Hoạt động Hoạt động
BR-VT hướng tới "Đô thị thông minh"

Thời gian gần đây, BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, quản lý học tập, giám sát về an toàn giao thông, chính quyền điện tử… Đây là những bước đệm quan trọng để BR-VT tiến tới xây dựng "Đô thị thông minh".

NHIỀU GIẢI PHÁP THÔNG MINH

Cuối năm 2015, các trung tâm y tế huyện, thành phố bắt đầu đưa vào ứng dụng phần mềm HIS do VNPT cung cấp trong toàn bộ quy trình quản lý và hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh từ khâu tiếp nhận cho đến phát thuốc. Nhờ đó, dù bệnh nhân đông nhưng thủ tục KCB được làm nhanh chóng, chính xác, chặt chẽ hơn trước.

Bà Nguyễn Thị Long (135/8 Lê Quang Định, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) cho biết, bà thường xuyên phải đi khám ở Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu theo thẻ BHYT. "Sau khi khám xong, bác sĩ nhập thông tin và in đơn thuốc ngay nên mặc dù bệnh nhân đông nhưng mỗi người bệnh chỉ mất 5-10 phút là xong", bà Long nói.

Theo bác sĩ Ninh Văn Phượng, Trưởng phòng giám định BHYT, BHXH tỉnh, hiện nay phần mềm VNPT-HIS đã kết nối liên thông với 97 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Nhờ đó, việc kiểm soát bệnh nhân lạm dụng thẻ thuận lợi hơn, nhất là phát hiện những trường hợp sử dụng thẻ khám chữa bệnh thông tuyến ở các cơ sở y tế cùng tuyến ở các huyện khác nhau. Phần mềm còn giúp đơn vị lưu trữ dữ liệu hiệu quả, chính xác và thuận tiện khi tra cứu, đảm bảo công tác thống kê, báo cáo chuyên môn cũng như minh bạch thông tin tài chính trong hoạt động khám và điều trị.

Tại bộ phận một cửa UBND TP. Bà Rịa, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ tại số 95 Hùng Vương, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) đang làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản. Chị Trúc cho biết, thay vì phải xếp hàng chờ đợi như trước đây, giờ đây, chị chỉ cần đến bộ phận một cửa nhấn nút lấy số thứ tự và làm thủ tục. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ rất nhiệt tình, vui vẻ nên chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ là thủ tục đăng ký thế chấp của chị đã hoàn thành.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những giải pháp về việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính mà BR-VT đã triển khai thực hiện trong vài năm gần đây. Những giải pháp này chính là những "bước đệm" quan trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng BR-VT trở thành "Đô thị thông minh" vào năm 2025.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh kiểm tra các chỉ số về môi trường trên hệ thống quan trắc tự động. Ảnh: QUANG VŨ

 


BỐ TRÍ ĐỦ NGUỒN LỰC ĐỂ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, hiện nay ở Việt Nam có gần 20 tỉnh, thành phố đang xây dựng các dự án thí điểm về phát triển "Đô thị thông minh". Tại BR-VT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang phối hợp với địa phương để xây dựng nội dung hợp tác chiến lược về viễn thông và CNTT trong Đề án xây dựng "Đô thị thông minh".

Ông Vũ Minh Khiêm, Giám đốc Viễn thông BR-VT cho biết, "Đô thị thông minh" là sự kết hợp giữa không gian đô thị với mạng lưới CNTT. Khi đó, công nghệ được ứng dụng vào mọi hoạt động trong các khâu quản lý Nhà nước. Có 7 lĩnh vực then chốt được ưu tiên khi xây dựng đề án "Đô thị thông minh" gồm: chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, an toàn và môi trường. Khi trở thành "Đô thị thông minh", mọi giao dịch của người dân, DN đều có thể thực hiện trên môi trường mạng; việc giám sát trật tự giao thông, quản lý môi trường cũng được theo dõi và tự động cập nhật trên hệ thống… Đối với chính quyền, "Đô thị thông minh" còn tạo ra bước đột phá là giảm tải thủ tục hành chính công, qua đó giúp giảm chi phí.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: BR-VT đang tập trung nguồn lực để xây dựng chương trình tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin đến năm 2020, trong đó xác định các bước đi, lộ trình và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đề án. Trong đề án xây dựng "Đô thị thông minh", BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng tỉnh BR-VT trở thành một "Đô thị thông minh" mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch theo định hướng của Chính phủ. 

DỰ KIẾN VỀ LỘ TRÌNH XÂY DỰNG
"ĐÔ THỊ THÔNG MINH" CỦA BR-VT

Giai đoạn 1 (năm 2017): Đầu tư hạ tầng CNTT (mạng băng thông rộng, di động 4G, smart wifi); đầu tư dịch vụ (chính quyền điện tử; camera giám sát PCCC; quản lý y tế, giáo dục, cổng thông tin cư dân, du lịch; gói cước cho khách du lịch)…

Giai đoạn 2 (2017-2018): Đầu tư hạ tầng mạng và CNTT (xây dựng trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của cả tỉnh); Đầu tư trung tâm vận hành tập trung (xây dựng trung tâm vận hành trên nền tảng vận hành tích hợp; tích hợp với các hệ thống hiện có); Đầu tư dịch vụ (quản lý đèn đường, giao thông, lưới điện, rác thải, DN).

Giai đoạn 3 (2019-2020): Đầu tư về dịch vụ (khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa; học từ xa, hội nghị truyền hình trực tuyến; tòa nhà thông minh; các dịch vụ tài chính, thẻ thông minh, thẻ tích điểm đa năng).

Giai đoạn 4 (2020-2025): Cơ bản xây dựng tỉnh BR-VT thành "Đô thị thông minh" theo định hướng mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch; thành trung tâm tài chính, du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Nguồn: http://www.baria-vungtau.gov.vn