Sở Y tế Sở Y tế
Lịch sử phát triển ngành Lịch sử phát triển ngành
Lịch sử ngành Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu (1945 - 2006)

 

LỜI NÓI ĐẦU

Ngành y tế cách mạng Bà Rịa – Vũng Tàu được xây dựng và phát triển gắn với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngay sau khi giành được chính quyền tháng 8 năm 1945, các cơ sở y tế rất nhỏ bé ở Tỉnh lỵ Bà Rịa và Vũng Tàu được huy động phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, phần lớn các nhân viên y tế ở nhà thương và các cơ sở y tế ở Bà Rịa và Vũng Tàu đã thoát ly, xây dựng đội ngũ Quân – Dân y kháng chiến.

Được Khu 7 tăng cường cán bộ và phương tiện, Quân y viện số 3 đã được xây dựng tại căn cứ Xuyên – Phước – Cơ, vừa điều trị, vừa mở các lớp y tá, cứu thương, bổ sung cho các đơn vị chiến đấu và đưa về xây dựng cơ sở y tế ở huyện, xã, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phong trào ăn chín, uống sôi, vệ sinh phòng dịch được triển khai đến tận làng xã và được đông đảo nhân dân hưởng ứng, hình thành trong mỗi người dân ý thức tự chăm sóc sức khỏe của mình và góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đội ngũ cán bộ chuyên môn còn rất mỏng, phương tiện điều trị rất thiếu thốn, lực lượng Quân – Dân y đã tổ chức các đoàn y tế lưu động đến từng làng bản chăm lo công tác vệ sinh, phòng dịch, khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đây là một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của ngành Quân – Dân y trong kháng chiến chống Pháp.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc tây y, ngành Quân – Dân y Bà Rịa đã khai thác nguồn dược liệu tại chỗ, chế biến thuốc Nam, kết hợp Đông Tây y trong điều trị và đạt được nhiều thành tựu. Phong trào kết hợp Đông – Tây y trong điều trị bệnh tại Bà Rịa được Quân y vụ Khu 7 phát động nhân rộng trong tất cả các Quân y viện miền Đông Nam bộ với khẩu hiệu "Khoa học hóa đông y – địa phương hóa tây y".

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành Quân – Dân y Bà Rịa – Vũng Tàu phải xây dựng lại từ đầu, theo sự phát triển của phong trào cách mạng, từ đấu tranh chính trị chuyển lên đấu tranh vũ trang. Tiếp tục truyền thống tự lực, tự cường, tự mở lớp đào tạo cán bộ chuyên môn tại chỗ, kết hợp với gửi cán bộ về Miền đào tạo, đội ngũ cán bộ Quân – Dân y Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhanh chóng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang và chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai.

Giống như những khó khăn của thời kháng chiến chống Pháp, chiến trường miền Đông luôn thiếu gạo, thiếu thuốc, song trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường miền Đông nói chung, chiến trường Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng đặc biệt nhiều bom đạn, đối diện với đủ loại sắc lính: Mỹ, ngụy, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Triều Tiên, trong thế trận chiến tranh nhân dân, trong thế cài răng lược giữa ta và địch, không có ranh giới giữa tiền tuyến – hậu phương, vùng ta – vùng địch, người cán bộ Quân – Dân y cũng giống như người chiến sĩ trên tuyến đầu đánh Mỹ. Rất nhiều cán bộ Quân – Dân y đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Kế tục truyền thống kiên cường trong kháng chiến, từ sau ngày giải phóng hòan toàn miền Nam, những người chiến sĩ áo trắng đã bắt tay xây dựng lại ngành y tế trong giai đoạn cách mạng mới, với những khó khăn thử thách mới. Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát triển vượt bậc cả về cơ sở vật chất, phương tiện điều trị và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo tinh thần Chỉ thị số 16 ngày 17-10-1998 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử ngành; theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ nhân viên và chiến sĩ ngành Quân – Dân y, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nghiên cứu biên soạn lịch sử ngành y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn từ 1945 – 2006. Chủ trương này đã được đông đảo các nhân chứng đồng tình ủng hộ, cung cấp tư liệu, đóng góp ý kiến, giúp Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn hòan chỉnh bản thảo.

Mặc dù Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do năng lực hạn chế, và mặt khác, tư liệu lịch sử thất lạc nhiều do thời gian và chiến tranh, vì vậy, tập lịch sử ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra mắt lần này chắc chắn sẽ không tránh khỏi sai sót. Rất mong các nhân chứng lịch sử và bạn đọc đóng góp ý kiến xây dựng để sửa chữa trong lần tái bản.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chân thành cám ơn các nhân chứng lịch sử, cám ơn Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh đã tận tình giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tập Lịch sử ngành Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 1945-2006.

                                                                       TM. ĐẢNG UỶ – BAN GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ

                                                                       GIÁM ĐỐC

 

                                                                       Lê Thanh Dũng

 

------------------------------------------------------------------

 

Chương mở đầu

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, DÂN CƯ VÀ CƠ SỞ Y TẾ TẠI BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

1. Đặc điểm tự nhiên và dân cư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất thuộc miền Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam là biển Đông, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, và phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ngày 12-8-1991, gồm năm đơn vị hành chính: thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo (thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo) và các huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc (thuộc tỉnh Đồng Nai) với tổng diện tích là 2047 km2.

Ngày 2-6-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 45/CP chia huyện Châu Thành thành ba đơn vị hành chính là thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành. Ngày 9-12-2003, Nghị định 152/2003/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ chia huyện Long Đất thành hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Hiện nay, tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện. Diện tích đất sau khi điều chỉnh và kiểm kê lại[1] là 1.975,14 km2 phần đất liền, phần thềm lục địa Nam biển Đông do tỉnh quản lý là hơn 100.000 km2. Bà Rịa – Vũng Tàu có tiềm năng kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Theo Niên giám thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2004, toàn tỉnh có 908.233 người, trong đó có 23 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc Kinh chiếm 98%, các dân tộc khác chiếm 2% (khoảng 26.676 người). Chiếm số đông sau người Kinh là người Hoa (11.648 người), người dân tộc Châu Ro (8867 người). Ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Ngái, Mông, Cơ Ho, Bru, Vân Kiều, Lô Lô, Ê Đê, Rơ Mâm, Chăm, Khmer.

Năm 2005, toàn tỉnh có 931.539 người, trong đó, dân số thành phố Vũng Tàu là 260.655 người; thị xã Bà Rịa: 85.898 người; huyện Tân Thành: 107.294 người; huyện Châu Đức: 152.063 người; huyện Long Điền: 122.290 người; huyện Đất Đỏ: 63.700 người; huyện Xuyên Mộc: 134.510 người; huyện Côn Đảo: 5.129 người. Mật độ dân số cao nhất là thành phố Vũng Tàu: 1.742 người/km2; kế đó là huyện Long Điền: 1.5876 người/km2; thị xã Bà Rịa: 942 người/km2; huyện Châu Đức: 356 người/km2; huyện Đất Đỏ: 336 người/km2; huyện Tân Thành: 317 người/km2; huyện Xuyên Mộc: 210 người/km2; và thấp nhất là huyện Côn Đảo: 68 người/km2.

Địa hình Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều đồi núi, độ cao trung bình từ 100 đến 300m so với mực nước biển, có những ngọn núi tương đối cao, như núi An Hải (Côn Đảo): 577m, Mây Tàu (Xuyên Mộc): 534m, Núi Dinh (Bà Rịa): 504m, núi Thị Vãi (Tân Thành): 470m, Núi Lớn (Vũng Tàu): 245m, Núi Nhỏ (Vũng Tàu): 170m... Vùng rừng núi Bà Rịa – Vũng Tàu là căn cứ địa cách mạng, là nơi cung cấp nguồn dược liệu quý để điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Bờ biển của tỉnh dài trên 100km, với nhiều vũng, vịnh, có tiềm năng để xây dựng hải cảng, khai thác hải sản, du lịch, giao lưu và hội nhập trong khu vực. Là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Bộ và Nam Bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu có vị thế quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, là vùng đất có tiềm năng kinh tế và nhạy cảm về chính trị. Vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn tài nguyên phong phú, trong đó có nhiều dược liệu quý từ biển như rong biển, hải sâm, cá ngựa, rắn biển, gan cá ngừ, gan cá thu,… để chế biến dược phẩm.

 Sông ngòi trong tỉnh không có nhiều sông lớn và dài, chỉ có những sông suối nhỏ và trung bình, với ba hệ thống Sông Ray, sông Thị Vãi, Sông Dinh và các cửa sông rạch trên địa bàn Vũng Tàu – Cần Giờ, nơi hội tụ của ba nguồn nước lớn sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ về, tạo thế án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn. Ven các cửa sông, cửa biển là địa bàn sinh trưởng của rừng ngập mặn rộng lớn. Rừng ngập mặn (Rừng Sác) là căn cứ cách mạng đồng thời là những con đường giao liên nội tỉnh và liên tỉnh, chuyển giao tài liệu, vũ khí từ Trung ương vào miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung bộ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với vị trí cửa ngõ của miền Đông Nam Bộ, điều kiện thiên nhiên thuận lợi với nhiều tiềm năng kinh tế, đã và đang được Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu khơi dậy, phấn đấu sớm hội nhập và phát triển, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa – Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần tạo nên vùng đất năng động, có tốc độ phát triển nhanh ở miền Đông Nam Bộ.

Vùng đất Bà Rịa xưa là địa bàn người Việt đến cư ngụ sớm hơn so với những vùng khác ở Nam Bộ. Cuối thế kỷ XVII, người Việt đã vào lập nghiệp ở xứ này. Liên tục trong nhiều thế kỷ, những cư dân từ miền Trung đến vùng đất mới Bà Rịa – Vũng Tàu khai khẩn đất đai, cùng đồng bào các dân tộc bản địa dựng làng, lập ấp. Cuối thế kỷ XVIII, những đơn vị hành chính cơ sở của Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành. Do vị trí thuận lợi trong thông thương phát triển kinh tế và hoạt động quân sự, địa danh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên thay đổi rất nhiều lần. Năm 1698, vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc huyện Phước An, dinh Phiên Trấn. Năm 1837, nhà Nguyễn đặt phủ Phước Tuy (thuộc tỉnh Biên Hòa) gồm hai huyện Long Thành và Phước An.

Sau khi chiếm được sáu tỉnh Nam Bộ, năm 1865, thực dân Pháp chia toàn cõi Nam Kỳ thành 13 Sở Tham biện. Phủ Phước Tuy của nhà Nguyễn được gọi là Sở Tham biện Bà Rịa thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm 1876, thực dân Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành bốn tỉnh, Sở Tham biện Bà Rịa được chuyển thành tỉnh Bà Rịa. Năm 1887, thực dân Pháp chia tỉnh Bà Rịa thành hai tỉnh Bà Rịa và Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Ngày 1-5-1895, thực dân Pháp thành lập đô thị Cap Saint Jaques[2]. Năm 1899, tỉnh Bà Rịa được lập lại, bao gồm cả Vũng Tàu. Năm 1929, Vũng Tàu lại được tách thành một tỉnh mới có tên Cap Saint Jacques. Tháng 10-1956, chính quyền Sài Gòn cải tổ lại địa giới hành chính, nhập Vũng Tàu vào Bà Rịa, gọi theo tên phủ cũ của nhà Nguyễn là tỉnh Phước Tuy.

Tháng 8-1945, với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Bà Rịa và tỉnh Cấp (Cap Saint Jaques). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chính quyền cách mạng ở Bà Rịa và Vũng Tàu đã có hơn 10 lần thay đổi đơn vị hành chính. Tháng 12-1945 tỉnh Cấp được nhập vào Bà Rịa. Từ tháng 5-1951, tỉnh Bà Rịa và các huyện Long Thành, Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè được sáp nhập thành tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn (gọi tắt là tỉnh Bà-Chợ). Từ cuối năm 1954 đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hòa, Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1955: tỉnh Bà Rịa; năm 1963: tỉnh Bà – Biên; cuối năm 1963: tỉnh Bà Rịa; từ 1966-1967: tỉnh Long – Bà – Biên; tháng 10-1967: tỉnh Bà Rịa – Long Khánh; tháng 5 năm 1971: Phân khu Bà Rịa, tháng 8-1972: tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Ngày 8-4-1975, Vũng Tàu được tách riêng, trở thành thành phố trực thuộc Khu miền Đông.

Từ năm 1976, phần đất liền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay thuộc tỉnh Đồng Nai, huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5 năm 1979, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc vẫn trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Tháng 8 năm 1991, Quốc hội quyết định thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm địa giới các huyện, thành phố, thị xã, huyện như hiện nay.

Với địa hình phần lớn là rừng núi, Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây là địa bàn phát sinh bệnh sốt rét khá trầm trọng. Đôi khi, bệnh dịch tả hòanh hành, do việc vệ sinh phòng bệnh chưa được chính quyền trước đây chú trọng chỉ đạo. Mặt khác, rừng núi cũng là nơi cung cấp nguồn dược liệu chữa bệnh cho nhân dân. Xưa kia, Sách Đại Nam nhất thống chí chép về những thổ sản nổi tiếng của xứ Bà Rịa như sau:

"Dầu rái, nhựa trám, gỗ sao, gỗ thuận, gỗ sến, gỗ hòang đàn, gỗ trụ, tre vàng, trúc lồ ô, tre xanh, mây rồng, mây tàu, mây chằm; những sản vật ấy đều sẵn ở núi nằm các huyện, ích lợi rất nhiều.

"Vị thuốc: thổ sâm thoái cốt bổ   [3].

Hiện tại, Bà Rịa – Vũng Tàu có 2 khu rừng được bảo tồn là Vườn Quốc gia Côn Đảo và Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu chạy dài 15km sát bờ biển thuộc 4 xã Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu, Phước Thuận với diện tích hơn 7.000ha. Đây là loại rừng kín ẩm, luôn luôn giữ được màu xanh nhiệt đới duy nhất bên bờ biển Đông, có giá trị về nghiên cứu sinh thái rừng ở môi trường ven biển. Rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu có 200 loài thực vật thuộc 60 họ, trong đó có nhiều loại gỗ quý và cây thuốc. Các loại cây thuốc có nhiều ở rừng này là đỗ trọng, thục linh, hà thủ ô, đặc biệt là cây Hòang Đằng, được cán bộ chiến sĩ và nhân dân địa phương sử dụng phổ biến để điều trị bệnh sốt rét khá hiệu quả trong những năm kháng chiến.

Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích 5.998 ha phần rừng trên các đảo[4], chiếm 83% diện tích tự nhiên của quần đảo và 14.000 ha phần diện tích trên biển; ngoài ra còn có vùng đệm trên biển rộng 20.500 ha với 1.077 loài thực vật đã được định danh, đại diện cho các loài thực vật ở nhiều vùng trong cả nước, trong đó có nhiều loài gỗ quý và dược liệu. Một số loài cây thuốc quý có mật độ cao như Thiên niên kiện, Ngũ gia bì… Côn Đảo có loài Ngải rừng được những người tù chính trị sử dụng làm thuốc chữa được nhiều loại bệnh có hiệu quả.

2. Sự phát triển của y học cổ truyền ở Bà Rịa – Vũng Tàu trước năm 1945

Kể từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, nền y học Tây phương được đưa vào thay thế tổ chức y tế thời Nguyễn. Thực dân Pháp loại bỏ y học cổ truyền ra khỏi tổ chức y tế bảo hộ. Nhưng trên thực tế, tổ chức y tế của Pháp phát triển rất chậm[5], chỉ tập trung ở các đô thị nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị của chúng. Ngoài các nhà thương quân đội, tại các thành phố và Tỉnh lỵ, thực dân Pháp có xây dựng một số bệnh xá, nhà thương với qui mô nhỏ bé. Vì vậy cho nên việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là nông dân ở vùng nông thôn chủ yếu vẫn do y học cổ truyền của ta đảm nhiệm.

Nhiều ngôi chùa ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đồng thời là cơ sở bốc thuốc, chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trung tâm Phật giáo phát triển khá sớm ở miền Đông Nam bộ. Chùa Thiên Thai ở Long Điền là một trong những ngôi chùa được xây dựng khá sớm. Đầu thế kỷ XX, Sư tổ Huệ Đăng quê ở Bình Định[6], từng tham gia phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, bị thực dân Pháp khủng bố, ông lánh vào Bà Rịa tu hành, nhưng hòai niệm cứu nước và ý chí chống Pháp vẫn không nguôi. Ông xuất gia tu hành tại chùa Long Hòa Cổ Tự (Long Điền, năm 1900), trụ trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước (năm 1904), xây dựng Thiên Bửu Tháp (Cửu Liên Đài), chùa Thiên Thai ở Long Điền, tu hành, truyền đạo, nuôi chí cứu khổ, cứu nạn, cứu thế. Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu hội do sư tổ Huệ Đăng sáng lập (1935) tập hợp được nhiều tăng ni Phật tử yêu nước, sau này có nhiều người tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Long Hòa Cổ Tự, chùa Thiên Thai cũng là cơ sở bốc thuốc trị bệnh cứu người. Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường vào Nam sinh sống bằng nghề bốc thuốc đã từng lưu lại ngôi chùa này, đàm đạo với sư tổ Huệ Đăng về việc đạo, việc đời và nghề thuốc.

Cách chữa bệnh bằng bùa - ngãi khá phổ biến trước năm 1945. Ở các làng quê đều có những người chữa bệnh bằng bùa - ngãi (thường gọi là thầy ngãi). Điển hình cho phương thuốc này có thể kể Ông Trần ở Long Sơn. Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, một tín đồ đạo Tứ ân Hiếu Nghĩa cùng gia quyến từ vùng Bảy Núi (An Giang) về định cư tại Vũng Vằng, năm 1900 chuyển về Bà Trao – Núi Nứa (Long Sơn), sinh sống bằng nghề làm muối và chữa bệnh. Cách chữa trị của ông có chút kinh nghiệm dân gian, pha chút thần bí theo kiểu đạo giáo. Thuốc chữa bệnh của ông được chế từ ba bông vạn thọ phơi khô[7] với ba cây nhang bẻ làm năm khúc[8], sắc chung với lá bùa làm bằng giấy điều ghi bốn chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương" hòa với nước cúng trên bàn thờ, "trong uống, ngoài xoa bóp", vừa uống thuốc vừa tu niệm hàng ngày. Ông khuyên mọi người phải thường xuyên tu tâm tích đức thì chữa bệnh mới có hiệu quả. Dân gian lưu truyền, ông chữa khỏi bệnh thời khí và nhiều căn bệnh khác. Người xa gần về nhờ ông chữa bệnh rất đông. Ông trị bệnh giúp người, không lấy tiền, không nhận qua biếu. Nhiều người sau khi khỏi bệnh xin ở lại làm đệ tử phục vụ ông, góp sức khai phá vùng đất này. Ông đi về nhiều vùng quê ở Gò Công, Tân An truyền đạo và chữa bệnh. Nhân dân vùng Chợ Đệm (Tân An) rất tôn kính, gọi ông là Ông Đạo Lài. Những người lớn tuổi vùng Chợ Đệm (Tân An) kể lại, ông khuyên đồng bào dùng bông Lài (hoa Nhài) dâng cúng Phật trên bàn thờ, khi có bệnh thì lấy một bát nước mưa, dùng bông Lài đã dâng cúng ngâm vào bát nước uống trừ tà, trừ bệnh. Nhờ chữa khỏi bệnh cho dân, có người đã chở cả ghe gạo về Bà Trao – Núi Nứa lễ tạ. Ông Chín Lền, có tiệm thuốc Bắc lớn ở Chợ Đệm cũng sang tiệm, theo ông về Bà Trao – Núi Nứa hành đạo và bốc thuốc chữa bệnh cho dân[9].

Ở vùng Chợ Bến, Long Điền, Đất Đỏ, Hòa Long, Long Phước, cũng có nhiều thầy thuốc chữa bệnh bằng thuốc Nam theo phương thức cổ truyền, theo kinh nghiệm dân gian, gia truyền. Ông Võ Văn Dĩ (Ba Dĩ) ở làng An Ngãi, huyện Long Điền là một thầy thuốc có tiếng trong vùng, ông thường đi khắp rừng tìm cây thuốc và trị bệnh cho dân. Là người có uy tín trong vùng, năm 1945, ông được cử làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, tổ chức nhân dân trong xã đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông không giữ chức vụ gì ở xã mà vẫn tiếp tục chữa bệnh cho dân và cán bộ, du kích bằng những phương thuốc dân gian, truyền thống.

3. Những cơ sở y tế Bà Rịa – Vũng Tàu do người Pháp xây dựng trước năm 1930

Xưa kia, Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu là rừng rậm, dân cư thưa thớt, dân sống tập trung ở các làng chài ven biển và khu vực đồng bằng ven sông. Dân nghèo, chữa bệnh chủ yếu là bằng những bài thuốc dân gian, gia truyền.

Pháp chiếm Bà Rịa năm 1861, đến năm 1867 đặt làm Sở Tham biện (inspection) Bà Rịa, rồi đổi thành tỉnh Bà Rịa. Năm 1876 Pháp thành lập hạt Bà Rịa (Arrondisscment de Baria), đến năm 1889 đổi thành tỉnh Bà Rịa. Năm 1895, Pháp thành lập tỉnh Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).

Tại Bà Rịa, quân đội Pháp xây dựng một bệnh xá nằm ở triền dốc giữa núi Le và núi Dinh, hơi chếch về phía Tây, được thành lập vào cuối những năm 60, thế kỷ XIX để phục vụ cho binh lính và sĩ quan đồn trú[10].

Năm 1906, chính quyền Pháp xây dựng tại Tỉnh lỵ (Phước Lễ, nay là thị xã Bà Rịa) một Bệnh xá dành cho người "bản xứ", rất đơn sơ với vài y tá. Lúc đầu, mỗi tháng một lần, về sau mỗi tuần một lần, có bác sĩ của Quân y viện ở Vũng Tàu đến để khám bệnh, chủ yếu cho những nhân viên người Âu làm việc tại đây[11].

Năm 1922, tại Tỉnh lỵ Bà Rịa mới có một bệnh viện cho dân chúng được xây bằng gạch gồm 5 phòng (phòng khám bệnh, phòng thuốc, phòng băng bó vết thương, phòng hành chính, phòng bảo vệ). Tháng 12 năm 1926, kế hoạch xây dựng Bệnh viện Bà Rịa được chính thức phê duyệt; năm 1930 Bệnh viện Bà Rịa được xây dựng xong, gồm các khoa: Nội, Ngoại, Sản và một số phòng chuyên môn, với 129 giường bệnh, do một bác sĩ người Pháp điều hành, một thầy thuốc Việt Nam, một y tá trưởng phụ trách phòng thuốc, 4 cô đỡ trung cấp và 7 y tá. Cũng trong năm này, 3 nhà hộ sinh được thiết lập ở tại Tỉnh lỵ Bà Rịa, xã Phước Hải và thị trấn Đất Đỏ[12].

 Tại Vũng Tàu, năm 1880, viên hoa tiêu Anduzer xây dựng một cơ sở điều dưỡng đầu tiên nằm trong khuôn viên Khách sạn Grand (hiện nay là Khách sạn Tam Thắng). Sau đó, chính quyền thực dân mua lại, đổi tên thành Viện Điều dưỡng Vũng Tàu (Sanatorium du Cap Saint Jacques), đặt trực thuộc phủ Thống đốc Nam Kỳ. Cơ sở này chỉ điều dưỡng cho các nhân viên của chính quyền thuộc địa.

Năm 1895, quân đội Pháp xây dựng một Trạm cứu thương (Ambulance) gần khu vực trại lính ở Bến Đình (sau này, thời Mỹ - ngụy là Nhà thương Tê Liệt, ở số 240 Lê Lợi), đến năm 1900 được mở rộng thành Quân y viện (Ambulance Militaire). Quân y viện do một bác sĩ Quân y người Pháp phụ trách. Quân y viện này điều trị cho trại lính Pháp và cơ sở sửa chữa pháo binh của hải quân Pháp. Ban tham mưu Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 đóng tại Vũng Tàu cũng đăng ký điều trị cho quân nhân Pháp tại Quân y viện này.

Năm 1905, thực dân Pháp xây dựng Viện Hồi lực ở khu vực Bến Đình làm nơi an dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương phế binh Pháp. Viện Hồi lực sau đổi thành Phế binh An dưỡng đường Vũng Tàu với qui mô 100 giường bệnh.

Năm 1939, thực dân Pháp xây dựng một Bệnh xá tại Vũng Tàu dành cho dân chúng với 5 giường bệnh và một phòng hộ sinh trong khuôn viên bệnh viện ngày nay. Ban đầu trạm xá được xây dựng trên một diện tích 120m2 được chia làm 3 phòng: phòng khám, phòng cấp cứu, phòng sanh[13]. Đây là tiền thân của Bệnh viện Lê Lợi ngày nay.

Ngoài các đô thị, một số cơ sở y tế nhỏ được hình thành tại các sở cao su, tập trung ở khu vực Đông và Tây lộ 2. Từ năm 1908, thực dân Pháp lập đồn điền cao su đầu tiên trên địa bàn Bà Rịa tại Bình Ba. Tính đến năm 1930, đồn điền Bình Ba có 1.598 công nhân. Năm 1935, đồn điền Bình Ba phát triển thêm các phân xưởng Xà Bang, Xuân Sơn, Sông Cầu. Đồn điền Bình Ba có một trạm xá do một bác sĩ phụ trách, chủ yếu là chăm sóc sức khỏe cho chủ đồn điền người Pháp; mỗi phân sở có một y tá để phát thuốc sốt rét cho công nhân.

Ở Côn Đảo, từ năm 1862, thực dân Pháp đã thành lập nhà tù để làm nơi lưu đày những người Việt Nam yêu nước. Theo qui chế của nhà tù (qui chế 1873; qui chế năm 1889 và qui chế ngày 17-5-1916), tổ chức y tế nhà tù có Nhà Thương (điều trị cho gác ngục, công chức), Phòng khám bệnh và Trạm xá tù nhân (điều trị cho tù nhân). Nhưng do chính sách khủng bố và đàn áp hết sức tàn bạo, việc khám, cấp thuốc và chữa bệnh cho tù nhân chỉ là chiếu lệ. Trong nhiều trường hợp, việc chữa bệnh cho tù nhân phụ thuộc vào tình hình chính trị ở nước Pháp và Đông Dương, tình hình đấu tranh của tù chính trị và phụ thuộc vào lương tâm của từng thầy thuốc.

Tù nhân bị giam trong những khám tối tăm, ẩm thấp, chật chội, ăn ở thiếu vệ sinh, lao động khổ sai quá sức, đòn roi như cơm bữa khiến cho bệnh tật phát triển rất nhiều. Có những đợt khủng bố sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), hàng ngàn tù chính trị đã bị chết vì bệnh kiết lỵ và ghẻ hờm. Lúc đầu, bọn chúa ngục lấy hẳn một trại giam làm nhà thương (Banh II - còn gọi là Banh nhà thương); sau khi bệnh kiết lỵ phát triển, lây lan nhanh, chúng phải đưa những người bị bệnh ra cách ly tại Sở ruộng - gọi là "Bệnh xá kiết lỵ". Gọi là Bệnh xá, nhưng không có thầy thuốc, không có thuốc, không điều trị, mà chỉ là nơi tập trung bệnh nhân kiết lỵ chờ chết. Trung bình mỗi ngày có từ 15 đến 20 tù nhân chết trong những năm 1941-1942.

            Trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của nhà tù, Ban lãnh đạo tù chính trị các trại giam đã tổ chức nhiều hoạt động cứu tế tù nhân như lập tủ thuốc tù nhân, viết thư vận động thân nhân và những người có điều kiện gửi thuốc qua đường bưu điện, chọn những người biết chuyên môn y tế để phục vụ cho anh em và vận động nhà tù cho thành lập tổ thuốc Nam, bố trí những người biết điều trị bệnh bằng y học cổ truyền kiếm cây thuốc trên rừng về chữa bệnh.

Kể từ khi nền y học phương Tây xuất hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu, những người dân địa phương đã tiếp cận và từng bước áp dụng trong điều trị bệnh.

Phạm Hữu Chí là người địa phương đầu tiên theo học bác sĩ. Phạm Hữu Chí sinh ngày 25-3-1905, tại ấp Chợ Bến, làng Long Thạnh, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa, trong một gia đình hiếu học, có truyền thống làm nghề y, chữa bệnh cứu người. Ông nội là Phạm Văn Thuận, là nhà nho và danh y, bốc thuốc ở Chợ Bến. Bác ruột Phạm Hữu Chí là Phạm Văn Quyến, nối nghiệp cha bốc thuốc rất nổi tiếng, được bà con gọi là Thầy Hai chợ Bến. Anh ruột Phạm Hữu Chí là Phạm Hữu Hạnh, dược sĩ có nhà thuốc tư. Lúc nhỏ Phạm Hữu Chí đã nổi tiếng là "thần đồng". Năm 1922, Phạm Hữu Chí thi đậu vào trường Đại học Y – Dược Đông Dương, là học trò xuất sắc. Nhưng do đấu tranh với giáo sư người Pháp bạc đãi sinh viên, ông bị cảnh cáo, bị cắt học bổng, lưu ban. Năm 1925, ông ghi danh vào trường Đại học Y Paris và tháng 6-1935, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa xuất sắc. Trong kỳ thi tuyển y viện trưởng cho trường Đại học Y khoa Pháp, với điều kiện phải là dân Pháp (quốc tịch Pháp) mới được thi. Giáo sư Lenierre khuyên ông làm đơn xin gia nhập Quốc tịch Pháp, để được dự thi. Phạm Hữu Chí đã từ chối. Giáo sư Lenierre cảm phục tinh thần dân tộc của ông và tìm mọi cách vận động để ông được thi. Phạm Hữu Chí đã đỗ thủ khoa y viện trưởng, làm giảng viên tại Bệnh viện C. Bernard. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, được Tổng trưởng y tế Pháp thưởng huy chương đồng. Trong khi chuẩn bị thi thạc sĩ y khoa, thì bạn ông là bác sĩ Đặng Vũ Lạc, qua Pháp tìm ông và đề nghị hợp tác mở bệnh viện Henri Coppin tại Hà Nội. Ông trở về nước hợp tác với bác sĩ Đặng Vũ Lạc. Ông tận tụy cứu chữa người bệnh mà quên mình. Đến khi mắc bệnh nặng, ông vào Sài Gòn dưỡng bệnh, rồi mất ngày 25-2-1938 hưởng thọ 33 tuổi[14]. Do những thành tích xuất sắc trong y học, Phạm Hữu Chí đã được đặt tên cho một con tàu 3.100 tấn chạy tuyến Châu Âu - Viễn Đông. Tên ông đặt cho một Bệnh viện ở Biên Hòa, một bệnh viện ở Bà Rịa, một con đường tại Sài Gòn và một con đường tại tỉnh lỵ Bà Rịa.

Ở làng Long Điền có Nguyễn Văn Phải (tự Thanh Phong), đi du học bên Pháp, giác ngộ cách mạng sớm, được Đảng cộng sản Pháp cử đi học ở Đại học Phương Đông (Liên Xô, học cùng khóa với Dương Bạch Mai). Sau khi học xong, Nguyễn Văn Phải về quê, mở tiệm thuốc tây ở thị trấn Long Điền, bí mật hoạt động.

Ở làng An Ngãi (giáp thị trấn Long Điền) còn có một Nhà thương tư nhân của thày thuốc Tiến ở gần ngã tư bàu Ông Vân. Nơi ấy, dân trong làng gọi là xóm Nhà Thương.

Các nhà thương ở Bà Rịa, Vũng Tàu và các sở cao su có một số y tá, cứu thương phục vụ tại nhà thương công và các cơ sở điều trị tư nhân. Đây là nguồn nhân lực cung cấp nhân viên y tế cho chính quyền cách mạng và buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều lương y có kinh nghiệm chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng tham gia kháng chiến và trở thành những "chiến sĩ áo trắng" đầu tiên của nền y học cách mạng tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

 

Phần thứ nhất

XÂY DỰNG NỀN Y TẾ CÁCH MẠNG, ĐÁP ỨNG NHU CẦU CHĂM SÓC SỨC KHOẺ CỦA NHÂN DÂN VÀ PHỤC VỤ CUỘC KHÁNG CHIẾN

CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)

Chương I

GIÀNH CHÍNH QUYỀN TẠI BÀ RỊA VÀ VŨNG TÀU,

THÀNH LẬP NGÀNH Y TẾ CÁCH MẠNG, PHỤC VỤ NHÂN DÂN,

PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN (1945-1946)

1. Giành chính quyền ở Bà Rịa – Vũng Tàu, xây dựng tổ chức y tế phục vụ nhân dân

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có những người con vùng quê Long Điền, Đất Đỏ giác ngộ Chủ nghĩa Mác – Lênin như Dương Bạch Mai (quê ở làng Long Mỹ), và Nguyễn Văn Phải (quê ở làng Long Điền). Hai đồng chí có điều kiện hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, được Đảng Cộng sản Pháp kết nạp và cử đi học tại trường Đại học Cộng sản Phương Đông (Liên Xô). Sau khi học xong, Dương Bạch Mai về hoạt động tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Phải về mở tiệm thuốc Tây ở Long Điền sinh sống và bí mật hoạt động.

Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, phong trào đấu tranh ở nhiều địa phương trong cả nước đã dâng lên mạnh mẽ. Một số cán bộ đảng viên ở các tỉnh bị địch khủng bố đã chuyển vùng vào Bà Rịa và Vũng Tàu hoạt động, góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin và xây dựng tổ chức Đảng. Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tháng 2-1934, tại xã Phước Hải (Đất Đỏ), do Trần Văn Cừ làm Bí thư, đảng viên Nguyễn Văn Long, Hồ Tri Tân và Trần Thị Vân. Chi bộ giác ngộ và kết nạp nhiều đảng viên ở địa phương như Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường (ở Đất Đỏ), Trần Văn Hóa, Trần Bá Thiên (ở Phước Hải), Võ Văn Thiết, Trương Văn Tân, Lê Công Cẩn (ở Long Mỹ), Nguyễn Thị Sính (Sáu Mười Mẫu), Huỳnh Văn Sinh (ở Ngãi Giao),… Năm 1936, chi bộ Đảng ở Long Mỹ và chi bộ Liên sở Bình Ba – Xà Bang – Xuân Sơn được thành lập. Chi bộ Đảng lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng trong những năm 1936-1937.

 Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra (9-1939) và nhất là sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (11-1940), thực dân Pháp đàn áp quyết liệt phong trào cách mạng. Nhiều đảng viên bị bắt, bị tù, người phải chuyển vùng, người phải trốn vào rừng sống bất hợp pháp. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), nhiều cán bộ bị tù đày thoát ngục trở về, cùng các đảng viên bám trụ xây dựng lại phong trào. Chi bộ Bà Rịa được thành lập tại Long Mỹ (5-1945), đồng chí Võ Văn Thiết làm Bí thư, tập họp các đảng viên cũ như Nguyễn Văn Phải, Trương Văn Tân, Nguyễn Văn Lê, Hà Du, Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường… với chủ trương đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ giành chính quyền.

Thanh niên Tiền phong được tổ chức ở tất cả các làng trong toàn tỉnh, tập hợp thanh niên, phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi. Lực lượng thanh niên trí thức ở Bà Rịa và Vũng Tàu hăng hái tham gia truyền bá quốc ngữ, tuyên truyền văn nghệ, bài trừ cờ bạc, mê tín dị đoan và vận động tiêm thuốc phòng bệnh, phát thuốc chữa bệnh cho nhân dân khắp thành thị nông thôn, vận động mua gạo đem về cứu đói cho đồng bào các vùng mất mùa. Đội ngũ y tá, cứu thương ở các nhà thương Bà Rịa, Vũng Tàu là nòng cốt tham gia chương trình hướng dẫn vệ sinh, phòng dịch, sơ cứu và điều trị các bệnh thông thường trong nhân dân. Nhiều thanh niên nam nữ tình nguyện tham gia các đội y tế, cứu thương, được các nhân viên y tế huấn luyện kỹ thuật sơ cứu, cách sử dụng thuốc và phương pháp phòng ngừa bệnh tật để hướng dẫn và phục vụ đồng bào.

Ở khu vực Tỉnh lỵ Bà Rịa, thanh niên thường tập hợp ở Trạm y tế Phước Lễ (nay là Trung tâm thương mại thị xã Bà Rịa), tổ chức các hội đánh bóng bàn, thành lập nhóm biểu diễn văn nghệ, phát động phong trào truyền bá quốc ngữ, tổ chức và huấn luyện cho các nhóm tuyên truyền vệ sinh, phòng bệnh cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản, Thanh niên Tiền phong là đội quân chính trị, là lực lượng chủ lực tham gia giành chính quyền. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Trung ương Đảng quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã bầu ra Ủy Ban khởi nghĩa toàn quốc do Cụ Hồ Chí Minh đứng đầu.

Theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, Chi bộ Bà Rịa quyết định sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt, huy nhân dân tham gia giành chính quyền tại Bà Rịa vào sáng 25-8-1945; giành chính quyền tại Vũng Tàu ngày 28-8-1945. Sau khi giành được chính quyền, các nhà thương ở Bà Rịa và Vũng Tàu vẫn hoạt động bình thường dưới sự điều hành của chính quyền cách mạng.

2. Một số hoạt động của Ngành Y tế sau khi giành được chính quyền

Sau khi giành chính quyền, Ủy ban Hành chánh tỉnh Bà Rịa được thành lập. Ông Lê Văn Huề, một thông phán trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã nghỉ hưu trước đó được mời ra làm Chủ tịch; đồng chí Dương Văn Xá là Ủy trưởng quân sự; đồng chí Nguyễn Văn Phải là Ủy viên Kinh tế tài chính. Trụ sở Ủy ban Hành chánh tỉnh đóng tại Tỉnh lỵ Bà Rịa. Nhiều công chức cũ được trưng dụng phục vụ chính quyền mới. Tỉnh Bà Rịa gồm có tỉnh lỵ Bà Rịa và các quận Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch. Quận Cơ Trạch khi đó có các xã Bình Ba làng, Bình Ba xăng[15], Quảng Giao (nay là Xuân Sơn), Bàu Lâm, Xuyên Mộc, Cơ Trạch.

Tại Vũng Tàu (tỉnh Cấp), ông Lâm Văn Huê, công chức cũ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh; các ông Lê Thành Đồng là Phó Chủ tịch, Võ Ngọc Chấn là Ủy viên Tài chính; đồng chí Nguyễn Xuân Nhật (Chủ tịch Mặt trận Việt Minh) là Ủy trưởng Quân sự; đồng chí Hồ Sĩ Nam (Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh) là Ủy viên Tuyên truyền; đồng chí Lê Đình Y là Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc[16]. Vũng Tàu khi đó bao gồm cả địa bàn tổng Cần Giờ.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cấp (Cap Saint Jacques – Vũng Tàu) đã triển khai những nhiệm vụ cấp bách của cả nước khi đó là: chống giặc đói, chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cán bộ Mặt trận Việt Minh cử cán bộ về các làng vận động nhân dân xây dựng chế độ mới, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo vệ trật tự trị an và phát động phong trào Đời sống mới, bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, hướng dẫn nhân dân vệ sinh, phòng dịch, ăn chín, uống chín.

Khi mới giành chính quyền, đội ngũ nhân viên y tế còn rất mỏng, lực lượng Thanh niên Tiền phong dưới sự điều hành của Ủy ban Nhân dân các cấp đều tham gia vào các hoạt động văn hóa, y tế, xã hội lúc đó. Trong khí thế hào hùng của độc lập tự do, từ cán bộ, nhân viên, công chức đến người dân, ai cũng "cơm nhà, việc nước", sẵn lòng tham gia gánh vác công việc chung. Thanh niên Tiền phong các xã Long Hương, Phước Lễ tổ chức mua gạo ở Thạnh An để phân phối cho các vùng thiếu đói; vận động y tá trong bệnh viện băng bó và điều trị cho hành khách trên tàu Thuận Kiều bị máy bay Đồng Minh bắn hại; tổ chức tiêm thuốc phòng dịch và hướng dẫn phòng bệnh cho nhân dân khắp thành thị nông thôn.

Tháng 10-1945, tỉnh cử một số cán bộ tham dự khóa huấn luyện quân chính của Liên Tỉnh ủy Miền Đông tổ chức ở Trảng Bom (Biên Hòa), sau đó trở về, xây dựng các Đội Tuyên truyền xung phong; một đội ở khu vực Tứ Long (Nguyễn Văn Đường phụ trách); một đội ở khu vực Lộ 15 (Lê Thị Tuyết phụ trách); một đội ở khu vực Long Điền (Nguyễn Thành Long phụ trách); một đội ở khu vực Đất Đỏ (Lâm Văn Sáu phụ trách). Các Đội Tuyên truyền xung phong tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, cứu đói, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan đã tồn tại trong nhân dân từ lâu, tệ nạn xã hội, tệ nạn cờ bạc, kiêm nhiệm công tác tuyên truyền viên về sức khỏe, hướng dẫn nhân dân ăn ở vệ sinh, phòng và chữa các bệnh thông thường, hướng dẫn sơ cứu các vết thương chiến tranh,…

Hội nghị Xứ ủy mở rộng ngày 10-12-1945 tại Đức Hòa (Long An) đã quyết định chia Nam Bộ thành ba khu: Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Khu 7 gồm các tỉnh và thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Tỉnh Cấp (Vũng Tàu) được sáp nhập vào Bà Rịa trong tháng 12-1945. Các đồng chí Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Phúc, Võ Văn Thiết là Thường trực của các cơ quan Quân – Dân – Chính – Đảng khi hợp nhất; đồng chí Nguyễn Tấn Phúc phụ trách Việt Minh tỉnh[17]. Đồng chí Bùi Công Minh được Xứ ủy tăng cường về trong thời kỳ này tích cực hoạt động góp phần mở rộng hoạt động của Mặt trận Việt Minh trong tỉnh. Bùi Công Minh trước đây là y tá ở nhà thương Chợ Quán, ngoài công việc chỉ đạo phong trào, Bùi Công Minh là người trực tiếp điều trị bệnh cho cán bộ chiến sĩ tại căn cứ Long Mỹ trong những ngày đầu kháng chiến. Trong những đợt đi vận động quần chúng ở các địa phương, Bùi Công Minh cũng trực tiếp hướng dẫn phòng chống bệnh tật và điều trị bệnh cho đồng bào vùng căn cứ trong giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

3. Xây dựng tổ chức y tế phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1947)

Sáng 9-2-1946, quân Pháp chia làm hai cánh: cánh quân thứ nhất từ Long Thành theo quốc lộ 15; cánh quân thứ hai từ Xuân Lộc theo lộ số 2 tiến về đánh chiếm Bà Rịa. Sau khi chiếm thị xã Bà Rịa, quân Pháp chia lực lượng thành hai cánh. Một cánh đánh chiếm Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, một cánh đánh chiếm thị xã Vũng Tàu.

Sau khi thực dân Pháp chiến Bà Rịa và Vũng Tàu, các đảng viên và cán bộ trung kiên của tỉnh đã tập trung về xã Long Mỹ xây dựng căn cứ kháng chiến. Một số cán bộ chủ chốt trong Thanh niên Tiền phong ở các xã Long Hương, Phước Lễ do anh Lưu Văn Vầy chỉ đạo đã vận động nhân dân dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men, vũ khí, tổ chức khảo sát khu vực Núi Dinh để chọn địa điểm xây dựng căn cứ kháng chiến.

Ở Vũng Tàu, một bộ phận cán bộ Việt Minh và lực lượng vũ trang Vũng Tàu rút về Bà Trao – Núi Nứa (Long Sơn) xây dựng căn cứ kháng chiến. Một nhóm gồm Nghiêm Xuân Điền, Ngô Đồng Thịnh, Lại Phú Côn rút về khu Tứ Long, sau tham gia Đội Du kích Quang Trung. Một bộ phận cán bộ chủ chốt tập hợp về Long Mỹ.

Trên địa bàn Bà Rịa khi đó còn có nhiều đơn vị vũ trang từ mặt trận Sài Gòn rút về đóng quân ở Rừng Sác hoạt động. Chi đội 7 Bình Xuyên về Bà Trao – Núi Nứa (Long Sơn) từ cuối năm 1945. Đầu năm 1946, các Chi đội 2 – 3 – 4 – 9 – 21 – 25 lần lượt rút về địa bàn Rừng Sác, đóng quân từ Rừng Sác Bà Rịa đến Long Thành.

Chi đội 7 Bình Xuyên[18] xây dựng căn cứ tại Bà Trao – Núi Nứa (Long Sơn). Ban y tế Chi đội do y tá Hùng và y tá Sơn phụ trách.

Liên Chi đội 2 – 3 hoạt động trên địa bàn khu Rừng Sác Bà Rịa lên đến Long Thành[19]. Trưởng ban Y tế Chi đội là y tá Ngô Tấn Thành.

Các Chi đội 4 – 9 – 21 – 25[20] xây dựng căn cứ trên một địa bàn rộng lớn, từ Rừng Sác đến Rừng Giồng (khu vực núi Eo Ông).

-            Trưởng ban Y tế Chi đội 4 do y tá Bảy Ngà phụ trách.

-            Trưởng ban Y tế Chi đội 9 là y tá Nguyễn Văn Tư (Tư Cao).

-            Trưởng ban Y tế Chi đội 21 là y tá Phan Văn Phước, sau đó là y tá Đoàn Phi Kế.

-            Trưởng ban Y tế Chi đội 25 là y tá Hòang Đông Cư.

Binh công xưởng của Quân khu 7 lấy tên là bộ đội lưu động số 4 được hình thành ở chiến khu Đồng Tháp Mười, sau chuyển về Rừng Sác Bà Rịa (đầu năm 1947). Ban y tế do y tá Nguyễn Văn Nhuận và y tá Dương Văn Hoa phụ trách. Mỗi chi đội đều tổ chức một dưỡng đường (bệnh xá) để điều trị thương bệnh binh.

Chi đội 7 và Chi đội 2 đóng quân ở vùng Rừng Sác nhưng tổ chức nhiều hoạt động ở khu vực Tứ Long (Long Kiên, Long Xuyên, Long Phước, Long Tân), đánh địch càn quét, diệt tề trừ gian, phối hợp với các lực lượng của địa phương đánh giao thông trên khu vực lộ 44 tiền, lộ 44 hậu, hỗ trợ cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và phát triển phong trào du kích chiến tranh ở địa phương.

Chi Đội trưởng Chi đội 7 Mai Văn Vĩnh được sự giúp đỡ của Ủy ban Hành chính tỉnh Bà Rịa đã vận động được sĩ quan và binh sĩ Nhật lấy được nhiều súng đạn, quân trang, thuốc và dụng cụ Quân y trước thời hạn giao nộp cho Đồng Minh. Riêng tại kho Phú Mỹ, Chi đội 7 đã thu được 03 xe bò thuốc Quân y. Riêng thuốc Quinine (chống sốt rét), bộ đội không dùng hết, Chi đội 7 cấp cho nhân dân vùng Bà Trao – Núi Nứa và gửi tặng một phần cho Dân y tỉnh. Cuối năm 1947, anh Ngô Tiến An (quê ở Sài Gòn), dược tá nhà thuốc Tây Normale Nguyễn Văn Cao thoát ly kháng chiến được điều về tăng cường cho bộ phận Quân y Chi đội 7, kiêm cán bộ chính trị đơn vị.

Ở Bà Trao – Núi Nứa nói riêng cũng như vùng Rừng Sác nói chung, nước ngọt rất thiếu, mùa khô thiếu cả nước ăn. Bộ đội bị ghẻ lở rất nhiều. Mỗi khi tắm sông, nước mặn ngấm vào rất xót, lũ cá Chốt xúm vào rỉa các mụn ghẻ đau buốt. Các Chi đội phải thu mua than củi, gửi về Sài Gòn bán, lấy tiền mua thuốc xức ghẻ về điều trị, mua xà bông về cho bộ đội tắm và giặt đồ.

Ngày 20-2-1946, Bộ tham mưu Quân khu 7 được thành lập, bác sĩ Hồ Văn Huê phụ trách ngành Quân y[21]. Ngành Quân y Quân khu 7 được tổ chức theo hệ thống các Chi đội. Lớp cán bộ ngành y đầu tiên là những y bác sĩ và y tá từ các nhà thương ở tỉnh, thành phố và các sở cao su thoát ly tham gia kháng chiến.

Ngày 16-4-1946, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 12/NĐ qui định tổ chức và nhiệm vụ của Quân y Cục. Hội nghị lần thứ nhất Quân y Cục tháng 6-1946 qui định tổ chức Quân y trong các đơn vị Vệ Quốc đoàn: cấp khu thành lập Quân y vụ; cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội có Ban Quân y trực thuộc Ban Chỉ huy đơn vị.

Quân y vụ Khu 7 thành lập tháng 9-1946 do bác sĩ Hồ Văn Huê phụ trách. Hệ thống Ban y tế các Chi đội đổi tên thành Ban Quân y. Dưỡng đường đổi thành Quân y xá (Bệnh xá Quân y). Ngành Quân y đã có sự chỉ đạo nghiệp vụ thống nhất từ cấp khu đến các đơn vị. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu do từng đơn vị. Việc tiếp tế thuốc điều trị cũng do từng Chi đội tự lo, thông qua các cơ sở mật, mua từ các nhà thuốc trong các đô thị, vùng bị tạm chiếm đưa vào. Quân y xá làm nhiệm vụ điều trị, cứu chữa thương bệnh binh của đơn vị và phục vụ các cơ quan Dân – Chính – Đảng nơi đóng quân.

Giữa năm 1946, Khu 7 cử đồng chí Huỳnh Văn Đạo về tăng cường cho Bà Rịa để xây dựng lực lượng vũ trang. Chi đội 16 được thành lập ngày 12-9-1946 tại Chiến khu Long Mỹ[22] mà nòng cốt là Đội du kích Quang Trung và một số cán bộ chiến sĩ từ các đội tuyên truyền xung phong của Long Điền, Đất Đỏ. Chi đội 16 được tổ chức thành 3 phân đội, sau bổ sung thêm quân số thành 3 Đại đội[23]. Ban y tế Chi đội 16 do y tá Nguyễn Văn Nhãn (quê ở Vũng Tàu) và y tá Tô Văn Nhiều (quê ở Long Điền) phụ trách. Ban y tế xây dựng một dưỡng đường tại chiến khu Long Mỹ (sau gọi là Quân y xá). Khi mới hình thành, chưa tổ chức được mạng lưới tiếp tế từ nội thành, thuốc tân dược rất thiếu, Ban y tế Chi đội 16 đã sưu tầm và sử dụng cây thuốc Nam ở địa phương để chữa bệnh. Ban y tế Chi đội 16 mở ngay một lớp đào tạo cứu thương để đảm bảo yêu cầu điều trị tại dưỡng đường và phục vụ trong các đơn vị chiến đấu. Nhiều phụ nữ được đào tạo từ lớp cứu thương này xung phong về các đơn vị phục vụ chiến đấu. Trận phục kích của Chi đội 16 đánh địch tại Đá Giăng ngày 20-3-1947 do Chi đội trưởng Huỳnh Văn Đạo chỉ huy có 3 chị nữ cứu thương mặt trận tham gia là chị Ba Răng Vàng, chị Hồ Thị Đây (quê ở Phước Hải), chị Bảy Lùn[24]. Chi đội 16 bắn cháy hai xe GMC chở lính, diệt hàng chục tên Pháp, thu nhiều vũ khí, trong đó có một súng trung liên FM. Đơn vị không có ai hy sinh, chỉ bị thương 5 chiến sĩ (trong đó có anh Năm Nhứt). Ba chị nữ cứu thương mặt trận kịp thời cấp cứu và đưa thương binh về Quân y viện.

Bên cạnh lực lượng Quân y trong các đơn vị trong lực lượng võ trang kháng chiến được hình thành do sự phát triển của lực lượng vũ trang trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, đội ngũ dân y cũng được tổ chức lại, phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

Theo sự chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, trung tuần tháng 10 năm 1946 tại Long Mỹ, Tỉnh bộ Mặt trận Việt Minh Bà Rịa đã triệu tập cuộc hội nghị gồm 70 đại biểu, đại diện đủ các ngành, các giới trong tỉnh. Tỉnh bộ Mặt trận Việt Minh Bà Rịa đã đề nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến tỉnh Bà Rịa. Đồng chí Hồ Văn Long, Thanh tra Chính trị miền Đông đã đến dự và thay mặt Ủy ban Kháng chiến khu công nhận Ủy ban Kháng chiến tỉnh[25]. Ủy ban Kháng chiến tỉnh quyết định thành lập Ty Thông tin – Tuyên truyền, Ty Giáo dục, Ty Y tế… Y tá Nguyễn Văn Thái được cử làm Trưởng Ty Y tế. Hệ thống Mặt trận Việt Minh được củng cố từ tỉnh đến các huyện, xã. Ty Y tế mở lớp đào tạo cứu thương, hộ sinh, gấp rút đào tạo cán bộ cho các ngành và các huyện.

Ty Y tế thành lập Dân y xá (Bệnh xá Dân y) để điều trị cho các cơ quan Dân – Chính – Đảng trong tỉnh và đồng bào vùng căn cứ. Dân y xá của tỉnh do y tá Nguyễn Nam Vấn là Trưởng trạm. Anh Hứa Thiện Nghĩa (Năm Nghĩa), quê ở Hòa Long được cử làm Trưởng Phòng Dược. Chị Nguyễn Thị Kính (Bảy Kính), quê ở Phước Hải và chị Hứa Ngọc Diệp[26] (quê ở Hòa Long), được cử đi học lớp nữ hộ sinh Huỳnh Thúc Kháng ở Nam bộ về phục vụ Trạm xá Dân y. Sau đó, Ty Y tế tiếp tục gửi cán bộ tham dự lớp nữ hộ sinh Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo cán bộ chuyên môn cho các huyện như chị Đặng Thị Kim (xã An Nhứt) chị Võ Thị Đệ (xã Phước Thọ, em gái y tá Võ Văn Tuấn) và chị Ba Thanh Mai….

Cùng với đội ngũ cán bộ y tế, các đội Tuyên truyền xung phong và các đoàn thể cứu quốc cũng tích cực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến. Cuối năm 1947, Đoàn văn công mang tên "Lửa Sống" do Ty Thông tin thành lập gồm trên 20 cán bộ, diễn viên[27] tổ chức lưu diễn ở nhiều xã trong tỉnh. Ngoài nhiệm vụ biểu diễn ca, múa, nhạc, kịch, thơ, đoàn còn làm nhiệm vụ vận động quần chúng thực hiện nếp sống mới, tuyên truyền vệ sinh, giúp nông dân nghèo xây dựng nhà cửa, tắm rửa, hớt tóc cho trẻ em, phát thuốc chữa bệnh.

Hội phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ đã vận động nhân dân trong xã, mỗi gia đình một hũ gạo nuôi quân, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống, những tục lệ lạc hậu được giảm dần. Các đội tuyên truyền xung phong của tỉnh về tận làng xã tuyên truyền vận động đồng bào, tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới, tổ chức phòng bệnh, khám bệnh, trị bệnh cho đồng bào thay cho cách chữa bệnh bằng bùa ngãi.

* Bộ phận y tế huyện Long Đất hình thành đầu năm 1961, lúc mới thành lập có anh Nguyễn Văn Vinh (tức Nga, quê ở Phước Hải), Trần Duyên (Tư Duyên), quê ở Long Điền... Cuối năm 1961, Y tá Huỳnh Văn Phát (Mười Phát) về mở lớp cứu thương cho huyện Long Đất. Lớp học có 20 người, ở các cơ quan huyện và các xã, trong đó có Trần Duyên (Tư Duyên), Nguyễn Văn Vinh là cốt cán của Quân y huyện Long Đất sau này.

Bộ phận y tế huyện Châu Thành được hình thành từ năm 1961, tiền thân là một tổ y tế, ban đầu có 3 người, do y tá Lâm Chí Hùng được điều từ Long Đất về phụ trách, nhân viên có Nguyễn Minh Thắng (Chín Thắng) và Nguyễn Văn Thức (Hai Thức). Năm 1964, Lâm Chí Hùng vi phạm kỷ luật, xin nghỉ việc, sinh sống ở vùng giải phóng ấp 3 xã Ngãi Giao. Lúc này đã hình thành Ban Quân – Dân y, Nguyễn Minh Thắng (Chín Thắng) phụ trách Trưởng ban. Bộ phận y tế huyện Đức Thạnh (huyện 28) do y tá Phạm Tấn Lợi (Ba Lợi) phụ trách, căn cứ đóng tại căn cứ Gò Rùa, (nay thuộc ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành). Đây là lực lượng cốt cán, tiền thân của Quân – Dân y huyện Châu Đức sau này.

 Khi mới thành lập, thuốc men phải tự túc, nhờ mua, một phần do Huyện ủy và hậu cần Huyện đội mua cấp cho. Thương binh từ các đơn vị bộ đội và các xã đưa về nên rất nhiều, thuốc, bông băng, gạc rất thiếu, phải giặt sạch, hấp, phơi, dùng lại nhiều lần. Đơn vị phải liên hệ cơ sở và nhờ gia đình mua thêm.Anh chị em y tá cũng chủ động nhờ gia đình mua giúp các loại thuốc kháng sinh và thuốc điều trị bệnh thông thường. Gia đình chị Nguyễn Thị Dung, gia đình anh Nguyễn Minh Thắng (Chín Thắng),… nhiều lần mua thuốc gửi ra căn cứ ủng hộ để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ.

Tháng 5-1961, C445 đánh địch tại đồn điền cao su Bình Sơn, bộ phận y tá của đơn vị bố trí lực lượng đi cùng đơn vị sơ cứu, cáng khiêng thương binh, thu được nhiều chiến lợi phẩm, có thuốc tây và rất nhiều đường, sữa, bổ sung thêm nguồn thuốc trị bệnh và dinh dưỡng cho hậu cần, Quân y.

Tháng 8-1961, lớp y tá Khóa 1 của T1 (miền Đông Nam bộ) mãn khóa, Võ Tấn Thời (Hai Thời) về Quân y tỉnh, sau đó được tăng cường về để thành lập Bệnh xá Đoàn 1500 tại xã Hắc Dịch. Huỳnh Công Tâm về làm Trưởng ban Quân – Dân y huyện Xuyên Mộc, Trần Phủ Việt[28] về làm Trưởng ban Quân – Dân y Long Đất. Y tá Nguyễn Tươi Sáng về đảm nhiệm y tá trưởng đơn vị 445 thay Nguyễn Thanh Hiếu đi học lớp y tá. Bộ phận y tế C445 có Minh Ngôn, Sáu Thanh, Bình, Hòa, Lý.

Trong buổi đầu chưa có bác sĩ, y tá Võ Phụng Biên (Ba Biên) trực tiếp điều trị thành công nhiều ca bệnh khá phức tạp như anh Dự bể xương chậu, bị địch bắn thủng phổi, anh Năm Vụ bị thương trận ở Long Phước; anh Ba Khôi ở công trường tỉnh bị nổ trái đã được cứu sống. Ở Quân y huyện Long Đất có anh Trần Văn Cường (Tám Cường) bị thương ở gáy và bị đạn bắn thủng phổi, nhiễm trùng đang điều trị. Trưởng ban Võ Phụng Biên (Ba Biên) phân công y tá Nguyễn Tươi Sáng về Long Đất cùng Trưởng ban Quân - Dân y Trần Phủ Việt phẫu thuật tháo mủ, nạo rửa, sau đó đưa về Quân y tỉnh, tiếp tục điều trị lành hẳn. Mặc dù rất thiếu dụng cụ, thuốc men, lương thực, nhưng anh chị em vẫn tận tình phục vụ, không kể ngày đêm chăm sóc, cứu chữa nhiều trường hợp nguy hiểm, trong cuộc sống hết lòng vì bệnh nhân, nhường cả phần lương thực ít ỏi cho thương bệnh binh. Các trường hợp thương tích, bệnh sốt rét thường và sốt rét ác tính đều được cứu chữa kịp thời.

Đầu năm 1962, tỉnh cử y tá y tá Võ Phụng Biên (Ba Biên) đi học lớp y sĩ ở T1. Y sĩ Vũ Bình An (Sáu An)[29] được đào tạo ở miền Bắc vào chiến trường được cử về làm Trưởng ban Quân – Dân y tỉnh Bà Rịa, Lê Văn Trừ (Hai Thuận) là Phó ban kiêm Chính trị viên; Hộ sinh trung cấp Nguyễn Thị Kính (Bảy Kính) là Phó ban phụ trách mạng lưới y tế các xã vùng giải phóng. Sau đó, bác sĩ Võ Văn Thời Chín Thời, cán bộ tập kết về được cử làm Phó ban, phụ trách hệ Dân y. Trong những ngày đầu xây dựng mạng lưới, hộ sinh trung cấp Nguyễn Thị Kính đã đào tạo được nhiều nữ hộ sinh ở xã như: Trần Thị Phương (Sáu Phương), chị Mua, chị Bích, chị Nguyệt (vợ anh Hai Khánh), chị Tuyết,…

Tháng 9-1962, y sĩ Vũ Bình An mở lớp đào tạo y tá của tỉnh tại Hắc Dịch. Lớp y tá đầu tiên có 22 người được tuyển từ các huyện và các đơn vị, học trong 6 tháng[30], gồm: Huyện Châu Thành có chị Năm Bồ Câu (Năm Hoa – Đoàn Kim Hoa), Huỳnh Dương Liễu (Hai Liễu); chị Thanh (đui), chị Qua (lùn), chị Lý, anh Ảnh, anh Đồng, anh Năm Tiềm; huyện Đức Thạnh có Phạm Tấn Lợi, Nguyễn Văn Thức (Chín Thức), Nguyễn Minh Thắng (Chín Thắng); Hòang Minh Liên (Ba Liên), anh Thiên, huyện Xuyên Mộc có các anh Huỳnh Thanh Phương (Hai Phương), Chanh, Nghĩa; chị Sáu Cương Quyết (Huỳnh Thị Nên), huyện Long Đất có anh Hiệp, Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Quang (Hai Quang), Lê Hòang, Tứ Hòang, Ba Tánh, Trần Văn Sự, Sáu Thanh, Bùi Đức Thắng (Tư Thắng), Trần Duyên (Tư Duyên), Kiều Huỳnh Lê, Ban Tuyên huấn có Nguyễn Bá Tòng (Tư Tòng), Ẩn, xã Phước Thái có Hồng, Tiềm; Hòang Minh Liên (Ban Quân giới Tỉnh đội), có cả học viên từ Biên Hòa gửi đào tạo (chị Huệ),… Hậu cần phục vụ lớp học do tỉnh cung cấp, anh chị em học viên tổ chức sản xuất, làm rẫy ở Hắc Dịch, trồng đậu, khoai, mì, bắp…. để cải thiện và cung cấp cho Bệnh xá nuôi thương, bệnh binh. Trước hết, anh chị em được học chương trình chính trị của ngành về tinh thần thái độ phục vụ (10 buổi), sau đó chuyển qua chương trình chuyên môn, học về cơ thể người, sinh lý, nội khoa, ngoại khoa, cách sử dụng thuốc….

Đầu năm 1963, Ban Quân – Dân y tỉnh mở tiếp một lớp y tá thứ 2, học trong 6 tháng. Y tá Võ Tấn Thời vừa tốt nghiệp lớp y tá của Quân khu về cũng tham gia trợ giảng. Học viên Khóa II có: Huỳnh Thanh Phương, Nguyễn Kinh Thành, anh Me, anh Bình, Nguyễn Văn Nhân (Ba Nhân, xã Long Mỹ), chị Trần Thị Minh Nguyên (thị xã Bà Rịa), anh Hiệp (Long Sơn)[31], anh Tâm (tức Minh), chị Thanh (đui), chị Qua (lùn), chị Lý, chị Ảnh, chị Đồng, chị Năm Tiềm,… Đa số các đồng chí từ địa phương được cử học lớp y tá trình độ văn hóa lớp 4, lớp 5; tuổi đời từ 20-21; tỉ lệ nữ chiếm 50%. Mãn khóa, học viên về phục vụ tại bộ phận y tế các huyện và cơ sở, một số bổ sung cho Ban Quân – Dân y của tỉnh như: Trần Văn Sự, Bùi Đức Thắng (Tư Thắng), Lê Hòang, Tứ Hòang…

Sau 2 lớp đào tạo y tá, Ban Quân – Dân y được bổ sung thêm nhiều cán bộ nghiệp vụ. Căn cứ Ban Quân – Dân y đóng ở Sông Xoài (Hắc Dịch). Chi bộ Ban Quân – Dân y do đồng chí Trần Tiến (Ba Tiến) làm Bí thư chi bộ, đồng chí Vũ Bình An là Phó Bí thư. Chi bộ phân công đồng chí Trần Văn Sự phụ trách công tác thanh niên. Bí thư Chi đoàn là y tá Lê Hòang.

Y tá Trần Văn Sự được giao phụ trách một bộ phận 10 người xây dựng bệnh xá tại Trảng Lớn (Hắc Dịch). Với nỗ lực lớn, trong vòng 3 tháng, các đồng chí đã xây dựng xong một Quân y viện hòan chỉnh có sức chứa khoảng 50-60 thương bệnh binh, khánh thành vào Tết năm 1963, đón thương bệnh binh về điều trị. Bệnh xá Quân - Dân y do y sĩ Vũ Bình An (Sáu An) phụ trách; lương y Lê Minh là chính trị viên, có Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Sản, Khoa Nha, Bộ phận Dược, Ban quản lý, Đội bảo vệ và Văn phòng.

-            Y tá Lê Hòang phụ trách Khoa Ngoại,

-            Y tá Tứ Hòang phụ trách Khoa Nội,

-            Y tá Nguyễn Thị Hồng (Mười Hồng) phụ trách Khoa Sản,

-            Nha tá Thanh (Thanh Nha) phụ trách Khoa Nha,

-            Dược sĩ Hứa Thiện Nghĩa (Năm Nghĩa) phụ trách bộ phận Dược, sau có thêm dược sĩ Sáu Thanh[32], dược tá Bùi Đức Thắng (Tư Thắng),

-            Ban quản lý do ông Ba Du và anh Năm Đường phụ trách, gồm lực lượng tiếp phẩm, chị nuôi, hơn 10 người,

-            Đội trưởng đội bảo vệ là anh Lê Quang Vinh (Ba Vinh), biên chế một tiểu đội,

-            Chính trị viên đầu tiên của Quân – Dân y là Lê Văn Trừ (Hai Thuận, Hai Súng), sau đó là Lê Minh, Năm Bê, Tám Phượng, Võ Văn Kiệt (Ba Kiệt),…

Khi đó, 2 đơn vị C40 và C45 bộ đội tỉnh đã sáp nhập thành Đại đội 445, mỗi huyện có 1 Đại đội, thực chất chỉ tương đương trung đội, hoạt động chủ yếu là diệt ác phá kềm, hỗ trợ cho phong trào phá ấp chiến lược, thương binh còn ít[33]. Ở các huyện đã có Quân - Dân y huyện làm nhiệm vụ điều trị các vết thương nhẹ, trường hợp nặng mới đưa về tỉnh.

Căn cứ Ban Quân – Dân y và bệnh xá tương đối yên tĩnh, có cây rừng che phủ, nhà lợp lá trung quân, bom pháo ít. Anh chị em tổ chức bắt cá ở các con suối, mua lương thực thực phẩm từ Hòa Long, Long Phước nuôi thương bệnh binh. Má chị Trần Thị Phương (Sáu Phương) vận động cơ sở ở ấp 3, ấp 4 Ngãi Giao mua được nhiều lương thực thực phẩm. Xã Hắc Dịch khi đó đã được giải phóng, đồng bào cung cấp cho bộ đội, đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên và nuôi dưỡng thương bệnh binh.

Chương V

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI QUÂN – DÂN Y, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN (1963-1965)

1 Thành lập Ban Quân – Dân y tỉnh Bà – Biên

Đầu năm 1963, Trung ương cục quyết định sát nhập hai tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa, thành lập tỉnh Bà – Biên[34]. Lực lượng Quân – Dân y hai tỉnh cũng được sáp nhập. Y sĩ Vũ Bình An được chỉ định là Trưởng ban Quân – Dân y tỉnh Bà – Biên. Y sĩ Trần Dục (Ba Dục) từ Biên Hòa về làm Phó ban[35]. Lương y Lê Minh là Chính trị viên. Nhiều cán bộ Quân – Dân y của Biên Hòa được điều động về Ban Quân – Dân y tỉnh công tác.

Ban Quân – Dân y huyện Châu Thành được thành lập đầu năm 1963, gồm: Phạm Tấn Lợi (Ba Lợi), Trần Văn Thức (Hai Thức), Nguyễn Thị Dung (Sáu Dung), Ba Nga, Tư Sinh do đồng chí Phạm Tấn Lợi phụ trách Trưởng ban. Trạm Quân y huyện Châu Thành đóng ở Bàu Cháy (Hắc Dịch). Ban Quân – Dân y huyện Đức Thạnh do y tá Nguyễn Minh Thắng (Chín Thắng) làm Trưởng ban.

Năm 1963, căn cứ Quân – Dân y huyện Long Đất đóng tại Tân Rú, Trưởng ban Quân – Dân y huyện Long Đất là y tá Trần Phủ Việt, cán bộ có Nguyễn Văn Quang (Hai Quang), Trần Duyên (Tư Duyên), Thành Lý, Trần Văn Sự (Tư Sự), Nguyễn Minh Chánh, chị Tư Liễu (vợ anh Tư Sự), chị Mười Hai (vợ anh Lâm), chị Ba Lan. Năm 1964 có thêm Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), chị Hai Hoa, chị Ba Hương, bảo vệ có anh Ba Vinh, anh Năm Quyết, anh Hai Thông, anh Hai Mai.

Ban Quân – Dân y huyện Xuyên Mộc căn cứ lúc đầu đóng tại ấp Ven, xã Xuyên Mộc. Năm 1964, căn cứ Quân – Dân y chuyển về xã Bàu Lâm. Tháng 8-1964, Ban Quân – Dân y huyện Xuyên Mộc mở 1 lớp cứu thương cho 20 học viên. Huỳnh Công Tâm đi học lớp y sĩ năm 1964, y tá Huỳnh Thanh Phương làm Trưởng ban, cán bộ có thêm anh Mạc Văn Búa (đông y), chị Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Tâm (cứu thương).

Thị xã Bà Rịa và thị xã Cấp có một bộ phận y tế từ 2 đến 3 y tá (sau đó có y sĩ phụ trách).

 Bộ phận y tế phục vụ Tỉnh ủy có y tá Hòang Minh Liên. Năm 1966 Hòang Minh Liên đi học y sĩ, y tá Nguyễn Văn Nhân (Ba Nhân) được điều về phục vụ tại Tỉnh ủy.

Nhiệm vụ của Trạm Quân – Dân y các huyện là cấp cứu, khám chữa bệnh cho lực lượng vũ trang và cán bộ Dân - Chính - Đảng của huyện. Thời kỳ này rất thiếu thuốc. Ban Quân Dân y tỉnh đưa ra phương châm trong công tác "kết hợp Đông Tây y". Lương y Lê Minh thường gọi là thầy Hai Rựa cùng lương y Út Xị (khoa Đông y) hàng ngày vác rựa vào rừng Hắc Dịch tìm dược liệu về bào chế, mỗi buổi chiều đến cấp phát cho khoa nội điều trị bệnh nhân. Lương y Lê Minh tìm hiểu tác dụng của những cây thuốc trong dân gian, chỉ dẫn cho các y tá 10 loại cây thường gặp chữa các bệnh thông thường như: củ Gừng tươi, rau Má, lá Mơ, cỏ Lọ nồi (cỏ Mực), Cam thảo, Mần chầu, vỏ Quýt, rễ Cỏ tranh, Ké, Sả, Gừng tươi, được phổ biến khá rộng rãi trong mạng lưới y tế khi đó:

Trong toa căn bản có Gừng tươi

Rau Má, dây Mơ, cỏ Lọ nồi

Cam thảo, Mần chầu cùng vỏ Quýt

Rễ Tranh, cây Ké, củ Sả tươi

Chặt ngắn ba phân phơi trong mát

Hàn sao vàng, nhiệt để tươi

Chữa ban, hạ nhiệt, thêm giải độc

Kích thích mau tiêu, sức phục hồi.

Bệnh sốt rét phát triển nhiều, tổ bào chế Đông y lấy dây Hòang Đằng sắc cho thương bệnh binh uống. Dây Hòang Đằng được đồng bào địa phương dùng để chữa bệnh sốt rét. Trong kháng chiến chống Pháp, Ngành Y tế đã sử dụng dây Hòang Đằng bào chế Quinine vàng[36]. Dược sĩ Hứa Thiện Nghĩa (Năm Nghĩa) lặn lội khắp vùng tìm cây thuốc, tìm tòi pha chế nhiều loại thuốc đông y phục vụ cho đồng bào vùng Hắc Dịch, Tam Long. Anh tham gia mở lớp đào tạo dược tá; thực nghiệm bó gãy xương bằng nghệ rừng, lá trung quân, bột nếp và lá găng tu hú; chế thuốc chống bại liệt điều trị cho anh chị em tù chính trị vượt ngục Biên Hòa về bằng cây Sầm băm lấy từ Lộc An, núi Minh Đạm, cây sừng bò (Gò thăm) và một số cây thuốc khác.

 Tháng 4 năm 1963 bệnh dịch hòanh hành tại xã Hòa Long (xóm nhà ông Tám Kim bị nặng). Hòa Long lúc ấy thuộc vùng bị tạm chiếm, thuộc quyền kiểm soát của ngụy quyền Sài Gòn. Theo chức trách, Ty Y tế tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) của chế độ cũ phải tổ chức phòng chống dịch, điều trị cho đồng bào, nhưng y tế ngụy quyền không tổ chức phòng chống dịch bệnh cho đồng bào chu đáo. Ban Quân Dân y đã tập trung đội ngũ thầy thuốc phòng chống dịch cho dân, chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 làm công tác tuyên truyền giáo dục sự nguy hiểm của căn bệnh, phương pháp phòng chống dịch, nên tránh qua lại vùng bị dịch kể cả cán bộ, thực hiện "nội bất xuất ngoại bất nhập". Nhóm 2 đưa cán bộ ngành y vào vào những vùng có dịch để điều trị cho nhân dân. Nhóm 3 vận động nhân dân đấu tranh trực diện buộc địch phải đưa cán bộ y tế và thuốc vào vùng dịch để cứu chữa cho nhân dân.

Dịch hạch từ Hòa Long lây qua Long Phước (Long Phước có 1 người chết). Đoàn chống dịch do y sĩ Vũ Bình An, Trưởng ban Quân - Dân Y trực tiếp phụ trách, gồm các y tá Lê Hòang, Tứ Hòang, Nguyễn Thị Kính (Bảy Kính) và một số học viên y tá đến xã Hòa Long tổ chức phòng chống dịch hạch. Các chị Trần Thị Minh Nguyên (Tư Nguyên) chị Nguyễn Thị Loan, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, chị Trần Thị Phương (Sáu Phương) công tác ở xã cũng được huy động tham gia chống dịch. Y tế của chính quyền ngụy do bác sĩ Luyện lúc đó là Trưởng ty phải khâm phục tinh thần phục vụ của cán bộ y tế cách mạng, không sợ nguy cơ gây lây bệnh.

Năm 1963, địch thường xuyên bắn pháo vào vùng căn cứ. Giữa năm 1963, địch đột kích vào căn cứ Ban Quân – Dân y ở Sông Xoài, Ban Quân – Dân y xây dựng căn cứ mới ở khu vực đồi Le, gần căn cứ Bưng Lùng (Hắc Dịch). Ngọn đồi này ở sâu trong vùng căn cứ, phía trên Chòi Đồng, là giao điểm đường hành quân qua lại của bộ đội, dân công, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan thường qua lại. Mỗi lần qua đây anh chị em thường dừng chân, gặp gỡ, trò chuyện… nên anh em đặt tên là đồi "Tâm Tình".

Thực hiện chủ trương chống phá ấp chiến lược, tỉnh chỉ đạo xây dựng hệ thống địa đạo ở Long Phước để bám trụ đánh địch. Tuyến địa đạo trong kháng chiến chống Pháp được khôi phục và phát triển dài ra các ấp với hệ thống liên hòan, có đường trục từ ấp Đông qua ấp Bắc và các nhánh trổ ra, nối thông với các ụ chiến đấu và giao thông hào trên mặt đất. Hệ thống địa đạo được đào mới sâu xuống 6m, đường xương sống cao từ 1,6m đến 1,8m, rộng từ 0,7m đến 0,8m, có nhiều cửa ngăn và lỗ thông hơi. Lòng địa đạo được bố trí các kho chứa lương thực, nước uống, có những căn hầm rộng làm Trạm y tế, dự trữ thuốc men, có Phòng Mổ dã chiến. Nhờ đó mà quân và dân Long Phước cùng lực lượng vũ trang huyện và tỉnh đã trụ lại đánh địch nhiều trận trên địa đạo, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chống phá ấp chiến lược ở khu vực Tam Long trong những năm 1963-1966.

Tháng 12-1963, Trung ương Cục quyết định tách tỉnh Bà – Biên thành tỉnh Bà Rịa[37] và tỉnh Biên Hòa. Lực lượng Quân – Dân y cũng tách ra thành Ban Quân - Dân Y tỉnh Bà Rịa và Ban Quân - Dân Y tỉnh Biên Hòa. Bộ phận cán bộ của y tế tỉnh Biên Hòa được tách ra. Y tá Trần Văn Sự được tăng cường cho tỉnh Biên Hòa, phụ trách bệnh xá.

Đầu năm 1964, Tỉnh đội quyết định tách một trung đội của Đại đội 445, sáp nhập với C21 (Đại đội bảo vệ căn cứ) thành lập Đại đội 440[38]. Y tá Tư Hòa làm Trưởng Quân y Đại đội 440. Y tá Nguyễn Thanh Hiếu là Trưởng Quân y Đại đội 445.

Ban Quân - Dân Y huyện Châu Thành có nhiều nỗ lực trong điều trị phục vụ chiến đấu và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Địa bàn của huyện Châu Thành rất rộng trải dài từ Hòa Long, Long Phước, Long Tân, qua tận Long Sơn, Phước Thái, Phú Mỹ, Phước Hòa (nay là huyện Tân Thành) về tới giáp Lâm Sang, Cẩm Mỹ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Quân – Dân y huyện Châu Đức đã làm tốt chức năng của tuyến 2, phục vụ chung cho phong trào đấu tranh và các chiến dịch lớn trong đấu tranh chính trị, quân sự tại địa phương, nhất là trong các trận đánh phối hợp trên địa bàn các xã Hòa Long, Long Phước, Phước Thái, Phước Hòa, Phú Mỹ, Xà Bang, Bình Ba với bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang vây hãm các Chi khu quân sự và đồn bốt địch.

Ngày 10-3-1964, Bộ chỉ huy quân sự Miền quyết định thành lập Đoàn K10 làm nhiệm vụ tiếp nhận hàng chiến lược từ Thạnh Phú (Bến Tre) về miền Đông Nam bộ. Vũ khí và thuốc chữa bệnh được dự trữ tại 2 kho. Một kho đặt tại Rừng Sác để cấp cho Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, và một kho đặt tại Hắc Dịch để cấp cho Khu 7, Khu 6 và các đơn vị chủ lực Miền hoạt động trên địa bàn. Căn cứ Đoàn K10 đóng tại suối Châu Pha, ấp Phước Chí, xã Hắc Dịch. Bệnh xá K10 đặt tại Hắc Dịch với 30 giường bệnh, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên phục vụ, bảo vệ có 50 người.

Phương châm công tác Quân y năm 1964 được ngành Hậu cần Miền chỉ đạo là: "Bảo đảm sức khỏe trên cơ sở khoa học cách mạng "phòng bệnh là chính", chủ động phòng bệnh kịp thời khi chuyển vùng, chuyển mùa; điều trị toàn diện và thực hiện đúng khẩu hiệu "lương y như từ mẫu" của Bác Hồ; tổng kết kinh nghiệm về phẫu thuật ngoại khoa dã chiến để bảo đảm sức khỏe tốt hơn nữa cho cán bộ chiến sĩ; phát triển mạnh đông y kết hợp với tây y, đẩy mạnh pha chế thuốc men, sản xuất thuốc phi-la-tốp cung cấp cho các đơn vị có chất lượng cao, rẻ tiền, hạn chế sử dụng các loại thuốc đắt tiền, đẩy mạnh việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ và cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ"[39].

Sau khi bế giảng lớp đào tạo Quân y sĩ Khóa I tại Bệnh viện 320 (U60) của Miền, tháng 4-1964, Quân y Miền tiếp tục mở lớp đào tạo Quân y sĩ Khóa II tại Trường H24. Ban Quân – Dân y tỉnh cử y tá Võ Văn Kiệt, Võ Tấn Thời, Nguyễn Thị Kính (Bảy Kính), chị Bé Ánh cùng một số y tá được tuyển chọn từ các đơn vị như Nguyễn Thanh Hiếu (Quân y C445), Nguyễn Tấn Thu (Thu Chảnh), Trần Văn Sự, Trần Phủ Việt (huyện Long Đất), Huỳnh Công Tâm (huyện Xuyên Mộc) đi học lớp này. Lớp y sĩ khóa 3 mở năm 1965, tỉnh Bà Rịa cử các y tá Trần Duyên (Tư Duyên), Lê Văn Tranh (Năm Tranh), Ba Minh (Minh Ngôn), Ba Hòa, đi học. Sau khi tốt nghiệp, y sĩ Nguyễn Thanh Hiếu phụ trách Quân y Tiểu đoàn 445. Y sĩ Nguyễn Thị Kính (Bảy Kính) về Ban Dân y tỉnh. Nhờ các lớp này, khi chiến dịch Bình Giã nổ ra, ta có đủ lực lượng y sĩ để tổ chức các Đội Phẫu thuật phục vụ chiến dịch. Năm 1965, Miền tổ chức bổ túc lớp dược sĩ trung cấp.

Tháng 7-1964, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Ban Quân nhu Khu E để đảm bảo quân nhu cho các cơ quan đơn vị trực thuộc miền hoạt động ở khu vực Bà Rịa, Biên Hòa, Long Khánh; xây dựng căn cứ vùng ven biển miền Đông Nam bộ và trước mắt phục vụ hoạt động của bộ đội chủ lực Miền và Quân khu miền Đông Nam bộ mà đỉnh cao là chiến dịch Bình Giã. Ban Quân nhu Khu E lúc mới thành lập có 16 cán bộ chiến sĩ, do đồng chí Trịnh Văn Tước (Tám Cường) phụ trách, dựa vào sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Đoàn K10, Đoàn 1500 để thu mua, vận chuyển và tổ chức kho hàng. Ban Quân nhu Khu E có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần - Quân y cho các đơn vị của Miền tác chiến trên chiến trường Bà Rịa – Long Khánh.

* Y sĩ Tư Hiếu được điều về phụ trách Ban Quân y huyện Long Đất thay y tá Trần Phủ Việt đang đi học lớp Quân y sĩ. Căn cứ Quân y huyện Long Đất chuyển về núi Minh Đạm, căn cứ đặt ở gần suối Tâm Tình. Ban Dân y huyện Long Đất xây dựng căn cứ ở Láng Dài (Bàu Rậm Rì), y tá Nguyễn Văn Quang (Hai Quang) phụ trách, nhân viên có: chị Hai Kim (hộ sinh), chị Đồng Thị Loan (y tá)… phục vụ chữa bệnh, đỡ đẻ cho đồng bào sống bất hợp pháp gần vùng căn cứ. Cuối năm 1966, Ban Dân y huyện Long Đất về núi Minh Đạm, nhập với Ban Quân y ở hang Đá Chẻ.

Tháng 6-1965, Quân y huyện Long Đất mở lớp đào tạo cứu thương cho các cơ quan trong huyện. Anh Phạm Hòang Mai (Hai Mai), Trần Duyên (Tư Duyên), Nguyễn Văn Quang (Hai Quang) phụ trách giảng dạy; lớp học có khoảng 15 người: Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), Phạm Thị Minh (tức Ngọt, vợ anh Vũ), anh Sơn, chị Tư Môn, anh Liên (ở Phước Hải)… vừa học vừa phục vụ thương bệnh binh.

Tháng 8-1965, Quân y huyện Long Đất mở lớp cứu thương thứ 2 ở bàu Chập Tràng (Láng Dài, xã Phước Lợi); học viên có 20 người gồm: chị Lê Thị Ánh (Hai Ánh) ở Phước Thọ, chị Lê Thị Ánh (Ba Ánh) ở Phước Hòa Long, chị Huệ, anh Ba (ở Phước Hải), anh Lâm, anh Đại (C25), chị Huệ (Đất Đỏ), chị Tâm (người dân tộc ở Phước Hải)… y tá Nguyễn Văn Quang (Hai Quang) phụ trách giảng dạy kỹ thuật tiêm chích, sơ cấp cứu, băng bó vết thương, điều trị cảm cúm, sốt rét,... Thiếu y cụ để thực tập, học viên phải lấy đũa gắp ống tiêm.

Bệnh xá Quân y huyện Long Đất có 10 giường bệnh, Phạm Hòang Mai (Hai Mai) phụ trách; cán bộ nhân viên có: Trần Duyên (Tư Duyên), Đặng Thanh Quang, Nguyễn Văn Minh, Trần Hữu Xuân (Hai Xuân, quê Long Điền), Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), Hùng, Thông, Quyết, Nguyễn Văn Quang (Hai Quang), Huỳnh Đăng Quang, Nguyễn Văn Sáu, Thành Lý, Nguyễn Đức Tình (Bảy Tình), anh Vinh (bảo vệ), chị Hai Kim (hộ sinh), Trần Thị Yến (Hai Yến), chị Tư Phượng; Lê Thị Ánh (Ba Ánh), chị Nguyễn Thị Hoa (Hai Hoa), chị Ba Hương, chị Tư Phượng, chị Sáu Soài. Trang bị rất đơn sơ, chưa có tiểu phẫu, chỉ có dao kéo,… tất cả đựng trong 1 hộp, chưa có dụng cụ đo huyết áp, chẩn đoán chủ yếu là bắt mạch. Phải nhờ công trường huyện (quân giới) chế dụng cụ (bynce, kéo, cưa sắt,…). Về chuyên môn, điều trị bệnh nội thương, vết thương phần mềm, bó nẹp cố định xương gãy, bệnh nặng chuyển về Quân y tỉnh.

Cuối năm 1965, y sĩ Tư Hiếu được điều về Tiểu đoàn 445, Trần Phủ Việt tốt nghiệp lớp Quân y sĩ ở Miền về phụ trách Quân y huyện Long Đất. Y tá Trần Duyên (Tư Duyên) được cử đi học lớp y sĩ ở quân khu, cùng với Lê Văn Tranh (Năm Tranh), Ba Minh (Minh Ngôn), Ba Hòa, Trương Công Trung, Hòang Minh Thọ. Cuối năm 1966 hai bộ phận Quân y và Dân y huyện Long Đất nhập lại, về núi Minh Đạm, ở hang Đá Chẻ, tỉnh bổ sung y sĩ Bảy Ly về Quân y huyện Long Đất. Bảy Ly còn có tên là July, quê Bến Tre, được đào tạo y sĩ ở miền Bắc về.

Ban Quân y tổ chức thu mua lương thực, thuốc điều trị từ hai cánh: Long Điền và Đất Đỏ. Anh Phạm Hòang Mai (Hai Mai) tổ chức một cánh ở cầu Bà Mía (Phước Hội), Phước Hải. Khi đi lấy thuốc thường đi 3 người, chiều tối đi, đến sáng trở về căn cứ, nhiều chuyến đi tải gạo về núi không kịp, phải ngủ ở nhà dân, dưới chân núi. Anh Trần Duyên (Tư Duyên) có cơ sở ở Long Điền. Gia đình chị Lê Thị Lan ở Long Điền là cơ sở cung cấp thuốc Tây cho Quân y huyện Long Đất từ năm 1960-1968. Ngoài thuốc men, chị Lê Thị Lan[40] còn góp nhiều tiền bạc, bỏ tiền thuê thợ tin cậy xây dựng hầm bí mật trong thị trấn Long Điền cho cán bộ huyện vào bám trụ, cấp tiền, mua bò cho Quân y sản xuất, tự túc. Chi bộ xã Long Điền vận động 2 tiệm thuốc tây lớn ở thị trấn là Đức Nhuận và Thanh Điền luôn sẵn lòng mua giúp các loại thuốc quý hiếm với số lượng lớn.

Mỗi khi có đợt hoạt động, Quân y huyện Long Đất thành lập Đội Phẫu thuật gồm 4 người: 2 người mổ, còn 2 người mang dụng cụ và phụ mổ. Các anh Phạm Hòang Mai, Trần Phủ Việt, Trần Duyên, Thành Lý, Nguyễn Văn Hải thường xuyên tham gia Đội phẫu cơ động phục vụ hoạt động của lực lượng vũ trang huyện. Dụng cụ phẫu thuật khi đó rất đơn sơ và rất thiếu; dao mổ được chế từ dao liền cán mài lại, khi cần cưa chân tay phải qua mượn cưa của công binh xưởng (cưa sắt). Quân y huyện xử lý các tình huống chủ yếu là mổ các vết thương chiến tranh, mổ ruột thừa, băng bó vết thương phần mềm gãy chân tay, bó nẹp… bệnh nặng sau khi sơ cứu được chuyển về tuyến trên. Năm 1966, địch liên tục hành quân càn quét vùng Long Đất, có đợt hy sinh 36 chiến sĩ Sư đoàn 5 tại ấp Hội Trường (nay thuộc xã Phước Hội)[41]. Đại đội Hòang Lân bị trúng bom chết toàn bộ tại núi Minh Đạm, trong đó có cả anh Hai Danh, Huyện Đội phó huyện Long Đất. Bộ phận trinh sát đóng ở suối Tâm Tình bị thương 16 người. Quân y huyện gồm: Nguyễn Văn Hải, Phạm Hòang Mai, Trần Duyên, Nguyễn Văn Quang, chị Tư Phượng, Nguyễn Thị Hoa, chị Ba Hương… thay nhau cứu chữa, túc trực phẫu thuật suốt ngày đêm.

Từ năm 1965, Thị ủy Cấp phải rút về căn cứ Minh Đạm tổ chức lại lực lượng, dựa vào cơ sở cách mạng ở Long Điền, Đất Đỏ móc nối xây dựng lại cơ sở ở nội ô Vũng Tàu[42]. Bộ chỉ huy quân sự Miền rút cán bộ chiến sĩ từ các cơ quan Trung ương Cục thành lập Một Đại đội (A.65) huấn luyện kỹ thuật đặc công tăng cường lực lượng đánh vào thị xã Cấp[43]. Nguyễn Việt Cường là y tá đơn vị. Bộ phận y tế thị xã Cấp khi đó có y sĩ Nguyễn Thị Vân (Chín Vân, quê Long Mỹ), y tá Nguyễn Văn Mai (quê An Ngãi), y sĩ Trần Văn Long (quê Long Phước),… bộ phận y tế chia làm 2 tổ, tổ y tế Thị ủy do y sĩ Trần Văn Long phụ trách; tổ y tế Thị đội do y sĩ Tám Minh phụ trách. Y tá Nguyễn Việt Cường trực tiếp phục vụ đơn vị A.65. Đêm 12-3-1966, A.65 Thị đội Cấp được sự chi viện của Lực lượng pháo binh Miền đã tiến công sân bay Vũng Tàu và căn cứ Tiểu đoàn 6 lính dù, phá hủy 32 máy bay các loại (C130, AD6, T28 và L19), diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch. Đơn vị rút về hậu cứ an toàn, không bị thương vong. Địch phản kích bằng một loạt trận càn quét vào vùng căn cứ, Lê Thanh Chiến, chiến sĩ đơn vị A.65 bị thương, được Quân y huyện Long Đất cứu chữa và học được nghề cứu thương trong thời gian điều trị ở đây. Sau khi lành bệnh, Lê thanh Chiến phục vụ trong bộ phận y tế Thị xã Cấp.

Ngày 19-5-1965, Tiểu đoàn 445 bộ đội tỉnh Bà Rịa được thành lập, quân số 450 đồng chí[44]. Tiểu đoàn biên chế thành bốn Đại đội trong đó có một Đại đội hỏa lực (C4), thành lập cơ quan Tiểu đoàn bộ, các ban tham mưu, chính trị, hậu cần. Bộ phận Quân y Tiểu đoàn do y sĩ Nguyễn Thanh Hiếu phụ trách và 4 y tá của 4 Đại đội.

Tháng 6-1965, Bộ chỉ huy Miền quyết định giải thể Đoàn K10, thành lập Đoàn hậu cần 84 hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Đơn vị 445B kết hợp với Quân nhu Khu E thành Đoàn hậu cần 84. Đoàn hậu cần 84 có nhiệm vụ kết hợp với hội đồng cung cấp tiền tuyến tỉnh Bà Rịa đảm bảo Hậu cần – Quân y cho Sư đoàn 5 chiến đấu trên chiến trường Bà Rịa – Long Khánh. Bệnh viện K10 chuyển thành Bệnh viện Đoàn hậu cần 84. Việc cứu chữa thương bệnh binh vẫn dựa vào các địa phương. Bệnh viện các đoàn hậu cần đảm bảo phục vụ cho các đơn vị bộ đội chủ lực tác chiến. Đơn vị 340B ở lại Rừng Sác, chuyển thành Đoàn 10 đặc công Thủy, trực thuộc Bộ tham mưu Miền. Bệnh xá Đoàn 10 biên chế cấp Đại đội, đóng ở Bàn Thạch, gần tắc Kỳ Quang, có căn cứ dự bị ở khu vực Rạch Nghệ.

Trận càn 5 mũi tên tháng 4 năm 1966 đánh vào căn cứ Đoàn 84 Hậu cần Miền, quân Mỹ bỏ thuốc độc vào giếng nước, ông Mười Ô và 6 chiến sĩ C20 chết (có chị Tám Xuyến), nhiều người ngộ độc hấp hối. Dược sĩ Lưu Nghĩa phát hiện được, cho chuyền nước, rửa ruột, đâm đậu xanh sống hòa nước cho uống, cứu được những người còn lại. Địch càn vô, Ban Dân y tỉnh chuyển về Cồn Rang, anh chị em Ban Dân y khiêng thương 7 ngày đêm.

Cũng trong trận càn này, Lữ đoàn 173 dù Mỹ kết hợp với một tiểu đoàn lính Úc mở cuộc hành quân Hardi đánh vào vùng giải phóng Đông và Tây lộ 2. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trên địa đạo Long Phước. Buổi sáng ngày 4-5-1966, hàng trăm xe tăng với bộ binh Mỹ từ trục lộ 2 tiến vào Hòa Long rồi sau đó theo lộ 2 vào Long Phước. Bộ đội Tiểu đoàn 445 cùng quân dân du kích đã chiến đấu với địch vô cùng quyết liệt. Đội phẫu tiền phương huyện Châu Đức phục vụ đợt tác chiến này có ngày đêm dưới địa đạo để chăm sóc cho thương binh. Bọn địch tăng quân ngày càng đông, chúng chiếm các miệng địa đạo, dùng mìn đánh phá dọc theo đường trục vào sâu hệ thống địa đạo của ta. Đêm 12 tháng 5, lực lượng vũ trang yểm trợ cho Đội phẫu chuyển thương binh về tuyến sau và sau đó toàn bộ lực lượng của ta rút về căn cứ của tỉnh.

Từ năm 1966, chiến đoàn Hòang Gia Úc đưa quân về đóng ở căn cứ Núi Đất, Hòa Long, đặc trách bình định chiến trường Bà Rịa. Thời kỳ này ta thương vong nhiều. Trận tao ngộ chiến với quân Úc ở khu vực Mả Mẹ, Mả Con (Long Tân) tháng 6-1966, Tiểu đoàn 445 bị thương 18 đồng chí, trong đó có 3 bị bỏng nặng vì bom napan, đưa về Quân y, Chính trị viên Đại đội Tô Dũng hy sinh.

Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 lên phương án hiệp đồng với lực lượng vũ trang địa phương đánh quân Úc ở khu vực Lô cao su xã Long Tân. Công tác chuẩn bị chiến trường khá chu đáo, từ khâu nắm địch, thực địa, thực tập chiến đấu trên sa bàn và quán triệt kỹ nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ, đến khâu tổ chức cứu thương, lập Đội phẫu tiền phương v.v… Ngày 18-8-1966, quân ta triển khai đội hình phục kích tại khu vực Vườn Xoài (xã Long Tân) ngày 18-8-1966. Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến, bọn Úc hành quân lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Các hướng phục kích của ta đều phối hợp với nhau nhịp nhàng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nhưng sau đó, nhờ ưu thế về hỏa lực và pháo bắn phân tuyến dày, quân Úc đã ngăn được thế tiến công của quân ta và gây cho ta nhiều thương vong. Riêng Đại đội 2 Tiểu đoàn 445, có 23 đồng chí bị thương, 3 đồng chí hi sinh, Đại đội trưởng Đại đội 1 Trần Văn Chiến (Sáu Chiến) hi sinh trong trận này. Đại đội trưởng Nguyễn Đức Thu bị trọng thương, đạn địch bắn xuyên từ tai phải qua xương hàm trái, được Đội phẫu cấp cứu kịp thời.

Bộ đội chủ lực Miền (Sư đoàn 5) bị thương vong trên 200 người. Đại đội dân công tích cực giúp đỡ bộ đội chuyển số thương binh về căn cứ. 30 thương binh nặng được chuyển về căn cứ Bàu Sen, còn phần lớn thương binh nhẹ đều nằm lại Quân y tỉnh. Bệnh xá K76A, tiếp nhận trên 200 thương binh. Quân y tỉnh khi đó chỉ có chưa đầy 30 cán bộ nhân viên, đã hết lòng điều trị tổ chức hậu cần, bảo vệ, cáng thương binh chuyển về tuyến sau liên tục 5-6 ngày. Thời điểm này thuốc điều trị và lương thực rất thiếu vì địch đã tát hết dân Long Phước, Long Tân cơ sở hậu cần quan trọng của Tiểu đoàn 445. Không có lực lượng đột ấp để mua gạo, thuốc, Quân y phải dựa vào hậu cần tỉnh cung cấp, thiếu thốn mọi phương diện, nhưng anh chị em Quân y không quản không khăn gian khổ. Tất cả đều phục vụ liên tục 24/24 giờ, thương yêu chăm sóc anh em thương bệnh binh như người thân ruột thịt của mình.

Trên chiến trường Long Đất, Quân y huyện thành lập 2 Đội phẫu tiền phương phục vụ chiến dịch. Đội phẫu phục vụ cánh đánh vào Đất Đỏ có 5 người (3 nam, 2 nữ), y sĩ Phạm Hòang Mai (Hai Mai) là Đội trưởng và một số y tá là Đồng Thị Loan, Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), Lê Thị Ánh (Ba Ánh), Nguyễn Văn Quang (Hai Quang), chị Tư Phượng, anh Minh (bảo vệ). Đội phẫu Long Điền (hướng chính): bác sĩ Trần Hòai Đức (Tư Đức), y sĩ Bảy Ly, y sĩ Trần Duyên (Tư Duyên), y tá Trần Phan Thế (Ba Thế), các anh Lân, Điền, Phạm Thị Minh (Ngọt), chị Tâm (y tá). Bộ phận Quân y huyện trực ở núi Minh Đạm có Thành Lý, Nguyễn Văn Hồng (Tư Hồng) và một số y tá. Thương binh thường xuyên có đến 40-50 người, bố trí ở nhiều hang, 1 hang từ 3 đến 4 thương binh.

Cánh Đất Đỏ trụ được 3 ngày thì rút ra, Đội phẫu Đất Đỏ nhập về với Đội phẫu Long Điền, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Đại đội 29 vừa thành lập thương vong gần hết. Thời gian này thuốc tê còn lại ít phải để dành những ca nặng, nguy hiểm còn những trường hợp bị thương phần mềm như chị Tám Tâm (Huyện ủy viên), anh Tư Thuận (xã đội Phước Hòa Long), anh chị em trong Đội phẫu động viên các chiến sĩ bị thương ráng chịu đựng rồi lấy kéo cắt bỏ phần hoại tử ở vết thương, băng bó lại. Thương binh nhiều, thiếu bông băng, gạc… phải lấy mùng của cán bộ Quân y cắt ra làm băng gạc, mỗi lần thay băng phải giặt sạch, phơi khô, sát trùng để dùng lại. Có trường hợp một chiến sĩ bị vết thương ổ bụng, chưa khiêng được lên núi, máu chảy thành vũng, trên phải dùng một miếng gạc thấm máu, sau đó thảy vào nồi nước sôi, vắt khô thấm lại, rất nhiều lần, thấm hết máu đọng mà không bị nhiễm trùng. Mỗi khi thay băng phải gom lại, cho vào chậu, lấy nước tiểu ngâm cho rã máu, mủ, xả nước rồi ngâm xà bông, dùng chân dẫm đạp sạch vết dơ, xả 3 lần, vắt khô, đem hấp, phơi khô, cho vào túi gói gém cẩn thận để dùng lại.

Tháng 3-1968, trinh sát Tiểu đoàn 445 đánh vào Bình Ba, đồng chí Thống, bị thương ở vùng bụng do miểng trái nổ, nhưng chưa biết tổn thương ở vùng nào. Khi đưa về Đội phẫu trong tình trạng nhịp thở ngắn, da tái mét (do mất nhiều máu), mắt lờ đờ, mạch rất yếu, sau khi sát trùng, gây tê, mở rộng vết thương, có mùi hơi thúi, chua nhẹ, gõ 2 bên hố chậu tiếng đục, anh em trong Đội phẫu chẩn đoán là vết thương tiểu tràng (ruột non), có đứt mạch máu và các bộ phận khác. Phương án điều trị được chỉ định: chuyền máu (máu khô) nhằm chống mất máu, dùng thuốc an thần rồi gây tê từ ngoài vào trong từng bộ phận; mổ ổ bụng, tìm động tĩnh mạch bị đứt, dùng ben (bynce) kẹp cầm máu; tìm đoạn tiểu tràng bị thủng, vệ sinh sạch sẽ, lấy dịch chuyền rửa toàn bộ khoang bụng, dùng chỉ không tan cột mạch máu, khâu nối ruột và rửa dịch chuyền lại một lần nữa, sau đó dùng loại thuốc kháng sinh Streptomyxin, Penicilin… mỗi loại 2 ống đổ vào khoang bụng, đóng thành bụng lại theo thứ tự: phúc mạc theo phúc mạc, gân theo gân, cơ theo cơ, da theo da (nếu khâu nhầm sẽ gây biến chứng), sau đó đặt 2 ống dẫn lưu cuối phần hông bụng để thoát huyết tương và các chất dịch thải ra. Đây là ca thuộc mạch máu mạc nối lớn và đứt mạch máu mạc treo tràng được Đội phẫu Tiểu đoàn 445 chẩn đoán chính xác, xử lý kịp thời, an toàn cho bệnh nhân.

Trong phẫu thuật, cách sử dụng kháng sinh cũng góp phần tăng hiệu quả chống nhiễm trùng, mau lành bệnh. Qua kinh nghiệm thực tiễn, anh chị em Quân y sử dụng 1 liều thuốc kháng sinh tiêm trực tiếp từ 3 đến 4 mũi xung quanh vết thương (cách miệng vết thương từ 2 đến 3cm); một ngày tiêm hai liều, tránh chạm vào mạch máu. Các vết thương ổ bụng sau khi phẫu thuật được rắc kháng sinh bột trực tiếp trước khi đóng thành bụng, sau đó chích kháng sinh xung quanh miệng vết thương, rất mau lành.

Ngày 5-5-1968, quân và dân trong tỉnh bước vào đợt 2. Phục vụ đợt 2 Tết Mậu Thân, Trạm Dân y tiền phương của tỉnh đóng tại căn cứ Quân y Châu Đức (xã Hòa Long). Đội Phẫu thuật Dân y tỉnh gồm: bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (Hai Bôn) làm Đội trưởng cùng với lương y Hai Minh, y sĩ Huỳnh Thanh Phương (Hai Phương), Sáu Giã, Năm Bồ Câu (Đoàn Kim Hoa), Trần Thị Phương (Sáu Phương), Lê Thị Kim Lan, Ba Minh (bảo vệ), Sáu Hùng, Tường Liêm (xét nghiệm) tăng cường phục vụ chiến dịch phối hợp với Quân y huyện Châu Đức sơ cấp cứu và chuyển thương binh về tuyến trên, cuối đợt, đội phẫu Dân y rút về cứ (Phước Thái), qua Bàu Lâm.

Đợt 2 Mậu Thân 5-1968, Quân y huyện Châu Đức đóng căn cứ Suối Nghệ. Tiểu đoàn 445 đánh vào Phước Hòa, đưa về Quân y huyện 3 ca thương binh, Quân y huyện thực hiện 3 ca mổ ruột thành công. Địch phản kích, tình hình rất khó khăn, thiếu thốn lương thực, anh em đào củ nần nhưng ngâm không kỹ, ăn vào ngộ độc hơn 30 người. Đồng chí Bùi Quang Chánh (Hai Chánh), Tỉnh Đội phó vào thăm, chỉ thị đồng chí Nguyễn Tấn Lợi[45] đi cùng qua gặp đồng chí Nguyễn Văn Kiềm (Năm Kiềm) Huyện Đội trưởng, đề nghị hỗ trợ. Huyện Đội trưởng Nguyễn Văn Kiềm chỉ đạo bộ đội huyện phải gom tất cả số gạo còn lại, được vài lon, nấu cháo cho Quân y huyện ăn, giải độc. Quân y huyện vừa phục vụ cấp cứu điều trị bệnh, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa lo liên lạc với cơ sở trong lòng địch để mua lương thực, thực phẩm và thuốc men cho anh em thương, bệnh binh, đồng thời đào tạo cán bộ cho Quân y cơ sở và Dân y tuyến xã. Trong điều kiện hết sức khó khăn, cán bộ nhân viên Ban Quân y và Ban Dân y huyện Châu Đức vẫn nỗ lực điều trị. Những ca cấp điều trị bệnh nguy hiểm khó có tới 90%, đã thành công cứu sống tính mạng cho nhiều cán bộ chiến sĩ.

Trong đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 445 đánh vào Long Điền, Đất Đỏ cũng bị thương vong nhiều, phải chuyển thương về Bàu Non bằng hai cánh, một cánh qua Sông Ray lên, một cánh qua Phước Bửu về. Bộ đội ta vừa rút về căn cứ được 3 ngày thì địch cho B52 dội bom vào núi Minh Đạm. Căn cứ Thị đội Cấp ở Lò Ảng bị trúng bom, chị Nguyễn Thị Mai (Năm Võ Sĩ), cán bộ phụ nữ thị xã Cấp và chị Trương Thị Lan (Hai Lan), nhân viên Thị đội Cấp bị thương. Quân y huyện Long Đất cử anh Nguyễn Văn Hải (Tư Hải) và anh Nguyễn Hữu Xuân (Hai Xuân) qua chi viện, cấp cứu kịp thời.

Ngày hôm sau, bom dội trúng căn cứ Quân y huyện Long Đất. 07 thương binh trúng bom chết trong đợt này. Quân y huyện cũng bị tổn thất nặng. Đội Phẫu thuật đang mổ ổ bụng cho một chiến sĩ giao liên Huyện đội thì dính bom. Phòng Mổ dã chiến dựng gần cửa hang, khuất sau một tảng đá lớn trên ngọn suối Ngọc Tuyền. Bác sĩ Trần Hòai Đức (Tư Đức) đang thực hiện ca mổ cùng các đồng nghiệp là y sĩ Bảy Ly, y sĩ Phạm Hòang Mai (Hai Mai), y tá Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), y tá Nguyễn Hữu Xuân (Hai Xuân), y tá Trần Phan Thế (Ba Thế). Trái bom nổ cách hơn 10 mét. Cả kíp mổ đều thương tích. Nguyễn Văn Hải dính mảnh bom đầy người, Trần Hòai Đức, Bảy Ly bị bỏng nặng. Nguyễn Hữu Xuân đang phụ mổ bị đá đè nửa người, khi dỡ được tảng đá ra thì anh đã hy sinh. Chị Hà ở Long Đất lên núi sanh con được 3 ngày, đang bồng cháu bé thì bị bom B52 đánh bay mất đứa con.

Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan mở đường máu rút ra, vượt Sông Ray về căn cứ khu Đông. Thương binh nhẹ, sản phụ, người già, trẻ em được bộ đội đưa đi trước. Quân y huyện ở lại chăm sóc thương binh nặng, chờ bộ đội về đưa đi đợt sau. Bọn Úc đổ quân trên núi, phục kích các ngả đường quanh núi, cho chó becgiê sục tìm các hang động, bắn pháo chặn đường rút của ta. Trong một đoàn cán bộ rút khỏi Minh Đạm, vợ anh Thành (bộ đội) mới sinh đứa con nhỏ mấy tháng khóc oe oe, khi chuẩn bị vượt lộ, nơi có biệt kích Úc phục kích, đầu đoàn quân truyền lệnh phải bụm miệng con lại, chị vừa bụm miệng con vừa chạy theo đoàn cho đến khi xa chốt địch, ngoài tầm pháo mới dừng lại thì đứa bé đã tắt thở tự lúc nào. Sau này chị vợ anh Thành cũng hi sinh ở núi Minh Đạm.

Trên căn cứ Minh Đạm còn hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Tình hình vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Huyện ủy Long Đất chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ vững căn cứ với khẩu hiệu: "Quyết tử giữ Minh Đạm". Bộ đội và du kích bám đánh địch, bảo vệ thương binh. Chi bộ và du kích Phước Hải được lệnh soi đường về xã, vận động ghe đưa thương binh qua Lộc An. Địch thiết quân luật, không cho ai ra đường. Đồng chí Sơn Tùng cùng một bán đội huyện vào xã phải trở về. Lần thứ 2, đồng chí Minh Cù bí thư chi bộ xã Phước Hải và đồng chí Đại (y tá C.25) bị địch phục kích ở cầu Tum. Đồng chí Minh Cù bị thương và bị bắt. Lần thứ 3 du kích Phước Hải đưa một bán đội của Đại đội 2 Tiểu đoàn 445 soi đường theo hướng ngã ba Bàu Trứ, nhưng vừa đến chân núi thì lọt ổ phục kích của quân Úc. Du kích Phước Hải và bộ đội đều hy sinh.

Trinh sát huyện phát hiện được một hang núi – hang Cây Khế gần triền núi Nước Ngọt. Thương binh được đưa xuống Hang Chùa - Cây Khế, bọn lính Úc phục kích 7 ngày đêm trên trên miệng hang. Chỉ còn ít gạo, rang lên dành cho thương binh, anh chị em Quân y tìm bắt chuột, cắc ké… nướng ăn cầm hơi. Bọn Úc đổ quân lên đóng chốt tại Đá Chẻ. Với tinh thần quyết tử, bộ đội huyện mở đường máu, đưa thương binh xuống hang Cây Khế (Nước Ngọt), không còn thức ăn, đói quá anh em lên khỏi hang kiếm thức ăn bị địch phát hiện, bắn chết 1 người, phải đưa thương binh vào sâu trong hang. Huyện ủy phải chuyển hướng đưa thương binh về phía rừng Long Hải rồi cặp theo chùa Đá Vàng về Tam Phước, về Phước Lợi, đêm sau qua Tân Rú.

Biệt kích Úc quây quanh các miệng hang, Quân y huyện phải đưa thương binh vào trong các ngách hang sâu, chúng đánh mìn, lựu đạn không vào tới. Quân y Long Đất bị thương gần hết, chỉ còn lại y tá Đồng Thị Loan, y tá Lê Thị Ánh. Y tá Trần Phan Thế (Ba Thế) bị thương nhẹ cũng tình nguyện ở lại cùng các chị Đồng Thị Loan, Lê Thị Ánh (Ba Ánh), và một anh bảo vệ phục vụ 11 thương binh nặng nằm lại núi không khiêng đi được. Trong số thương binh phải nằm lại có nhiều cán bộ chiến sĩ Quân y huyện Long Đất bị thương nặng như anh Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), anh Thành Lý, anh Tư Đức, anh Bảy Ly, Phạm Thị Minh (Ngọt), chị Sáu Soài… Những người ở lại cũng xác định tinh thần quyết tử cùng thương binh, nếu địch đánh vào, trong trường hợp bộ đội không kịp về giải cứu.

Khi đó toàn bộ lực lượng huyện Long Đất và thị xã Cấp đã chuyển về vùng II (Bắc lộ 23). Thương binh nhẹ cùng đơn vị được đưa đi trước. Bộ phận Quân y Thị xã Cấp cùng thương binh nặng phải nằm lại hang núi chờ đơn vị trở lại rước. Chị Nguyễn Thị Mai và chị Trương Thị Lan bị phỏng bom phốt pho toàn thân phải nằm lại căn cứ Lò Ảng. Cứu thương Lê Thanh Chiến (Tám Chiến-) được phân công ở lại nuôi 2 thương binh. Anh Bảy Nguyên, Thị Đội phó và anh Tư Hùng bảo vệ cùng ở lại bảo vệ thương binh. Quân Úc ở trên ngọn núi, cách miệng hang khoảng 200m, chia thành nhiều toán lùng sục. Thương binh ở dưới hang sâu, anh Bảy Nguyên, anh Tư Hùng hàng ngày lên trên miệng hang canh gác.

Trong hang tối thui, không có đèn, nhiều lúc đút cơm cháo cho thương binh không vào miệng mà vào lỗ mũi, cằm…. thay băng, chích thuốc. Anh chị em Quân y huyện phải lượm xăng đặc (bom napan cháy chưa hết) đốt làm đèn, nấu nước, rửa vết thương, tiêm chích, chăm sóc thương bệnh binh. Hai thương binh của Thị xã Cấp bị bom phospho bỏng toàn thân (độ II) nước vàng (huyết tương) chảy ra rất nhiều, cứu thương phải nấu muối hột pha nước rửa vết thương, giặt quần áo, nấu cơm cháo cho ăn với muối hột. Một cứu thương nuôi 2 thương binh rất vất vả. Thuốc thì chỉ còn vài loại thuốc viên như Penicilin, Sulfamid, Vitamin B1. Sáng uống mỗi thứ một viên, chiều cũng uống mỗi thứ một viên, điều trị chủ yếu là rửa vết thương, thay băng. Không có băng, gạc để thay, cứu thương Lê Thanh Chiến cắt chiếc mùng của mình làm ga để rửa vết thương. Mùng cũ phải giặt thật kỹ. Không có xà bông, thuốc tẩy, chỉ dùng tay vò nhiều lần, phơi khô, hấp trong lon ghigô, chưng cách thủy rồi đem ra rửa vết thương. Thương binh ở hang sâu nhiều ngày nên vết thương đọng mùi rất hôi, nhưng với tấm lòng tận tình phục vụ, chăm sóc, cứu sống 2 thương binh nặng.

Quân Úc siết chặt vòng vây, hàng ngày máy bay địch phát loa kêu gọi đầu hàng, trong hang, thương binh thì thiếu thuốc, thiếu ăn nhưng 2 thương binh vẫn tin tưởng và động viên những người chiến sĩ Quân y: "Tánh mạng của 2 em hiện nay sống hay chết gì cũng nhờ 3 anh, đừng để 2 em bị địch bắt hoặc chết ở hang này". Anh Bảy Nguyên cũng thường xuyên động viên anh Tư Hùng (bảo vệ), Lê Thanh Chiến (cứu thương) và 2 thương binh là thà chết tại hang này, nhứt quyết không đầu hàng hoặc để 2 thương binh chết tại đây mà phải quyết tâm cứu chữa, chờ đơn vị về rước đi. Sau 16 ngày đêm chống trả với bom pháo địch và bệnh tật, đơn vị đã cử người về rước 2 thương binh và bộ phận Quân y Thị xã Cấp về căn cứ Bắc lộ 23. Chị Nguyễn Thị Mai (Năm Mai) và chị Trương Thị Lan (Hai Lan) được chuyển về Bệnh viện tỉnh điều trị tiếp đến khi lành vết thương[46]. Sau khi 2 thương binh về Bệnh viện tỉnh điều trị tiếp thì cứu thương Lê Thanh Chiến được đi học y tá, rồi được đào tạo thành y sĩ. Chị Trương Thị Lan (Hai Lan) sau khi chữa lành vết thương được cử đi học y tá (1972), về phục vụ tại xã Tam Phước.

Lực lượng Quân y huyện Long Đất cũng được C25 bộ đội huyện do đồng chí Nguyễn Thành Liêm, Huyện Đội phó chỉ huy về giải thoát, đưa toàn bộ 11 thương binh nặng và số y tá phục vụ về căn cứ mới ở Gò Gõ (Phước Bửu). Bác sĩ Trần Hòai Đức (Tư Đức), y sĩ Bảy Ly bị bỏng nặng, được đưa về Quân y tỉnh điều trị rồi ở lại công tác tại Quân y tỉnh. Y sĩ Trần Phủ Việt phụ trách Trưởng ban Quân y huyện Long Đất. Y sĩ Phạm Hòang Mai (Hai Mai) là Phó ban.

Sau khi phục vụ đợt 2 Tết Mậu Thân, Ban Dân y tỉnh chuyển căn cứ về Ngã Năm núi Mây Tàu (ngã ba Leve). Đây là thời kỳ đói, khổ và ác liệt. Địch đánh phá liên tục, thường xuyên phải chuyển căn cứ, khiêng thương ròng rã ngày đêm. Đến vị trí mới, đặt thương binh xuống là đào hầm, dựng lán, kiếm rau rừng, củ rừng thay cơm. Gần 3 tháng trời không thấy hạt gạo phải ăn đọt cau, đọt đác, trái đác. Y tá Miền hy sinh trong một trận càn (y sĩ Trần Chương và anh Ba Minh bảo vệ chôn cất), Ban Dân y tỉnh dời về Bình Châu. Ban Dân y được bổ sung thêm hai vợ chồng bác sĩ Trần Hòai Đức – Nguyễn Thị Đức; y sĩ Trần Thị Minh Nguyên (Tư Nguyên) được điều về thị xã Bà Rịa.

Cuối năm 1968, y tá Trần Thị Trinh (Năm Trinh) học lớp y sĩ về phục vụ trong khối vận tỉnh. Lực lượng Dân y tỉnh cũng được tăng cường cho các đợt công tác trọng điểm. Chị Năm Trinh được phân công đi cùng với đội biệt động Thị ủy đột kích vào các ấp chiến lược (mỗi đợt đột kích thường 5, 6 chiến sĩ và 1 y tá, y sĩ). Địch đánh phá vùng căn cứ ngày càng ác liệt, cuối năm 1968, Ban Dân y tỉnh qua sông Đu Đủ chuyển về Bình Châu, rồi lại về Phước Bửu. Đội bảo vệ và nhân viên thay nhau cáng thương, tránh địch. Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn - Trưởng ban Dân y cũng phải khiêng thương trầy vai.

Cuối năm 1968, Quân y huyện Long Đất phục vụ C25 đánh Long Điền đợt 2, bộ đội bị thương nhiều, có ca nặng phải mổ tại chỗ (không có ête để gây mê mà gây mê ở tĩnh mạch bằng thuốc Meldonal, Thiopantal), không có novocain, dùng nước cất gây tê (chủ yếu trấn an thương binh bằng tư tưởng là chính); truyền bằng nước nấu lọc, bỏng dùng mở trăn, chữa vết thương nhiễm trùng, sát trùng bằng cách rửa nước muối, đắp mật ong rừng cho vết thương mau lành. Ngoài chữa các vết thương, chữa trị bệnh thường gặp là sốt rét, sốt rét ác tính, gan, da liễu…

Căn cứ huyện Châu Đức bị đánh phá thường xuyên. Quân y huyện Châu Đức tổ chức tải gạo ở Hòa Long, bị địch tập kích, anh Thâu, anh Đồng hy sinh. Y sĩ Đỗ Văn Đồng quê ở Hòa Long, bị trúng một dây mìn bay hết thi thể. Anh chị em Quân y chỉ lượm được một ít thịt rơi vãi đem chôn cất. Trong năm 1968, rất nhiều cán bộ chiến sĩ Quân – Dân y huyện Châu Đức đã hy sinh trên chiến trường.

Những trận đánh ác liệt trong năm 1968 khiến cho thương bệnh binh thu dung về các cơ sở điều trị rất đông. Cán bộ chiến sĩ Quân – Dân y ở các tuyến đều hết lòng cứu chữa. Tại căn cứ Quân y tỉnh ở Phước Bửu, anh Quốc, du kích Phước Long Thọ bị phù động mạch chủ trái, nguy cơ tử vong. Nếu giải phẫu cũng có khả năng 95% tử vong. Với phương châm "còn nước còn tát", bác sĩ Hòang Tiến Nam quyết định mổ. Sau khi gây tê xong các anh bắt tay vào mổ, 6 tiếng đồng liền tục, vết thương được băng bó lại và chỉ 5 ngày sau vết thương lên da non lành lặn, anh Quốc ăn uống và còn hát vọng cổ trong niềm mừng vui của anh em.

 

Chương VIII

PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN TRONG THỜI KỲ TẠO THẾ, TẠO LỰC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY, GIẢI PHÓNG HÒAN TOÀN

BÀ RỊA – VŨNG TÀU (1973-1975)

1. Thành lập lại Quân – Dân y tỉnh Bà Rịa – Long Khánh

 Tháng 8 năm 1972, Trung ương Cục quyết định giải thể các Phân khu, thành lập lại Khu ủy miền Đông Nam bộ, thành lập lại tỉnh Bà Rịa – Long Khánh gồm các huyện: Định Quán, Cao Su, Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc và ba thị xã Long Khánh, Cấp, Bà Rịa. Bác sĩ Bảy Niên là Trưởng ban Quân y kiêm K trưởng K76C[47]. Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (Hai Bôn) là Trưởng ban Dân y; bác sĩ Huỳnh Văn Chính, Phó ban; lương y Lê Minh là Chính trị viên; y sĩ Nguyễn Công Thành (Hai Thành) là Chánh văn phòng Ban Dân y.

Quân – Dân y huyện Long Đất sau một thời gia sáp nhập lại chia thành 2 bộ phận: Dân y và Quân y. Ban Dân y chuyển qua Tà Loong (Long Tân) do y sĩ Phạm Hòang Mai (Hai Mai) phụ trách. Sau đó Phạm Hòang Mai đi học Bác sĩ; y sĩ Trần Công Khanh (Ba Khanh), phụ trách Ban Dân y huyện Long Đất, nhân viên có: Mười Nguyệt, Nguyễn Đức Tình (Bảy Tình), Hằng, Trung, chị Trưa, Phạm Thị Minh (Ngọt), anh Thanh (dược sĩ). Ban Quân y huyện Long Đất gồm bác sĩ Trần Văn Sự, y sĩ Trần Duyên, y sĩ Nguyễn Văn Hải (Tư Hải), y sĩ Trần Phan Thế (Ba Thế), Phạm Thị Minh (Ngọt), y sĩ, chị Lệ, chị Nhèn, chị Thảo, anh Điều, anh Kiệt, anh Tranh, anh Lạc (y tá), anh Xê, anh Nguyễn Văn Hồng (Tư Hồng), chị Tâm (nhỏ), Huỳnh Thị Lang (quê Phước Tỉnh).

Năm 1972, Ban Dân y tỉnh tăng cường Đội phẫu về Long Đất gồm y sĩ Nguyễn Thành Long (Tư Long), y sĩ Phạm Dũng (Tư Dũng), sau đó anh Phạm Dũng (Tư Dũng) về Dân y tỉnh, Nguyễn Thành Long (Tư Long) về Đội phẫu Tiểu đoàn 445. Nhân dân Long Điền, Đất Đỏ tìm mọi cách vượt qua lưới kiểm soát của địch tiếp tế thuốc men cho cách mạng. Ở xã Phước Thọ (nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ), đảng viên mật Trần Thị Mai tổ chức nhiều cơ sở mua thuốc tây y và pin đèn cho bộ đội. Anh Năm ở chợ Đất Đỏ thường mua thuốc tây chuyển đến cho chị. Bà Trịnh Thị Trạch (Hai Trạch), giấu thuốc tây trong người chuyển ra căn cứ bị địch phát hiện, chúng bắt bà bỏ tù và đánh đập rất dã man nhưng không khai thác được ở bà một lời nào.

Chiến dịch mùa hè năm 1972, bộ đội ta đánh vào Đất Đỏ, trụ lại hai tuần lễ trong thị trấn, đánh địch phản kích. Trong suốt 15 ngày đêm chiến đấu ác liệt tại Đất Đỏ, chị em phụ nữ xã Phước Thạnh, Phước Thọ vẫn thường xuyên có mặt bên chiến hào, mua bông gòn, thuốc đỏ, rửa vết thương cho những cán bộ chiến sĩ bị thương. Không ít trường hợp, đơn vị bộ đội phải vận động tác chiến, có lúc phải rút khỏi trận địa, gửi thương binh lại để chị em đưa về nhà chăm sóc, và bảo vệ. Có những trường hợp, chị em đã che dấu, bảo vệ thương binh qua mắt địch 2 ngày đêm mới liên lạc được với đơn vị để chuyển thương ra căn cứ. Để bảo vệ được thương binh trong nhà mình ngay trong vùng chiến sự, không chỉ cần đến mưu trí, tình thương yêu, mà phải có lòng can đảm như người chiến sĩ ngoài mặt trận, sẵn sàng chịu đựng, hi sinh nếu bị địch phát hiện.

Năm 1972, tại căn cứ Rừng Lá, Trưởng Ban Kinh tài tỉnh Lê Thành Ba (Ba Bùi) và con trai là Lê Thanh Cảnh bị sốt rét ác tính, đái ra huyết sắc tố màu như càfé đen, y sĩ Hòang Minh Liên phải dùng Quinacrine hột pha thành dung dịch, truyền tĩnh mạch và Quinacrin, Quinin dihydroclorid pha trong dung dịch nước muối đẳng trương chuyền liên tục. Nhờ bộ phận tiếp liệu (anh Năm Văn) thu mua kịp thời, chuyền hết 50 chai (loại 0,5 lít và 01 lít) mới cứu sống được tính mạng hai cha con Trưởng Ban Kinh tài tỉnh Lê Thành Ba. Y sĩ Hòang Minh Liên phụ trách y tế cơ quan Ban Kinh Tài tỉnh nhiều lần được tặng bằng khen về tinh thần tận tụy phục vụ thương bệnh binh, có sáng kiến kết hợp Đông Tây y, điều trị được nhiều ca bệnh khó.

Ban Dân y tỉnh đóng ở suối Quả (Bàu Lâm), mở lớp y sĩ khóa 2, Ban Dân y tỉnh có y tá Trần Chương được cử đi học. Trường đặt ở ngã ba Lave, đến năm 1973 dời về gần Trường Thiếu sinh quân. Từ năm 1964 đến 1975, Ban Dân y tỉnh chuyển trên 30 căn cứ, căn cứ cuối cùng là Trường Thiếu sinh quân. Mùa hè năm 1972, Ban Dân y tăng cường Đội phẫu về Long Đất gồm Huỳnh Thanh Phương (Hai Phương), Phạm Dũng (Tư Dũng), Năm Tiến, phục vụ đợt đánh vào Phước Hải. Tiểu đoàn 445 và C25 bộ đội huyện Long Đất do đồng chí Tư Oanh chỉ huy mặt trận, đồng chí Hai Quế và đồng chí Út Cao trực tiếp điều động lực lượng bao vây đồn địch. Trận công đồn không thành, bộ đội ta bị thương nhẹ 02 đồng chí. Nửa đêm, lực lượng ta phải rút về căn cứ Bàu Lâm. Đội Phẫu thuật trở về đơn vị cũ.

Tháng 10-1972, Ban Dân y cử một đội công tác gồm 3 người, trong đó có y sĩ Tư Nghiệp, y sĩ Huỳnh Thanh Phương (Hai Phương),… tăng cường cho huyện Định Quán phục vụ đợt tuyên truyền thu thuế (tại cây số 118-125 lộ 20). Đoàn công tác của Ban Dân y tỉnh phối hợp với y tế Ban Kinh tài và Quân – Dân y huyện Định Quán khám sức khỏe cho nhân dân trong huyện, khám, chữa bệnh cho đồng bào Nùng, cấy nhau cho nhiều bệnh nhân, sớm phục hồi sức khỏe, kết hợp tuyên truyền vận động đồng bào Nùng đóng góp tích cực cho cách mạng.

Tháng 10-1972, Tiểu đoàn 445 sau hơn một năm phân tán được lệnh tập trung lại, Đội Phẫu thuật cũng tập trung lại gồm: bác sĩ Ba Nguyện (quê miền Bắc), Đội trưởng; bác sĩ Trần Văn Sự (Tư Sự, Long Điền), Đội phó; y sĩ Nguyễn Văn Hân, y sĩ Ba Thương, y sĩ Đỗ Đồng Tâm, y sĩ Tư Long (Tư Chảng, quê Long Mỹ), y tá Tư Hùng (tức Bé Ngọng, quê Long Mỹ), y tá Nguyễn Tấn Mạnh (quê Hòa Long), y tá Võ Văn Trí (Hòa Long), y tá Ba Nghĩa (Long Phước), y tá Đỗ Văn Út, y tá Nguyễn Thị Hồng (Long Phước), Nữ y tá Thắm (Long Phước).

Thời kỳ này Hậu cần tỉnh mở được cửa khẩu Tà Lú, mua được bột mì, bột gạo, bột nếp, đậu xanh để làm bánh mì và các loại bánh tẻ, bánh nếp, cải thiện bữa ăn cho cán bộ nhân viên ngành Quân – Dân y và thương bệnh binh. Các loại thuốc Quân y cũng được Hậu cần tỉnh mua và cấp phát nhiều hơn trước, đời sống thương bệnh binh và cán bộ chiến sĩ Quân – Dân y được cải thiện. Đội bảo vệ là chủ lực đi tải bột mì. Bao bột mì 50 kg, mỗi người tải trọn 1 bao, không dám mở ra san sẻ sợ hư hao bột, chưa kể phải mang theo súng đạn, tư trang cá nhân. Đội bảo vệ năm nào cũng được bầu đơn vị xuất sắc, tập thể đội bảo vệ được tặng thưởng 2 huân chương chiến công hạng I và hạng II; riêng cá nhân Đội trưởng Lê Quang Minh được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng I.

c. Y tế huyện Long Đất

Cuối tháng 4-1975, thực hiện chủ trương "huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã", Ban Dân y huyện Long Đất được phân công tiếp quản các cơ sở y tế tại quận Đất Đỏ, Ban Quân y huyện tiếp quản các cơ sở y tế tại quận Long Điền. Cơ sở y tế chế độ cũ để lại rất nghèo nàn. Lực lượng y tế huyện Long Đất tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân và phòng chống bệnh dịch kịp thời. Ngành Y tế tham mưu cho huyện chỉ đạo thành lập tại mỗi xã một Ban y tế trực thuộc Ủy ban quân quản, vận động quần chúng tổ chức tủ thuốc dân lập để phục vụ nhu cầu điều trị tại chỗ những bệnh thông thường.

Đến cuối năm 1976, mỗi xã đều xây dựng được một trạm xá, những xã đông dân như Long Điền, Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Hội Mỹ đều lập nhà hộ sinh và phòng khám thai. Năm 1978, mạng lưới y tế, nhà hộ sinh, hệ thống cửa hàng dược và tủ thuốc dân lập được phát triển rộng rãi nên việc khám bệnh, điều trị, sinh đẻ, phân phối thuốc cho nhân dân được kịp thời và thuận tiện. Huyện đã có được một bệnh viện, một Phòng khám khu vực hơn 50 giường bệnh, 11 trạm xá, hộ sinh, 4 quầy hàng dược phẩm và một bộ phận thu mua dược liệu. Hoạt động thể dục thể thao cũng phát triển sâu rộng từ huyện tới xã, ấp nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Được Sở Y tế chấp thuận, ngày 25-9-1982, Trường Sơ cấp Y tế Châu Thành được thành lập do Bệnh viện huyện Châu Thành trực tiếp quản lý. Ban lãnh đạo trường có: bác sĩ Phạm Hải, Phân Hiệu trưởng; bác sĩ Nguyễn Phi Tấn, Phân Hiệu phó kiêm Trưởng Phòng giáo vụ và hơn 20 giáo viên là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn. Mục đích thành lập trường nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân viên ở bệnh viện cũng như các cơ quan, công nông lâm trường và các xã trong huyện, 44 học sinh được tổ chức thi tuyển vào khóa đầu tiên. Sau một năm đào tạo, đã có 43 học viên tốt nghiệp, trong đó có 2 học viên xuất sắc, còn lại đều đạt loại khá. Cũng trong đợt này có 10 nhân viên của trạm xá có thâm niên ngành nghề được Sở Y tế xét duyệt và tổ chức cho thi lấy bằng y tá sơ cấp 1 năm.

Năm 1983 bệnh viện tổ chức quầy thuốc ngoại nhập, giải tán các điểm bán thuốc tư bất hợp pháp trong bệnh viện, tạo niềm tin tưởng trong nhân dân và bệnh nhân trong hòan cảnh bệnh viện còn thiếu nhân viên phục vụ. Từ năm 1983, Bệnh viện Bà Rịa đã thực hiện phục vụ 165 giường bệnh (chỉ tiêu là 150 giường). Trong 8 năm sau ngày giải phóng (1975-1983), bệnh viện đã tổ chức khám cho trên 300.000 người và 30.000 bệnh nhân nằm điều trị với số ngày điều trị trên 500.000 ngày, trong đó có 2.000 ca mổ trung đại phẫu; trung bình mỗi năm mổ 250-270 ca, tỷ lệ tử vong ngày càng giảm, từ 2,7% trong năm 1976; 1,2% năm 1977; và duy trì tỷ lệ không vượt quá 1,4%. Ngoài ra ngành dược và xét nghiệm cũng có nhiều cố gắng trong khâu pha chế dịch truyền, khắc phục khó khăn cải tiến công tác xét nghiệm để không ngừng phục vụ hiệu quả cho lâm sàng, làm lợi nhiều cho ngân sách huyện.

Tổng kết thi đua năm 1983, Bệnh viện huyện Châu Thành đã bình chọn được 15 chiến sĩ thi đua gồm: cán sự điều dưỡng: Trần Thị Thòan, cán sự xét nghiệm Nguyễn Văn Liêm, bác sĩ Trần Văn Toàn, bác sĩ Nguyễn Phi Tấn, bác sĩ Phạm Hải, dược sĩ Bùi Đức Thắng, y sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, y sĩ Trần Thị Hạnh, bác sĩ Trương Thanh Trừng, hộ lý Cao Thị Hương, điều dưỡng Vũ Thị Kim Lai, hộ lý Phạm Thị Hạnh, dược sĩ Nguyễn Phú Minh, ông Đỗ Văn Phạn và Phạm Văn Nhỡ và 57 cá nhân lao động tiên tiến.

 Năm 1984, Bệnh viện huyện Châu Thành được đổi lại tên Bệnh viện Bà Rịa, bác sĩ Phạm Hải là Giám đốc Bệnh viện; tổng số nhân viên: 167 (chỉ tiêu biên chế là 200), trong đó: trên đại học và đại học: Y: 9; Dược: 1; trung học: Y: 38; Dược: 03; sơ cấp: Y: 57; Dược: 9; cán bộ khác: 50; bệnh viện có 14 khoa: Y vụ tổ chức, Y tế cơ quan, Quản trị hành chánh, Kế toán tài vụ, Phòng khám cấp cứu, Khoa nội, Phòng mổ, Khoa ngoại, Khoa Nhi, Khoa Nhiễm, Khoa sản, Khoa YHDT, Khoa Dược, Cận lâm sàng.

Đối với tuyến cơ sở, tính đến năm 1982, tất cả 14 cơ sở trong huyện đều có trạm xá, nhà hộ sinh, có y sĩ phụ trách khám và điều trị cho nhân dân với chế độ trực 24/24 giờ ngày. Năm 1986, trạm xá ở các xã trong huyện Châu Thành đều được xây dựng kiên cố, có y sĩ phụ trách và hoạt động có nề nếp; số giường tại Bệnh viện Bà Rịa đã tăng từ 120 lên 200 giường, số người khám và điều trị ngày càng tăng. Với 200 giường bệnh ở cơ sở cũ không đảm bảo yêu cầu chăm sóc và phục hồi sức khỏe nhân dân nên bệnh viện huyện lập đề án xin sữa chữa và mở rộng thêm.

Tháng 9-1985, Sở y tế tỉnh Đồng Nai và Ủy ban Nhân dân huyện đã khảo sát, chọn địa điểm mới và tiến hành thi công, đến ngày 31-8-1990 bệnh viện được khánh thành. Theo mô hình, bệnh viện có 300 giường bệnh, nhưng do kinh phí chưa đủ nên mới đưa vào sử dụng 200 giường bệnh, với tổng giá trị 1.558.000.000 đồng, trong đó các công ty, xí nghiệp, cơ quan đóng góp 555.000.000 đồng. Cùng với việc hòan tất xây dựng bệnh viện mới, huyện Châu Thành chú trọng đầu tư xây dựng Phòng khám khu vực, củng cố trang bị cho các trạm xá xã, đảm bảo hiệu quả điều trị, đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, đảm bảo thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia trên địa bàn.

Trong 3 năm (1988-1990), Ngành Y tế huyện đã khám và điều trị ngoại trú cho trên 200.000 lượt người. Ngoài ra, định kỳ ngành còn tổ chức khám điều trị miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Công tác phòng chống dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh lây nhiễm được triển khai và quản lý chặt chẽ, không có trường hợp tử vong tại tuyến huyện. Trong phong trào 4 dứt điểm, Y tế Châu Thành đã đạt được những kết quả như sau:

-        Dứt điểm 1: xã Châu Pha.

-        Dứt điểm 2: thị trấn Bà Rịa, trong đó công tác SĐKH đạt 102,3%. Y tế thị trấn được Sở Y tế thưởng 6.000 đồng và 1 bộ dụng cụ Unicef về sản khoa.

-        Dứt điểm 3: đã được Bộ Y tế và Sở Y tế công nhận trong 2 năm 1982-1983. Ngày 10-9-1982, Y tế huyện đã thành lập Hội Y dược Dân tộc quy tụ ban đầu được 32 lương y và đến năm 1984 đã có 76 lương y đẩy mạnh công tác y học dân tộc khắp các xã trong huyện. Năm 1982 tổng dược liệu kho đã dùng là 29.760 kg, năm 1983 là 31.230 kg và trong 2 năm phát ra 56.150 thang thuốc nam, trị giá thành tiền bằng 561.540 đồng.

Tại Đại hội Y dược huyện Châu Thành lần thứ 2 năm 1983, y dược huyện đã công bố 80 đề tài thừa kế. Đầu năm 1984 Hội Y học Dân tộc huyện đã tổ chức triển lãm 80 cây thuốc quý các loại và 86 mặt hàng thành phẩm. Cùng với sự phát triển của Hội Y học Dân tộc huyện, từ Tổ Đông y của Bệnh viện huyện Châu Thành năm 1975 đến năm 1984 đã có khoa Y học dân tộc do 4 bác sĩ phụ trách và y tá trưởng trình độ trung cấp.

Từ năm 1985, Bệnh viện Bà Rịa đã thực hiện điều trị 200 giường bệnh. Ban Giám đốc bệnh viện gồm: Giám đốc: bác sĩ Phạm Hải; Phó Giám đốc: bác sĩ Nguyễn Phi Tấn và dược sĩ Bùi Đức Thắng.

Cuối năm 1990, tổng số CB.CNV Bệnh viện Bà Rịa: là 208, trong đó có 23 bác sĩ 2 dược sĩ đại học, 63 điều dưỡng, 14 y công và một số cán bộ, nhân viên khác. Một số bác sĩ tốt nghiệp theo hệ chính quy có đủ trình độ tự tham khảo sách chuyên Khoa Ngoại ngữ Anh, Pháp. Bác sĩ Phạm Hải là Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Phi Tấn và dược sĩ Phạm Thanh Xuân là Phó Giám đốc. Bệnh viện có 12 khoa phòng:

1.      Phòng Y vụ – Y tế cơ quan, trưởng phòng: cán sự điều dưỡng Trần Thị Thòan;

2.      Phòng Tổ Chức - Hành chánh: Trưởng phòng Tổ chức: y sĩ. Huỳnh Thị Thọ; phụ trách Quản trị: Phạm Văn Sương; Kế toán trưởng: Nguyễn Sơn Lâm;

3.       Phòng Khám bệnh đa khoa: Trưởng phòng: bác sĩ Lê Minh Đạo; Điều dưỡng Trưởng khoa: cán sự hộ sinh Võ Ngọc Dung;

4.      Khoa Hồi sức - Cấp cứu Trưởng khoa: bác sĩ Mã Thạnh Truy Phong; Điều dưỡng Trưởng khoa: y sĩ. Trần Thị Hơn;

5.      Khoa Nhiễm: Trưởng khoa: bác sĩ Trương Thanh Trừng; Điều dưỡng Trưởng khoa: Điều dưỡng Bùi Văn Bình;

6.      Khoa Nội: Trưởng khoa: bác sĩ Lê Quang Trung; Điều dưỡng Trưởng khoa: y sĩ. Nguyễn Hải Quang;

7.      Khoa Ngoại: Trưởng khoa: bác sĩ Trần Văn Diệp; Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại: y sĩ. Nguyễn Văn Phúc;

8.      Phòng Giải phẫu: Trưởng khoa: bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan; Điều dưỡng Trưởng khoa: CS. Nguyễn Thị Ngưu;

9.      Khoa Nhi: Trưởng khoa: bác sĩ Nguyễn Thị Mười; Điều dưỡng Trưởng khoa: y sĩ. Lý Ngọ;

10. Khoa Sản – Sinh Đẻ Kế Hoạch: Trưởng khoa: bác sĩ Đồng Thị Loan; Điều dưỡng Trưởng khoa: CS. Lê Thị Mỹ Lệ;

11. Khoa Dược: Trưởng khoa: DS. Nguyễn Phú Minh; Điều dưỡng Trưởng khoa Dược: y sĩ. Phạm Thị Hồng Lụa;

12. Phòng Xét Nghiệm – X quang: Trưởng khoa: bác sĩ Ngô Văn Gạch; Điều dưỡng Trưởng khoa: CS. Trịnh Thị Nhàn.

Bệnh viện Bà Rịa đã được Hội hữu nghị Việt – Úc và Hội chống đói Úc tài trợ các dụng cụ và trang thiết bị ở Khoa Hồi sức - Cấp cứu như: Phòng phẫu thuật, đèn máy gây mê, máy hút đạp chân, bàn để y dụng cụ, xe đẩy bệnh nhân nằm, ngồi; máy đo huyết áp, ống nghe; (còn thiếu: máy hút nhớt đàm bằng điện, máy rung tim, máy đo điện tim, dụng cụ cấp cứu, máy cấp cứu…) Hội chống đói Úc viện trợ và Quỹ dân số UNFPA giúp đỡ máy lồng ấp thai nhi và một số dụng cụ cho Khoa Sản.

* Y tế huyện Long Đất

Ngày 30-4-1975 lực lượng cách mạng tiếp quản Chi y tế Quận Đất Đỏ của chế độ cũ, tổng số nhân sự là 32 người (cán bộ y tế cách mạng là 24, nhân viên lưu dung là 8), trong đó y sĩ 8, y tá 12; nhân viên khác 12; với 30 giường bệnh; có 4 khoa phòng: Phòng khám Đa khoa, Khoa nội – nhi - ngoại, Khoa cấp cứu và Khoa sản. Hằng năm số bệnh nhân đến điều trị rất đông, không đủ giường cho bệnh nhân.

Sau ngày giải phóng, Phòng y tế và Bệnh viện huyện cùng chung ban lãnh đạo; Trưởng Phòng Y tế kiêm Bệnh viện trưởng là y sĩ Trần Công Khanh; y sĩ Nguyễn Thị Nguyệt và y sĩ Nguyễn Bá Tòng. Cơ sở bệnh viện thuộc quận Đất Đỏ (nay là trường Mẫu giáo huyện Đất Đỏ) gồm một dãy nhà xây cấp 4, đến năm 1976 xây dựng thêm 2 dãy nhà gỗ gồm 10 phòng lợp tôn xi măng, vách gỗ; dụng cụ trang thiết bị sơ sài chỉ có một vài bộ tiểu phẫu, thuốc men thiếu thốn khi có khi không, xe cứu thương không có, nên khi chuyển viện, cấp cứu phải dùng xe dân dụng mượn của Công an huyện….

Trong những năm 1976, 1977 Sở Y tế Đồng Nai tăng cường cán bộ cho y tế huyện nên lãnh đạo Phòng Y tế và bệnh viện huyện thay đổi liên tục. Bác sĩ Võ Văn Thời là Trưởng phòng kiêm Bệnh viện trưởng (1976); y sĩ Võ Văn Kiệt, Trưởng phòng (thay bác sĩ Võ Văn Thời về hưu), tiếp đến bác sĩ Phạm Hòang Mai, thay thế y sĩ Võ Văn Kiệt về hưu. Hệ thống y tế gồm 2 phòng khám khu vực, 7 trạm y tế xã, 1 đội YTDP, nhân sự khoảng 100 người; nha sĩ Phan Thị Cầm làm Trưởng phòng khám Long Điền. Trước nhu cầu cần nhân sự phục vụ công tác chuyên môn, được sự đồng ý của Sở y tế, Bệnh viện và Phòng y tế huyện đã mở lớp cứu thương với 100 học viên.

Trong một thời gian dài không có bác sĩ các y sĩ, cán sự phải thay phiên nhau trực điều trị bệnh nhân. Y sĩ Trần Công Khanh, y sĩ Ngô Minh Tiến và Cán sự Lê Văn Cảnh cùng với một số y tá, cứu thương viên, cán bộ nhân viên ngày đêm cứu chữa với số lượng bệnh nhân luôn quá tải. Ngày nào cũng có bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trên Biên Hòa hoặc thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Lê Lợi không nhận bệnh vì không đúng tuyến), nên bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị đã bỏ trốn.

Trong điều kiện khó khăn, Ban lãnh đạo luôn quan tâm tạo sự quan hệ tốt với các Công ty và BV tuyến Thành phố hỗ trợ. Công ty thiết bị y tế TWII tại thành phố Hồ Chí Minh luôn ưu tiên cho Bệnh viện Long Đất mọi thiết bị mà đơn vị cần. Bệnh viện An Bình là đơn vị tự sản xuất dịch truyền, glucose và Ankalet do DS Phú chỉ huy sản xuất phục vụ cho đơn vị vậy mà cũng dành sự ưu tiên cho Bệnh viện Long Đất được mượn lại một số lượng theo yêu cầu, lúc bấy giờ cứu được SXH là nhờ Ankalet và dây dịch truyền dịch của Bệnh viện An Bình thật kết sức đáng ghi nhận đặc biệt là cấp cứu những ca bệnh tiêu chảy cấp, giảm lượng phải chuyển bệnh lên tuyến trên và cứu sống kịp thời nhiều ca bệnh nặng đa số điều trị tại chỗ.

Ngoài ra Bệnh viện Long Đất còn có một kinh nghiệm điều trị thuốc rầy bằng atropin cứu sống được bệnh nhân đáng kể. Trong nhiều tình huống khác, Bệnh viện Long Đất xử lý thành công cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy hiểm lúc đó nhờ công lao của Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ nhiệt tình, quan hệ đối ngoại tốt, nội bộ đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn, hòan thành nhiệm vụ.

Trong việc khám ngoại trú hàng năm trung bình có 35.000 người, điều trị nội trú 15.600 người, đa số là bệnh sốt rét, đường ruột,… Do được trên phân cấp giao ngân sách về cho huyện nên Long Đất có điều kiện tăng cường vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Với phương châm "tỉnh và huyện cùng đầu tư, Nhà nước và nhân dân cùng làm", Long Đất đã đầu tư trên 240.000 đồng để xây dựng 62 công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống trong đó có nhiều công trình văn hóa xã hội, nhất là các ngành giáo dục, y tế. Bệnh viện huyện Long Đất được xây dựng khang trang với 50 giường, trang bị khá đủ phương tiện cho một bệnh viện tuyến huyện khi đó.

Từ năm 1980 đến năm 1984, Ngành Y tế huyện Long Đất đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân với một mạng lưới y tế tương đối hòan chỉnh: một bệnh viện 50 giường, 2 Phòng khám khu vực, 11 trạm xá, một hiệu thuốc trung tâm với 5 quầy thuốc phục vụ cơ sở, năm 1984, Ngành Y tế huyện đã khám và chữa trị cho 33.255 người. Năm 1985, bệnh viện Đất Đỏ và 8 trạm xá xã được xây dựng mới, góp phần thiết thực phục vụ cho nhân dân từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Năm 1986, được sự quan tâm của tỉnh, huyện Bệnh viện Long Đất được xây dựng mới (Chi khu Đất Đỏ cũ) với diện tích 4 hecta, qui mô 200 giường nhưng thực kê có 150 giường (gồm 110 giường các khoa, 40 giường sản khoa), trang thiết bị bàn ghế, giường, tủ, thiết bị Văn phòng, hội trường tương tối đầy đủ. Bệnh viện có 16 khoa phòng gồm: Khu khám đa khoa - cấp cứu; Khoa Răng hàm mặt; Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Nhiễm, Khoa Ngoại, Khoa Sản, Phòng mổ, Khoa Dược, Khoa Đông y, Phòng Y vụ, Phòng Tài vụ, Phòng Tổ chức Hành chánh, Phòng X quang, Phòng Xét nghiệm và Đội YTDP. Tổng số 117 y, bác sĩ cán bộ nhân viên, trong đó có: 13 bác sĩ, 22 y sĩ, 34 y tá, … Ban lãnh đạo lâm thời gồm bác sĩ Trần Kim Thành làm Giám đốc; Phó Giám đốc bác sĩ Bùi Văn Xinh, bác sĩ Trần Văn Sự và y sĩ Trần Duyên. Đến năm 1989, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức toàn thể CBCNV bệnh viện bỏ phiếu tín nhiệm Ban Giám đốc - Trung tâm y tế huyện Long Đất, kết quả: bác sĩ Lê Thanh Dũng là Giám đốc, Trung tâm y tế, Phó Giám đốc chuyên môn bác sĩ Trương Văn Kính và Phó Giám đốc kỹ thuật là cán sự Lê Văn Cảnh[48].

Phụ trách các khoa có bác sĩ Lê Thanh Dũng: Khoa ngoại, bác sĩ Lê Thị Bích Vân: Khoa nhi, bác sĩ Phạm Duy Liêm: Khoa nội, bác sĩ Phan Tấn Hoa: Khoa nhiễm, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng: Khoa sản, bác sĩ Nguyễn Thị Bông: Trưởng Khu khám, bác sĩ Trần Văn Chinh: Khoa CLS, bác sĩ Trương Văn Kính: Khoa Cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hùng: Khoa RHM, Dược sĩ Ngô Lương Kim: Khoa dược. Trong thời gian này bệnh nhân đến khám và nằm điều trị các khoa rất đông, điều trị ngoại trú khoảng 85.000 lượt người/năm, nội trú 48.000 người/năm. Số bệnh nhân chủ yếu mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột đặc biệt là sốt xuất huyết.

Bộ máy Y tế được củng cố từ huyện đến cơ sở, đặc biệt đội ngũ y bác sĩ từng bước được tăng cường. Đã hình thành mô hình hoạt động 3 khối: tuyến, điều trị và hậu cần, qua đó phát huy hiệu quả hoạt động. Chương trình phòng chống sốt rét và tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng rãi, đảm bảo thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia trên địa bàn huyện. Quan điểm phục vụ và trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao, việc kết hợp Đông-Tây y trong khám và điều trị được phát triển.

Năm 1986 Trung tâm Y tế huyện được thành lập và đi vào hoạt động, bác sĩ Trần Kim Thành làm Giám đốc. Được sự nhất trí của Sở Y tế Đồng Nai, Trung tâm Y tế và Bệnh viện huyện đã mở lớp y tá sơ cấp tại chỗ do cán bộ bệnh viện, đào tạo theo chương trình của Trường trung học y tế Đồng Nai, gồm 2 khóa: Khóa I (1985 – 1986) với 40 học viên và khóa II (1986 – 1987) được 40 học viên bổ sung cho Trung tâm và các tuyến y tế cơ sở.

Năm 1990, Ngành Y tế huyện Long Đất kết hợp với các tổ chức y tế ở thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị trên 54.400 lượt bệnh nhân. Hàng năm tổ chức khám, điều trị miễn phí cho hàng trăm lượt người người bệnh nghèo và thuộc diện chính sách xã hội.

Phong trào kế hoạch hóa gia đình được phát động rộng rãi trong cán bộ và nhân dân bằng nhiều hình thức, hằng năm có 3.540 người hưởng ứng, vượt 15,8% kế hoạch. Tuy nhiên vấn đề quan tâm nhất đó là mạng lưới y tế ở một số xã chất lượng kém, hoạt động trì trệ. Công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 



[1] Theo Niên giám Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2004.

[2] Commune mixte, đứng đầu là chức danh Résident maire (Đốc lý).

[3] Đại Nam nhất thống chí, Tập V, Viện Sử học Việt Nam & Nxb Thuận Hóa, Huế 1972, trang 85-86.

[4] Ngày 1-3-1984, Chính phủ ban hành Quyết định số 85/CT quy định 6.043 ha rừng, núi và hành lang biển bao quanh các hòn đảo thuộc rừng đặc dụng. Ngày 31-3-1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 135/TTg phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn quốc gia Côn Đảo gồm 15.043 ha rừng, núi và 9.000 ha mặt biển là khu bảo vệ tài nguyên khoa học phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du lịch. Ngày 16-5-1998, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1165/QĐ.UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phát triển Vườn Quốc gia Côn Đảo giai đoạn 1998-2002.

[5] Sau 80 năm đô hộ nước ta, Pháp chỉ để lại trong cả nước ta số cơ sở khám chữa bệnh và cán bộ ít ỏi: 181 bệnh viện, bệnh xá và 202 bác sĩ. Hiện nay, theo thông kê năm 1998 cả nước có hơn 2000 bệnh viện, bệnh xá; 36.000 bác sĩ.

[6] Húy là Thanh Kế, tên thật là là Lê Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873), tại xã An Đông, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

[7] Tượng trưng cho Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng.

[8] Tượng trưng cho ngũ đế: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn.

[9] Nguyễn Văn Trấn, Chợ Đệm quê tôi, NXB Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1985, trang 245-246.

[10] Monographie de la Province de Baria et de la ville du Cap Saint Jacques, Sđd, tr. 7.

[11] Lê Thành Tường, Monographie de la province de Baria, 1950, tr. 107.

[12] Lê Thành Tường, Sđd, tr. 108.

[13] Năm 1946, một nhà bảo sanh được xây dựng phía đường Bà Triệu, là một khu trạm xá, hộ sinh có 10 giường và 2 nữ hộ sinh. Năm 1951 Trạm xá được đổi tên thành Dispensaire municipale do 1 người Pháp tên là Royboubet phụ trách. Trạm xá có 5 giường và nhà bảo sanh có 12 giường, chủ yếu để giải quyết cấp cứu, bệnh nặng chuyển sang trạm Quân y lưu động (sau này là Bệnh viện Tê liệt).

[14] Bài vị thờ ông đặt tại Chùa Long Hòa. Bia mộ đề: "Bác sĩ giáo sư Phạm Hữu Chí (1905-1938), Cựu giáo sư Đại học y khoa Pháp 1935, Cựu Giám đốc Bệnh viện Henri Coppia, Hà Nội, mất ngày 24 Févrie 1938 (Mậu Dần)".

[15] Centre, bao gồm cả đồn điền Bình Ba và phân sở Xuân Sơn, Sông Cầu, La Sơn), Xà Bang, (gồm cả Xà Bang Bắc và Xà Bang Nam).

[16] Tham gia Ủy ban còn có các ông Nguyễn Bình Chỏi, Huỳnh Công Hoằng, Đặng Đức Chí, Huỳnh Văn Nghì. Ít lâu sau, đồng chí Lê Đình Y được cử phụ trách lực lượng vũ trang Vũng Tàu, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo làm Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc.

[17] Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Phúc là tù chính trị Côn Đảo được Xứ ủy tăng cường về cho Bà Rịa cùng các đồng chí Hồ Tri Tân, Trần Ánh Sáng.

[18] Mai Văn Vĩnh là Chi Đội trưởng.

[19] Chi đội 2 do Khu bộ phó Dương Văn Dương phụ trách, khi Dương Văn Dương hy sinh, Đinh Văn Nhị làm Chi Đội trưởng. Chi đội 3 do Từ Văn Ri làm Chi Đội trưởng.

[20] Huỳnh Văn Trí (Mười Tri) là Chi Đội trưởng Chi đội 4. Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) là Chi Đội trưởng Chi đội 9. Nguyễn Văn Hoạch là Chi Đội trưởng Chi đội 21. Tư Ty là Chi Đội trưởng Chi đội 25.

[21] Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 34/SL về tổ chức Bộ Quốc phòng và ban hành Sắc lệnh số 35/SL về tổ chức các cục trực thuộc bộ, bác sĩ Vũ Văn Cẩn được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quân y.

[22] Huỳnh Văn Đạo là Chi Đội trưởng, Hoàng Tiêu là Chính trị viên, Nguyễn quỳ là Chi Đội phó.

[23] Ban chỉ huy gồm các đồng chí: Chi Đội trưởng Huỳnh Văn Đạo, Chi Đội phó Nguyễn Quì, Chính trị viên Hoàng Tiêu.

[24] Chị Bảy Lùn sau này là vợ anh Nhi, thương binh cụt một tay, chị Hồ Thị Đây sau là vợ Đại tá Vũ Ba tức Trần Đông Hưng, cán bộ Chi đội 16. Chị Hồ Thị Đây tập kết, bị bệnh, qua đời ở Ninh Bình năm 1963.

[25] Lâm Văn Võ là Chủ tịch; Dương Ngọc Văn là Phó Chủ tịch; Lương Văn Trọng là Ủy viên quân sự, Nguyễn Thành Chỉ là Ủy viên Tài chính; Lê Văn Hoa là Ủy viên Thư ký.

[26] Chị Hứa Ngọc Diệp là cháu dược tá Hứa Thiện Nghĩa,chồng là y tá Nguyễn Nam Vấn ở Trạm xá Dân y.

[27] Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh làm Trưởng đoàn, đồng chí Trương Văn Năm, Chính trị viên kiêm Phó đoàn.

[28] Trần Phủ Việt (Tám Việt), tên thật là Trần Thanh Tòng, quê ở Phước Hải.

[29] Y sĩ Vũ Bình An, tên thật là Đỗ Khắc Lệnh, tham gia cách mạng từ  năm 1945, năm 1948 học lớp y tá ở Khu 8, sau đó làm Trưởng ban Quân y E308, năm 1954 tập kết, học y sĩ, năm 1959 đi B, năm 1962 về Bà Rịa.

[30] Lớp y tá khóa 1 học từ ngày 15-9-1962 đến 15-3-1963, căn cứ bản CẤP BẰNG Y TÁ Khóa I do Trưởng Ban Quân – Dân y Vũ Bình An ký ngày 12-3-1963, cấp cho Phạm Minh Liên, Phó Ban quân sự tỉnh Nguyễn Quốc Thanh thay mặt ban quân sự tỉnh và y tá Võ Tấn Thời thay mặt Ban huấn luyện đồng ký.

[31] Anh Hiệp học xong về xã Long Sơn, sau chuyển qua phục vụ tại Bệnh xá Rừng Sác.

[32] Năm 1971, thành lập Phân khu Bà Rịa, Dược sĩ Hứa Thiện Nghĩa phụ trách bộ phận dược của Phân khu (Dân y), dược sĩ Sáu Thanh phụ trách bộ phận dược Quân y.

[33] Năm 1963 đánh Bưng Riềng bị thương 3, đánh nhà nghỉ mát của Ngô Đình Diệm ở Long Hải, bị thương 5 người.

[34] Nguyễn Văn Kiệm là Bí thư Tỉnh ủy; Lê Minh Thịnh (Sáu Thịnh) làm Tỉnh Đội trưởng.

[35] Trần Dục (Ba Dục) là y sĩ, cùng đi B với y sĩ Vũ Bình An, về làm Trưởng ban Quân – Dân y Biên Hòa.

[36] Hoàng Đằng: Tên khác là: Nam Hoàng liên, Thổ Hoàng liên, Hoàng liên đằng, Thích Hoàng liên, Dây vàng giang, thuộc 2 loại: Fibraurea reeisa và Fibraurea tinctoria Lour. Họ Hoàng kỷ (Menisfermaceac). Thành phần hóa học có Panmatin (Palmatin) 1 - 3% và một ít Jatronizin (Jatrorhizin). Chất Palmatin có tác dụng kháng sinh mạnh. Nhân dân thường dùng làm vị thuốc chữa sốt rét, bệnh gan, bệnh lỵ, chữa đau mắt, mụn nhọt... Ngoài ra dùng để nhuộm màu vàng.

[37] Nguyễn Văn Chí làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Việt Hoa (Mười Thà) làm Tỉnh đội trưởng.

[38] Năm Đành làm Đại đội trưởng Đại đội 440, Nguyễn Minh Ninh làm Chính trị viên.

[39] Lịch sử Hậu cần Quân khu 7, Nxb QĐND, Hà Nội, 2000, tr 303.

[40] Chị Lê Thị Lan là cứu thương trong kháng chiên chống Pháp, chồng là anh Long, y tá ở Quân y viện. Năm 1954, anh Long đi tập kết, chị được bố trí ở lại, về quê (Long Điền) mở tiệm thuốc Tây, sau lấy anh Trần Văn Kề. Anh Trần Văn Kề là y tá trong kháng chiến chống Pháp, về mở tiệm thuốc và phòng mạch tại Long Điền, nhìêu lần mua giúp thuốc Tây cho Quân y huyện Long Đất.

[41] Do Lê Xuân Chuyên đầu hàng, chỉ điểm.

[42] Tháng 6 năm 1965, Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Thị ủy.

[43] Ba Ngà là Đại đội trưởng, Năm Xuân là Chính trị viên, Năm Sơn là Trung Đội trưởng, Trần Nam Tiến là Trung Đội phó. Tỉnh tạo mọi điều kiện cho A.65 Hoàn thành nhiệm vụ. Tống Viết Dương được bổ nhiệm làm Thị Đội trưởng. Nguyễn Trọng Nghĩa Bí thư Thị ủy kiêm Chính trị viên Thị đội, Năm Nguyên là Thị Đội phó.

[44] Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm: Đồng chí Bùi Quang Chánh (Sáu Chánh) Tiểu đoàn trưởng, đồng chí: Lê Thành Ba (Ba Bùi) Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn, đồng chí Nguyễn Quốc Chánh (Tư Chánh) làm Tiểu đoàn phó, đồng chí Nguyễn Minh Ninh Chính trị viên phó.

[45] Phạm Tấn Lợi (Ba Lợi) ăn ít nên ngộ độc nhẹ.

[46] Hiện nay 2 thương binh còn sống nhưng vết thương bỏng phospho để lại di căn toàn thân (nhăn nheo). Chị Năm Mai sinh năm 1939, hiện ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị Hai Lan hiện ở ấp Phước Hưng, xã Tam Phước, huyện Long Điền.

[47] Tháng 1-1973, bác sĩ Bảy Niên chuyển công tác, y sĩ Nguyễn Thanh Hiếu thay bác sĩ Bảy Niên làm K trưởng Quân y viện K76C.

[48] Năm 1975 – 1985: Bí thư chi bộ Trần Công Khanh - Trần Thanh Hải, tổng số đảng viên 12. Năm 1985 – 1990: Bí thư Bùi Văn Xinh – Ngô Minh Tiến, tổng số đảng viên 16. Năm 1990 – 1995: Bí thư Ngô Minh Tiến – Lê Văn Cảnh, tổng số đảng viên 22.

Tải file