Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Phòng bệnh tay chân miệng khi chưa có vắc-xin

Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm từ người sang người, dễ thành dịch do virus đường ruột gây nên. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của người nhiễm bệnh.

Bệnh TCM rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Những nơi tập trung đông trẻ như nhà trẻ, các khu vui chơi… là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.

Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh TCM có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não); Biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch). Các biến chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh được phân độ từ độ 1-4 tùy thuộc vào độ nặng nhẹ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Bệnh nhân cần được theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Trong quá trình điều trị, cần bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Về điều trị: Với bệnh tay chân miệng độ 1, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ quan y tế cơ sở. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, uống thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng, tay chân. Tái khám từ 1-2 ngày/lần trong 10 ngày đầu của bệnh hoặc có những dấu hiệu từ độ 2 trở lên. Trẻ bị sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Khi mắc bệnh độ 2, bệnh nhân cần điều trị nội trú tại bệnh viện. Độ 3 và độ 4: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực.

Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh TCM. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm: Tại các cơ sở y tế, cần cách ly theo nhóm bệnh. Trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay; khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh, khu thăm khám bệnh bằng Cloramin B 2%. Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa. Tại cộng đồng, người chăm sóc trẻ bệnh phải thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông; rửa sạch đồ chơi, vật dụng; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Trẻ bị bệnh cần cách ly tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn