Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Dịch vụ "sửa sắc đẹp": Nhiều cơ sở hoạt động không phép

Phun môi là kỹ thuật đi màu mực dưới da môi bằng đầu kim nhỏ. (Ảnh: internet)
Phun môi là kỹ thuật đi màu mực dưới da môi bằng đầu kim nhỏ.

Coi chừng tiền mất tật mang, "Tấm" biến thành "Cám".

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 cơ sở thẩm mỹ được Sở này cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đang có rất nhiều cơ sở làm đẹp sử dụng kỹ thuật xâm lấn da (thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế) như: xăm môi, mắt, thêu lông mày, làm hồng nhũ hoa… nhưng không có giấy phép.

SẴN SÀNG CHỊU ĐAU ĐỂ ĐẸP HƠN

Trong vai khách hàng, chúng tôi đến cơ sở thẩm mỹ H. tại phường 4, TP.Vũng Tàu. Những ngày cận Tết, khách đến làm đẹp vào ra tấp nập. Theo chỉ dẫn của nhân viên lễ tân, chúng tôi lên cầu thang dẫn đến một căn phòng có ghi là "phòng phun màu thẩm mỹ". Khác với vẻ ngoài im ắng, bên trong căn phòng, nhân viên đang tất bật thực hiện các dịch vụ phun, thêu lông mày, mí mắt, phun môi... cho khách hàng. Một nhân viên ra hiệu chúng tôi phải ngồi đợi đến lượt.

 Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được tư vấn phun xăm môi, nhân viên N. đang thêu lông mày cho khách đề nghị tôi kéo ghế lại gần để tư vấn. Chỉ mất mấy giây quan sát, N. đề nghị tôi tẩy môi (thâm) trước khi phun màu, giá cả hai dịch vụ khoảng 3 triệu đồng. Khi chúng tôi tỏ ý chê giá cao, N. giải thích: "Ở đây chúng em làm dịch vụ có phiếu bảo hành cho khách, cam đoan nếu không lên màu đẹp hoặc bị hư sẽ đền tiền". Chúng tôi hỏi thêm một số thông tin về mực phun nhưng cô cho biết đây là loại mực phun độc quyền của tiệm. Chúng tôi bày tỏ lo lắng sau khi phun môi sẽ bị sưng và đau thì N. trấn an: "Em ủ thuốc tê cho khách 30 phút trước khi phun nên sẽ không đau chút nào".

Trong lúc nghe tư vấn, chúng tôi quan sát N. và các nhân viên khác sử dụng thiết bị giống cây bút gắn đầu kim có mực và đi từng nét lên lông mày của khách. Thỉnh thoảng, N. lại dùng chai thuốc gây tê Lidocain (đây là loại thuốc gây tê được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ) xịt nhẹ lên lông mày đang phun của vị khách. Gần đó, một phụ nữ chừng 20 tuổi vừa mới được phun viền mí mắt đang bước xuống giường với vẻ mặt nhăn nhó, hai tay che mắt. Lại gần trò chuyện, cô gái bỏ tay xuống chỉ cho chúng tôi xem đôi mắt đỏ au và giàn giụa nước mắt. Cô gái cho biết đây là lần đầu tiên đi làm đẹp, dù chưa hết thuốc tê nhưng cô ấy vẫn cảm thấy rất đau. Thấy vậy một nhân viên quay sang giải thích: "Do mắt của chị nhạy cảm quá, làm thêm vài lần nữa sẽ quen thôi!".

Rời Thẩm mỹ viện H., chúng tôi đến Thẩm mỹ viện D. trên đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu, nữ nhân viên tên B. niềm nở giới thiệu với chúng tôi hàng loạt các dịch vụ tân trang nhan sắc. Đặc biệt, B. giới thiệu cho chúng tôi công nghệ phun màu độc đáo bằng mực của Hàn Quốc hoặc Mỹ, kim phun đi màu dưới da không gây đau và chảy máu. Tuy nhiên, B. cẩn thận dặn dò nếu phun xong, môi có nổi mụn nước thì phải uống thuốc!?

Tại TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa hiện nay không hiếm gặp những dịch vụ làm đẹp như kể trên. Những dịch vụ này có chung đặc điểm là sử dụng công nghệ phun để tạo màu cho mắt, lông mày, môi và một số bộ phận khác trên cơ thể… Theo tìm hiểu của phóng viên, công nghệ phun này thực chất là kỹ thuật có xâm lấn ở da, dùng máy có kim nhỏ, đưa chất tạo màu lên da và đường nét tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Một ca phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: Minh Thiên
Một ca phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ tại Bệnh viện Bà Rịa.

CẨN THẬN "TIỀN MẤT, TẬT MANG"

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Thanh tra Sở Y tế, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.  Các cơ sở spa (dịch vụ làm đẹp) không thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, nhưng nếu thực hiện dịch vụ làm đẹp có kỹ thuật xâm lấn thì vẫn phải đăng ký với Sở Y tế. Dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều cơ sở làm đẹp vẫn âm thầm sử dụng các dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế mà không đăng ký.

Việc các cơ sở làm đẹp tùy ý sử dụng các loại dịch vụ có xâm lấn tạo nên nhiều nguy cơ cho khách hàng. Trên thực tế, không ít người rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" khi sử dụng những dịch vụ làm đẹp kể trên. Chị M. ở chung cư 21 tầng, đường Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu là một "nạn nhân". Chị M. cho biết, sau khi phun môi tại một cơ sở thẩm mỹ gần nhà, môi trên của chị xuất hiện các mụn rộp, trông như bong bóng bên trong chứa nước, khiến chị không thể sinh hoạt bình thường... Sau một tuần mà môi vẫn không hết các vết rộp và sưng tấy nên chị phải đến khám bác sĩ da liễu để chữa trị. Sau đó, dù không còn bị sưng tấy nhưng môi chị lại bị xỉn màu, trông xấu hơn trước khi "làm đẹp".

Theo các bác sĩ, không chỉ gây ra sưng viêm, việc phun xăm môi, mắt, lông mày còn tiềm ẩn nguy cơ bị các loại bệnh: viêm gan B, HIV do nhân viên thực hiện không đúng kỹ thuật, dụng cụ không được khử trùng cẩn thận. Do đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, khi muốn chỉnh sửa nhan sắc, chị em phụ nữ cần lựa chọn cơ sở uy tín, được cấp phép hành nghề, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Bài ảnh: MINH THIÊN

DANH SÁCH CƠ SỞ THẨM MỸ ĐƯỢC CẤP PHÉP CỦA SỞ Y TẾ

1. Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (51 Đồ Chiểu, TP.Vũng Tàu).

2. Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Đông Phương (74 Nguyễn Hữu Thọ, TP.Bà Rịa).

3. Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ (166 Nguyễn Thanh Đằng, TP.Bà Rịa)

4. Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Tân Thành (thôn Quãng Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành)