Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Trầm cảm sau sinh - mối nguy thầm lặng

Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả rất lớn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé.

Để giúp vợ tránh trầm cảm sau sinh, người chồng nên quan tâm chia sẻ, động viên, hỗ trợ, tạo sự thoải mái về tinh thần cho vợ.

 

NỖI BẤT AN ĐÁNG SỢ 

Từ khi sinh con, chị N.T. ở TP. Vũng Tàu thường trực những nỗi bất an. Chị luôn lo lắng bản thân không biết cách chăm con. Khi con khóc, chị lúng túng không biết làm sao để dỗ cho con nín, trong khi chồng và mẹ chồng chị chẳng những không hỗ trợ mà còn cằn nhằn, buông lời khó chịu. Vì vậy, mỗi lần nghe tiếng con khóc, chị lại giật mình, cảm giác bất an, lo sợ. Rồi chị lo lắng khi thấy vóc dáng mình thay đổi, quần áo cũ đã không còn cái nào mặc vừa. Chị đi mua sắm thật nhiều quần áo mới, nhưng không dám mặc, mà cứ treo hết trong tủ, thỉnh thoảng lại lấy ra ngắm rồi chán nản cất vào. 

Người thân không ai chú ý đến những biểu hiện khác lạ ở chị. Cho đến một ngày, chị đột ngột bỏ đi. Gia đình tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện chị đang đứng thẩn thơ trước một cửa hàng quần áo. Chủ cửa hàng nói chị đã đứng như vậy mấy tiếng đồng hồ. Sau đó, gia đình đưa chị đi khám bệnh mới biết lâu nay chị bị mắc chứng trầm cảm sau sinh.  

Phụ nữ sau sinh mắc chứng trầm cảm như trường hợp chị N.T. không phải là hiếm. Theo thống kê của BV Tâm thần tỉnh, mỗi năm có khoảng 30 phụ nữ bị trầm cảm sau 1 tháng sinh con. Đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ, bởi trên thực tế, nhiều trường hợp bị trầm cảm không điều trị do bệnh chỉ diễn biến trong thời gian ngắn hoặc đưa đến các BV ở địa phương khác điều trị. Điều đáng lo ngại, đã có những trường hợp bị trầm cảm nặng dẫn đến những hành động nguy hiểm như tử tự, bỏ nhà đi, bỏ con… Thậm chí, đã từng có trường hợp sản phụ ở Hà Nội bị trầm cảm nặng, tự tay giết hại đứa con 33 ngày tuổi của mình.

Bác sĩ Bảo Bái, Phó Giám đốc BV Tâm thần tỉnh cho biết, hiện nay, y học vẫn chưa rõ nguyên nhân, cơ chế sinh học gây ra trầm cảm, nên y khoa chỉ gọi triệu chứng này là rối loạn trầm cảm chứ không coi là bệnh lý. Những triệu chứng của trầm cảm thường là khí sắc trầm, buồn bã. Người bị trầm cảm hay chán ăn dẫn đến bỏ ăn, thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, ít nói, hay rơm rớm nước mắt, sụt cân... Khi mang thai và sau sinh, nhiều phụ nữ dễ bị rơi vào trầm cảm khi bị tác động tâm lý từ bên ngoài, hoặc ngay chính bản thân của người đó. Có người chỉ vì lo lắng không biết cách chăm con, sợ đẻ khó. Lúc đầu nỗi lo chỉ thoáng qua nhưng không được chia sẻ nên nỗi lo cứ dồn dập, dẫn đến mất ăn, mất ngủ, rối loạn cảm xúc. Nhiều trường hợp do áp lực sinh con theo ý muốn từ gia đình, hay những lo lắng trong cuộc sống đời thường nhưng không có sự chia sẻ từ người thân, dẫn đến trầm uất. Không ít trường hợp phụ nữ mang thai, sau sinh bị trầm cảm dẫn đến cảm giác chán ghét con, không muốn chăm con, thậm chí không cho con bú, bỏ mặc con... 

CẦN SỰ QUAN TÂM, CHIA SẺ  

Theo bác sĩ Bảo Bái, việc điều trị các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm vẫn chưa có phác đồ mà chủ yếu dựa vào năng lực và kinh nghiệm của bác sĩ. Trầm cảm hiện được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý (trò chuyện, tư vấn tháo gỡ khúc mắc cho bệnh nhân). BV sẽ phân loại mức độ trầm cảm của bệnh nhân để điều trị theo từng triệu chứng. Trong giai đoạn bị trầm cảm, nếu người mẹ đang được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm thì nên ngưng cho con bú và thay bằng loại sữa bổ sung khác để bảo đảm an toàn cho sự phát triển của trẻ. 

Tuy nhiên, những trợ giúp về mặt y tế chỉ là một phần. Để phòng, tránh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh, sự giúp đỡ của người thân, nhất là người chồng là rất quan trọng, thông qua những hành động quan tâm chia sẻ, động viên, đồng cảm và mang lại niềm vui, tạo sự thoải mái về tinh thần cho sản phụ. Để tránh tình trạng trầm cảm sau sinh, mỗi ông bố, bà mẹ cần chuẩn những kiến thức đầy đủ nhất nhằm vui đón bé chào đời. Thai phụ nên làm những việc nhẹ nhàng, ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh những công việc quá căng thẳng, stress; chuẩn bị vật dụng, quần áo, tã, cách cho bé bú, cách ru bé ngủ; chuẩn bị chu đáo tiền bạc cho việc sinh nở và nuôi con…

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn