Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế: Không khí mới ở nhiều cơ sở y tế

Từ ngày 1-1, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ở tuyến huyện. Đến nay, số lượt người dân sử dụng BHYT khi đi KCB đã cao.

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại TTYT Châu Đức.

NGƯỜI DÂN HƯỞNG LỢI TỪ VIỆC THÔNG TUYẾN

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện là việc người bệnh có thẻ BHYT (đăng ký KCB ban đầu ở cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã trong tỉnh) sẽ được khám, chữa bệnh ở bất cứ cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã nào cùng tỉnh đều được BHYT chi trả mà không lo trái tuyến. Do đó, người bệnh có thẻ BHYT có quyền lựa chọn cơ sở KCB tại tuyến huyện, tuyến xã.

Chính sách thông tuyến bước đầu đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Chị Nguyễn Thị Thu Phương - mới chuyển chỗ ở về thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) từ xã Bình Châu (Xuyên Mộc) - cho biết: "Nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu của tôi là tại Trạm Y tế xã Bình Châu. Vì vậy, lúc chưa thông tuyến, khi KCB tại TTYT Long Điền, tôi chỉ được thanh toán 70% chi phí KCB do trái tuyến. Giờ được thông tuyến, tôi đã được thanh toán 100% chi phí KCB, thuốc men, tôi thấy rất vui, được bù đắp bớt phần nào gánh nặng kinh tế ".

Ông Trương Vĩnh Lộc, 75 tuổi, ở ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức - bị bệnh loét dạ dày - vui mừng không kém vì chính sách thông tuyến BHYT. Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, ông đều phải lên TTYT huyện. Để được khám đúng tuyến, ông Lộc phải qua trạm y tế xã xin giấy chuyển viện. Chưa kể, đường từ nhà ông đến TTYT huyện Châu Đức rất xa. Nhờ chính sách thông tuyến khám chữa bệnh, hiện nay ông Vĩnh Lộc chuyển sang Phòng khám đa khoa Đông Tây - phòng khám ngoài công lập có ký hợp đồng KCB BHYT cùng địa bàn. "Chất lượng của Phòng khám đa khoa Đông Tây rất tốt, có đầy đủ máy móc và thuốc men nên việc điều trị bệnh của tôi rất thuận lợi", ông Trương Vĩnh Lộc nói.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại phòng Phục hồi chức năng TTYT huyện Long Điền.

RỐT RÁO NÂNG CẤP CHẤT LƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH

Theo ghi nhận tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã cho thấy, sau hơn 7 tháng thông tuyến, số lượt bệnh nhân đến KCB bằng BHYT tăng lên đáng kể, đặc biệt là tại các TTYT và phòng khám đa khoa tư nhân. Chẳng hạn, số lượt người bệnh nội trú tại TTYT Xuyên Mộc (tính từ ngày 1-1 đến 15-6) là 7.303 người bệnh, tăng 25% so với cùng kỳ, số lượt người bệnh ngoại trú là 73.267 người bệnh, tăng 12% so với cùng kỳ. Tương tự, lượt bệnh nhân nội trú tại TTYT Tân Thành là 1.627, tăng 18,3%, số lượt người bệnh ngoại trú tại TTYT Tân Thành là 50.520, tăng 16,7%. Số lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú tại TTYT Long Điền là 106.971, tăng 10,5%; nội trú tăng 24,3%. Các phòng khám đa khoa tăng từ 100% đến gần 200% số lượt  bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT KCB...

Nhằm thu hút bệnh nhân đến KCB, các cơ sở y tế cũng đã đổi mới quy trình phục vụ bệnh nhân, triển khai thêm nhiều kỹ thuật điều trị mới. Chẳng hạn, tại TTYT huyện Châu Đức, từ ngày 1-3, Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến quy trình KCB BHYT từ khâu tiếp nhận cho đến phát thuốc BHYT. Nhờ đó, dù bệnh đông nhưng thủ tục KCB BHYT nhanh chóng, chính xác, chặt chẽ hơn trước. Trung tâm cũng đã triển khai một số kỹ thuật mới như nội soi tai mũi họng, tăng cường trang thiết bị trong khám và điều trị chuyên sâu... Tại TTYT huyện Xuyên Mộc, trong năm 2016, trung tâm đã triển khai 3 kỹ thuật điều trị mới là kỹ thuật lọc thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi đường tiêu hóa, chụp cắt lớp vi tính (CT)...

Để nâng cao chất lượng KCB tuyến xã, hằng tuần, các TTYT đã tăng cường việc cử bác sĩ đa khoa, bác sĩ/y sĩ y học cổ truyền về xã làm việc theo đề án 1816 (đơn vị y tế tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới) ít nhất 2 buổi/tuần. Bên cạnh đó, để tăng kỹ thuật KCB tuyến xã, Sở Y tế vừa ban hành danh mục kỹ thuật trong KCB tại các cơ sở y tế tuyến xã với 667 kỹ thuật.

Theo bác sĩ Trương Đình Chính, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, sắp tới đây, ngoài các loại thuốc theo phân cấp, Sở Y tế sẽ phê duyệt bổ sung nhiều loại thuốc thuộc tuyến huyện theo đề xuất của các TTYT cho trạm y tế, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mãn tính. Điều này sẽ giúp các cơ sở y tế tuyến xã thu hút thêm một số người bệnh, nhất là những người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính, vừa bảo đảm có thuốc theo liệu trình điều trị, vừa được KCB gần nhà, không phải chờ đợi lâu.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 800.405 người đăng ký KCB BHYT, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 74,58% dân số toàn tỉnh.


Kiểm soát tình trạng lạm dụng thẻ BHYT

Hiện nay, tất cả các TTYT đều đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS do VNPT cung cấp để kiểm soát việc người bệnh có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau trong cùng một huyện. Thông qua phần mềm này nhân viên y tế chỉ cần quét mã vạch thẻ BHYT là có biết được bệnh nhân đã điều trị ở trạm y tế nào trước đó. Bác sĩ Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa khám bệnh TTYT huyện Long Điền cho biết, đối với những trường hợp đã KCB ở trạm y tế từ trước nhưng vì lý nào đó, hoặc do không tin tưởng chất lượng KCB ở tuyến xã nên đã lên TTYT khám lại, trung tâm vẫn tiếp nhận bệnh, nhưng sẽ có sự đối chiếu với kết quả chẩn đoán và điều trị của y bác sĩ ở tuyến xã. Nếu trường hợp chẩn đoán sai, hoặc cho thuốc không phù hợp, bác sĩ sẽ điều trị lại. Nếu chẩn đoán phù hợp thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân an tâm sử dụng thuốc và tuân thủ điều trị của y bác sĩ ở tuyến xã. Tuy nhiên, hiện nay phần mềm mới chỉ thông tuyến trong cùng một huyện, trong khi BHYT đã được mở rộng thông tuyến tại tất cả huyện trên địa bàn tỉnh. Nếu người bệnh dùng thẻ BHYT KCB tại cơ sở KCB ngoài địa bàn huyện thì phần mềm sẽ không nhận biết được. Đây cũng là khó khăn chung của các TTYT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm đều nghẽn mạng vào thời điểm chiều tối, gần sáng. Trung bình mỗi lần trục trặc mất khoảng từ 20 phút đến 2 tiếng đồng hồ không cập nhật được dữ liệu, khiến hoạt động KCB bị ảnh hưởng.

 

SƠN QUỲNH, MINH THIÊN