Thông tin chỉ đạo điều hành Thông tin chỉ đạo điều hành
Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh BR-VT.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục đích ban hành kế hoạch nhằm chủ động ngăn chặn và phòng chống hiệu quả bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh; kiểm soát và xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh Dịch tả heo Châu Phi gây ra trên địa bàn.

Kế hoạch đưa ra những nội dung và giải pháp thực hiện như sau:

1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả heo Châu Phi

a) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả heo Châu Phi bằng nhiều hình thức, gồm các nội dung:

- Tuyên truyền người chăn nuôi tăng cường thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh;

- Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ heo, kinh doanh sản phẩm của heo;

- Khuyến cáo thực hiện khai báo kịp thời cho thú y cơ sở hoặc UBND cấp xã khi phát hiện đàn heo đang nuôi có hiện tượng bệnh, chết bất thường.

b) Tăng cường quản lý chăn nuôi, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật. Củng cố và tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt đối với các địa bàn có nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cao.

c) Tổ chức hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, lưu ý đối với các bệnh truyền nhiễm trên heo.

d) Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo, thực hiện lấy mẫu giám sát vi rút Dịch tả heo Châu Phi đối với các loại heo, sản phẩm của heo nghi mắc bệnh, nghi nhập lậu tại các điểm, cơ sở giết mổ heo hoặc trong quá trình vận chuyển.

đ) Bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ, kịp thời kinh phí, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.

e) Lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

2. Khi phát hiện bệnh Dịch tả heo Châu Phi

Khi phát hiện có sự xâm nhiễm bệnh Dịch tả heo Châu Phi vào địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

a) Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y và các văn bản có liên quan về phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

b) Xử lý triệt để ổ dịch bằng cách tiêu hủy đàn heo mắc bệnh và các đàn heo có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.

c) Không điều trị heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

d) Cấm vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo, sản phẩm của heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến trong vùng có dịch. Tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh, giết mổ, vận chuyển heo và các sản phẩm của heo chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

đ) Tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc, sát trùng tại vùng dịch và vùng uy hiếp ngay khi phát hiện ổ dịch để tiêu diệt mầm bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn chặn xâm nhiễm mầm bệnh vào đàn vật nuôi.

e) Thực hiện theo dõi, thống kê, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

* Dịch tả heo Châu Phi (African Swine Fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loài heo (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh cho người). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút suốt đời. Do vậy nếu để xảy ra bệnh Dịch tả heo Châu Phi sẽ gây tác hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ cuối năm 2017 đến ngày 09/11/2018 đã có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh Dịch tả heo Châu Phi với tổng số heo buộc phải tiêu hủy trên 835 nghìn con. Tại Trung Quốc, tính từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 09/11/2018, Trung Quốc báo cáo OIE có tổng cộng 60 ổ dịch xuất hiện tại 15 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam gần biên giới với các tỉnh Tây Bắc của nước ta) và buộc phải tiêu hủy tổng cộng hơn 210 nghìn con heo các loại. Bệnh Dịch tả heo Châu Phi có thể còn tiếp tục lây lan rộng và nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam và từ đó xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là rất cao.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tuy chưa phát hiện bệnh Dịch tả heo Châu Phi, nhưng với vị trí địa lý thuận lợi, việc vận chuyển heo, sản phẩm của heo vào địa bàn tỉnh tiêu thụ bởi các thương lái chưa được kiểm soát triệt để đã làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

 

Nguồn: http://www.baria-vungtau.gov.vn