Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Phòng, chống tác hại của hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa cho biết, trung bình mỗi ngày phòng nội trú của khoa luôn có khoảng 20 bệnh nhân lao; trong đó khá nhiều bệnh nhân nghiện thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. Bác sĩ Thảo cho biết thêm, việc tư vấn và hỗ trợ cho bệnh nhân từ bỏ thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn vì họ không thể tự giác, kể cả trong trạng thái bệnh nguy kịch.

Bác sĩ Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) tư vấn cho một bệnh nhân lao
từ bỏ thuốc lá.

Qua khảo sát từ các bệnh nhân lao, chúng tôi ghi nhận, dù đã được bác sĩ điều trị tư vấn về sự nguy hiểm của thuốc lá với bệnh tình của họ nhưng không phải ai cũng quyết tâm bỏ thuốc. Ông Phạm Vũ Phương, 66 tuổi ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền phát hiện bị bệnh lao khi đi khám tại Trung tâm y tế huyện. Bác sĩ đã khuyên bỏ thuốc nhưng ông Phương không thể. Cho đến khi bệnh trở nặng và phải nhập viện để điều trị, ông mới cai thuốc thành công. "Tôi hút thuốc lá từ năm 26 tuổi. Biết mình bị lao nhưng tôi vẫn không thể bỏ được thuốc lá, cho đến khi bệnh quá nặng và bác sĩ bảo hoặc bỏ thuốc hoặc sẽ không bao giờ chữa khỏi thì tôi có đủ quyết tâm!", ông Phương nói.

Theo bác sĩ Phạm Trung Thảo, không phải những người mắc bệnh lao không nhận thức được sức khỏe của họ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với khói thuốc lá. Nhưng đó là một thói quen khó bỏ, đặc biệt với những người đã trải qua hàng chục năm hút thuốc. Khi vào điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân không hút thuốc do quy định cấm của bệnh viện nhưng khi xuất viện, nhiều người lập tức tìm tới khói thuốc. Bệnh nhân đang điều trị lao nếu không từ bỏ thuốc lá sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng và khó điều trị. Thậm chí, bệnh nhân có thể tái phát lao nhiều lần, dẫn đến kháng trị.

Một nghiên cứu mới đây ở Đài Loan cho thấy, những người hút thuốc lá  có nguy cơ bị phát triển khuẩn lao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc lá. Sau khi phân tích những nhân tố liên quan như giới tính, tuổi tác, môi trường sống, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng đồ uống có cồn, tình trạng công việc…, những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc hút thuốc vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng khuẩn lao phát triển thành bệnh. Cụ thể, khi tiến hành so sánh về khả năng mắc lao ở những người hút thuốc và không hút thuốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đã từng hút thuốc có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 2,69 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc.

Các nhà khoa học cho rằng, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc lao do các hóa chất có trong thuốc lá tác động lên cơ thể làm suy giảm khả năng tiết dịch trên bề mặt của khí quản, làm suy giảm chức năng hô hấp và sự phát triển của các đại thực bào phổi, làm giảm khả năng tự hủy diệt các khối u của đại thực bào phổi là những chiến binh bảo vệ cơ thể.

Bài, ảnh: MINH THIÊN