Cẩn thận ăn nhầm nấm độc

Một cặp vợ chồng ở huyện Xuyên Mộc đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ăn phải nấm độc. 

Vừa qua, trên địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đã xảy ra hai trường hợp ngộ độc do ăn nấm tự nhiên mọc trên cây tràm. Bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng rất nguy cấp và phải truyền dịch, đặt nội khí quản, hồi sức tích cực mới qua cơn nguy kịch. Theo lời kể của anh Th. (bệnh nhân), trên đường đi làm rẫy về, vợ chồng anh Th. phát hiện một số nấm mọc trên thân cây tràm, cứ nghĩ đây là loại nấm tràm vẫn được nhiều người ăn, nên hái về xào và nấu canh. Sau khi ăn nấm, cả hai vợ chồng đều cảm thấy choáng váng, người nóng sốt nên đã gọi người thân đưa đến bệnh viện.

Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa.
Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa.

Nấm tràm là loại nấm mọc tự nhiên, được nhiều người ưa thích vì ngon, ăn có vị ngọt và giòn. Do đó, vào những tháng mùa mưa, nấm tràm được nhiều người tìm kiếm. Giá nấm được bán trên thị trường từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nấm tràm hình dạng khá đa dạng, tai màu tím nhạt, tròn, có cây tím thâm. Khi nấm mới nhú, búp tròn nhỏ nên còn được gọi là nấm búp. Nấm lớn có hình như cái ô màu tím đen. Vòng đời phát triển của nấp tràm chỉ trong vòng 1 tháng. Nói chung, nấm tràm bên ngoài có màu nâu tím, bên trong trắng mịn, hình dáng rất đẹp, vị đắng. Nấm tràm có thể chế biến nhiều món ăn ngon, dùng để nấu với rau tập tàng hoặc rau lang cùng với tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt...

Loại nấm tràm này thường mọc trên sườn các gò đồi hay ven các con suối, trên lớp lá mục dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn, nhưng phổ biến nhất là nấm mọc sau mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Do nấm mọc trong tự nhiên, người dân khai thác rất dễ nhầm giữa nấm độc hoặc nấm bị nhiễm độc tố. Để chắc chắn, người dân không hái hoặc mua thứ nấm mình không biết chắc; mỗi lần dùng không nên dùng nhiều loại lẫn lộn mà chỉ nấu một loại duy nhất. Trước khi xào nấu nấm, người dùng nên luộc sơ nấm để làm giảm bớt độc tính của nấm.

Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tuy số ca ngộ độc nấm rất ít xảy ra so với những loại ngộ độc thực phẩm khác, nhưng khi mắc phải thì tình trạng rất nguy kịch và nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ Linh khuyến cáo, khi ăn nấm không nên uống rượu vì một số loại nấm có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với thành phần trong rượu, gây ngộ độc. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không được ăn thử nấm lạ. Khi khai thác nấm trong tự nhiên, cần nắm rõ đặc điểm, nhận dạng để phân biệt nấm lành và nấm độc để chọn lựa loại nấm ăn được. Nếu bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, trước hết cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học); cho bệnh nhân uống than hoạt tính: liều 1 gam/kg trọng lượng cơ thể, cho bệnh nhân uống đủ nước, tốt nhất là dùng dung dịch Oresol, đồng thời nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Theo Cục An toàn thực phẩm, tính từ đầu năm 2015 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 56 người ngộ độc nấm, 52 người nhập viện và 4 người tử vong. Để phòng chống ngộ độc nấm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Tuyên truyền người dân "tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần". Các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân và cả ca bệnh nghi ngờ...