Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Bảo vệ, sử dụng nguồn nước sạch để phòng ngừa bệnh, dịch

Trước hết, đó là nhóm các bệnh do vi sinh vật (gồm các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán); các bệnh ngoài da, phụ khoa, mắt (đau mắt đỏ, mắt hột)… Bên cạnh đó là nhóm các bệnh không phải tác nhân vi sinh vật mà do hóa chất có trong nước không đảm bảo vệ sinh như: asen, đồng, thủy ngân, chì… Nếu nước bị ô nhiễm nặng, nồng độ hóa chất cao có thể gây ngộ độc. Vì vậy, biết cách bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch để phòng ngừa bệnh, dịch, bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết.

Nước sạch là nước phải trong, không có màu, không có mùi vị, không chứa các mầm bệnh và các loại chất độc hại. Các nguồn nước không an toàn là: Nước ao hồ, đầm; Nước giếng đất không xây thành giếng bảo vệ; Nước sông, mương… Các nguồn nước an toàn gồm có: Nước máy; Nước giếng khoan; Nước mưa; Nước giếng đào. Tuy nhiên, đối với các nguồn nước này, mọi người cũng cần biết và thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh.

Đối với bể chứa nước mưa: Ở vùng nông thôn, các hộ gia đình thường xây bể hoặc dùng lu, khạp chứa để chứa nước mưa (sau đây gọi chung là bể chứa). Hệ thống thu hứng nước mưa bao gồm: mái hứng (hứng mái nhà), máng dẫn và bể chứa. Yêu cầu vệ sinh bể chứa nước mưa: Phải có nắp đậy kín; Có vòi hoặc gầu, gáo sạch để lấy nước, gầu phải có chỗ treo cao; Thả cá nhỏ (như cá vàng, cá rô, cá cờ, cá bảy màu... trong dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Trước mùa mưa, phải vệ sinh sạch sẽ mái hứng, máng dẫn và bể chứa. Cần loại bỏ nước của trận mưa đầu mùa và 10-15 phút nước đầu các trận mưa tiếp theo để loại bỏ bụi và các cặn bẩn ở hệ thống thu hứng nước mưa. Định kỳ thau rửa bể.

Đối với giếng khơi: Giếng khơi là loại hình cung cấp nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Yêu cầu vệ sinh đối với giếng khơi là: Cách xa các nguồn gây ô nhiễm (như chuồng gia súc, nhà tiêu, hố rác…) ít nhất 10m; Thành giếng xây cao khoảng 0,8m; trong lòng giếng có thể xây gạch, đá hộc, đá ong hoặc bê tông để tránh sụt lún và thấm nước trên bề mặt đất và xung quanh vào lòng giếng; Sân giếng có chu vi khoảng 3m, được lát gạch hoặc xi măng dốc về phía rãnh thoát nước. Rãnh thoát nước có dộ dốc vừa phải để dẫn nước vào các hố thấm nước thải; Miệng giếng phải có nắp đậy kín; Dùng máy bơm hoặc bơm tay hoặc gầu để lấy nước từ giếng lên; Gầu múc nước phải sạch và có chỗ treo cao.

Đối với giếng khoan bơm tay và bơm điện: Giếng khoan là loại hình cung cấp nước phổ biến ở các vùng có nước ngầm sâu từ 20m trở lên. Yêu cầu vệ sinh đối với giếng khoan là: Ở cách xa nguồn gây ô nhiễm (chuồng gia súc, nhà tiêu, hố rác…) ít nhất 10m; Sân giếng có chu vi từ 2-3m và dốc về phía rãnh thoát nước để dẫn nước thải vào hố thấm. Trước khi sử dụng, cần xét nghiệm chất lượng nước, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh mới sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt. 

Đối với hệ thống cung cấp nước tập trung quy mô nhỏ: Đây là hình thức cung cấp nước phổ biến ở các khu đô thị nhỏ. Yêu cầu vệ sinh đối với hệ thống nước tập trung quy mô nhỏ là: Nguồn nước khai thác để cấp cho hệ thống nước tập trung phải sạch, không gần các nguồn gây ô nhiễm và có hàng rào bảo vệ không cho người tắm giặt hoặc chăn thả gia súc, gia cầm; Thường xuyên kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước, phát hiện sớm rò rỉ để khắc phục kịp thời tránh ô nhiễm nước. Nếu các hộ gia đình sử dụng bể để trữ nước, cần phải đảm bảo vệ sinh để tránh làm tái ô nhiễm nguồn nước. Khi phát hiện thấy nước có mùi, vị lạ thì phải báo ngay cho cán bộ y tế hoặc những người có trách nhiệm để kiểm tra khắc phục kịp thời. Không tự ý đục ống dẫn nước để lắp đặt thêm các đường ống hoặc vòi nước, vì như vậy sẽ tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Một số biện pháp làm sạch nước: Đun sôi; Đánh phèn; Bể lọc chậm; Thau giếng, khử trùng giếng nước khi giếng bị nước bẩn ngấm vào hoặc bị ngập lụt. Nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt phải là nước sạch; thực hiện ăn chín, uống chín.

Các biện pháp giữ gìn và bảo quản nguồn nước sạch: Nước là nguồn tài nguyên có hạn của quốc gia, vì vậy mỗi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ sử dụng tiết kiệm và tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước. Biện pháp cụ thể là: Không phóng uế bừa bãi ra môi trường; Không chăn gia súc, gia cầm gần nguồn nước; Không vứt xác súc vật chết, rác thải xuống ao hồ, sông suối; Không tắm, giặt, rửa, chế biến thức ăn gần các nguồn khai thác nước phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt.