Hoạt động Hoạt động
Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình Bác sỹ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020

Sáng ngày 15/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình Bác sỹ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.  Cùng tham dự hội nghi trực tuyến  với Bộ Y tế về phía lảnh đạo nhà nước có đồng chí phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu BRVT, tham dự hội nghị có Bác sĩ Phạm Minh An- Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện, đại diện các Phòng Y tế, Bệnh viện, TTYT huyện, thành phố của tỉnh. 

Dựa trên  kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên… Những lợi ích mà mô hình này đem lại sẽ rất thiết thực đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, do đó cần sớm triển khai nhân rộng để người dân  được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng

Theo  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì mô hình BSGĐ  từ năm 2013 – 2015 tại Việt Nam , đã được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Tính đến tháng 6/2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%). Và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 80% tỉnh thành trên cả nước triển khai áp dụng mô hình này.

Tham dự hội nghị và Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến, vì nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%.Theo Phó Thủ tướng, vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trạm y tế cơ sở; có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hiện nay, ở nhiều nơi trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế. "Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm, có những nơi ở miền núi 1 xã cần có nhiều trạm. Vấn đề cần hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở". Mục đích lớn nhất là phải mang lại hiệu quả cao nhất từ công tác khám chữa bệnh cho người dân từ nông thôn đến thành thị, đặc biệt phải ở các vùng sâu vùng xa.