Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Bộ Y tế Khai trương Hệ thống Quản lý Thông tin điều trị Methadone

Sáng ngày 08/12/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone.

Tham dự Lễ khai trương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội Đào Ngọc Dung;  các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế; cùng đại diện một số Bộ/Ban/Ngành, các cơ quan Trung ương.​ 


Khai trương Hệ thống quản lý  thông tin điều trị Methadone

Việt Nam đã triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dựng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 2008 tại thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh và cho đến nay đã mở rộng ra 63/63 tỉnh, thành phố. Việc mở rộng chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ (tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ) và của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của chương trình trong dự phòng lây truyền HIV, nhất là việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển của đất nước.

Để đạt được những thành quả trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhiều quy định về điều trị Methadone đã được pháp lý hóa và triển khai tới từng cán bộ trực tiếp tham gia công tác này; chương trình điều trị được quản lý, triển khai chặt chẽ, khoa học và khả thi hơn. Ngành Y tế đã cùng với các Bộ/Ngành, các địa phương, nhất là đơn vị tuyến cơ sở để thông tin, tuyên truyền về bản chất và lợi ích của điều trị Methadone. Với những nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, hiện Việt Nam đang điều trị cho 53.828 bệnh nhân tại 299 cơ sở. Đặc biệt là, tính đến tháng 09/2017 đã có 26 địa phương triển khai cấp phát thuốc tuyến xã, với tổng số bệnh nhân uống thuốc Methadone chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị, giúp giảm rất nhiều thời gian đi lại của người bệnh và hỗ trợ tốt cho bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị. 


GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp và đầu tư của các Bộ/Ngành, UBND các tỉnh, thành phố để hệ thống được triển khai một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước từ tháng 01/6/2018 và tiến tới mục tiêu quản lý thông tin không sử dụng giấy tờ từ 2019. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị trong ngành y tế, đặc biệt các đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân từ trung ương đến địa phương nhanh chóng hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính, đường truyền và con người sử dụng một cách thành thạo, có trách nhiệm để hệ thống được triển khai trên phạm vi cả nước trong thời gian sớm nhất, đúng theo kế hoạch đề ra.


Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực cũng như quyết tâm của Bộ Y tế. Đồng chí Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một công cụ tốt giúp cho ngành y tế, chính quyền các địa phương có thể quản lý chặt chẽ, chính xác các đối tượng tham gia điều trị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh một công cụ có tốt, có hiện đại như thế nào đi nữa, nhưng nếu không có sự triển khai một cách đồng bộ, sự tham gia của tất cả các Bộ/Ngành, chính quyền các cấp thì cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ mô hình; các cán bộ, nhất là cán bộ tuyến cơ sở nếu không kịp thời nắm và cập nhật thông tin vào hệ thống, thì chúng ta cũng không thể có dữ liệu sát thực, để có thể triển khai chương trình có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai:

1. Quán triệt, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc triển khai;

2. Đảm bảo điều kiện cho cơ sở Methadone bao gồm: máy tính, đầu đọc thẻ và kết nối Internet;

3. Đào tạo cán bộ để sử dụng thành thạo phần mềm.

Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị:

-    Bộ Y tế đầu mối, phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội nhanh chóng triển khai ứng dụng phần mềm này trên toàn quốc: Song song, vẫn tiếp tục hoàn thiện phần mềm, đáp ứng các yêu cầu của chương trình theo hướng mở rộng, đa chức năng; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh; đảm bảo phần mềm triển khai toàn quốc, an toàn và hiệu quả. Báo cáo định kỳ lên Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện.

-    Đề nghị các Bộ/Ngành liên quan đồng thuận, tham gia tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kinh phí vận hành để phần mềm triển khai sâu rộng và phát huy tối đa hiệu quả góp phần quan trọng vào công tác điều trị nghiện chất hiện nay.​ 

Toàn cảnh buổi lễ

Với tiêu chí " Thông minh, bảo mật, tiện dụng, riêng tư, mọi nơi, mọi lúc" ứng dụng CNTT vào phục vụ cuộc sống và phục vụ công tác quản lý là xu hướng tất yếu của thời đại, trong cuộc cách mạng 4.0 và đây là chủ trương mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành, các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ bệnh nhân điều trị Methadone, giúp họ dễ dàng kết nối và uống thuốc ở các cơ sở điều trị Methadone khác nhau, đồng thời để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý trên lĩnh vực này, ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng trình duyệt Internet là một giải pháp có tính đột phá và mang lại sự thay đổi vượt bậc trong quản lý điều trị Methadone ở nước ta. Đến nay hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone đã xây dựng xong và đã được thí điểm tại Hà Nội. Dự kiến hệ thống sẽ triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc đầu năm 2018. Hệ thống có 13 module với 120 tính năng. Cơ quan quản lý các cấp có thể xem và đánh giá các chỉ số chính cũng như các bảng, biểu đồ, kết quả điều trị, tình hình kho dược thông qua một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối mạng.

Hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone mỗi một bệnh nhân được cấp 1 mã nhận diện (ID) duy nhất để quản lý toàn bộ quá trình điều trị, hệ thống quản lý bệnh nhân điều trị Methadone. Hệ thống trở thành công cụ quản lý hữu hiệu đối với ngành y tế trong hoạt động điều trị, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, đồng thời nâng cao hiệu suất lao động và tạo môi trường làm việc hiện đại cho hệ thống các các cơ sở điều trị thông qua việc giảm thiểu về cơ bản các thủ tục hành chính, hồ sơ bệnh án, sổ sách, thống kê báo cáo vốn rất tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.

Nguồn:http://moh.gov.vn