Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, song tình trạng kháng thuốc kháng sinh vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, trong năm 2020, thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, ngành y tế tiếp tục tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh.

Những bệnh nhân bị đa kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, kể cả khi nhiễm khuẩn rất bình thường. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị viêm phổi nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chông độc, BV Lê Lợi.
Những bệnh nhân bị đa kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, kể cả khi nhiễm khuẩn rất bình thường. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị viêm phổi nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chông độc, BV Lê Lợi.

GIA TĂNG VI KHUẨN KHÁNG THUỐC

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Tình trạng kháng thuốc xảy ra một cách tự nhiên, nhưng việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người đang đẩy nhanh tiến trình kháng thuốc này diễn ra nhanh hơn, rộng hơn. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn đường ruột E.coli đã lên đến 30 – 40%. Tỷ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng Klebsiella pneumoniae lên đến gần 60%. Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng, tức kháng với 2 nhóm kháng sinh và vi khuẩn toàn kháng, tức kháng với tất cả kháng sinh.

Riêng tại BR-VT, tuy chưa có thống kê đầy đủ, song ghi nhận tại các bệnh viện (BV), tình trạng bệnh nhân đa kháng thuốc kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến. Theo ghi nhận tại BV Bà Rịa, trong năm 2019, trong số 11 trường hợp viêm phổi BV do tuyến trên chuyển về có 3 trường hợp đa kháng thuốc do vi khuẩn (VK) Klebsiella pneumoniae, 1 trường hợp đa kháng do VK Pseudomonas aeruginosa, 2 trường hợp do VK Acinetobacter baumannii đa kháng. Bên cạnh đó, tỷ lệ vi khuẩn E.coli kháng thuốc nhóm cephalosporin thế hệ 3 và cephalosporin thế hệ 4 ngày càng tăng, đây là 2 loại kháng sinh thế hệ mới được dùng khá phổ biến. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc chủ yếu chỉ còn "nhạy" với kháng sinh Colistin, loại kháng sinh thế hệ cũ, khá yếu và không đủ sức tiêu diệt vi khuẩn.

Tại nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu), thông tin thuốc bán lẻ được cập nhật vào phần mềm quản lý thuốc, đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở kinh doanh, bán lẻ dược phẩm để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Ảnh: MINH THIÊN
Tại nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu), thông tin thuốc bán lẻ được cập nhật vào phần mềm quản lý thuốc, đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở kinh doanh, bán lẻ dược phẩm để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Ảnh: MINH THIÊN

Tại BV Lê Lợi, trung bình mỗi tháng, riêng tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Lê Lợi ghi nhận từ 2 đến 3 trường hợp kháng nhiều loại kháng sinh. Còn số lượng bệnh nhân không đáp ứng với một số thuốc kháng sinh, phải thay đổi phác đồ điều trị chiếm khoảng 30%  tổng số ca bệnh nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân bị đa kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, kể cả khi nhiễm khuẩn rất bình thường. Nguy hiểm hơn là vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc, trong đó chủ yếu nhất là việc lạm dụng kháng sinh, tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ và việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đánh giá của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh có đến hơn 50% kháng sinh sử dụng trong BV không hợp lý; 94,6% ca phẫu thuật sử dụng kháng sinh sau khi mổ xong với thời gian trung bình từ 5-7 ngày (tỷ lệ dùng nhiều và kéo dài như vậy sẽ dễ gây ra kháng thuốc); tỷ lệ tử vong do nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 40-50% số ca nhiễm khuẩn.

TỪNG BƯỚC BỎ KHÁNG SINH TRONG PHẪU THUẬT SẠCH NHIỄM

Để tiếp tục kiểm soát việc gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Bộ Y tế đang tập trung 2 giải pháp cơ bản gồm: Kiểm soát kê đơn thuốc và tăng cường tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý trong các BV. Theo đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn của Bộ Y tế, yêu cầu trong năm 2020, việc kê đơn thuốc phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Riêng với thuốc kháng sinh, năm 2020, 100% thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Theo đó, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động xây dựng chương trình quản lý kháng sinh hiệu quả. Trong đó, việc dùng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong phẫu thuật đang được các bệnh viện từng bước áp dụng. KSDP được dùng một liều duy nhất, tiêm tĩnh mạch trong vòng 30-45 phút trước khi rạch da (áp dụng với hầu hết kháng sinh). Việc sử dụng KSDP đã giúp các BV giảm rõ rệt số lượng và thời gian sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật.

Tại BV Bà Rịa, KSDP được đưa vào sử dụng vào năm 2017 ở những ca mổ sạch nhiễm đơn giản. Đến nay, để tăng cường phòng, chống kháng kháng sinh, BV đã từng bước áp dụng rộng rãi KSDP trong những trường hợp mổ phức tạp hơn, kể cả ở những bệnh nhân lớn tuổi, như mổ thoát vị bẹn, sỏi mật… Những trường hợp phẫu thuật đơn giản như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… BV đã tiến đến không sử dụng kháng sinh trước hay sau mổ. Dược sĩ Trần Thị Phương Anh, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bà Rịa  cho biết, năm 2019, tại BV có 401 trường hợp dùng KSDP, 1.053 trường hợp không dùng kháng sinh, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2018 và không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân được xuất viện sau 3 – 5 ngày điều trị nội trú tại BV.

Bên cạnh đó, các BV cũng tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn BV để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong BV. Chẳng hạn, tại BV Lê Lợi đã triển khai cam kết vệ sinh tay phòng chống nhiễm khuẩn BV. Theo đó, đại diện các khoa, phòng trong bệnh viện đã thực hiện cam kết và chịu trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, giám sát nhân viên trong khoa thực hiện tốt khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về 5 thời điểm cần phải rửa tay và tuân thủ đúng đủ 6 bước rửa tay. BV Bà Rịa cũng tăng cường trách nhiệm của các khoa phòng trong giám sát thực hiện những quy trình, quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên; đồng thời sẽ bổ sung thêm các thiết bị chống nhiễm khuẩn như hệ thống đèn cực tím…

7 biện pháp hành động để ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc

Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thú y Thế giới thống nhất đưa ra 7 biện pháp hành động chính trong chiến lược phòng chống kháng thuốc (PCKT) bao gồm: Tăng cường nhận thức về PCKT; Tăng cường điều tra, giám sát PCKT và tiến tới hình thành hệ thống giám sát quốc gia "Một sức khỏe"; Tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh ở người; Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng ở người; Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng ở động vật và giảm sử dụng kháng sinh không phù hợp trong chăn nuôi; Hạn chế để mầm bệnh kháng thuốc tiếp xúc với môi trường; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tìm ra kháng sinh mới, công cụ chẩn đoán mới và vắc-xin mới.

Về kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, Bộ Y tế đã triển khai kết nối phần mềm quản lý thuốc của các cơ sở bán lẻ thuốc với hệ thống quản lý thuốc của Bộ Y tế. Tại BR-VT, đến nay, toàn tỉnh đã có 78% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt phần mềm quản lý và kết nối với hệ thống quản lý thuốc của Bộ Y tế. Dự kiến, đến hết năm 2020, 100% các cơ sở bán lẻ thuốc sẽ hoàn thành việc lắp đặt phần mềm và kết nối mạng. Việc sử dụng phần mềm quản lý thuốc bước đầu cũng đã đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý thuốc, nhất là thuốc kê đơn. Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế cho hay, bước đầu triển khai, cơ quan quản lý đã kiểm soát được xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào bán ra, hạn dùng của thuốc…; qua đó kiểm soát được việc kê và bán thuốc kê đơn.

Bên cạnh đó, các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh đã từng bước thiết lập yêu cầu khách hàng phải có đơn của bác sĩ mới bán thuốc kháng sinh, hoặc những loại thuốc bắt buộc phải bán theo đơn. Bà Đoàn Thị Thanh Thúy, chủ nhà thuốc Á Châu, TP.Vũng Tàu nói: "Thời gian đầu triển khai việc này cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế, nhiều người vẫn quen ra nhà thuốc kể bệnh mua thuốc. Chúng tôi phải tư vấn, giải thích cho khách hàng hiểu và tuân thủ việc mua thuốc kháng sinh phải có đơn. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người đến nhà thuốc mua thuốc theo đơn".