Có nên lăn kim làm đẹp?

Lăn kim là phương pháp điều trị trong những trường hợp da mặt bị lão hóa, rỗ do mụn chứ không phải là phương pháp dưỡng da.

 

"Chỉ sau liệu trình 3-5 lần, phương pháp lăn kim sẽ mang lại cho bạn làn da mịn màng, tươi trẻ" - đó là những lời quảng cáo có cánh, hấp dẫn nhiều chị em chạy theo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi thực hiện phương pháp làm đẹp da mặt này đã lâm cảnh tiền mất tật mang.

Với những công dụng được quảng cáo như trị tận gốc sẹo rỗ, sẹo thâm, nám sâu, tàn nhang, lỗ chân lông... bằng công nghệ của Thụy Sĩ, Hàn Quốc, nhiều chị em sẵn sàng chi số tiền lớn để lăn kim lên mặt với mong muốn có được một làn da như mơ ước.

Trên nhiều website và mạng xã hội, nhiều sản phẩm lăn kim được rao với giá cực mềm, chỉ khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, khá phù hợp với tâm lý "túi tiền eo hẹp" của chị em. Một diễn đàn về làm đẹp còn khẳng định chắc nịch: "Lăn kim là phương pháp làm đẹp "một bước" an toàn nhất thế giới, chỉ có lợi mà không hề gây hại". Nhiều phụ nữ vì tin lời quảng cáo này vô tình rước họa cho dàn da của mình: sau khi lăn kim, da mặt không những không đẹp mà còn bị bong tróc, đóng vảy, thậm chí còn có nguy cơ lên mụn nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá (Bệnh viện Da liễu TP.Hồ Chí Minh) cho biết, việc tái sử dụng kim nhiều lần hoặc sử dụng những chiếc kim có xuất xứ kém chất lượng đều ẩn chứa những nguy cơ biến chứng cao. Với kim được sử dụng nhiều lần, cộng với môi trường thực hiện không an toàn sẽ dẫn đến tình trạng da bị viêm, sưng tấy, dễ bong tróc kéo dài. "Người làm đẹp bằng lăn kim có thể bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường máu, nếu kim không được vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn bệnh viện. Với loại kim kém chất lượng, đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da mặt, làm da sạm đen sau khi lăn" - bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá cho hay.

Lăn kim là phương pháp điều trị trong những trường hợp da mặt bị lão hóa, rỗ do mụn chứ không phải là phương pháp dưỡng da mà nhiều chị em hay hiểu nhầm. Đây là quy trình kích thích tế bào da tăng trưởng, tái tạo tế bào da bị rỗ bằng hệ thống kim rất nhỏ và mạnh gây ra những tổn thương trên bề mặt da. Khi bề mặt da bị tổn thương, tế bào collagen được kích thích sản sinh ra những tế bào sợi để làm đầy những tổn thương trên bề mặt.

Phương pháp lăn kim là một kỹ thuật can thiệp trên cơ thể được chỉ định khá rộng rãi cho các trường hợp như: da sần sùi, lỗ chân lông rộng, da khô rát, điều trị sẹo rỗ sau mụn, sau thủy đậu... Tuy nhiên, các trường hợp sau được chống chỉ định lăn kim: da quá mỏng, gân xanh nổi quá nhiều, mao mạch hiện rõ; da đang bị viêm; da quá nhạy cảm và thiếu collagen; da bị chân nám sâu và lớp sừng quá dày; bệnh nhân dị ứng sản phẩm hỗ trợ lăn; da bị mụn viêm, mụn mủ, mụn bọc...

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá khuyến cáo: chị em không nên lạm dụng phương pháp này quá nhiều, càng không khuyến khích tự ý lăn kim ở nhà mà nên đến các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ, spa có bác sĩ uy tín. Trường hợp muốn lăn tại nhà thì buộc phải nắm rõ nguyên tắc: Kim lăn phải được vô trùng, đặt trong túi vô khuẩn và phải chỉ rõ phương thức vô khuẩn: đây là điều kiện bắt buộc, nếu nghi ngờ hoặc bao đóng gói bị rách, không nên sử dụng; không nên dùng lại kim đã lăn. Nên sử dụng kim lăn của nhà sản xuất có chứng chỉ CE với số đăng ký gồm bốn chữ số hoặc đăng ký với FDA.

Sau mỗi lần lăn kim, bạn cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 cho ít nhất 1 tuần đầu trong mọi thời điểm ra khỏi nhà để bảo vệ da. Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung độ ẩm và dưỡng chất để da tự sửa chữa, tái tạo đồng thời chống khô, cải thiện kết cấu da hiệu quả hơn.

Nguồn: baobaria-vungtau.com.vn