Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển

Chiều 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại hội trường thảo luận về các văn kiện. Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu tham luận về chủ đề "Vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển".

 

Tham luận nhìn nhận qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá trong lĩnh vực y tế gồm: Đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, kịp thời hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn. Thực hiện đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Đột phá về cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình BHYT toàn dân

Năm 2012, sau 17 năm, Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư liên tịch điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cơ cấu thành giá. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, phiền hà. Bộ Y tế cũng là đơn vị đầu tiên có nhiều đơn vị sự nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp, trong đó xác định các đơn vị thực hiện cơ chế đó xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị.


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tham luận trong phiên họp chiều ngày 22/1, ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thực hiện kết luận 63 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị định 16 của Chính phủ, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, trong đó tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này sẽ được thực hiện vào quý I/2016.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia bảo hiểm y tế là bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế, đồng thời để thực hiện định hướng XHCN nhà nước dành ngân sách để ưu tiên cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ cho dân tộc thiểu số, người nông lâm ngư nghiệp, người có mức sống trung bình, người nghèo, người cận nghèo, người dân sống ở biển đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng tham mưu để ban hành các chính sách khuyến khích cho y tế tư nhân phát triển. Hiện nay trong cả nước có gần khoảng 200 bệnh viện tư nhân, đáp ứng nhu cầu đa dạng khám chữa bệnh của người dân; khuyến khích thực hiện kết hợp công- tư, tăng cường nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nghị quyết 93 của CHính phủ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư xây dựng bệnh viện, trang thiết bị, còn bệnh viện công thì đâu tư thương hiệu, nhân lực. Mô hình này đã được một số địa phương trong cả nước thực hiện, bước đầu có kết quả tốt.

Bộ Y tế cũng đã ký kết hai gói tín dụng với ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) và Vietinbank với gói tín dụng 58.000 tỷ đồng để tạo điều kiện cho các cơ sở y tế thực hiện tự chủ có thể vay vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Hình thức, các đơn vị tự chủ vay vốn ngân hàng thương mại đã được Bộ Y tế vận dụng cho 10 bệnh viện tuyến trung ương, giúp tăng nhanh số giường bệnh trọng thời gian ngắn, giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, ngành y tế đã thực hiện cải cách dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và cơ chế  một cửa ASEAN cho các dịch vụ như: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh, lĩnh vực gia dụng y tế...

Đột phá về đồng tư đồng bộ kết cấu hạ tầng y tế để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

Trong hơn 3 thập kỷ qua, cơ sở hạ tầng của ngành y tế chưa đáp ứng được nhu cầu, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân còn thấp. Năm 2012 mới đạt 22,5 giường bệnh/vạn dân, theo khuyến khích của Tổ chức y tế thế giới thì phải đạt ít nhất 39 giường bệnh /vạn dân. Vì thế tình trạng quá tải xảy ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đề nghị và đã được Quốc hội và Chính phủ bố trí trái phiếu Chính phủ. Từ năm 2008 đến nay, ngành Y tế đã được bố trí gần 55 ngàn tỉ để đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng trăm phòng khám đa khoa khu vực, bộ mặt cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa đã được thay đổi rõ rệt.

Thực hiện bố trí vốn đầu tư ngân sách tập trung, không dàn trải theo Chỉ thị 1792 của Chính phủ, ngành y tế đã huy động các nguồn vốn vay, kể cả ngân hàng thương mại nên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương như cơ sở hai BV K ở Tân Triều, cơ sở 2 BV Nội tiết TW, Tòa nhà 15 tầng BV Nhi TW, Trung Tâm Tim mạch BV Bạch Mai, Trung tâm ung bướu- BV Chợ Rẫy; BV Lão khoa TW, BV Da liễu TW, BV Nhiệt đới cơ sở 2, BV Thống Nhất, BVĐK TW Thái Nguyên, BV TW Huế...

Bộ Y tế đã trình và được Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư, xây dựng một số bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ nguồn vốn sở hữu của các doanh nghiệp, nhà nước đã được cổ phần hóa , xây dựng mới 5 bệnh viện có thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị và được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép vay vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật để xây dựng cơ sở 2 của BV Chợ Rẫy quy mô 1.000 giường bệnh, với thiết kế hiện đại. Như vậy, khoảng thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có một số bệnh viện được vận hành và thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp cho người Việt Nam đỡ phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Mặt khác, Bộ Y tế tranh thủ các nguồn vốn ODA, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ để xây dưng mới trong thời gian qua gần 1.000 trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia mới, bước đầu thí điểm xây dựng mô hình bác sĩ gia đình ở 8 tình, thành phố.

"Những đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đã nâng số giường bệnh lên đáng kể. Tính đến năm 2015, số giường bệnh thực kê đã tăng lên 31,4 giường bệnh. Tình trạng quá tải đã giảm rõ rêt ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối"- Bộ trưởng thông tin.

Đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế: Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại văcxin

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khoa học công nghệ y tế đã có bước đột phá, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được nhiều khoa học kỹ thuật công nghệ đạt trình độ khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắcxin cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA) đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để văcxin Việt Nam xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,.. năm 2015 thực hiện thành công ghép đa tạng; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước (như nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa,…).

Công tác y học cố truyền được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là châm cứu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước đã cử cán bộ y tế đến Việt Nam học kỹ thuật châm cứu. Hiện nay, chúng ta cũng đã mở hai trung tâm châm cứu tại Liên Bang Nga và Mehico.

Công tác nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu xuất khẩu đạt giá trị cao.

Công tác quan tâm phát triển nguồn nhân lực y tế cũng được chú trọng. Hiện nay số bác sĩ trên/vạn dân là 8 bác sĩ. Bên cạnh đó, ngành y tế đã và đang xây dựng chương trình đào tạo dược sĩ, nha sĩ, điều dưỡng... theo hướng hội nhập

Ngoài ba đột phá trên, ngành y tế đã và đang thực hiện đột phá thứ tư là "Đối mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh", trong đó thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, kể cả bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư trái phiếu Chính phủ và các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Chính phủ cho phép xem xét thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo Nghị quyết là một ngành tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.