Hoạt động Hoạt động
Bộ Y tế tổ chức họp báo lần 2 về dịch virus Corona tại Việt Nam

15h chiều hôm nay (5/2), Bộ Y tế tổ chức họp báo, thông tin chính thức về tình hình dịch virus Corona diễn biến phức tạp trong thời gian qua tại Việt Nam.

Chủ trì buổi họp là ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ngoài ra có sự tham gia của ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng vụ truyền thông và thi đua khen thưởng; cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các chuyên gia y tế và các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Hà Nội hiện đã chuẩn bị gần 2.000 giường bệnh để chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất

Tại họp báo, ông Nguyễn Đình Anh công bố 1 số thông tin chung về dịch bệnh Corona hiện nay. Tính đến 12h trưa 5/2, tổng số ca mắc virus Corona trên toàn thế giới là 24.567 người, tập trung tại Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ.

Trung Quốc ghi nhận 24. 337 mắc bệnh, 491 ca tử vong, 23.260 người nghi nhiễm, 3.223 ca nguy kịch, 892 ca bình phục xuất viện.

Tại Việt Nam, có 10 ca nhiễm bệnh, trong đó 3 bệnh nhân khỏi bệnh đã được xuất viện (lần lượt ở TPHCM, Thanh Hoá và Khánh Hoà).

Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương nhận định, dịch Corona virus bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, hiện các ca mắc bệnh tăng rất nhanh, các ca tử vong cũng tăng hàng ngày. Bên phía Trung Quốc cho rằng tình hình đang lạc quan khi mà các trường hợp nghi nhiễm đã giảm hơn so với trước.

"Bản thân virus Corona thường lây lan qua động vật là chính. Loại virus này có cấu trúc khá đơn giản, khả năng lây lan rất nhanh, cần phải triển khai các biện pháp cần thiết để tránh lây lan" - ông Nguyễn Thanh Long nói.

Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay dịch bệnh có 4 phương thức lây lan chủ yếu.

Thứ nhất, lây truyền qua không khí: tiếp xúc với nước bọt từ người ho, hắt hơi, rồi virus xâm nhập vào đường hô hấp.

Thứ hai, lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay khi không thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay...

Thứ ba, lây truyền khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn như bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải,... có thời gian tồn tại khá lâu, khi con người sờ vào các bề mặt đó rồi đưa lên mắt mũi miệng dễ bị nhiễm.

Thứ 4, lây truyền qua đường phân, chủ yếu do chăm sóc người bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên tránh xa người bệnh khoảng 1m. Khi ho, hắt hơi, sổ mũi, sẽ khiến virus bắn xa 1,8m, do đó người dân nên dùng các dụng cụ như khẩu trang (không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế), giấy rồi bỏ vào nơi đúng quy định, sau đó rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.

Khác với SARS, Corona virus trong thời gian ủ bệnh (lâu nhất là 14 ngày), cũng có khả năng lây lan cho người khác. Corona virus nhạy cảm với ánh sáng, tia cực tím, và gió, các môi trường thông thoáng khí. Có những người có triệu chứng rất nhẹ như đau mỏi cơ, hắt hơi nhẹ, cũng có thể đã mắc loại virus này.

"Corona virus không có thuốc điều trị dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó hiện nay các bệnh viện chủ yếu điều trị triệu chứng. Đa phần 10 trường hợp bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, riêng 1 bệnh nhân người Trung Quốc có tuổi và nhiều bệnh thì phải thở ô xi, không cần thở máy.

Bộ Y tế đã chỉ đạo đối với tất cả các bệnh viện, Trung ương chuẩn bị trong trường hợp khi bệnh lan rộng, Hà Nội hiện đã chuẩn bị gần 2.000 giường bệnh để chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất" - Ông Nguyễn Thanh Long nói.

Để tránh tình trạng ồn ào dư luận cho rằng chúng ta đang giấu dịch, quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế là không che giấu bất cứ thông tin gì. Bộ Y tế luôn cập nhật thông tin về các ca bệnh. Thủ tướng Chính phủ ngay từ lúc đầu tiên đã có những chỉ đạo rất sát, ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm và có công điện, công văn.

Các địa phương cũng đã vào cuộc rất mạnh mẽ trên quan điểm quyết liệt, hướng dẫn cho từng ngành từng Bộ, từng địa phương. Trong những chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu hạn chế, cách ly những người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam. Tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích kể cả công vụ đều được cách ly tại các cơ sở. Hiện có khoảng 900 người được cách ly tại các tỉnh biên giới. Tất cả các cửa khẩu chính, phụ, đường mòn đều được kiểm soát.

Bệnh nhân sẽ không bị tái nhiễm sau khi được điều trị khỏi vì có thời gian miễn dịch

PV: Thời gian xét nghiệm virus mới Corona trong thời gian bao lâu?

Ông Nguyễn Thanh Long: Về mặt xét nghiệm, Việt Nam đang áp dụng biện pháp có độ nhạy và độ chính xác cao nhất. Tính từng phút thì thời gian thấp nhất là 5,5 giờ - 8,9 giờ.

PV: Sau khi được điều trị khỏi, bệnh nhân có bị tái nhiễm không?

Ông Nguyễn Thanh Long: Bệnh nhân sẽ không bị tái nhiễm sau khi được điều trị khỏi vì có thời gian miễn dịch, thấp nhất là 2 năm.

PV: Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 4/2, Bộ y tế cho rằng dịch viêm phổi do virus Corona đang lây lan trong cộng đồng và "có thể đạt đỉnh trong 7 đến 10 ngày tới", liệu có đúng hay không?

Ông Nguyễn Thanh Long: Đó là đỉnh dịch của Trung Quốc, không phải Việt Nam. Hiện, Bộ y tế chưa đủ thông tin và cơ sở để xác định đỉnh dịch.

PV: Việc hạn chế hàng hoá ở phía biên giới trước tình hình phức tạp của dịch bệnh?

Ông Nguyễn Thanh Long: Chính phủ chưa bao giờ dùng từ đóng cửa biên giới, đây chỉ ngăn chặn kiểm soát cách ly người nhập cảnh. Việc ùn ứ mặt hàng ở biên giới là do phía Trung Quốc có những động thái hạn chế trước, hiện nay các xe thanh long và một số hàng hoá khác vẫn hoạt động bình thường.

PV: Dịch bệnh virus Corona có lây qua chó mèo hay không?

Ông Nguyễn Thanh Long: Đối với dịch này, nguồn gốc lây chưa rõ, có thể là qua một vật chủ trung gian nào đó như các loài có vú. Các nhà khoa học chưa tìm được ra đường lây, tuy nhiên các vật nuôi ở nhà như chó mèo, sẽ không bị lây lan virus Corona. Chúng tôi khuyến cáo chăm sóc các vật nuôi để tránh các bệnh khác.

PV: Người dân sẽ được điều trị virus Corona miễn phí hay mất tiền?

Ông Nguyễn Thanh Long: Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên sẽ được điều trị miễn phí, nhà nước sẽ lo việc đó.

Nguồn: https://suckhoetoandan.vn/