Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Ngành y tế quyết liệt giám sát, xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chỉ đạo Thanh tra Bộ lập tổ phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm, dược phẩm.

Các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; công khai Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã cấp và kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý...

Liên tiếp xử phạt các đơn vị thổi phồng công dụng của sản phẩm

Cách đây không lâu, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Phát triển thảo dược Việt Nam vì đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN/TPBVSK) Hamomax trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK Hamomax dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm nêu trên. Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã buộc Công ty cổ phần Phát triển thảo dược Việt Nam tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin.

Ngành y tế quyết liệt giám sát, xử phạt nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, dược phẩm

Cục ATTP cũng đã xử phạt Công ty TNHH An Minh Southern và Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Á Châu mỗi công ty 50.000.000 đồng với hành vi: Quảng cáo TPCN/TPBVSK Smarto và quảng cáo TPCN/TPBVSK: AC-samin; Sinus plus; HepaB Extra; Beauty Skin; Viên nang US-Jinkgo trên các trang web gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cùng với hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc 2 công ty nói trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin quảng cáo sản phẩm TPCN.

Hay một công ty khác cũng bị Cục ATTP xử phạt vi phạm hành chính là Công ty CP Phúc Nguyên Việt Nam với số tiền phạt 85 triệu đồng vì đã có 2 hành vi: Quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK Boils toxic u nhọt trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung và quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Xử lý nghiêm sai phạm về quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý

Không chỉ các đơn vị cố tình quảng cáo thổi phồng sản phẩm thực phẩm, dược phẩm mà  theo Bộ Y tế, thời gian qua xuất hiện quảng cáo các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành y tế, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm. Phải kể đến là quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thổi phồng công dụng của thực phẩm, dược phẩm, TPCN... gây tổn thất, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo; công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt còn gặp khó khăn, chưa bắt kịp các loại hình quảng cáo đa dạng, quảng cáo xuyên quốc gia.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt về lĩnh vực quảng cáo, tăng cường tổ chức thanh kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm... Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ Y tế thiết lập tổ phản ứng nhanh về kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.

Các cơ quan chuyên môn gồm Cục ATTP, Cục Quản lý Dược, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/ thành phố... cần thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời phải phối hợp tích cực với Bộ, ngành, hiệp hội liên quan rà soát và dẹp "loạn" quảng cáo trên mọi "mặt trận" thông tin như hiện nay.

Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về việc cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và trao đổi thông tin về tình hình quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phổ biến các quy định của pháp luật về quảng cáo; rà soát các quy định của pháp luật về quảng cáo và các lĩnh vực có liên quan nhằm đánh giá tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề xuất giải pháp khắc phục...

Việc phối hợp này nhằm phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế trên báo chí, trên xuất bản phẩm, trên hệ thống mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

SKĐS - Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam diễn ra sáng nay 9/12, tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức

Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2017có chủ đề: "Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số"

Tham dự buổi lễ có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy Viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế, Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số-KHHGĐ…và gần 1000 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ ngành phối hợp; đại diện lãnh đạo các sở/ngành của Hà Nội; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ... Đặc biệt với sự góp mặt của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, thanh thiếu niên Thủ đô.

Tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh :"Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 25/10/2017 về Công tác Dân số trong tình hình mới, đã xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển.

Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững… đã thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng và nhà nước ta nhằm giải quyết các vấn đề của dân số đang đặt ra đối với phát triển đất nước trong tình hình mới; xác định các nội dung và trọng tâm mới, đề ra các giải pháp toàn diện nhằm đưa công tác dân số và phát triển lên tầm cao mới đáp ứng tích cực việc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...".

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ mít tinh sáng 9/12 

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã đề nghị toàn ngành Dân số tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn ngành về Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhằm tham mưu hiệu quả việc cụ thể hóa các giải pháp để triển khai toàn diện tại địa phương, cơ sở.

Đẩy mạnh chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Tăng cường các giải pháp đồng bộ, đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để quy mô dân số đạt 104 triệu người vào năm 2030.

Đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ phục vụ việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn và nhất là trong địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số; Bộ Y tế đã được triển khai 63/63, tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc.  Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm DS-KHHGĐ để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để giảm số trẻ em bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, giảm nhẹ gánh nặng của gia đình, xã hội, Tổng cục Dân số -Kế hoạch hoá gia đình đã triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay có khoảng 25% số bà mẹ mang thai và 35% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật.

Nguồn:http://moh.gov.vn