Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Bác sĩ Phạm Hữu Chí - Thầy thuốc lỗi lạc - Kỳ 1: Hết lòng cống hiến cho y học

Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, nước Pháp đã có nền y học nổi tiếng hàng đầu thế giới. Vậy nhưng, nhiều giáo sư, trường đại học y khoa danh tiếng của nước Pháp thời bấy giờ đều cảm phục tài năng và nhân cách bác sĩ Phạm Hữu Chí, người con đất Việt sinh ra tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Tiếc rằng, vị bác sĩ tài hoa lỗi lạc ấy đã sớm ra đi ở tuổi 33, mang theo những hoài bão cống hiến cho ngành y học nước nhà.

Giảng đường Trường ĐH Y - Dược Đông Dương thời bác sĩ Phạm Hữu Chí theo học. (Ảnh tư liệu)
Giảng đường Trường ĐH Y - Dược Đông Dương thời bác sĩ Phạm Hữu Chí theo học. (Ảnh tư liệu)

Bác sĩ Phạm Hữu Chí, SN 25/3/1905, tại làng An Ngãi, quận Long Điền, nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Ông nội của ông là Phạm Văn Thuận, là nhà nho và danh y. Cha ông là Phạm Hữu Đức, giáo học kiêm Thanh tra tiểu học ở các trường trên địa bàn tỉnh.

Từ nhỏ, Phạm Hữu Chí đã nổi tiếng là "thần đồng". Sau khi đậu bằng tiểu học lúc 9 tuổi, ông lên Sài Gòn và học ở Trường Gia Ðịnh. Ông là HS xuất sắc Trường Trung học Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn). Ông thi đậu tú tài khi mới 17 tuổi và đậu vào Trường ĐH Y - Dược Đông Dương. Ông là người địa phương đầu tiên theo học bác sĩ thời bấy giờ. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn là một sinh viên thông minh và cần mẫn. Ở năm thứ nhất ĐH, ông đứng đầu nhóm sinh viên biểu tình phản đối một giáo sư Pháp vì đã đối xử thô bạo, thiếu văn hóa với sinh viên Việt Nam. Do đó, ông bị đánh trượt vào cuối năm thứ hai và bị cắt học bổng.

HS Trường THCS Phạm Hữu Chí (huyện Long Điền) viếng mộ bác sĩ Phạm Hữu Chí. Ảnh: MINH THIÊN
HS Trường THCS Phạm Hữu Chí (huyện Long Điền) viếng mộ bác sĩ Phạm Hữu Chí. Ảnh: MINH THIÊN

Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, ông sang Pháp du học ở Trường ĐH Y khoa Paris. Tháng 6/1930, Phạm Hữu Chí trúng tuyển vào kỳ thi bác sĩ nội trú với điểm số cao (đứng thứ 10/90 thí sinh dự thi). Việc Phạm Hữu Chí thi đậu bác sĩ nội trú đã làm xúc động cả giới báo chí Paris. Với vốn kiến thức vững vàng và thành tích vượt trội, trong 5 năm là lưu trú sinh viên ở các bệnh viện tại Paris, ông được Giáo sư André Lenierre, Quản đốc Bệnh viện Claude Bernard (Paris) đặc biệt chú ý và chọn làm trợ tá. Đến tháng 6/1935, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa hạng xuất sắc và được mời làm việc tại Công ty Khai thác kênh đào Suez với mức lương 200.000 franc Pháp mỗi năm, nhưng ông đã từ chối để tiếp tục con đường nghiên cứu y học.

Trong kỳ thi tuyển Y Viện trưởng cho Trường ĐH Y khoa ở Pháp, ông đã đậu thủ khoa và làm giảng viên tại Bệnh viện Claude Bernard (Paris). Mùa hè năm đó, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp đã chọn ông đi nghiên cứu các dịch bệnh. Luận án của ông về vi trùng học được các bậc đàn anh trong giới y học hoan nghênh và dịch ra nhiều thứ tiếng. Các kết quả nghiên cứu của ông được đăng nhiều kỳ trong Tạp chí Y khoa Pháp.

Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Claude Bernard, ông được giao phụ trách các buồng bệnh của bệnh viện. Công việc nặng nhọc, tận tâm với bệnh nhân và quá đam mê nghiên cứu y học nên ông lần lượt mắc nhiều căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Từ đây, ông vừa chữa bệnh cho mình, vừa nghiên cứu thêm về các chứng bệnh hiểm nghèo như bệnh phong, bệnh thương hàn. Với những đóng góp của mình và sự tận tâm theo dõi bệnh dịch tại Pháp, ông được Tổng trưởng Y tế Pháp tặng Huy chương Đồng vì sự nghiệp y học vào năm 1936.

Năm 1937, bác sĩ Chí trở về công cán ở Đông Dương, được Tổng trưởng thuộc địa Moutet giao nghiên cứu về bệnh sốt rét. Những công trình y học, các báo cáo khoa học của ông thời bấy giờ đã đưa ông tới gần với học vị giáo sư thạc sĩ y khoa ở Pháp.

Trong khi chuẩn bị thi thạc sĩ y khoa, bạn ông là bác sĩ Đặng Vũ Lạc sang Pháp tìm ông và đề nghị hợp tác mở Bệnh viện Henri Coppin tại Hà Nội, để chữa trị cho dân nghèo. Ông đã đồng ý và quay trở về nước. Ông tận tụy cứu chữa người bệnh mà quên mình, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Hai người thầy của ông là Lemierre và Reilly khuyên ông sang Pháp để chữa trị nhưng ông đã từ chối vì muốn sinh ra và chết tại quê hương. Ông rời Hà Nội vào Sài Gòn dưỡng bệnh, rồi mất ở Sài Gòn ngày 25/2/1938, khi mới 33 tuổi.