Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Không xem nhẹ, lơ là với bệnh trầm cảm

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cuộc sống thường nhật hối hả, cạnh tranh; ô nhiễm môi trường tự nhiên và có cả "ô nhiễm" trong môi trường xã hội là những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật cũng có nhiều thay đổi, các bệnh liên quan đến hành vi, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng cao, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần cộng đồng mà Trầm cảm là một trong những bệnh có xu hướng ngày càng tăng và dễ bị bỏ qua.

Lao động liệu pháp giúp người bệnh nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: Bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang tham gia hoạt động
Lao động liệu pháp giúp người bệnh nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: Bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang tham gia hoạt động "lao động liệu pháp".

Bệnh trầm cảm là gì?

Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Người bệnh luôn luôn buồn rầu, giảm các thích thú trước đây; sút cân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm sự tập trung chú ý, giảm hoạt động; trường hợp nặng hơn người bệnh có ý tưởng bị tội lỗi, không xứng đáng và dẫn đến hành vi tự sát. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trở nên mạn tính; nếu trầm cảm nặng có thể dẫn tới suy kiệt và tử vong hoặc tử vong do tự sát.

Bệnh trầm cảm có biểu hiện như thế nào?

Người bệnh trầm cảm thường có các biểu hiện điển hình như: Giảm khí sắc, luôn thấy buồn chán, mất mọi quan tâm thích thú, nhìn xung quanh ảm đạm; thấy đau đớn, nặng nề trong lòng; hay bi quan, mất sự cố gắng trong lao động; Suy nghĩ chậm chạp, khó tập trung, giảm chú ý, giao tiếp kém linh hoạt, có thể có hoang tưởng tự buộc tội và các hoang tưởng khác dẫn đến tự sát; Mệt mỏi, giảm hoạt động, nằm ngồi một chỗ, không muốn tham gia bất kỳ công việc gì kể cả việc tự chăm sóc cá nhân; Người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, lo âu, thức sớm, chán ăn, đôi khi từ chối không ăn dẫn đến suy kiệt và tử vong…

Một trường hợp nghi ngờ bị trầm cảm thì các biểu hiện trên phải kéo dài ít nhất là 2 tuần.

Những ai có nguy cơ bị trầm cảm cao?

Đó là những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị trầm cảm; những người nghiện ma túy; những người phàn nàn thường xuyên và dai dẳng về cơ thể, về đau nhức, về bệnh tật; đặc biệt là những người bị căng thẳng tâm lý nặng nề và bất ngờ.

Mọi người cần làm gì để giúp đỡ bệnh nhân bị trầm cảm?

 Đối với gia đình: Gia đình có vai trò rất quan trọng. Cần phát hiện sớm những biểu hiện bất thường, những biểu hiện đã nêu trên đây để đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Mọi người cần phải động viên, an ủi, nâng đỡ người bệnh, cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

Đối với cán bộ y tế: cần kỹ càng, chu đáo trong thăm khám, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời; tránh bỏ sót nhất là các trường hợp nhẹ; hướng dẫn phục hồi chức năng tâm lý, xã hội cho người bệnh; khi điều trị ngoại trú thì phải cấp thuốc đúng kỳ hạn và đầy đủ cho người bệnh.

Đối với cộng đồng: mọi người không được kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; không coi thường, trêu chọc và ngược đãi người bệnh; đồng thời giúp đỡ người bệnh khi gặp khó khăn, tạo công ăn việc làm phù hợp cho họ.

Làm gì để phòng ngừa bệnh trầm cảm?

Để phòng ngừa bệnh trầm cảm chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh tâm thần, nghĩa là có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; ăn uống điều độ, đủ chất; luyện tập thể dục thể thao phù hợp, thường xuyên; có lối sống lành mạnh, quan hệ xã hội tốt, biết sống vì mọi người.

 Khi có những bất thường về giấc ngủ, ăn uống, mệt mỏi, giảm tập trung, không muốn làm việc, người lo âu, buồn chán thì nên đến gặp các thầy thuốc để được tư vấn hoặc phát hiện bệnh kịp thời.

Hiện nay chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng có mạng lưới bao phủ toàn tỉnh, xuống đến các trạm y tế và thôn ấp. Cần đưa những người có biểu hiện nghi ngờ đến các cơ sở y tế địa phương hoặc đến bệnh viện tâm thần của tỉnh tại ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Bs. NGUYỄN VĂN LÊN