Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con: Gần 100% trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ

Nhờ chương trình dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con (PLTMC), được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến nay, hầu hết trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV/AIDS đã thoát được căn bệnh này.

Chăm sóc sản phụ sau sinh tại Bệnh viện Lê Lợi. (ảnh minh họa)

Trong một lần đi khám thai, qua kết quả xét nghiệm máu, chị N.T.B. ở huyện Long Điền biết được mình bị nhiễm HIV/AIDS. Chị thông báo với chồng và đề nghị anh cũng đi xét nghiệm HIV/AIDS nhưng anh nhất quyết từ chối và còn "đổ tội" cho chị. Quá buồn bã, lại sợ mọi người xung quanh xa lánh, dị nghị, chị chuyển lên TP.Vũng Tàu để sinh sống trong lúc thai nhi đã sang tháng thứ 5. Nhưng điều chị lo lắng nhất là tương lai của con chị sẽ ra sao khi bé cũng sẽ bị nhiễm HIV/AIDS từ mẹ truyền sang con. Đang lúc tuyệt vọng nhất, chị được các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Lê Lợi - nơi chị khám theo dõi thai - tư vấn cách dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con. Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chị đã kiên trì làm theo lời dặn của bác sĩ trong suốt thời kỳ mang thai cho đến khi bé ra đời, chăm sóc bé theo đúng hướng dẫn. Nhờ đó, con chị khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV/AIDS từ mẹ.

Chị N.T.B. là một trong nhiều trường hợp nhiễm HIV/AIDS sinh con khỏe mạnh nhờ được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con tại một trong các điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, thuộc chương trình PLTMC BR-VT. Tham gia dịch vụ này, thai phụ nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) hoặc điều trị dự phòng theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế, tư vấn nuôi dưỡng an toàn cho mẹ sinh con. Trẻ sinh ra được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV và được xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV (dưới 18 tháng tuổi) để trẻ có cơ hội tiếp cận sớm với thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ vào khoảng 25-40% nếu không được phát hiện và điều trị dự phòng. Còn nếu được quản lý và điều trị dự phòng sớm thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ từ 2-5%. Kể cả khi chuyển dạ mới phát hiện nhiễm HIV, vẫn có thể giảm được nguy cơ lây nhiễm cho con.

Bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết, chương trình PLTMC tại BR-VT được triển khai từ năm 2009. Tính đến nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS mẹ sang con trên địa bàn tỉnh đã duy trì được mức thấp từ 0% đến dưới 2%. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 15.620/16.700 thai phụ được tư vấn xét nghiệm HIV, đạt tỷ lệ 86%, trong đó số phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính là 25 người. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS được điều trị dự phòng là 32/32 trẻ, đạt tỷ lệ 100%. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 18 trường hợp mang thai nhiễm HIV/AIDS trên tổng số 1.340 phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV/AIDS. Tất cả các trường hợp này đều đang được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con bằng ARV.

Hiện nay, bên cạnh việc tổ chức các điểm cung cấp dịch vụ PLTMC; chương trình tiếp tục tăng cường các biện pháp truyền thông, lồng ghép chặt chẽ chương trình truyền thông PLTMC với chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn. Chương trình cũng tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống chuyển tuyến từ trạm y tế xã, phường với các cơ sở y tế tuyến huyện, phối hợp giữa Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và các cơ sở điều trị HIV/AIDS, nhằm phát hiện sớm, bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS phù hợp, kịp thời. Đồng thời, xây dựng hệ thống theo dõi, kết nối, giám sát mẹ nhiễm HIV/AIDS và con, nhằm giảm tình trạng mất dấu sau sanh ở mẹ và con.

MINH THIÊN