cho 50 sinh viên tham gia 112.770.000.000 đồng (thời gian chi trả 11 năm).

3.3. Chính sách trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (Chính sách thu hút):

3.3.1. Trọng dụng Bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học làm việc ở bệnh viện tuyến tỉnh:

a. Đối tượng: Bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II/ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I tốt nghiệp tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe trong và ngoài nước (những trường hợp tốt nghiệp ở nước ngoài phải được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận).

b. Mức hưởng:

- Đối tượng 1: Bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu, sau đại học (tiến sĩ, chuyên khoa II, chuyên khoa I, thạc sĩ) được đào tạo tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe trong và ngoài nước; có kinh nghiệm công tác sau khi tốt nghiệp sau đại học theo chuyên ngành thu hút từ 5 năm trở lên, được hỗ trợ tiền: Một lần 200.000.000đ lúc nhận công tác và trong 5 năm đầu công tác thì mỗi tháng được hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng.

- Đối tượng 2:  Bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu, sau đại học (Tiến sĩ, Chuyên khoa II, Chuyên khoa I, Thạc sĩ) được đào tạo tại các trường Đại học chuyên ngành sức khỏe trong và ngoài nước, có kinh nghiệm công tác sau khi tốt nghiệp sau đại học theo chuyên ngành thu hút từ 3 năm đến dưới 5 năm, được hỗ trợ tiền: Một lần 100.000.000đ lúc nhận công tác và trong 5 năm đầu công tác thì mỗi tháng được hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng.

- Đối tượng 3:  Bác sĩ có trình độ chuyên khoa II, tiến sĩ được đào tạo tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe trong và ngoài nước, tuổi đời không quá 50 tuổi, có kinh nghiệm công tác sau khi tốt nghiệp sau đại học theo chuyên ngành thu hút dưới 3 năm, được hỗ trợ tiền: Một lần 50.000.000đ lúc nhận công tác và trong 5 năm đầu công tác thì mỗi tháng được hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng.

- Đối tượng 4: Bác sĩ có trình độ sau đại học (chuyên khoa I, thạc sĩ) được đào tạo tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe trong và ngoài nước, có kinh nghiệm công tác sau khi tốt nghiệp sau đại học theo chuyên ngành thu hút dưới 3 năm, được hỗ trợ tiền trong 5 năm đầu công tác thì mỗi tháng được hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng.

c. Điều kiện hưởng:

- Có đơn xin tham gia chính sách thu hút của tỉnh;

- Độ tuổi: Không quá 50 tuổi (những trường hợp đặc biệt: chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm tuổi đời có thể trên 50 tuổi nhưng nhỏ hơn 55 tuổi)

- Có Hợp đồng, Bản cam kết thời gian phục vụ tại tỉnh cho đến khi nghỉ hưu;

- Không đang trong thời gian kỷ luật; không thuộc diện tranh chấp lao động.

d. Biện pháp chế tài: Khi Bác sĩ không thực hiện đúng cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi hoàn gấp 02 lần tổng số tiền đã nhận.

e. Kinh phí thực hiện: Số lượng thu hút khoảng 30 người với kinh phí chi trả 11.900.000.000 đồng/05 năm, bình quân 1 người 399.666.000 đồng.

3.3.2. Trọng dụng Bác sĩ đa khoa/Bác sĩ y học dự phòng/Bác sĩ Y học cổ truyền làm việc ở tuyến cơ sở (các Trạm Y tế/xã /phường/thị trấn):

a. Đối tượng: Các sinh viên tốt nghiệp ngành y đa khoa/ y học cổ truyền/ Y học dự phòng tại các trường đại học chuyên ngành sức khỏe.

b. Mức hưởng: Được hỗ trợ mức 3 triệu đồng/tháng/người.

c. Điều kiện hưởng:

- Bản thân có Đơn tham gia chính sách thu hút của tỉnh;

-Có Hợp đồng, Bản cam kết phục vụ tối thiểu 5 năm tại Trạm Y tế/xã phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh;

- Chấp hành theo sự phân công/điều động của Sở Y tế, đồng thời cam kết thực hiện các quy định của tỉnh.

d. Biện pháp chế tài: Khi Bác sĩ không thực hiện đúng cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi hoàn gấp 02 lần tổng số tiền đã nhận. 

e. Kinh phí thực hiện: Số lượng thu hút khoảng 10 người với kinh phí chi trả 2.160.000.000 đồng/05 năm, bình quân 1 người 216.000.000 đồng.

3.3.3. Trong dụng Bác sĩ chuyên khoa hiếm: 

a. Đối tượng: Bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề một số chuyên ngành hiếm (Da liễu, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Lao, Phong, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y…)

b. Mức hưởng: Mức 5 triệu đồng/tháng/người.

c. Điều kiện hưởng:

- Bản thân có Đơn tham gia chính sách thu hút của tỉnh;

- Có Hợp đồng, Bản cam kết phục vụ tối thiểu 5 năm tại Bệnh viện tuyến tỉnh /Trung tâm Y tế tuyến huyện/thị/thành phố.

- Chấp hành theo sự phân công/điều động của Sở Y tế, đồng thời cam kết thực hiện các quy định của tỉnh.

d. Biện pháp chế tài: Khi Bác sĩ không thực hiện đúng cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi hoàn gấp 02 lần tổng số tiền đã nhận. 

e. Kinh phí thực hiện: Số lượng thu hút khoảng 10 người với kinh phí chi trả 3.600.000.000 đồng/05 năm, bình quân 1 người 360.000.000 đồng.

III. Tác động của chính sách: Đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan.

Tác động về mặt xã hội: Khi chính sách được thực hiện, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Ngành Y tế về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về chi phí sinh hoạt của đời sống thường ngày, đảm bảo ổn định cuộc sống, từng bước giải quyết được việc vấn đề yên tâm công tác, cống hiến phục vụ chăm sóc tốt hơn nữa cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

 Đồng thời khi chính sách được thực hiện giảm khoảng cách thu nhập giữa lĩnh vực Y tế công và Y tế tư nhân.

Tác động về mặt kinh tế: Chính sách được thực hiện sẽ làm tăng nguồn chi ngân sách tỉnh. Tuy nhiên chính sách sẽ giữ chân, thu hút được đội ngũ Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ công tác lâu dài tại các cơ sở y tế và phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất.

Tác động về giới: Không có tác động về giới vì đối tượng tham gia chính sách có đủ điều kiện hưởng chính sách và các đối tượng hưởng chính sách không phân biệt nam/nữ; không phân biệt người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.

Tác động về thủ tục hành chính:  Chính sách được ban hành không làm thay đổi các thủ tục về hành chính. Đồng thời chính sách cũng không phát sinh thêm các thủ tục hành chính.

Tác động về hệ thống pháp luật: Không tác động đối với hệ thống pháp luật, không phát sinh thêm tổ chức bộ máy. Khi chính sách được ban hành thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.

 

IV- Lấy ý kiến

- Sở Y tế Dự thảo nội dung xây dựng “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Sở Y tế gửi Dự thảo nội dung xây dựng “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đến các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến;

- Sở Y tế tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị. Đến nay Sở Y tế nhận được 32 ý kiến của các cơ quan, đơn vị, trong đó:

+ Có 17 cơ quan, đơn vị thống nhất

+ Có 17 cơ quan đơn vị có ý kiến.

(Đính kèm Bảng tổng hợp đóng góp ý kiến)

- Sở Y tế tiếp thu ý kiến các cơ quan, đơn vị đóng góp về chính sách và xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động; dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng; dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” gửi đến các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến và đăng cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định Luật Ban hành văn bản.

IV. Giám sát và đánh giá:

  1. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh BR-VT
  2. Cơ quan giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách:
  • Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
  • Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh;
  • Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trên đây là Báo cáo đánh giá tác động của “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chuyên môn Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Sở Y tế kính trình Ủy ban nhân tỉnh xem xét./.

 

Nơi nhận:

GIÁM ĐỐC

- UBND tỉnh;

- UBMTTQVN tỉnh;

- Các Sở/Ban/Ngành thuộc tỉnh;

- Lưu: VT, VP.

 

 

 

 

Phạm Minh An

 

 

Gửi góp ý cho dự thảo
Dự thảo báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá thực trạng, dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về “Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh BR-VT, giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Họ và tên (Bắt buộc)
Thư điện tử
Địa chỉ
Tiêu đề góp ý (Bắt buộc)
Nội dung góp ý
Mã xác nhận
Mã xác nhận
Reload-Capcha