Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Thuốc đông y sẽ thành "thuốc độc" nếu dùng sai cách

Cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc vì Mã tiền tại Bệnh viện Lê Lợi.
Ảnh: Thanh Hoài

Một số vị thuốc đông y như mã tiền, ô đầu, phụ tử... có độc tính khá mạnh nên quy trình sử dụng được Bộ Y tế quy định rất nghiêm ngặt. Song trên thực tế, những vị thuốc này vẫn đang được sử dụng tùy tiện trên thị trường, dẫn đến nhiều ca bị ngộ độc.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) cho biết, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc do mã tiền, trong đó có một người suýt chết khi uống thuốc bắc ngâm rượu có chứa mã tiền. Đây là điều đáng báo động cho thấy việc sử dụng thuốc đông y tùy tiện, không đúng cách.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết: Cây mã tiền có tên khoa học là Strychnos nux vomica L. Trong dân gian người ta thường ngâm hạt mã tiền với rượu để dùng làm thuốc chữa bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp, bệnh ngoài da... Tuy nhiên, hạt mã tiền có chứa strychnine độc tính cao. Người bị ngộ độc mã tiền có thể bị đau đầu, choáng váng, ói mửa, co cứng cơ, trường hợp nặng có thể ngưng thở do suy hô hấp, suy tim và tử vong. Ngay cả khi chỉ sử dụng hạt mã tiền ngâm rượu xoa bóp ngoài da (hạt không qua xử lý độc) nếu không tuân thủ liều lượng thích hợp, thì chất độc trong mã tiền cũng có thể ngấm qua da, dẫn đến ngộ độc.

Trong y học cổ truyền, khi sử dụng hạt mã tiền cần phải xử lý độc tố theo đúng quy trình để loại bỏ nguy cơ gây ngộ độc. Hạt mã tiền cũng được Bộ Y tế xếp vào danh mục những vị thuốc có độc tính cao, cần bảo quản riêng biệt, tuân thủ liều lượng sử dụng. Mặc dù vậy, trên thị trường hiện nay, tại nhiều nơi, mã tiền đang được bán và cắt trong các thang thuốc đông y trị bệnh một cách dễ dàng, tùy tiện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, ngoài mã tiền, còn có khá nhiều vị thuốc đông y tác dụng chữa bệnh tương tự cũng chứa độc tính như ô đầu, phụ tử... Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng cách, những vị thuốc trị bệnh sẽ biến thành "thuốc độc". Thuốc đông y có rất nhiều nguồn gốc: động vật, thực vật, khoáng vị..., một bài thuốc có thể chứa rất nhiều vị thuốc khác nhau, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, cũng hoàn toàn có thể bị ngộ độc.

Hiện nay, nhiều cơ sở Đông y chưa được cấp phép nhưng vẫn bán thuốc; ngoài ra thuốc đông y còn được bày bán ở chợ, bán dạo hè phố. Người bán không đủ kiến thức, bán thuốc kém chất lượng, thậm chí lạm dụng việc kết hợp với một số loại thuốc tây y nghiền thành bột, làm viên hoàn... gây ra những tác hại sức khỏe khôn lường cho người dùng.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người bệnh nên tránh xa các loại thuốc đông y "trôi nổi" trên thị trường hoặc lấy thuốc từ các cơ sở đông y chưa được cấp phép; khi muốn điều trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền cần đến các cơ sở đông y tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở hành nghề tư nhân được cấp phép của cơ quan chức năng để được bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn thuốc đúng liều lượng và quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc cấp giấy chứng nhận những bài thuốc gia truyền để kiểm soát chất lượng, do đó nếu sử dụng thuốc gia truyền, người dân nên sử dụng các bài thuốc đã được Bộ Y tế chứng nhận.

MINH THIÊN

Trong 19 vị thuốc Đông y được xác định có độc tính, là những vị thuốc vốn quen dùng trong dân gian gồm: mộc thông, phụ tử, ô đầu, tế tân, mã tiền, quảng phòng kỳ, cam toại, ba đậu, thần sa, hùng hoàng, bằng sa, thương lục, đại kích, mã đậu linh, thiên nam tinh, cà độc dược (dương kim hoa), chu sa, xạ hương, vòi voi.

Mã Tiền
Mã Tiền