Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Cai nghiện ma túy tại cộng đồng: 5 năm vẫn chờ hướng dẫn

Mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng được coi là giải pháp giúp giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 94/2010/NÐ-CP của Chính phủ quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng có hiệu lực, BR-VT vẫn chưa triển khai được.

Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm cai nghiện bằng Methadone TP.Vũng Tàu.
Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm cai nghiện bằng Methadone TP.Vũng Tàu.

Thiếu nhân lực thực hiện

Theo báo cáo của UBND tỉnh gửi Bộ LĐTBXH, nguyên nhân của việc chưa thể triển khai mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thời gian qua là do tỉnh có khó khăn về nhân lực. Việc thành lập các tổ công tác thực hiện cai nghiện, bố trí y, bác sĩ chuyên khoa, các cơ sở y tế điều trị cắt cơn riêng chưa đáp ứng được yêu cầu quy định trong Nghị định 94. Nguyên nhân là do toàn tỉnh phải tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thí điểm điều trị cai nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền. Bên cạnh đó, do e ngại bị kỳ thị từ cộng đồng nên rất ít người tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện.

Trước đây, BR-VT từng triển khai mô hình cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng nhưng không mấy thành công, tỷ lệ tái nghiện cao. Tỉnh cũng đã từng có một số cơ sở cai nghiện tư nhân, nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến nay hầu như không còn hoạt động.

Trước thực trạng đó, nhằm tháo gỡ khó khăn khi triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch thực hiện đề án đổi mới cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, năm 2015, tỉnh sẽ thực hiện nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 43,73% hiện nay lên 70%, trong đó, giảm dần tỷ lệ điều trị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm đối với người nghiện có hộ khẩu tỉnh BR-VT xuống còn 20%. Đồng thời, trong năm 2015, BR-VT sẽ thí điểm thành lập các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện tự nguyện và quản lý sau cai tại cộng đồng ở các trạm y tế xã, phường tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Long Điền, huyện Tân Thành. Tuy nhiên, đến nay các chỉ tiêu trên và kể cả các điểm tư vấn thí điểm tại các trạm y tế xã, phường vẫn chưa thực hiện được và chưa có bất cứ trường hợp nào được hỗ trợ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.

Học viên tham gia lao động tại Trung tâm Giáo lục lao động và Dạy nghề tỉnh.
Học viên tham gia lao động tại Trung tâm Giáo lục lao động và Dạy nghề tỉnh.

Một số khâu chưa có hướng dẫn

Qua trao đổi với một số sở, ngành liên quan cho thấy, tình trạng thiếu phối hợp chặt chẽ, thiếu văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương về cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng đã phần nào ảnh hưởng đến sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện tại BR-VT. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, để thực hiện điều trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cần sự phối hợp giữa các ngành LĐTBXH, y tế, công an và các ban, ngành, đoàn thể cũng như cộng đồng. Đây là việc làm có nhiều vấn đề mới, quy trình phức tạp, các đơn vị chưa có kinh nghiệm, cộng thêm nguồn nhân lực, trang thiết bị, trình độ cán bộ chưa theo kịp nhu cầu thực tế nên việc triển khai gặp khó.

Bà Hương cho biết thêm, để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, tỉnh đã tổ chức đoàn cán bộ học tập kinh nghiệm ở tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, phối hợp với Tổ chuyên gia giúp việc cho Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm cùng Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (SCDI) tập huấn, hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" cho cán bộ trực tiếp tham gia mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Qua trao đổi về nhiệm vụ vai trò của ngành y tế trong việc cùng phối hợp triển khai mô hình, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về chẩn đoán và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện và ma túy tổng hợp dạng Amphetamine và cấp chứng chỉ tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 158 cán bộ trong và ngoài ngành. Sở Y tế cũng đã công bố danh sách 101 y, bác sĩ có đủ thẩm quyền xác nhận tình trạng nghiện ma túy theo quy định. Sở đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện được tiếp cận các chương trình điều trị nghiện, chương trình can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chương trình điều trị bằng thuốc ARV… tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các cơ sở điều trị Methadone.

Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh hiện là hơn 2.500 đối tượng; số đang cai nghiện tại Trung tâm giáo dục, lao động và dạy nghề tỉnh là 251, trong đó, 29 đối tượng cai nghiện tự nguyện.

Các nhiệm vụ còn lại, đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn nâng cấp, phát triển các cơ sở điều trị bằng Methadone thành cơ sở điều trị toàn diện, cơ sở cấp phát thuốc thay thế thành các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị tại cộng đồng nên Sở Y tế không có căn cứ thực hiện.

Ngoài những "lấn cấn" trong triển khai, nếu các gia đình có đối tượng nghiện và cộng đồng không mặn mà với công tác này thì sẽ khó lòng thực hiện. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động đối tượng tự nguyện tham gia dưới sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai (12) tuổi trở lên. Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm tự giác khai báo và đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với Chủ tịch UBND cấp xã...

Ngoài các cơ quan chuyên môn có liên quan (LĐTBXH, y tế, công an...) ở mỗi xã, phường triển khai phải thành lập tổ công tác gồm: Phó Chủ tịch UBND cấp xã (Tổ trưởng). Các thành viên gồm: cán bộ phụ trách LĐTBXH, công an, cán bộ y tế cấp xã; đại diện khu dân cư (tổ dân phố, trưởng thôn, xóm, ấp, bản), đại diện MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận; người có chuyên môn về y tế, về cai nghiện ma túy, người tự nguyện tham gia công tác cai nghiện.

 (Theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng)