Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Vệ sinh chống nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễmkhuẩn không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh mà còn tới chất lượng điều trị. Với người bệnh, trung bình nhiễm khuẩn làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 - 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở nước ta từ 5,7 - 11,2%, tương đương với các nước phát triển khác. Nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Có 5 loại nhiễm khuẩn thường gặp ở nước ta là: nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiêu hoá, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu. Trong khi đó, mỗi năm nước ta có khoảng 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện và khoảng gần 8% trong số đó bị nhiễm khuẩn.

Người bị nhiễm khuẩn bởi nhiều nguyên nhân như do dùng thủ thuật đặt xông dẫn lưu, xông bàng quang, xông niệu đạo, dùng máy thở hỗ trợ hô hấp. Với những bệnh nhân phẫu thuật, loại vết mổ bẩn và nhiễm có tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao, lên tới 30%. Tình trạng bệnh nhân và người nhà mặc quần áo dành cho người chăm sóc bệnh nhân ra ngoài đường diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, có thể bị nhiễm khuẩn trong môi trường, trong không khí. Ví dụ như phòng mổ mà không tiệt trùng sạch sẽ thì trong không khí đôi khi cũng có vi khuẩn. Vi khuẩn có thể có trong những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, áo của phẫu thuật viên... Cái nắm cửa ở trước mỗi phòng đôi khi cũng có vi khuẩn, nhiều người ra vô cứ mở thường xuyên mà không chịu rửa tay. Và ngay cả những dụng cụ trong phòng bệnh nhân hoặc máy điều hòa không khí lâu ngày không lau chùi sát trùng cũng là nguồn lây nhiễm. Ngoài ra, theo điều tra được thực hiện tại 93 bệnh viện trên toàn quốc, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống nhiễm khuẩn ở các bệnh viện lớn, nhỏ không chỉ thưa mỏng mà còn có tới 55,3% là hộ lý và công nhân. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo chuyên môn trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn gần như bỏ "trắng", đa số chỉ dừng lại ở mức "cầm tay chỉ việc" rồi lâu ngày quen tay.

Phương tiện máy móc và hoá chất dành cho công tác phòng chống nhiễm khuẩn ở nhiều cơ sở y tế cũng rơi vào tình trạng lạc hậu. Một trong những tồn tại của công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện là kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế về hầu hết các mặt công tác chống nhiễm khuẩn còn yếu. Điều này làm cho nhiệm vụ đào tạo, tập huấn và kiểm tra giám sát của nhân viên chuyên trách chống nhiễm khuẩn trở nên quá nặng nề. Bên cạnh đó, việc chưa tuân thủ quy chế chống nhiễm khuẩn, giám sát bệnh truyền nhiễm chưa chặt chẽ, đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn chưa đạt yêu cầu, chưa có tiêu chuẩn quốc gia về công tác chống nhiễm khuẩn, trách nhiệm của bệnh viện, của các khoa phòng, từng nhân viên y tế và của cộng đồng về công tác phòng chống nhiễm khuẩn cũng chưa được đề cập trong các văn bản pháp quy… cũng ảnh hưởng đến công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Để phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện cần đến sự tham gia của cán bộ, bác sỹ, nhân viên các bệnh viện cũng như của tất cả gia đình người bệnh. Mọi người ở trong bệnh viện cần giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên. Trên thực tế, một số bệnh viện để bình rửa tay ngay tại giường bệnh hoặc ngay tại cửa ra vào để người ra vào rửa tay và khi lau thì cũng có khăn giấy sạch đã có  tác dụng rất tốt trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn. Các bệnh viện cần làm vệ sinh phòng ốc sạch sẽ thường xuyên, và bằng những phương tiện sát trùng; cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm. Các bệnh viện phải cụ thể hóa các quy định, quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn phù hợp với điều kiện bệnh viện nhưng phải phù hợp với nguyên tắc chống nhiễm khuẩn; đồng thời cần tăng cường giáo dục nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nguồn: t5g.org.vn