Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Những điều cần biết về bệnh tim mạch

Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Bệnh tim mạch là tên gọi một nhóm các rối loạn về tim và mạch máu bao gồm: Bệnh mạch vành; Tai biến mạch não; Bệnh động mạch ngoại biên; Bệnh thấp tim; Bệnh tim bẩm sinh; Cơn đau tim và đột quỵ…
Nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch
Nguyên nhân cơ bản nhất của bệnh tim và đột quỵ là "Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được" như: chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá (80% các bệnh mạch vành và tai biến mạch não là do các yếu tố này); "Các yếu tố nguy cơ trung gian" như: tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng mỡ trong máu, tăng cân và béo phì (Hậu quả của chế dộ không hợp lý và ít hoạt động thể lực); Các yếu tố quyết định tiềm ẩn của các bệnh mạn tính như: Sự toàn cầu hóa, đô thị hóa, sự già đi của dân số, nghèo đói và căng thẳng…

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh tim mạch 
Các bệnh mạch máu thường tiềm ẩn và không có biểu hiện. Dấu hiệu báo hiệu đầu tiên là: Cơn đau tim hoặc đột quỵ. Triệu chứng của cơn đau tim: đau hoặc khó chịu vùng giữa ngực; đau hoặc khó chịu ở các cánh tay, vai trái, khuỷu tay, hàm hoặc lưng. Ngoài ra người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc thở dốc, nôn, cảm giác nhẹ đầu hoặc ngất xỉu, toát mồ hôi, xanh tái. Phụ nữ thường có cảm giác thở dốc, buồn nôn, nôn, đau lưng và đau hàm. Dấu hiệu thường gặp nhất của đột quỵ là cảm giác tê cóng mặt, tê cóng tay chân đột ngột, thường cùng một bên thân mình; khó nói, không hiểu lời nói, nhìn mờ một mắt hoặc cả 2 mắt, khó bước đi, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội không có căn nguyên, lú lẫn hoặc mất ý thức. Khi có các biểu hiện trên đây phải đưa người bệnh đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

10 lời khuyên để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng 

(Theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới).
1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.
3. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.
6. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên.
7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.
8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.  

Một ca đặt stent động mạch vành tại bệnh viện Bà Rịa.

Nguồn: http://t4gbrvt.org.vn