Sáng ngày 20/8, ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo về hiện trạng cơ sở vật chất, nhu cầu sử dụng giường bệnh và kế hoạch, giải pháp phát triển hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
|
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài Bệnh viện Vũng Tàu và Bệnh viện Bà Rịa với tổng quy mô 1050 giường bệnh (GB); trên địa bàn tỉnh hiện có 08 Trung tâm y tế (TTYT) đang hoạt động với tổng quy mô 630 giường bệnh. Trong đó, TTYT thành phố Vũng Tàu và TTYT thành phố Bà Rịa là cơ sở không có giường bệnh; các TTYT còn lại có công suất sử dụng GB trung bình trong 03 năm gần đây thấp hơn 40%. Do đó, trong giai đoạn năm 2021-2025, các TTYT tuyến huyện không có nhu cầu tăng thêm chỉ tiêu giường bệnh mà chỉ tiếp tục thực hiện công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn. Riêng TTYT thành phố Vũng Tàu và TTYT thành phố Bà Rịa cần bổ sung cho mỗi đơn vị tối thiểu 30 giường bệnh để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh BHYT của người dân trên địa bàn.
Cũng theo Sở KHĐT, việc tăng chỉ tiêu giường bệnh cho các đơn vị đang có dấu hiệu quá tải (Bệnh viện Bà Rịa nâng từ 700 giường lên 1.000 giường, Bệnh viện Vũng Tàu nâng từ 350 giường lên 720 giường) là cần thiết; tuy nhiên việc tăng chỉ tiêu giường bệnh này phải đi đôi với đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất và triển khai theo lộ trình đầu tư công trung hạn cần thiết đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Ước tính đến cuối năm 2024, số giường bệnh (GB)/vạn dân của tỉnh là 2.534 GB, đạt tỷ lệ khoảng 21,36, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Tỉnh đang tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có thêm 60 GB được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, việc thu hút xã hội hóa tại Tỉnh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do thời gian qua đã có nhiều sự thay đổi về chính sách pháp luật (Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/8/2024). Bên cạnh đó, công tác xử lý tài sản công gắn với đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa cũng còn nhiều vướng mắc; công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gặp khó khăn về thủ tục, quy trình.
Theo kết quả rà soát của Sở Y tế, để đạt mục tiêu phát triển 35 GB/vạn dân vào năm 2030 (Nghị quyết số 42-NQ/TW) Tỉnh cần tăng thêm khoảng 1.719 GB (bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân và công lập). Nếu các dự án đầu tư cho hệ thống Y tế công lập và hệ thống Y tế tư nhân hoàn thành đúng tiến độ thì đến năm 2030 tổng số GB tăng mới là 2.100 GB và tỷ lệ GB/vạn dân sẽ là 38,09, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Trên cơ sở đó, Sở KHĐT đã đề xuất một số giải pháp cơ bản phát triển hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh (bao gồm xã hội hóa và đầu tư công) đến năm 2030 như: đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư công các dự án đã được phê duyệt đến năm 2025; tăng cường đầu tư, mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh; tập trung hoàn thành tổ chức đấu giá đất các khu đất đã đủ điều kiện, không còn vướng mắc về pháp lý; giải quyết và hoàn thành các thủ tục liên quan việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, các thủ tục liên quan việc xử lý tài sản công và xử lý tài sản trên đất; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và công suất giường bệnh; nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về y tế…
Sau khi xem xét báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông yêu cầu Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, BQLDA Chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan chủ động, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo các mục tiêu trên; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh và phát sinh dự án, theo nguyên tắc không giảm mục tiêu đề ra.