Phòng ngừa bệnh rối nhiễu tâm trí học sinh

 

Một buổi nói chuyện sức khỏe chuyên đề về rối loạn tâm trí học sinh tại Trường THPT Châu Thành, TP.Bà Rịa.

 

Rối nhiễu tâm trí (theo DSM-IV) là một hội chứng tâm lý, tâm thần gây ra sự đau khổ, bất lực về rối loạn chức năng làm gia tăng hành vi nguy hiểm, tự hủy hoại bản thân, hay nói cách khác là rối nhiễu tâm lý, tâm thần. Ở học sinh biểu hiện bệnh không chỉ là các rối loạn về tâm lý, tâm thần…, mà còn làm mất đi sự thoải mái, ảnh hưởng đến khả năng học tập, rèn luyện, thiếu khả năng hòa nhập với bạn bè, không thích ứng được với các đòi hỏi của cuộc sống ở trường, ở nhà và ngoài xã hội…

Các rối loạn tâm lý, tâm thần ở lứa tuổi này, theo bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD-10) gồm các rối loạn hoặc các bệnh lý: Chậm phát triển tâm thần; Các rối loạn về phát triển tâm lý; Các rối loạn hành vi-cảm xúc, thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguyên nhân rối nhiễu tâm lý học sinh 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những rối nhiễu tâm lý học sinh, nhưng có 2 dạng nguyên nhân chính: Một là do nhóm nguyên nhân nội sinh do những yếu tố di truyền; Hai là do các yếu tố ngoại sinh như những sang chất tâm lý; sức ép học tập, các kỳ thi (với lứa tuổi học sinh, thời gian học tập tại trường và thời gian nghỉ ngơi thư giãn phải luôn cân đối, nếu trẻ phải học tập quá nhiều, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ khiến trẻ nhanh chóng suy kiệt, chất lượng học tập giảm sút, xuất hiện những rối nhiễu tâm lý); người thân mất, xung đột gia đình, tai nạn...  đây là dạng nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất.

Bên cạnh đó, các tổn thương, bệnh lý như: U não, chấn thương sọ não hoặc các rối loạn chuyển hóa hoạt động của não bộ (bệnh lý nội tiết, tim mạch, chuyển hóa…) cũng có thể gây ra chứng rối nhiễu tâm lý.

Cách chăm sóc trẻ bị rối nhiễu tâm trí

Khi trẻ có những biểu hiện về các rối nhiễu tâm lý trước hết gia đình và những người thân gần gũi và chia sẻ với trẻ, theo dõi những diễn biến của các biểu hiện mà trẻ đang gặp phải, đưa trẻ đến các phòng tham vấn tâm lý, các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp. Gia đình cần tuân thủ các nguyên tắc khi tham vấn hay điều trị bệnh. Nhà trường, thầy cô giáo và bạn bè không xa lánh kỳ thị khi trẻ có biểu hiện về các rối nhiễu tâm lý mà ngược lại cần có thái độ quan tâm, giúp đỡ chia sẻ với trẻ. Gia đình, nhà trường, phòng tham vấn tâm lý nên tổ chức cuộc họp của tại nhà trường để thảo luận về vấn đề bệnh lý của học sinh, qua đó có đánh giá tổng quan nguyên nhân, có giải pháp phòng ngừa chung.

Các biện pháp phòng tránh tình trạng rối nhiễu tâm trí học sinh

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho gia đình, nhân viên y tế học đường những kiến thức cơ bản của một số bệnh rối loạn tâm lý, tâm thần thường gặp lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh Trung học cơ sở. Giáo dục những kiến thức cơ bản về tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học giới tính, cách hạn chế các sang chấn tâm lý đột ngột, mãnh liệt hoặc cường độ nhẹ nhưng kéo dài ở học sinh cho học sinh, gia đình, thầy cô giáo và xã hội. Đồng thời, phát hiện sớm những biểu hiện khác thường ở học sinh như: những ý nghĩ, tư duy chi tiết tỉ mỉ, ít tiếp xúc với bạn bè, người thân, học tập giảm sút… để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Giáo dục kiến thức và có biện pháp hạn chế mức thấp nhất hiện tượng học sinh tiếp xúc với các chất kích thích, gây nghiện như: Rượu, thuốc lá, ma túy và kể cả "nghiện" game. Tổ chức các buổi rèn luyện kỹ năng tham vấn, tư vấn cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Khi các em có vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần, cần giúp đỡ các em tháo gỡ những khó khăn. Nên thiết lập hộp thư để học sinh có thể phản hồi những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống gia đình, trong việc học tập, từ đó có thể phát hiện những học sinh có biểu hiện không bình thường về sức khỏe tâm lý, tâm thần, qua đó can thiệp kịp thời. Khi phát hiện những vấn đề hoặc mâu thuẫn bất thường trong tâm lý học sinh, cần kịp thời tham vấn tâm lý giúp các em vượt qua những cú sốc tâm lý, lấy lại cân bằng và hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Nguồn: http://t4gbrvt.org.vn/