Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Tính tiền lương nhân viên y tế vào viện phí: Bệnh viện vẫn khó tự chủ hoàn toàn kinh phí

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, chậm nhất là tháng 1-2017, tất cả các tỉnh sẽ tăng giá viện phí đối với bệnh nhân có BHYT (vì tính thêm yếu tố tiền lương của nhân viên y tế vào viện phí). Cùng với đó, các cơ sở y tế công sẽ tự chủ tài chính, sử dụng nguồn thu từ viện phí để chi hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, tại BR-VT, do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc tự chủ hoàn toàn kinh phí chưa thể triển khai ở mọi đơn vị y tế.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lê Lợi.

CHƯA THỂ TỰ CHỦ HOÀN TOÀN KINH PHÍ

Theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế - Tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT của gần 2.000 dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương của nhân viên y tế) sẽ tăng khoảng 50% so với trước đây, với lộ trình cụ thể như sau: Đợt 1, dự kiến cuối tháng 8-2016 sẽ áp dụng mức viện phí mới tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%; Đợt 2 vào tháng 10-2016 tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp; Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11-2016 tại nơi có tỷ lệ bao phủ BHYT 85%; Đợt 4 vào tháng 12-2016 tại địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 80%; Đợt 5 vào tháng 1-2017 tại các tỉnh còn lại.

Như vậy, theo quy định nêu trên, tại BR-VT (hiện có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73% dân số toàn tỉnh) sẽ áp dụng mức viện phí mới từ tháng 1-2017. Đồng nghĩa với việc tăng viện phí, các đơn vị KCB công lập trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các đơn vị KCB, trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có duy nhất Bệnh viện Mắt đủ khả năng bảo đảm tự chủ tài chính cho hoạt động thường xuyên. Các đơn vị KCB còn lại, ngân sách vẫn phải bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

NHIỀU VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ

Khảo sát tại các đơn vị KCB trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn đều mong muốn thực hiện tự chủ toàn bộ chi phí thường xuyên để được chủ động trong việc phát triển và nâng cao chất lượng KCB. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị này cho biết, với cơ chế còn nhiều vướng mắc như hiện nay, các cơ sở KCB chưa thể tự cân đối thu-chi để tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên mà không phụ thuộc vào ngân sách. Chẳng hạn, Bệnh viện Bà Rịa có quy mô hơn 700 giường bệnh, số lượng bệnh nhân KCB bằng BHYT mới đạt khoảng 70%, kinh phí hoạt động do ngân sách cấp vào khoảng hơn 70 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nguồn thu từ viện phí theo mức mới chỉ được gần 60 tỷ đồng, như vậy bệnh viện vẫn còn thiếu hơn 10 tỷ đồng để trang trải cho các hoạt động thường xuyên.

Khó nhất trong việc tự chủ tài chính là các Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện. Do các TTYT hiện đang thực hiện 2 chức năng vừa KCB, vừa dự phòng sẽ gặp phải trở ngại lớn khi nguồn thu từ viện phí phải "gồng gánh" chi phí cho cả mảng dự phòng. Bác sĩ Nguyễn Thế Trung, Giám đốc TTYT huyện Long Điền cho biết, hoạt động dự phòng của đơn vị gồm: phòng chống bệnh dịch, phụ trách chuyên môn trạm y tế, chăm sóc bà mẹ trẻ em... Những hoạt động này chỉ chi chứ không có khoản thu. Nếu giao cho TTYT huyện Long Điền tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên thì phải tách riêng 2 mảng này ra. Mảng dự phòng vẫn tiếp tục được hưởng ngân sách, còn mảng điều trị sẽ tự chủ.

Một số đơn vị do cơ sở vật chất xuống cấp, việc triển khai thêm các dịch vụ phục vụ bệnh nhân gặp khó khăn nên khó bảo đảm nguồn thu để tự chủ tài chính cho hoạt động thường xuyên. Theo bác sĩ Ngô Thị Bê, Giám đốc TTYT huyện Châu Đức, nếu chỉ dựa vào nguồn thu viện phí thì không đủ chi lương. Hiện nay, phần lớn kinh phí hoạt động thường xuyên của TTYT huyện Châu Đức là chi lương, khoảng 1,64 tỷ đồng/tháng. Trong khi cơ sở vật chất của trung tâm chật chội, xuống cấp nên rất khó triển khai thêm các dịch vụ phục vụ bệnh nhân, thân nhân để tạo thêm nguồn thu cho đơn vị.

Bên cạnh đó, khi tiến hành tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, các đơn vị y tế sẽ phải giải quyết bài toán tự chủ về nguồn nhân lực. Vậy nhưng, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn nào để các đơn vị thực hiện việc tự chủ về nhân lực. Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt cho rằng: "Tự chủ về nhân lực là yếu tố quan trọng giúp bệnh viện có thể tự chủ tài chính tốt. Bởi khi được giao quyền quyết định nhân lực, lãnh đạo bệnh viện sẽ phải xem xét cắt giảm những nơi thừa, bổ sung những chỗ thiếu cho phù hợp để tiết giảm những khoản chi không cần thiết. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên các cơ sở KCB lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp, tinh giản lại nhân sự cho phù hợp với tình hình mới".

Một khó khăn nữa là việc sử dụng tài sản Nhà nước tại các cơ sở KCB công lập để mở rộng phát triển các dịch vụ phải được các cấp có thẩm quyền giao tài sản theo hình thức giao vốn cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn đầy đủ và chưa đơn vị nào của tỉnh được bàn giao tài sản theo hình thức giao vốn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, lộ trình thực hiện tự chủ tài chính tại các cơ sở KCB công lập theo như quy định của Bộ Y tế chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Dự kiến giai đoạn 2020-2022, Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Lê Lợi, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, Trung tâm Y tế huyện Tân Thành sẽ tiến tới tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên.