Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Sốt xuất huyết (SXH) đang có những diễn biến bất thường trong mùa khô. TP.Hồ Chí Minh vừa ghi nhận 3 trường hợp tử vong do SXH, 20/24 quận, huyện báo động về SXH. Riêng tại BR-VT, số ca mắc SXH cũng tăng nhanh. Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tìm hiểu tình hình.

˜ Phóng viên: Đề nghị bác sĩ cho biết về tình hình SXH trên địa bàn tỉnh?

- Bác sĩ Hà Văn Thanh: Theo thống kê từ các cơ sở y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 574 trường hợp mắc SXH, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 2 trường hợp SXH nặng. Hiện nay, số ca mắc vẫn tập trung chủ yếu tại TP.Vũng Tàu với 356 trường hợp. Tuy nhiên, một số địa phương như TP.Bà Rịa, các huyện Tân Thành, Châu Đức, SXH lại đang có xu hướng gia tăng. Ngành y tế đã phát hiện 162 ổ dịch SXH, riêng TP.Vũng Tàu có số ổ dịch cao nhất là 122 ổ dịch. Tính đến nay, ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý được 149 ổ dịch, các ổ dịch còn lại cũng đang được xử lý ráo riết. 

˜ Đâu là nguyên nhân khiến SXH tăng cao và diễn biến phức tạp ngay trong mùa khô?

- Hiện nay, muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH) đã có sự biến đổi phức tạp tạo sức đề kháng để sinh tồn, tăng khả năng thích nghi phát triển với môi trường sống kể cả trong thời điểm mùa khô. Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều khu vực đất trống có công trình xây dựng dở dang với nhiều điểm có thể chứa nước, tạo môi trường phát triển cho lăng quăng. Các hố ga thu nước, ngăn mùi trên các tuyến đường cũng là một yếu tố dẫn đến muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, SXH đang có xu hướng chuyển dịch độ tuổi mắc bệnh từ trẻ em sang người lớn. Đến thời điểm hiện nay, số ca mắc SXH ở người lớn đã chiếm tỷ lệ cao hơn (60,92%) so với số ca SXH ở trẻ em. Nguyên nhân sự chuyển dịch này một phần là do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh ở người lớn.

˜ Bác sĩ cho biết những giải pháp mà ngành y tế thực hiện để phòng chống SXH?

- Bên cạnh việc phát động chiến dịch diệt lăng quăng trong toàn tỉnh, ngành y tế phối hợp với địa phương trong việc phun hóa chất xử lý triệt để các ổ dịch SXH, tập hợp các hội đoàn thể trên địa bàn cùng tham gia làm vệ sinh những khu vực công cộng, bãi đất trống, không để nơi đọng nước làm chỗ sinh sản, trú ngụ của lăng quăng, muỗi vằn; vận động người dân làm sạch môi trường sống, diệt lăng quăng trong và xung quanh nhà hàng tuần.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, hàng năm ngành y tế phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đánh giá lại hiệu quả các loại hóa chất diệt muỗi để chọn danh mục hóa chất theo quy định Bộ Y tế phù hợp nhất với tình hình, điều kiện tại địa phương. Ngoài ra, ngành đang phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục triệt để việc hình thành các ổ lăng quăng có nguy cơ truyền bệnh SXH trong hố ga ngăn mùi.

˜ Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân cách phòng bệnh?

- Để phòng bệnh SXH, hàng tuần mọi gia đình cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, đậy kín các vật dụng chứa nước, thay nước bình hoa, loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước trong vườn nhà; ngủ phải mắc màn.

Khi có một trong những dấu hiệu nghi ngờ SXH như sốt cao đột ngột, vừa hạ sốt xong lại sốt cao trở lại ngay, đầu đau nhức, nhất là hai hốc mắt, bị xuất huyết... người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. Ngoài ra, gia đình có trẻ nhỏ cần chăm sóc dinh dưỡng tốt cho bé, không cho bé chơi ở những khu vực có nước đọng, chỗ tối tăm, ẩm thấp.

˜ Xin cám ơn bác sĩ!

Nguồn:http://www.baobariavungtau.com.vn/