Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Đưa Methadone vào điều trị tại các trung tâm cai nghiện: Một giải pháp hạn chế tái nghiện

Các cơ quan có liên quan vừa có cuộc họp nhằm tìm giải pháp phù hợp nhất cho việc giảm tỷ lệ tái nghiện sau cai cho các đối tượng. Phương án lồng ghép điều trị thay thế bằng Methadone cho các đối tượng được quản lý tại Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh được ủng hộ.

Người cai nghiện uống Methadone tại Trung tâm điều trị cai nghiện bằng Methadone TP. Vũng Tàu.

 

Nghiện ma túy rất khó bỏ

N.M.Q., 32 tuổi (TP.Bà Rịa) đã tự nguyện tham gia điều trị Methadone tại Trung tâm điều trị Methadone huyện Long Điền sau nhiều lần cai nghiện ma túy bất thành. Q. nghiện ma túy hơn 10 năm. Lúc còn trẻ, do bạn bè rủ rê, cộng thêm bản tính háo thắng của tuổi mới lớn nên Q. đã bước chân vào con đường nghiện ngập. Mặc dù được gia đình khuyên bảo, thậm chí, cứ ra lại vào trung tâm cai nghiện nhiều lần, trải qua sự đau đớn, dằn vặt từ những lần cai nhưng Q. không thể từ bỏ ma túy. Sau khi cai nghiện về nhà, cứ có người rủ chơi ma túy, Q. luôn cồn cào, thèm thuồng, lý trí không thể khống chế hành động nên Q. đã sử dụng lại ma túy. "Tôi thấy rất ân hận, chỉ mong tìm được cách dứt khỏi chất độc chết người này. Nghe nhiều bạn bè giới thiệu sử dụng chất thay thế là Methadone rất hiệu quả trong việc cai nghiện ma túy, sau một thời gian sẽ không còn biểu hiện thèm các chất heroin nên tôi đã đến đăng ký điều trị. Hy vọng cách điều trị này sẽ giúp tôi sớm thoát khỏi cảnh nghiện ngập để có thể làm lại cuộc đời trước khi quá muộn".

Là người nghiện ma túy gần 20 năm, đối với anh N.V.T. (huyện Long Điền) việc từ bỏ là không thể. Anh T. cho biết, anh sử dụng ma túy từ những năm 1990. Sau đó, anh T. đã từ bỏ được ma túy sau khi được cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh trong khoảng thời gian khá dài. Năm 2000, anh T. tái nghiện do chuyện buồn gia đình và bị lôi kéo bởi bạn bè cũ. Anh T. khó khăn trong việc cai nghiện và giải pháp phù hợp nhất vẫn là điều trị thay thế lâu dài bằng Methadone để anh có cơ hội trở về với cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng phòng Y tế, Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh cho biết, các học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng đa phần đều tái nghiện. "Việc cắt cơn, tạo môi trường sinh hoạt cho các học viên điều trị tại trung tâm chỉ là liệu pháp tạm thời giúp họ quên đi cơn thèm ma túy. Nhưng khi tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện sẽ nhanh chóng quay trở lại khi tiếp xúc với môi trường có ma túy", BS Phi cho biết thêm.

Học viên trong giờ lao động tại Trung tâm Giáo dục - lao động và dạy nghề tỉnh.

 

Hướng đổi mới trong cai nghiện

Trước tình trạng tái nghiện ngày càng tăng, vừa qua, Sở LĐTBXH đã có cuộc họp nhằm lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan như Công an tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh… để cùng nhau thảo luận trao đổi ý kiến về việc lồng ghép hoặc chuyển đổi một phần điều trị Methadone tại Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh.

BS Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, việc điều trị nghiện ma túy bằng chất thay thế là Methadone được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2012, đến nay sau 3 năm thực hiện đã có những kết quả khả quan. Theo điều tra nghiên cứu, số người nghiện sử dụng Methadone để điều trị cai nghiện dưới 6 tháng không sử dụng lại các chất ma túy chiếm tỷ lệ 78,9%; trên 6 tháng 97,7%. Qua số liệu trên cho thấy, số lượng bệnh nhân sử dụng thuốc phiện, heroin ngày càng giảm nếu bệnh nhân duy trì điều trị bằng Methadone. Bệnh nhân sau khi tham gia điều trị Methadone sức khỏe phục hồi, tăng cân, tinh thần thoải mái, một số tìm được việc làm và sống có trách nhiệm hơn với bản thân cũng như gia đình. Do đó, việc đưa Methadone vào Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh cũng được xem là một phương pháp hiệu quả trong công tác cai nghiện. "Mặt khác, việc thực hiện điều trị cai nghiện bằng Methadone cũng giúp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh trong năm 2015 là 1.200 bệnh nhân, trong khi 6 tháng đầu năm chỉ tiếp nhận được 558 bệnh nhân", BS Hùng cho biết thêm.

Theo ông Vũ Bá Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, việc triển khai lồng ghép mô hình điều trị này tại Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh cũng nằm trong chủ trương thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020. "Hiện nay, trên cả nước đã có 3 địa phương triển khai thí điểm mô hình điều trị cai nghiện bằng Methadone là Hà Nội, Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện thuận lợi cho BR-VT trong việc học hỏi kinh nghiệm mô hình trên", ông Hoàng nói.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Phi, việc đưa Methadone vào trung tâm cai nghiện sẽ rất có ích khi có thể hạn chế được tình trạng tái nghiện. Do trong thời gian tập trung tại trung tâm, học viên sẽ quen dần với liều lượng Methadone để từ bỏ đi cảm giác thèm heroin. Bên cạnh đó, các đối tượng còn được học nghề, học văn hóa tại trung tâm, góp phần tích cực trong việc cai nghiện. Sau khi học viên hòa nhập cộng đồng, họ có thể mang hồ sơ đến trung tâm điều trị Methadone tại địa phương để tiếp tục được điều trị mà không cần phải mất thời gian đi cai nghiện nhiều lần, dần dần có thể từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Ông Trần Thiện Chí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề tỉnh cho biết, dựa theo tình hình nhân sự và cơ sở vật chất tại trung tâm có thể tiến hành mở thêm cơ sở điều trị Methadone tại đây. Việc này sẽ giúp làm giảm chi phí mở 1 cơ sở điều trị Methadone mới.

Tuy nhiên, trên thực tế theo Nghị định 96/2012/NĐ-CP và Thông tư 12/2013/TT-BYT có quy định các trung tâm giáo dục-lao động và dạy nghề không được bố trí điều trị cai nghiện bằng chất thay thế như Methadone. Trao đổi vấn đề này, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, sau khi tiến hành tham khảo ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan cộng thêm học hỏi các mô hình của tỉnh bạn về mặt thủ tục pháp lý cho việc lồng ghép điều trị Methadone tại Trung tâm Giáo dục-lao động và dạy nghề, từ đó Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh hướng xử lý và thành lập đề án để thực hiện phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo tiến hành rà soát để thực hiện mô hình này khi chỉ tiêu người nghiện sử dụng Methadone để điều trị cai nghiện quá ít. "Trước hết, Sở sẽ tiến hành điều tra, rà soát lại số lượng đối tượng học viên cai nghiện tại trung tâm cũng như dự báo số lượng học viên trong thời gian tới để có hướng triển khai đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Khi nào mô hình hoạt động có hiệu quả sẽ tiến đến chuyện mở rộng", bà Trang Đài cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

ÔNG VŨ BÁ HOÀNG, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI:

Có thể sử dụng 2 hình thức cai nghiện tại trung tâm

Do Methadone chỉ có tác dụng với người nghiện sử dụng các chất gây nghiện như thuốc phiện, heroin, cần sa… không sử dụng được đối với các chất ma túy tổng hợp. Nên khi đưa vào thực hiện mô hình, có thể dùng Methadone cho các học viên sử sụng heroin, thuốc phiện. Còn học viên sử dụng ma túy tổng hợp vẫn phải sử dụng theo cách cai nghiện cũ.

...................................................

ANH T.V.S. (HUYỆN LONG ĐIỀN):

Methadone giúp tôi làm lại cuộc đời

Sau 16 tháng điều trị cai nghiện bằng Methadone, giờ đây tôi đã không còn cảm giác nghiện heroin. Cuộc sống của tôi đã tươi sáng trở lại, mọi người trong gia đình đã có niềm tin hơn với tôi. Tôi có thể làm việc kiếm tiền chăm lo cho vợ con, bù đắp những tháng ngày khổ sở mà họ phải gánh chịu do tôi gây ra.