Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Bệnh quai bị - lành tính nhưng biến chứng nguy hiểm

So với thời điểm đầu năm, hiện nay số ca mắc bệnh quai bị trên địa bàn tỉnh đang có khuynh hướng gia tăng và lây lan nhanh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, tuy đây là bệnh không chết người, nhưng biến chứng của nó có thể gây vô sinh ở nam giới.

Một bệnh nhân 26 tuổi bị quai bị phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Bà Rịa do biến chứng viêm tinh hoàn.

 

Tập trung ở khu đô thị

Theo ghi nhận tại các cơ sở điều trị, số ca mắc bệnh quai bị gia tăng nhanh từ khoảng tháng 4. Đặc biệt, trong tháng 5, số ca quai bị trên địa bàn tỉnh đã lên đến 200 ca, tăng 57 ca so với tháng 4 và tăng 69 ca so với thời điểm tháng 3.

Các ca bệnh tập trung nhiều nhất ở khu vực đô thị, đặc biệt là TP. Vũng Tàu. Riêng tại Khoa Nhi Bệnh viện Lê Lợi, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 3 - 4 ca quai bị, chưa kể các trường hợp khám điều trị ở các phòng khám tư nhân trên địa bàn. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số ca mắc quai bị ghi nhận tại TP. Vũng Tàu trong tháng 5 là 162 ca, TP. Bà Rịa ghi nhận 25 ca, các huyện còn lại từ 2-5 ca. May mắn là đa số các ca bệnh đều ở dạng nhẹ, bác sĩ kê đơn điều trị tại nhà.

Nguyên nhân khiến bệnh gia tăng ở khu vực đô thị là do quai bị dễ lây qua đường hô hấp (lây qua nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi) nên nơi càng tập trung đông dân cư thì khả năng lây lan bệnh càng cao. Một tuần sau khi lây bệnh quai bị, người bệnh mới thấy tuyến mang tai sưng và bệnh kéo dài 2 tuần kể từ khi sưng tuyến mang tai.

Biến chứng gây vô sinh

Theo bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa, quai bị là bệnh lành tính, có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày, nhưng những biến chứng của bệnh có thể gây vô sinh ở nam giới. Các ca quai bị phải điều trị nội trú tại khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa phần lớn là do biến chứng viêm tinh hoàn. Ở nam giới, cứ 10 người bị quai bị thì 2-3 người bị viêm tinh hoàn, thường gặp ở thanh thiếu niên đã dậy thì, hiếm gặp ở người chưa dậy thì hay trên 50 tuổi. Viêm tinh hoàn xuất hiện 7-10 ngày sau viêm tuyến mang tai (có thể xảy ra cùng lúc), đa số bị viêm tinh hoàn một bên, một số ít trường hợp bị viêm tinh hoàn hai bên. Khi bị viêm, tinh hoàn đau, sưng to và thường kèm theo sốt. Một phần ba số bệnh nhân bị viêm tinh hoàn sẽ bị teo tinh hoàn vào thời điểm 2-6 tháng sau đó, nguy cơ gây vô sinh rất cao.

Các gia đình nên lưu ý, nếu bé trai bị mắc bệnh quai bị, nên cho bé nằm thẳng để bìu được nâng lên. Trong tư thế nằm, tinh hoàn 2 bên sẽ được nâng và làm chỗ dựa nâng đỡ cho cả bìu; có thể sử dụng túi lạnh chườm vào vùng bìu để làm giảm cơn đau nhức. Những trường hợp quai bị biến chứng, trẻ có biểu hiện sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần nhập viện điều trị càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Phạm Trung Thảo cho biết, để phòng bệnh quai bị, người dân nên duy trì thói quen thường xuyên rửa tay với xà bông, bảo đảm vệ sinh cá nhân hàng ngày. Làm sạch đường hô hấp bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng. Hạn chế tới những nơi tập trung đông người. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục và nghỉ ngơi hợp lý. Khi bị mắc bệnh, người bệnh cần được cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc với người xung quanh trong khoảng 10 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai. Hiện nay, đã có vắc xin tiêm ngừa quai bị, do đó, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế có dịch vụ để được tiêm phòng bệnh.

Bài, ảnh: MINH THIÊN