Thông tin Y tế Thông tin Y tế
Thông tuyến bảo hiểm y tế: Cần kiểm soát sự dịch chuyển bệnh nhân

 

Bệnh nhân chờ khám tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.
Bệnh nhân chờ khám tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.

Theo quy định thông tuyến về bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh có thẻ BHYT có thể đến thẳng (không cần chuyển tuyến) trung tâm y tế, hoặc phòng khám đa khoa, trạm y tế mà vẫn được bảo hiểm thanh toán. Sau hơn 3 tháng thực hiện, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh đã đặt ra những khó khăn cho ngành y, đặc biệt là kiểm soát sự dịch chuyển của bệnh nhân giữa các tuyến.

NGƯỜI DÂN THUẬN LỢI HƠN KHI KHÁM CHỮA BỆNH

Tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc, quý I-2016, có 41.500 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số đó, có tới 8.750 bệnh nhân (chiếm 20% trên tổng số lượt KCB) đăng ký BHYT ban đầu tại các tuyến xã lên khám. Bác sĩ Hồ Văn Hải, Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc cho biết, việc thông tuyến BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho người KCB tại tuyến xã có thể lên thẳng tuyến huyện để KCB mà không cần phải làm giấy chuyển tuyến. Khi được thông tuyến trên cùng một địa bàn, người có thẻ BHYT sẽ chọn nơi KCB có điều kiện hơn. Do đó lượt bệnh nhân di chuyển từ tuyến xã lên tuyến huyện tăng, làm cho Trung tâm y tế huyện vốn đã quá tải nay càng thêm quá tải.

Tại khu khám chữa bệnh của TTYT huyện Xuyên Mộc, nhiều bệnh nhân cho biết, sở dĩ họ lên thẳng tuyến huyện vì điều kiện KCB ở tuyến huyện tốt hơn tuyến xã. Bà Nguyễn Thị Như, sinh năm 1955 nói: "Tôi có thẻ BHYT KCB ban đầu tại trạm y tế, nhưng tôi vẫn thường lên thẳng TTYT huyện để khám. Một phần vì tôi thường lên chăm con gái nhà ở gần TTYT, nhưng cơ bản vì tôi thấy KCB ở TTYT huyện vẫn an tâm hơn. Trước đây, khi chưa thông tuyến, tôi phải quay về trạm y tế xã xin giấy chuyển viện, giờ có thể lên thẳng, đỡ phiền hà cho bệnh nhân rất nhiều".

Trong khi đó, cùng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, số lượt bệnh nhân đến khám BHYT tại các trạm y tế lại giảm 4.000 bệnh nhân (20%) so với cùng kỳ năm 2015, đặc biệt là tại các trạm y tế ở gần TTYT huyện Xuyên Mộc. Ngược lại, những trạm y tế ở cách xa TTYT huyện (từ 10km trở lên) có điều kiện trang bị tốt hơn thì lại tăng số lượt bệnh nhân đến khám. Chẳng hạn, Trạm y tế xã Hòa Hội có 1.479 lượt bệnh nhân đến khám trong 3 tháng đầu năm, tăng 102 bệnh nhân so với cùng kỳ; Trạm y tế xã Bình Châu tăng đến 200% lượt bệnh nhân đến khám BHYT so với cùng kỳ.

Số lượng bệnh nhân đến KCB BHYT tăng cao nhất sau khi thông tuyến KCB BHYT phải kể đến là các phòng khám đa khoa tư nhân. Chẳng hạn, tại Phòng khám đa khoa Việt Tâm (huyện Tân Thành), trung bình phòng khám có khoảng 200 bệnh nhân/ngày, trong đó 50% là bệnh nhân KCB có thẻ BHYT. Kể từ khi thông tuyến số lượt bệnh nhân đến khám BHYT tăng khoảng 30%. Quý I-2016, phòng khám có tới 4.333 bệnh nhân KCB bằng BHYT đăng ký KCB ban đầu từ các cơ sở KCB khác trong toàn huyện, trong khi số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại phòng khám chỉ có 1.853 người.

Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, số lượt KCB ở các phòng khám đa khoa tư nhân bình quân tăng 78,02%. Bên cạnh đó, chi phí KCB BHYT của các phòng khám cũng tăng khoảng 79,21% (so với cùng kỳ). Theo khảo sát ý kiến bệnh nhân, sở dĩ các phòng khám tư nhân thu hút họ đến KCB là do những cơ sở này có đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm, bệnh nhân được phục vụ tận tình, niềm nở khi đến KCB.

Khám bệnh cho bệnh nhân có BHYT tại phòng khám tai mũi họng Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.
Khám bệnh cho bệnh nhân có BHYT tại phòng khám tai mũi họng
Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.

CẦN KIỂM SOÁT KHI THÔNG TUYẾN

Hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau, dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng BHYT. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể đến khám một lúc 2-3 nơi, gây lãng phí từ việc làm các xét nghiệm cận lâm sàng và cấp phát thuốc...

Bác sĩ Hồ Văn Hải cho rằng: "Thời gian tới, ngành y tế, cơ quan BHYT cần phải triển khai thực hiện phần mềm liên thông ở cơ sở KCB giữa các tuyến để quản lý toàn diện bệnh nhân có BHYT. Bệnh nhân khám ở bất kỳ cơ sở KCB nào đều được hệ thống phần mềm quản lý ghi nhận. Từ đó, khi bệnh nhân vừa khám ở trạm, rồi lên trung tâm để khám thêm lượt nữa thì chúng tôi cũng dễ dàng biết được. Hơn nữa, có phần mềm liên thông, trung tâm cũng thuận lợi khi thực hiện hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến dưới".

Ông Ninh Văn Phượng, Trưởng Phòng giám định BHYT, BHXH tỉnh cho biết, để có thể triển khai phần mềm quản lý dữ liệu KCB BHYT đồng bộ giữa tất cả các cơ sở y tế các tuyến trong tỉnh và trong cả nước cần có sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm, ngành y tế và các cơ sở KCB. Một khi đã triển khai được phần mềm quản lý liên thông tại tất cả các cơ sở KCB thì việc kiểm soát sự dịch chuyển bệnh nhân giữa các tuyến thuận lợi hơn rất nhiều, việc phát hiện bệnh nhân lạm dụng thẻ BHYT để KCB một lúc nhiều nơi trở nên rất dễ dàng.

Thông tư số 40/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB bệnh BHYT, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện (hoặc TTYT) được quyền KCB BHYT tại các cơ sở y tế trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, người bệnh có BHYT còn được quyền KCB tại phòng khám, bệnh viện tư nhân tương đương mà vẫn được thanh toán 100%.

Ngày 21-3-2016, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong chính sách BHYT, theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến tỉnh, Trung ương có thể đến bất cứ cơ sở y tế tuyến huyện nào cũng đều được coi là đúng tuyến và được hưởng 100% phạm vi được hưởng.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong quý I-2016, toàn tỉnh có 441.997 người đăng ký KCB BHYT. Trong đó, có 210.242 bệnh nhân KCB đúng nơi đăng ký ban đầu.


Bài, ảnh: MINH THIÊN