Thông tin chỉ đạo điều hành Thông tin chỉ đạo điều hành
Người dân cần chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

          Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết(SXH), chiều ngày 24/7/2017 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp trực tuyến khẩn cấp tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu còn có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện, Bệnh viện, Văn phòng Bộ Y tế, Lãnh đạo Cục Quân y Bộ Quốc phòng, đại diện Sở Y tế Hà Nội; các Bộ/Ngành cùng các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương, Hà Nội đã về dự và đưa tin.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có đại diện lãnh đạo các Bệnh viện/Viện, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, các Bộ/Ngành cùng cùng các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương, TP HCM đã về dự và đưa tin.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp lần này nhằm trao đổi kế hoạch về dự phòng, đáp ứng, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong cả nước. Đồng chí Bộ trưởng đặc biệt coi trọng vai trò của  truyền thông trong công tác dự phòng, để người dân thay đổi hành vi là phương pháp tốt nhất trong phòng chống dịch bệnh. Đồng chí Bộ trưởng đề nghị thông qua cuộc họp này các đại biểu sẽ cùng đưa ra giải pháp để công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả và hiệu quả tốt hơn.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: trên thế giới bệnh sốt xuất huyết hiện nay đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp và phát triển của dịch bệnh do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp luôn gia tăng về số lượng ca bệnh và mở rộng khu vực; bên cạnh đó là sự gia tăng di biến động dân cư khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ nhà ở và dân cư đông đúc; Thời tiết có thay đổi (biến đổi khí hậu); điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh.  Đặc biệt tập quán của người dân chưa có thay đổi đáng kể trong việc trữ nước và loại bỏ các vật dụng phế thải là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh, thêm vào đó người dân còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch...Thời gian vừa qua, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở nắm vững ổ dịch, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.

Phát biểu tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: chu kỳ dịch năm nay tăng cao vì mùa mưa đến sớm. Đến nay tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận ba trường hợp tử vong do SXH và một trường hợp tử vong liên quan đến SXH.

Tại Hà Nội theo Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân, 40% người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ.


 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế báo cáo

Trong công tác điều trị ông Lương Ngọc Khuê,Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: hiện nay Bộ Y tế cũng đã phân tuyến các bệnh viện trong việc điều trị cho người mắc SXH, không để xảy ra quá tải tại BV tuyến trên. Cục Quản lý, Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn nhân lực, tăng cường làm việc vào ngày cuối tuần để khám, chữa bệnh cho người mắc SXH. Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, sau khi phân tích tình hình dịch tễ học lâm sàng, thì thấy SXH diễn biến nổi trội ở Hà Nội, cao nhất là tại quận Đống Đa. Đặc biệt, phần lớn người mắc SXH là đang trong độ tuổi lao động, từ 15-35 tuổi (chiếm 51%) và bị đốt vào buổi sáng khi đi làm việc. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em mắc SXH chỉ chiếm 5% và người già chiếm 7%. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do SXH chiếm 0,28%, thấp hơn so với các khu vực, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (0,4%).

Tại cuộc họp các đại biểu đã cùng được nghe các báo cáo trình bày về giải pháp phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và các tỉnh thành khác cũng như các đề xuất, kiến nghị và cùng thảo luận các vấn đề để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh sốt trong thời gian tới hiệu quả hơn.



Quảng cảnh Hội nghị

         Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tăng cường chủ động tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân để hạn chế dịch bệnh lây lan; đồng thời tăng cường công tác truyền thông về dự phòng tới người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết "không có loăng quăng bọ gậy, không có sốt xuất huyết"; bên cạnh đó cần nỗ lực cao ko chủ quan, quyết liệt phòng chống và tổ chức điều trị không chỉ sốt xuất huyết mà các bệnh mùa mưa lũ như đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, tay chân miệng. Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện phải có xà bông diệt khuẩn rửa tay trong nhà vệ sinh, cần nâng cao hiểu biết của người dân phải ăn chín uống sôi, tránh bị muỗi đốt. Đối với công tác điều trị đồng chí Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập huấn xử lý dịch bệnh SXH tại cả ba miền. Đặc biệt, cần phân tuyến và chuyển tuyến để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến; chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép để lây bệnh chéo, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, không để dịch lan rộng, hạn chế tử vong. Đặc biệt, các cơ sở y tế không để xảy ra tình trạng quá tải, nằm ghép./.

Nguồn: http://moh.gov.vn/