Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Số người nhiễm viêm gan siêu vi B vẫn ở mức cao

So với cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành có số người mắc viêm gan siêu vi B cao nhất và số điều trị cũng ngày càng tăng. Trong khi đó, điều trị căn bệnh này khó khăn và rất tốn kém.

Bệnh VGB có thể lây truyền từ mẹ sang con, do đó, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh này ngay sau khi sinh. Trong ảnh: Sản phụ và em bé tại Bệnh viện Bà Rịa. (Ảnh minh họa)

 

Biểu hiện bệnh không rõ ràng

Viêm gan B (VGB) gây ra những tổn thương cho gan, nhưng những triệu chứng ban đầu của bệnh không rõ ràng, nên bệnh nhân thường chủ quan, không điều trị sớm, dẫn đến xơ gan, ung thư gan... Trường hợp của chị H.T.O., (xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) là một ví dụ. Biết mình bị nhiễm virut VGB cách đây 4 năm trong một lần xét nghiệm máu tại Bệnh viện Bà Rịa. Tuy nhiên, do chủ quan và điều kiện gia đình khó khăn nên chị O. không thường xuyên đi khám để điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đến khi chị bị chướng bụng, vàng da, ăn không tiêu, tiểu tiện khó khăn, thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan.

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh VGB không gây ra những triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh chỉ phát hiện sớm do tình cờ đi xét nghiệm máu. Có trường hợp đi hiến máu nhân đạo thì phát hiện mình bị VGB. Do ít được phát hiện sớm nên phần lớn bệnh nhân điều trị VGB thường đã vào giai đoạn muộn dẫn đến xơ gan, ung thư gan..., khiến cho việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Mặc dù đã có vắc xin phòng ngừa nhưng số lượng người bị VGB vẫn gia tăng và người mắc chiếm tỷ lệ khá cao.

Thống kê của Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Lê Lợi cho thấy, nếu như năm 2012, mỗi bệnh viện có khoảng 1.200 bệnh nhân bị nhiễm vi rút VGB đến khám và điều trị thì đến năm 2013, số bệnh nhân VGB đến khám và điều trị đã tăng lên hơn 2.000 bệnh nhân và năm 2014 là hơn 3.500 bệnh nhân.

Bác sĩ Thảo cho biết, VGB cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm. Khi chuyển sang giai đoạn VGB mạn tính, người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị VGB mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư. Khi bệnh đã diễn tiến xơ gan thường khó hồi phục, mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy, cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan.

Phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin

Vi rút VGB lây truyền chủ yếu qua đường máu, tình dục và mẹ truyền sang con. Vi rút này có thể ủ bệnh trong cơ thể người bị nhiễm suốt đời, nhưng cũng có thể phát triển thành bệnh trong người và lây truyền cho người khác. Theo bác sĩ Thảo, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc kiểm soát bệnh VGB, từ chẩn đoán sớm đến xử trí và theo dõi trong quá trình điều trị. Do đó, người bị nhiễm vi rút VGB cần thường xuyên đi xét nghiệm đo lường số lượng kháng nguyên bề mặt của vi rút VGB để có liệu trình điều trị phù hợp. Hiện nay do việc xét nghiệm mất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc, nên nhiều người bệnh bỏ qua khâu này, khiến cho bệnh không được kiểm soát tốt.

"Tiêm vắc-xin VGB là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Bất cứ người nào cũng nên đi chích ngừa vắc xin này, đặc biệt là với những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như n hân viên y tế, người chăm sóc trong trại dưỡng lão, người có nhiều bạn tình... Phòng ngừa bằng vắc xin đạt hiệu quả nhất là tiêm ngừa ngay cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm mũi thứ hai sau 1 tháng và mũi thứ ba sau 6 tháng" - bác sĩ Phạm Trung Thảo khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH THIÊN