Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Sinh con khi đã 35 tuổi trở lên: Nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con

Sinh con ở độ tuổi trên 35 được các bác sĩ khuyến cáo là không có lợi, dễ khiến trẻ mắc dị tật, thậm chí không an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và con. Vậy nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, xu hướng này lại đang gia tăng.

Sinh con khi lớn tuổi khiến người mẹ và đứa trẻ gặp phải nhiều nguy cơ.
Trong ảnh: Một phụ nữ sinh con khi đã 45 tuổi và con gái của chị mắc hội chứng Down.

Theo thông tin từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những năm gần đây, xu hướng phụ nữ sinh con khi đã trên 35 tuổi gia tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Lê Lợi cho thấy, trong vòng 1 tháng qua đã có tới 45 ca sản phụ trên 35 tuổi có thai và sinh con trong tổng số 362 ca được thống kê, quản lý tại đây, chiếm 12,4%. Đặc biệt, gần 2/3 trong số 45 sản phụ lớn tuổi này phải sinh mổ, hoặc bỏ thai do tiền sản giật, ngôi thai không bình thường, thai ngoài tử cung, suy thai...

Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Lê Lợi cho biết, sau 35 tuổi, khả năng sinh sản, sự cân bằng nội tiết tố, chất lượng trứng, của phụ nữ bắt đầu giảm dần, sức khoẻ cũng có dấu hiệu suy giảm. Do đó, nếu có thai ở độ tuổi này người mẹ dễ mắc các hội chứng như loãng xương, tiểu đường, huyết áp, cholesterol cao, tim mạch, sẩy thai, sinh non, cao huyết áp dẫn đến sản giật, sinh khó...  Còn đối với thai nhi sẽ có nguy cơ tử vong chu sinh, nhẹ cân, rối loạn nhiễm sắc thể (Hội chứng Down, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ, dị tật...). "Vì những nguy cơ đó, các bác sĩ chuyên khoa đều khuyến cáo phụ nữ không nên sinh con quá muộn, nhất là sau tuổi 35. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sản phụ trên 35 tuổi có chiều hướng gia tăng, thậm chí, còn có nhiều trường hợp sản phụ 40-50 tuổi", bác sĩ Ba nói.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, thực trạng sinh con khi đã lớn tuổi và những ảnh hưởng về sức khỏe của cả mẹ và bé là không hiếm gặp. Như trường hợp chị Nguyễn Thị N. (45 tuổi, ngụ tại huyện Xuyên Mộc) mà chúng tôi đã tiếp xúc gần đây khi chị đang chăm sóc cô con gái 2 tuổi tại Bệnh viện Bà Rịa. Sau những ngần ngại ban đầu, chị N. cũng chia sẻ với chúng tôi hoàn cảnh của mình. 43 tuổi, nghĩ rằng mình đã bước vào giai đoạn "về già" nên chị không sử dụng biện pháp tránh thai. Thấy cơ thể mệt mỏi, hay chóng mặt, buồn nôn, chị cho rằng mình mắc bệnh thiếu máu não nên tự mua thuốc về uống. Không may bị tai nạn giao thông phải nhập viện, bất ngờ, chị N. được bác sĩ thông báo đang mang thai ở tháng thứ tư. Vì chủ quan, điều kiện gia đình lại khó khăn nên chị không thăm khám cũng như sàng lọc trước sinh dù được bác sĩ khuyến cáo về những nguy cơ lớn tuổi như chị còn mang thai. Đến khi con chào đời, gia đình chị mới biết con mắc Hội chứng Down mà theo giải thích của bác sĩ, tuy chưa rõ nguyên nhân, nhưng có thể có yếu tố ảnh hưởng từ việc chị sinh con khi đã khá lớn tuổi.

Chị Lâm Thị M. (43 tuổi, trú tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà dù 2 con trai đã trưởng thành. Thế nhưng, lần mang thai thứ ba này đã để lại cho chị M. nỗi ám ảnh kinh hoàng. Cuối thai kỳ, chị M. bị tiền sản giật, nguy hiểm đến tính mạng. May mắn được cấp cứu kịp thời, song sức khỏe của chị giảm sút hẳn. Con gái chị nay đã gần 6 tháng tuổi, nhưng bé mới được 5kg, thuộc diện suy dinh dưỡng nặng.

Theo bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, xu hướng sinh con khi đã lớn tuổi ở phụ nữ là một trong những hệ quả từ sự phát triển của xã hội. Bởi hiện nay, nhiều phụ nữ chú trọng sự nghiệp nên lập gia đình và sinh con muộn. Bên cạnh đó, do có điều kiện kinh tế nên nhiều người đã lớn tuổi vẫn muốn sinh thêm con. Một số ít là do chủ quan, không sử dụng các biện pháp tránh thai dẫn đến sinh con ngoài ý muốn. Bác sĩ Tôn Thất Khoa khẳng định: "Dù vì bất cứ nguyên nhân gì thì thực trạng này đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới đời sống gia đình, xã hội và chất lượng giống nòi. Để hạn chế tình trạng này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản để người dân nhận thức được hậu quả của việc sinh con khi lớn tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ lớn tuổi không nên chủ quan trong việc phòng tránh thai, khi có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám sớm để có hướng xử lý kịp thời".

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

Cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ sàng lọc trước khi sinh

Độ tuổi sinh con tốt nhất là từ 22 đến trước 35 tuổi. Trong trường hợp mang thai khi lớn tuổi, để hạn chế nguy cơ, sản phụ cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Ba tháng trước khi mang thai, người mẹ nên tiêm phòng Rubella, cảm cúm, thủy đậu...; tuân thủ đầy đủ lịch thăm khám thai của bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là sàng lọc trước sinh (siêu âm, đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu) khi thai 11-13 tuần 6 ngày. Nếu kết hợp cả siêu âm và xét nghiệm máu có thể phát hiện trên 90% bất thường về di truyền học. Khi thai 22-24 tuần, có thể xét nghiệm sàng lọc, siêu âm hình thái học thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai khi lớn tuổi nên có chế độ ăn giàu axít folic, canxi, sắt và protein; uống bổ sung một số loại vitamin trước khi mang thai, trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh; không nên uống đồ uống có cồn, hút thuốc hoặc ở những nơi có khói thuốc; nên tăng cân hợp lý từ 10-12kg trong thai kỳ.

(Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh)