Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền
Uống thuốc thế nào cho đúng?

Hiểu đúng về cách sử dụng thuốc là điều rất quan trọng bởi nó không những giúp cho người bệnh mau lành, mà còn tránh được những biến chứng đáng tiếc nếu người bệnh uống sai liều lượng, thời gian, cách uống…

Hiểu đúng cách sử dụng thuốc sẽ giúp người bệnh vừa nhanh khỏi, vừa tránh được những tác dụng phụ.
Hiểu đúng cách sử dụng thuốc sẽ giúp người bệnh vừa nhanh khỏi, vừa tránh được những tác dụng phụ.

Thuốc (hay còn gọi là dược phẩm) là loại sản phẩm đặc biệt dùng để chữa bệnh, được các hãng sản xuất nghiên cứu và thực nghiệm trong thời gian dài, thậm chí có những loại thuốc để đánh giá tính năng, tác dụng chính, tác dụng phụ, sự tương tác giữa nó và các loại thuốc khác, kéo dài đến 5, 6 năm rồi mới bán ra cho người bệnh.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tạm nêu lên 3 nhóm là thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh đường tiêu hóa (là những thuốc phải có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa) và thuốc thông thường không kê đơn, trị đau nhức, cảm sốt…

Nhiều người có thói quen sau khi nhậu thì uống 1 viên Paracetamol để "khi tỉnh bia rượu không bị đau đầu". Đây là quan niệm rất sai lầm và nguy hiểm vì Paracetamol kết hợp với cồn có trong bia, rượu sẽ phá huỷ tế bào gan rất nhanh, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh về thận.

 

Thuốc kháng sinh

Là nhóm thuốc nhằm mục đích vô hiệu hoá các loại vi khuẩn gây bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm màng não, viêm da, viêm xoang… Tuỳ từng chủng loại, thuốc có thể tiêu diệt vi khuẩn hoặc ức chế để vi khuẩn không phát triển thêm, hoặc thay đổi cấu trúc tế bào để vi khuẩn không còn khả năng gây bệnh.

Thông thường khi đi khám bệnh và nếu cần phải sử dụng kháng sinh, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh, trong đó ngoài số lượng thuốc, liều dùng, uống trước hay sau khi ăn…, bác sĩ còn có những dặn dò về cách xử trí nếu người bệnh gặp phải phản ứng phụ của thuốc như tiêu chảy, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn ói. Vì vậy, tuân theo lời dặn này là việc rất cần thiết.

Người bệnh phải luôn ghi nhớ những điểm sau đây: Không hướng dẫn người khác những loại kháng sinh mà mình đã hoặc đang uống dù người ấy có triệu chứng bệnh lý giống như mình. Nếu đã lành bệnh nhưng vẫn còn thuốc thì không để dành số thuốc ấy cho lần sau. Không tự ý uống tăng liều để mau khỏi bệnh. Nếu lỡ quên uống thuốc thì tuyệt đối không uống gấp đôi để bù vào. Nếu đã lành bệnh nhưng sau một thời gian, bệnh tái phát thì nên đến bác sĩ để tái khám chứ không sử dụng lại đơn thuốc cũ. Không tự ý uống kháng sinh nếu chỉ bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là có những nhóm kháng sinh nên uống vào lúc đói để thuốc phát huy hết tác dụng nhưng cũng có những loại cần uống vào lúc no để không ảnh hưởng đến dạ dày, đường ruột nếu người bệnh đang bị một số bệnh ở các cơ quan ấy. Nếu trong đơn thuốc, người bệnh không thấy bác sĩ ghi chú vấn đề này thì nên hỏi lại cho rõ bởi lẽ có những loại kháng sinh không nên uống chung với sữa vì chất casein trong sữa sẽ làm giảm  tác dụng của kháng sinh.

Thuốc tiêu hóa

Trong các bệnh về đường tiêu hoá thì viêm, loét dạ dày là bệnh phổ biến nhất. Với bệnh này, nếu người bệnh nhiễm vi khuẩn H-Pylory (thường gọi là HP), thuốc điều trị sẽ  được bác sĩ phối hợp 4 loại, gồm: thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP, thuốc kháng, trung hòa axit dạ dày, thuốc tạo màng che phủ ổ loét và thuốc ức chế bơm Proton, trong đó thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm Proton và thuốc che phủ ổ loét nên uống trước khi ăn khoảng 1 tiếng, còn thuốc kháng hoặc trung hoà axit thì uống ngay sau khi ăn.

Trường hợp người bệnh bị viêm loét không do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa 3 loại mà không cần dùng đến kháng sinh.

Thông thường, liều điều trị viêm loét dạ dày dù có nhiễm HP hay không là 1 tháng. Tuỳ theo vết loét và vị trí loét, bác sĩ có thể cho người bệnh uống ngày 1 lần duy nhất vào buổi sáng hoặc ngày 2 lần sáng, chiều. Không tự ý uống tăng liều để "cho mau khỏi", không tự ý ngừng thuốc vì cho là "đã hết bệnh"… Trong suốt thời gian uống thuốc, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, các thức ăn cay, nóng.

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Một trong các loại thuốc hạ sốt giảm đau bán trên thị trường mà người mua không cần phải có toa bác sĩ là Paracetamol. Nó xuất hiện dưới 2 hình thức là viên nén và viên sủi với các hàm lượng 325mg dành cho trẻ em, 500mg và 1g dành cho người lớn.

Điều nguy hiểm nhất của Paracetamol là uống quá liều vì nó gây độc cho gan, có thể khiến tế bào gan bị hoại tử dẫn đến chết người. Ở phụ nữ mang thai, nếu sử dụng quá liều sẽ khiến thai nhi chết non do loại thuốc này có thể xâm nhập qua nhau thai.

Vì Paracetamol là thuốc bán tự do nên trước khi quyết định sử dụng, người bệnh nên lưu ý những điểm sau: Không uống thuốc khi không sốt cao trên 38,5 độ. Nếu đau cơ, đau khớp, nhức răng, nhức đầu, không uống quá 7 ngày, mỗi ngày cũng không uống quá 2g (2 viên loại 1g) nếu là người lớn. Còn với thiếu niên từ 10 đến 15 tuổi, không uống quá 5 ngày, mỗi ngày không quá 1g (2 viên loại 500mg) trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Riêng với trẻ dưới 10 tuổi, cần có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Paracetamol có tác dụng sau khi uống từ 15 đến 30 phút và kéo dài trong khoảng 4 đến 6 tiếng. Vì vậy, nên uống cách nhau ít nhất 6 tiếng và cách xa bữa ăn ít nhất là 30 phút.

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn