Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Đông con và những hệ lụy

Mặc dù công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã có những bước tiến rõ rệt thế nhưng, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn tồn tại. Nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên kinh tế khó khăn, con em không được học hành đến nơi đến chốn...

Sinh 10 người con nên gia đình chị Nguyễn Thị G. (bìa phải)
ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trong ảnh: Cộng tác viên dân số (bìa trái) tuyên truyền KHHGĐ cho gia đình chị Nguyễn Thị G.

Theo chân cộng tác viên dân số Dương Thị Xủng, người dân tộc Châu Ro, chúng tôi tới thăm gia đình anh Dương Văn Đức (trú tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành). Trong căn nhà đã xuống cấp, vỏn vẹn 36m2 được hỗ trợ theo chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), câu chuyện giữa chúng tôi và gia đình anh Đức nhiều lần bị ngắt quãng bởi những đứa trẻ nheo nhóc đùa nghịch, quấy khóc. Trước đây, anh Đức (sinh năm 1981) và vợ là chị Trần Thị Mỹ (sinh năm 1985) đã có 3 con trai. Thế nhưng, anh chị vẫn quyết tâm sinh thêm con thứ 4 là 1 bé gái. Từ khi lấy nhau, chị Mỹ ở nhà sinh và chăm con, không có thu nhập, một mình anh Đức quần quật làm thuê làm mướn lo từng bữa ăn cho cả gia đình. Không giấu được vẻ mệt mỏi, anh Đức tâm sự: "Bây giờ tôi chỉ mong sao cuộc sống bớt khó khăn, con cái được học hành tới nơi tới chốn thôi".

Chị Xủng cho biết, để thay đổi được tập tục sinh con theo tự nhiên của đồng bào không phải là chuyện một sớm một chiều. Mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích, cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí nhưng một vài hộ vẫn sinh con thứ 3 trở lên. Đất canh tác ít, thu nhập thấp lại đông con khiến cho cuộc sống của các hộ này càng trở nên khốn khó.

Cùng hoàn cảnh với anh Đức là gia đình anh Phan Doãn Đạt (sinh năm 1969) và vợ là chị Vũ Thị Giang (sinh năm 1972, trú tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa). Với suy nghĩ "đông con hơn giàu của", anh chị sinh tới 6 đứa con. Trong khi đứa lớn nhất đang học cao đẳng thì con út... chưa đầy 4 tuổi. Mặc dù 2 vợ chồng nỗ lực làm lụng quanh năm nhưng gia đình vẫn không đủ ăn, liên tục thuộc diện hộ nghèo của phường từ năm 2011 đến nay. Miếng cơm manh áo, việc học hành của các con trở thành nỗi lo thường trực đối với anh chị. Đến lúc này, hơn ai hết, vợ chồng anh Đạt mới thấm thía nỗi vất vả của việc sinh nhiều con.

Theo bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong toàn tỉnh đã giảm xuống còn 7,29%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm đến 20%. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do nhận thức của người dân. Không ít gia đình vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ hay quan niệm rằng "đông con hơn giàu của", sinh nhiều con tạo ra nhiều sức lao động. Đặc biệt, những gia đình sinh con một bề muốn sinh thêm con cho "có nếp, có tẻ". Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng chưa có điều kiện tiếp cận các biện pháp KHHGĐ. Thực trạng đông con kéo theo hàng loạt hệ lụy như khó khăn về kinh tế, khó nuôi dạy con cái, đồng thời khiến cho người phụ nữ mất đi sự tự tin, sa sút về sức khỏe... Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội. Bác sĩ Khoa khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 2 con, mỗi con cách nhau từ 3-5 năm để có thời gian phục hồi sức khỏe, chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách tốt nhất. Và nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, các địa phương cũng cần tăng cường nhiều biện pháp, trong đó hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng về DS-KHHGĐ...

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

●Tên một số nhân vật đã được thay đổi.