Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Dập dịch sốt xuất huyết, còn nhiều khó khăn

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn, khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác dập dịch SXH ở các địa bàn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những giải pháp hiệu quả phòng, chống SXH. Trong ảnh: Nhân viên TYT phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) phun hóa chất tại các ổ dịch.
Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những giải pháp hiệu quả phòng, chống SXH. Trong ảnh: Nhân viên TYT phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) phun hóa chất tại các ổ dịch.

Nỗ lực khống chế dịch

Sau khi ghi nhận gia đình bà Nguyễn Thị Dung, tổ 7, KP. Phú Thạnh, phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) có 2 người bị SXH, Trạm Y tế (TYT) phường nhanh chóng cử nhân viên y tế đến phun hóa chất xung quanh khu vực để xử lý ổ dịch. Lực lượng y tế còn đến từng hộ gia đình trong tổ 7 phát tờ rơi tuyên truyền, giải thích cặn kẽ và vận động người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH.

"Tôi có dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không tích trữ nước trong lu, ngủ màn, nhưng người nhà vẫn bị SXH. Việc được phun khử khuẩn diệt muỗi kịp thời giúp chúng tôi yên tâm hơn khi dịch SXH đang bùng phát", bà Dung chia sẻ.

Tương tự, TYT phường Mỹ Xuân cũng vừa kịp thời xử lý 33 ổ dịch trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được phát hiện. Đến nay, phường Mỹ Xuân ghi nhận nhiều trường hợp mắc SXH nhất TX.Phú Mỹ, với 142 ca. Do địa bàn có dân số đông, nhiều KCN nên tình trạng di biến động dân cư diễn ra mạnh mẽ, khiến dịch SXH dễ lây lan.

"Ngoài phun khử khuẩn tại các ổ dịch, chúng tôi còn thực hiện phát thanh tuyên truyền phòng, chống SXH đến tận khu phố, thôn ấp, tổ dân cư. Đồng thời, giám sát các ca bệnh, vận động các hộ gia đình diệt lăng quăng", ông Nguyễn Văn Trung, Thư ký Chương trình SXH của phường Mỹ Xuân cho hay.

Người dân còn chủ quan

Ngoài 2 địa phương trên, hiện một số nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng đang có nguy cơ bùng dịch cao như: xã Long Sơn, các phường 10, 11, 12 (TP. Vũng Tàu); TT. Ngãi Giao, xã Cù Bị (huyện Châu Đức); khu 9, 10 (huyện Côn Đảo). Chính quyền các địa phương thời gian qua đã quyết liệt, tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch SXH, song công tác dập dịch vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Theo ông Lâm Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, địa bàn phường rộng, dân cư đến tạm trú đông, di biến động nhiều, nhà trọ được xây dựng không bảo đảm vệ sinh gây phát sinh dịch bệnh. Trên địa bàn phường còn có một số dự án chưa triển khai, khiến cây cối, ao hồ xuất hiện nhiều, là nơi dễ phát sinh dịch bệnh. Phường cũng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch SXH đến người dân, nhưng một số trường hợp còn chủ quan, lơ là và chưa chủ động diệt lăng quăng.

"Đây là những khó khăn rất lớn cho công tác giám sát, quản lý, xử lý ổ dịch SXH. Mong rằng mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần tự giác phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Sơn nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến ngày 19/7, toàn tỉnh ghi nhận 6.062 ca SXH (tăng 7,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó 78 ca nặng. Tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong do SXH. Theo dự báo của Sở Y tế, dịch SXH còn diễn biến phức tạp từ tháng 6 đến tháng 10 và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Bà Trần Vũ Phương Thảo, cán bộ chuyên trách SXH phường Mỹ Xuân cho hay, hiện vẫn còn có một bộ phận người dân thiếu tinh thần trách nhiệm và hợp tác với cơ quan chức năng trong xử lý môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, kinh phí của chương trình phòng, chống SXH chưa có, nên phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh trên địa bàn phường.

Theo Sở Y tế, những xã, phường có tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu quy hoạch chưa ổn định, các khu đất trống, bỏ hoang nhiều sẽ là nơi sinh sản và phát triển của muỗi. Những khu vực này rất khó xử lý lăng quăng vì không có chủ đất, hoặc chính quyền địa phương cũng chưa có phương án thu gom vật phế thải. Do vậy, để ngăn ngừa SXH, các đơn vị, địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm "Không có lăng quăng, không có SXH".

Sở Y tế kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động ngăn chặn ngay từ đầu, ngay từ ca bệnh đầu tiên, ổ dịch đầu tiên, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Các cấp chính quyền huy động ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có dịch và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống SXH, để dịch bệnh lây lan tại địa phương.

Nguồn:https://baobariavungtau.com.vn/