Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Ăn uống hợp lý giúp tăng cường sức khỏe dịp Tết

Khẩu phần ăn cần đủ 4 nhóm chất, giảm muối, tránh lạm dụng các món nhiều dầu mỡ, hạn chế rượu bia, siêng thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh.

Những thực phẩm được chế biến từ đậu nành chứa nguồn protein và lipid dồi dào.

 

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt hiện đối mặt nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây; mức tiêu thụ muối cao gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); 28,1% người thiếu hoạt động thể lực. Xuất phát từ chế độ dinh dưỡng, tỷ lệ bệnh mạn tính không lây ngày càng tăng cao, đơn cử như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout...

Dịp cuối năm, quỹ thời gian eo hẹp và có quá nhiều hạng mục cần hoàn thành, các bữa tiệc tổ chức tần suất dày hơn, vấn đề dinh dưỡng thường không được chú trọng dễ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Viện Dinh dưỡng khuyến nghị mỗi gia đình cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn giảm muối, tăng cường hoạt động thể lực.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần cung cấp đủ 4 nhóm chất: carbohydrate, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên sử dụng các loại carbs tốt - carbs chậm chuyển hóa, chậm làm tăng đường huyết sau khi ăn, có chỉ số đường huyết thấp (ngũ cốc nguyên hạt), đặc biệt với những người có nguy cơ thừa cân, đường huyết cao.

Chất béo được tạo bởi các axit béo, bao gồm loại no (chủ yếu đến từ chất béo động vật, dầu cọ, dầu dừa) và không no (có nhiều hơn trong dầu thực vật như olive, hướng dương, đậu nành, mỡ cá, mỡ gà...). Ăn nhiều thực phẩm có chất béo no bão hòa làm tăng lượng cholesterol xấu tuần hoàn trong cơ thể, do đó chất béo no không nên ăn quá 10% tổng số năng lượng.

Ăn vừa đủ protein từ thịt, cá, đậu đỗ, sữa và các chế phẩm, trứng... để xây dựng và duy trì cơ bắp, máu, da, xương, các cơ quan tổ chức khác của cơ thể. Một trong những thực phẩm chứa nguồn protein và lipid dồi dào là đậu nành. Viện Dinh dưỡng thống kê, trong 100 gram đậu nành có 34-40 gram protein và khoảng gần 20 gram lipid. Hạt đậu nành còn là thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng như vitamin B1, B2, A, D, E, K, F...

Ngoài các món phổ biến như đậu phụ, tào phớ, sữa... đậu nành còn được lên men để làm nên natto - món ăn truyền thống của người Nhật Bản. Natto không chứa cholesterol; dồi dào sắt, canxi, magiê, protein, kali, vitamin B6, B2, E, K2. 100 gram natto cung cấp 15 mg protein chất lượng cao; đáp ứng 29% nhu cầu vitamin K2 hàng ngày, 22% vitamin C, 76% mangan, 48% sắt và 22% chất xơ.

Nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Đại học Tokushima, Nhật Bản đăng tải trên trang Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy chế độ ăn với natto, các loại rau có độ nhớt và cơm giúp góp phần giảm đường huyết cấp tính và nồng độ insulin máu, có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.

Bên cạnh chú trọng dinh dưỡng, mọi người cần hạn chế uống rượu bia, tập thể dục đều đặn (ít nhất 60 phút mỗi ngày) để giúp tuần hoàn máu trong cơ thể thuận lợi hơn, nhịp tim ổn định. Thường xuyên khám định kỳ, trang bị kiến thức về bệnh lý cho người cao tuổi và trẻ nhỏ, đặc biệt là kỹ thuật sơ cấp cứu cũng là điều nên làm để vui khỏe đón Xuân bên gia đình.

Nguồn:http://www.baobariavungtau.com.vn