Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 5 năm 2021 (đợt 14, 15, 16 của Bộ Y tế)

Căn cứ số lượng và thời gian phân bổ Vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm Vắc xin phòng chống dịch tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 5 năm 2021, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm Vắc xin phòng chống dịch tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổng hợp danh sách đối tượng theo quy định tại Nghị Quyết 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT (Các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp danh sách đối tượng tiêm chủng gửi về Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND để tổng hợp theo quy định), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị Quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Hoàn thành 100% số lượng phân bổ Vắc xin đợt 5 được tiêm cho các nhóm đối tượng trong thời gian sớm nhất.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phân bổ và sử dụng Vắc xin phòng COVID-19 đợt 4 năm 2021 đúng đối tượng, đảm bảo thời gian, tránh hao phí.

- Đảm bảo 100% các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch được tiêm phòng Vắc xin.

- Phân bổ ít nhất 20% cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu: vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.

- Phân bổ ít nhất 20% cho lực lượng Giáo viên mầm non; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính;... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

- Phân bổ ít nhất 20% cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và người có bệnh lý nền.

- Phân bổ ít nhất 20% cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

- Phân bổ lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu,…).

- Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

II. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc:

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện được Bộ Y tế phân bổ.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng để tránh lãng phí.

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Đối tượng

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

(Ưu tiên các đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế).

Phân bổ tổng số liều được phân bổ: 43.500 liều vắc xin AstraZeneca và 58.800 liều vắc xin Moderna, cụ thể như sau:

+ Vắc xin Modena: Ưu tiên phân bổ Vắc xin Moderna cho các đối tượng người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

+ Vắc xin Astra Zaneca: Ưu tiên tiêm cho các đối tượng đã tiêm mũi 01 đủ điều kiện tiêm mũi 2.

3. Số lượng và thời gian hoàn thành đợt 5

3.1. Số lượng

a. Tổng số liều vắc xin AstraZeneca được phân bổ: 43.500 liều.

b. Tổng số liều vắc xin Moderna được phân bổ: 58.800 liều (tiêm 02 mũi).

3.2. Thời gian hoàn thành triển khai: Hoàn thành trước ngày 15/8/2021.

4. Đơn vị thực hiện tiêm chủng

Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố;

Trạm Y tế xã, phường;

Các cơ sở Y tế tư nhân có đủ điều kiện.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tổng hợp, lập danh sách tiêm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổng hợp danh sách đối tượng theo quy định tại Nghị Quyết 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tổng hợp danh sách các đối tượng đã hoàn thành mũi 2 và mũi 1 theo từng loại Vắc xin để dự trù cho lượng Vắc xin và phân bổ số lượng phù hợp.

2. Tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng:

- Loại vắc xin sử dụng: Vắc xin COVID-19 Astra Zeneca, vắc xin phòng COVID-19 Spikevax (Covid-19 Vaccin Moderna) do Bộ Y tế cấp. Vắc xin được tiếp nhận từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

- Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận, vận chuyển vắc xin, vật tư, bơm kim tiêm, hộp an toàn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và thực hiện phân bổ, cấp phát cho các điểm tiêm sử dụng.

2.1. Vắc xin COVID-19 Astra Zeneca:

- Bảo quản ở nhiệt độ 2oC-8oC và không được làm đông băng vắc xin.

- Lọ vắc xin chưa mở bảo quản ở nhiệt độ 2oC-8oC được phép sử dụng trong vòng 06 tháng kể từ ngày sản xuất.

- Lọ vắc xin đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 06 giờ kể từ khi mở và được bảo quản ở nhiệt độ 2oC-8oC. Bảo quản tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

2.2. Vắc xin phòng COVID-19 Spikevax (Covid-19 Vaccin Moderna):

Vắc xin có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong thời gian tối đa 30 ngày. Ghi lại thời gian bắt đầu bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C. Không được để đông băng lại vắc xin đã rã đông. Trong suốt thời gian di chuyển và hạn chế tối đa sự rung lắc.

3. Tổ chức tiêm chủng

a. Cơ sở tổ chức tiêm chủng

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai tổ chức các điểm tiêm chủng phù hợp (điểm tiêm cố định hoặc lưu động) trên địa bàn theo đúng quy định tại Quyết định 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế và công văn số 6202/BYT-DP ngày 02/8/2021 của Bộ Y tế về việc tăng tốc và diện bao phủ tiêm Vắc xin phòng COVID-19.

- Mỗi đơn vị tổ chức tiêm chủng cử 01 cán bộ đầu mối: cung cấp thông tin, tổng hợp báo cáo...

- Tùy vào số lượng vắc xin được phân bổ các địa phương đơn vị xây dựng Kế hoạch tiêm, điều động nhân sự của TTYT, Trạm Y tế, có thể huy động lực lượng cán bộ tiêm chủng của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quản lý, bố trí đội tiêm phù hợp với từng địa phương.

b. Phân công nhiệm vụ tiêm chủng

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: thực hiện tiêm cho nhân viên đơn vị, các Ban, ngành, đơn vị theo sự phân công của Sở Y tế.

- Bệnh viện Bà Rịa: thực hiện tiêm cho nhân viên bệnh viện Bà Rịa và các trường hợp có chỉ định tiêm tại bệnh viện của các huyện, thị xã, thành phố (Trừ TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo); hỗ trợ cho các Trung tâm Y tế, tiêm cho những cơ quan, đoàn thể theo sự phân công của Sở Y tế.

- Bệnh viện Vũng Tàu: thực hiện tiêm cho nhân viên bệnh viện Vũng Tàu và các trường hợp có chỉ định tiêm tại bệnh viện của thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo, hỗ trợ Trung tâm Y tế thành phố Vũng Tàu, tiêm cho những cơ quan, đoàn thể theo sự phân công của Sở Y tế.

- Trung tâm Y tế Vietsovpetro: tiêm phòng cho nhân viên tại đơn vị, cơ quan, đoàn thể theo sự phân công của Sở Y tế.

- Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổ chức tiêm cho các đối tượng trên địa bàn quản lý.

c. Phân công cấp cứu.

Các đơn vị tổ chức tiêm chủng: bố trí 1-2 tổ cấp cứu tại điểm tiêm;

- Bệnh viện Bà Rịa: hỗ trợ cấp cứu các điểm tiêm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT TP Bà Rịa, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ, phường 12 và xã Long Sơn TP Vũng Tàu.

Bệnh viện Vũng Tàu: hỗ trợ cấp cứu các phường của TP Vũng Tàu (trừ phường 12 và xã Long Sơn), khi có sự điều động hỗ trợ của Sở Y tế.

d. Tổ chức buổi tiêm chủng:

- Các đơn vị tổ chức tiêm chủng xây dựng kế hoạch tổ chức buổi tiêm chủng theo số lượng được phân công, KHÔNG được để lãng phí vắc xin.

- Tổ chức buổi tiêm chủng đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch COVID-19.

- Thực hiện khám sàng lọc và tư vấn cho người được tiêm chủng, giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng.

- Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn người được tiêm chủng tiếp tục theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng. Thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

- Cung cấp số điện thoại của cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng tại nhà cho những người sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Thu gom và xử lý rác thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

e. Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng

- Các cơ sở tiêm chủng thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Đơn vị thực hiện: Các cơ sở tiêm chủng.

- Thời gian thực hiện: Trước, trong và sau quá trình sử dụng vắc xin.

- Quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

4. Công tác kiểm tra, giám sát:

Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19 tỉnh thành lập đoàn giám sát tại tất cả các điểm tiêm. Nội dung thực hiện:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch, lập danh sách đối tượng;

- Tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng;

- Giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin…

- Thu gom và xử lý rác thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

5. Công tác thống kê, báo cáo

- Các địa phương, điểm tiêm chủng thực hiện báo cáo ngày, đánh giá kết quả tiêm, các khó khăn, tồn tại, vướng mắc và các giải pháp khắc phục nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế trước 16 giờ hàng ngày.

- Sau khi kết thúc các đợt tiêm chủng, các đơn vị gửi báo cáo hoạt động triển khai và kết quả tiêm bổ sung theo đúng quy định về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tổng hợp báo cáo Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Chủ đạo các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện:

- Tổng hợp danh sách các đối tượng tiêm chủng tại địa phương.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức buổi tiêm chủng.

- Bố trí và tổ chức các điểm tiêm đảm bảo đủ các điều kiện tiêm chủng: phân công và hỗ trợ nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện an toàn, trang thiết bị, phương tiện và vật tư tiêm chủng.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu và khu vực xử trí phản vệ.

- Thành lập Đội Cấp cứu: tiếp nhận và xử trí phản vệ tại đơn vị và các Trạm Y tế xã, phường tại địa phương.

- Giám sát, đôn đốc và hỗ trợ chuyên môn đối với các điểm tiêm tại Trạm Y tế xã, phường: rà soát đối tượng, an toàn tiêm chủng, xử lý phản vệ, thu gom và xử lý rác thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

- Tổng hợp báo cáo gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo quy định.

2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

- Phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho các điểm tiêm.

- Tổ chức tập huấn cho các đơn vị tổ chức tiêm chủng;

- Bố trí và tổ chức điểm tiêm đảm bảo đủ các điều kiện tiêm chủng: nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện an toàn, trang thiết bị, phương tiện và vật tư tiêm chủng

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu và khu vực xử trí phản vệ.

- Tổng hợp báo cáo ngày, báo cáo tiến độ thực hiện gửi về Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế.

2. Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức buổi tiêm chủng theo sự phân công.

- Bố trí và tổ chức điểm tiêm đảm bảo đủ các điều kiện tiêm chủng: nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện an toàn, trang thiết bị, phương tiện và vật tư tiêm chủng.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu và khu vực xử trí phản vệ.

- Thành lập Đội Cấp cứu: tiếp nhận và xử trí phản vệ tại đơn vị và sẵn sàng hỗ trợ cho các điểm tiêm theo phân công.

- Báo cáo ngày, báo cáo kết thúc đợt tiêm và gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo quy định.

Trên đây là triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 5 năm 2021 (đợt 14, 15, 16 của Bộ Y tế). Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19 tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.

Xem thông tin chi tiết tai Kế hoạch số 151/KH-SYT ngày  08/08/2021 của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm Vắc xin phòng chống dịch tỉnh.   

Sở Y tế BRVT.