Thông tin tuyên truyền Thông tin tuyên truyền
Stress kéo dài gây nguy hiểm cho cơ thể

Stress là từ khá phổ biến và quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nói với nhau hàng ngày khi cảm thấy mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống và công việc. Stress sẽ trở nên nguy hiểm khi nó kéo dài, gây ra những rối loạn cho cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh.

Stress kéo dài có thể dẫn đến các chứng bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Stress kéo dài có thể dẫn đến các chứng bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Cách đây 1 năm, anh Đ.T.T ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức đã phải điều trị chứng rối loạn lo âu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh do bị stress trong một thời gian dài. Anh cho biết, do liên tục gặp thất bại trong công việc kinh doanh nên anh cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Dần dần, anh rơi vào trạng thái buồn chán, không muốn đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống và luôn lo sợ mọi thứ. Tình trạng này cứ kéo dài cho đến khi anh kiệt quệ, mất ngủ triền miên, không còn đủ sức làm việc, dù là những việc rất nhỏ trong gia đình. Sau đó, gia đình đưa anh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Các bác sĩ cho biết, anh bị rối loạn lo âu, một dạng bệnh về thần kinh cần phải điều trị lâu dài. 

Tương tự, chị T.T.B.T, ở xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã phải điều trị chứng rối loạn lo âu trong suốt gần 7 năm tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cũng xuất phát từ việc bị stress trong thời gian dài. T. bắt đầu bị stress khi ôn thi đại học. Lúc đầu chỉ là cảm giác mệt mỏi, căng thẳng do áp lực học hành, thi cử. Khi T. phải xa gia đình để lên TP.Hồ Chí Minh học đại học, cô lại tiếp tục đối mặt với những áp lực mới, khi không thể hòa nhập tốt với môi trường học tập và sinh hoạt. Dần dần, T. có cảm giác lo lắng, sợ hãi, không muốn trò chuyện, kết bạn. Cô tự nhốt mình ở trong phòng gần như cả ngày và suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống và bản thân. Việc học tập cũng giảm sút nghiêm trọng, buộc cô phải bỏ dở dang việc học để điều trị bệnh.  

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số người bị stress chiếm đến 10% dân số. Tuy nhiên, stress vẫn chưa thực sự được mọi người quan tâm đúng mức, điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu của bệnh. Còn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho trên dưới 1000 trường hợp bị stress ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có trường hợp phải nhập viện điều trị do bệnh nhân đã rơi vào tình trạng trầm cảm và có ý định tự sát.

Theo bác sĩ  Hoàng Văn Đức, Khoa Khám bệnh-Cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, stress đang ngày càng phổ biến với tất cả mọi người, mọi giới và mọi lứa tuổi khác nhau. Sau một thời gian dài bị stress, bệnh nhân rất dễ bị rối loạn lo âu với các triệu chứng lo lắng, sợ sệt, căng thẳng, mất ngủ. Chính vì vậy, nếu sau 2 tuần kể từ khi có các biểu hiện của stress mà bệnh nhân vẫn chưa vượt qua được thì cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm.

Để điều trị giảm stress, bệnh nhân cần kết hợp thay đổi lối sống, tư vấn bác sĩ, thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Việc điều trị có thể dao động từ chữa trị triệu chứng đơn giản đến chăm sóc và kiểm tra tình hình sức khỏe khi nhập viện. 

Cách tốt nhất để phòng tránh stress là tự giảm áp lực công việc cho chính mình bằng các biện pháp sắp xếp công việc hợp lý, khoa học. Khi giải quyết công việc cơ quan hay trong gia đình, mỗi người cũng cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cụ thể, nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi tối, buổi trưa nghỉ khoảng 15 phút, mỗi ngày nên thư giãn để tìm niềm vui trong cuộc sống bằng các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, hay đơn giản là tìm người trò chuyện, giải tỏa những vướng mắc trong công việc, cuộc sống. Bên cạnh đó, mọi người cần tập thể dục thường xuyên; xây dựng lối sống lạc quan, vui vẻ; có thói quen ăn uống và dinh dưỡng lành mạnh; gặp gỡ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần khi bị lo âu, căng thẳng quá mức.  

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn