Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Cẩn thận với các bài thuốc dân gian

Khi bị đau mắt đỏ, thay vì đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, đúng cách nhiều người đã tự ý chữa bệnh theo phương pháp dân gian như xông hơi mắt với lá trầu không, tinh dầu, làm cho bệnh càng nặng thêm, thậm chí có nguy cơ bị mù.

Nhiều người khi bị đau mắt đỏ thường sử dụng lá trầu không để chữa trị mà không lường trước được nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhiều người khi bị đau mắt đỏ thường sử dụng lá trầu không để chữa trị mà không lường trước được nguy hiểm có thể xảy ra.

Khi nhận thấy các triệu chứng của đau mắt đỏ như: mắt bị cộm, ghèn nhiều và ửng đỏ chị Trần Thị Hằng, ở chung cư số 217 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) đã nghe theo lời mách nước của một đồng nghiệp là vò nát lá trầu, trộn với muối bỏ vào nước nóng xông sẽ hết bệnh. Tuy nhiên, sau 2 ngày xông chị Hằng nhận thấy mắt ngày càng cộm rát rất khó chịu. Lúc này, chị Hằng phải khám tại Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh. Sau khi khám và xem xét tình trạng mắt, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh cho biết, do ảnh hưởng của việc xông lá trầu không (lá này có tính cay nóng) cộng với hơi muối trong khi mắt đang vị viêm nhiễm nên càng bị viêm nặng và hỏng giác mạc, phù mạch máu ở dưới mắt. Nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ bị mù. "May là chị mới xông 2 ngày, nếu không sớm tới bệnh viện thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bị đau mắt đỏ nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa để họ điều trị cho mình sao cho đúng bệnh, dùng đúng thuốc, tránh tình trạng mua thuốc tự điều trị hay điều trị bằng các phương pháp dân gian", chị Hằng rút kinh nghiệm.

Theo chị Hằng, trong số những người tới khám do biến chứng đau mắt đỏ là những người không đi khám mà tự ý mua thuốc về nhỏ hoặc dùng các biện pháp dân gian như xông các loại như: muối, lá trầu không, tinh dầu, lá tre, lá dâu… chữa mãi không khỏi mới đến gặp bác sĩ thì bệnh đã khá nặng. Thực tế cho thấy, các phương pháp này trong một số trường hợp người bệnh có cảm thấy dễ chịu đôi chút nhưng không hề làm bệnh mau khỏi. Còn một số bệnh nhân khác xông lá có thể gây bỏng mắt, trợt giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc và sưng nề hơn sau khi xông lá.

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, thuốc điều trị đau mắt đỏ có rất nhiều loại. Nhưng không phải thuốc nào cũng có thể tra vào mắt, nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc có thể gặp phải những loại thuốc chống chỉ định, từ đó dẫn đến những hậu quả khó lường, có người bị giảm cơ quan thị giác, thậm chí bị mù do điều trị không đúng cách. Vì vậy, nhận thấy dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới các phòng khám để được các bác sĩ tư vấn cách chữa trị. Đồng thời, không tự ý mua thuốc về nhỏ và xông hoặc đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...

Bài, ảnh: AN NHẬT

;