Dự Thảo Online Dự Thảo Online
Dự thảo
Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Lĩnh vực thống kê:
Cơ quan soạn thảo:
Ủy ban thẩm tra:
Ngày xuất bản: 24/06/2021
Số lượt xem: 837
góp ý: 2
Phạm vi điều chỉnh:

CHÍNH PHỦ

 

 

Số:           /2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2021

 

 

Dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Tiếp cận thông tin ngày 06 tháng 4 năm 2016;

          Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;  

Chính phủ ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Điều 2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

          1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là Cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dược - mỹ phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, thực phẩm thuộc quản lý nhà nước của Bộ Y tế, dân số và các thông tin khác có liên quan đến lĩnh vực y tế.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về y tế phục vụ công tác quản lý nahf nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

          1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời ngay sau khi các thủ tục hành chính, nghiệp vụ có liên quan đã hoàn thành; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.

4. Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử; Luật An toàn thông tin mạng; các quy định pháp luật về kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 4. Những hành vi không được làm

1. Cung cấp thông tin không đúng sự thật.

2. Phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

3. Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; sao chép, làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

4. Khai thác, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế không đúng quy định, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

CHƯƠNG II

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ Y TẾ

 

          Điều 5. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

          Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế bao gồm các thông tin sau đây:

1. Thông tin về danh mục dùng chung trong lĩnh vực y tế;

2. Dữ liệu về các cơ sở y tế:

a) Dữ liệu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: số lượng cơ sở theo từng hình thức tổ chức; số giấy phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn của từng cơ sở; số lượng, thông tin về chứng chỉ hành nghề và vị trí làm việc cụ thể của từng cá nhân người hành nghề tại cơ sở; thông tin liên hệ;

b) Dữ liệu về cơ sở thuộc hệ y tế dự phòng, bao gồm: số lượng cơ sở theo từng hệ (Ví dụ: hệ các viện pasteur, các viện sốt rét…); phạm vi hoạt động chuyên môn của từng cơ sở; số lượng, thông tin về bằng cấp chuyên môn và vị trí làm việc cụ thể của từng cá nhân người làm công tác chuyên môn tại cơ sở;

c) Dữ liệu về cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định, bao gồm: số lượng cơ sở; phạm vi hoạt động chuyên môn của từng cơ sở; số lượng, thông tin về bằng cấp chuyên môn và vị trí làm việc cụ thể của từng cá nhân người làm công tác chuyên môn tại cơ sở;

3. Dữ liệu về cơ sở có hoạt động đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bao gồm: Số lượng cơ sở đào tạo; mã ngành đào tạo của từng cơ sở; trình độ, quy mô, tuyển sinh, chương trình đào tạo; thông tin về giảng viên của các cơ sở đào tạo; thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo;

4. Dữ liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y tế, bao gồm:

a) Dữ liệu về các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

b) Dữ liệu về các cơ sở kinh doanh dược;

c) Dữ liệu về các cơ sở sản xuất mỹ phẩm;

d) Dữ liệu về các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế;

đ) Dữ liệu về các cơ sở kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

5. Nhóm thông tin về y tế dự phòng:

a) Dữ liệu về tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm;

b) Dữ liệu về các phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định thuộc hệ y tế dự phòng, bao gồm: phạm vi xét nghiệm, hạ tầng, thiết bị xét nghiệm, mức độ an toàn sinh học, thông tin về hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm;

c) Dữ liệu về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, bao gồm: Danh mục hoạt chất cấm sử dụng; thông tin về số đăng ký lưu hành, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

d) Dữ liệu về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, vệ sinh hộ gia đình, quản lý chất thải y tế cơ sở y tế, sức khoẻ người lao động, môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, tai nạn nghề lao động, cộng đồng an toàn, quản lý chăm sóc sức khoẻ học sinh thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

6. Nhóm thông tin về khám bệnh, chữa bệnh:

a) Dữ liệu về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của từng cá nhân người hành nghề;

b) Dữ liệu về các hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;

c) Dữ liệu về hồ sơ sức khỏe cá nhân;

d) Dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

đ) Dữ liệu về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

4. Nhóm thông tin về quản lý trang thiết bị y tế:

a) Thông tin về phân loại trang thiết bị y tế

b) Thông tin về số lưu hành, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do trang thiết bị y  tế;

c) Thông tin giá trang thiết bị y tế;

đ) Thông tin kết quả trúng thầu trang thiết bị y tế.

7. Nhóm thông tin về dược và mỹ phẩm:

a) Dữ liệu thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc nhập khẩu;

b) Thông tin giá thuốc (hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền) bán buôn kê khai dự kiến;

c) Thông tin giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế.

d) Dữ liệu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

8. Nhóm thông tin về quản lý thực phẩm:

a) Dữ liệu về công bố thực phẩm;

b) Thông tin về số đăng ký lưu hành, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do thực phẩm;

c) Dữ liệu về kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm.

9. Nhóm thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

a) Tiêu chuẩn quốc gia về dân số, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản;

b) Hệ thống chỉ tiêu, chỉ báo về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em;

c) Danh mục các cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật mang thai hộ;

d) Thông tin về lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

         Điều 6. Thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

    1. Thông tin quy định tại Điều 5 Nghị định này được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế quản lý;

2. Thông tin về danh mục dùng chung trong lĩnh vực y tế và nhóm thông tin cơ bản về y tế quy định tại các khoản 1, 2 và 6 Điều 5 Nghị định này được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

3. Thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ cơ sở dữ liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế;

4. Thông tin quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế.

Điều 7. Cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

          1. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau:

a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ;

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế chưa đầy đủ, chính xác;

c) Từ các Cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.

2. Các cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh các thông tin tại khoản 1 Điều này bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, thống nhất của dữ liệu được cập nhật.

         Điều 8. Đối tượng khai thác, sử dụng dữ liệu

1. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.

          Điều 9. Cách thức khai thác, sử dụng dữ liệu

          1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế qua Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền trích xuất thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Dữ liệu trích xuất được ký số của Bộ Y tế và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

3. Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Điều 10. Kết nối, chia sẻ dữ liệu

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước (sau đây được viết là Nghị định số 47/2020/NĐ-CP).

 

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

          Điều 11. Quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

2. Bộ Y tế theo phạm vi, quyền hạn của mình giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

         Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Y tế

          1. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

2. Chủ trì xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

3. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xây dựng quy trình thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

4. Cung cấp dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế theo các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

5. Kết nối, cung cấp dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế lên Cổng dữ liệu quốc gia phục vụ cơ quan, tổ chức và cá nhân khai thác thông tin theo quy định tại Nghị định này. Việc kết nối, chia sẻ thông tin phải đảm bảo bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

6. Quản lý, vận hành hệ thống hoạt động thông suốt, liên tục; đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ kết nối, trao đổi dữ liệu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phương án, giải pháp ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, an ninh mạng cho hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; xây dựng và thực hiện giải pháp giám sát an toàn hệ thống thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

8. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu trao đổi, các quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu trong phạm vi dữ liệu chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý; ban hành quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia được giao làm chủ quản.

          Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia để cung cấp các dịch vụ dữ liệu cho các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước.

2. Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế với Cổng dữ liệu quốc gia, Hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu để phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục yêu cầu và xử lý yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu.

3. Nghiên cứu, khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

4. Phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc dữ liệu trao đổi giữa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng quy định về kết nối và chia sẻ thông tin liên quan đến y tế do Bộ Công an quản lý phù hợp với các quy định về bảo mật và an toàn thông tin, đảm bảo an ninh quốc gia.

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng quy định về kết nối và chia sẻ thông tin liên quan đến y tế do Bộ Quốc phòng quản lý phù hợp với các quy định về bảo mật và an toàn thông tin, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều 16. Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ

1. Kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế theo quy định hiện hành.

2. Kết nối Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

         Điều 17. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

         1. Bảo đảm và duy trì thường xuyên, an toàn việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế do Bộ Y tế xây dựng để khai thác và sử dụng dữ liệu y tế.     

         2. Phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý, khai thác và sử dụng thông tin y tế trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

         Điều 18. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

         1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế do Bộ Y tế xây dựng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo đúng các quy định về kỹ thuật và quy định về an toàn, an ninh mạng.

         2. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Điều 19. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chia sẻ, kết nối các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

2. Rà soát các quy định, thủ tục thuộc phạm vi, chức năng quản lý để đơn giản hóa giấy tờ cá nhân trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Điều 20. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Được quyền khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế theo quy định tại Nghị định này.

2. Được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của mình.

3. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định này và các quy định của cấp có thẩm quyền về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

4. Bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu do mình cung cấp. Cập nhật, thông báo kịp thời cho cơ quan chủ quản dữ liệu khi có sự thay đổi hoặc có sai sót đối với dữ liệu cung cấp.

 

 

 

 

 

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

         Điều 21. Hiệu lực thi hành

         Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng     năm 2022

         Điều 22. Trách nhiệm thi hành

         1. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiếm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG
 



 

 

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BỘ Y TẾ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:           /TTr-BYT

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2021

 

TỜ TRÌNH

Đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ

quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế

 

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Thực hiện quy định tại Điều 58 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Y tế kính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH:

1. Cơ sở thực tiễn

1.1. Kết quả đạt được

Trong thời gian qua, ngành y tế đã từng bước đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... Một số kết quả ứng dụng công nghệ thông tin y tế nổi bật như:

a) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế:

- Bộ Y tế đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế (LGSP - Local Goverment Service Platform) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ.

- Kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Kết nối Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Y tế với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

- Kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.

b) Hệ thống nền tảng dùng chung cho các ứng dụng của Bộ Y tế:

- Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế (V.Office) đã kết nối, liên thông gửi nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đáp ứng như cầu gửi nhận văn bản trong cơ quan Bộ Y tế với Văn phòng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

- Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công Bộ Y tế: đã xây dựng, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

c) Phát triển dữ liệu

Thực hiện khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 6085/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0. Các hệ thống thông tin chuyên ngành trong cơ quan Bộ Y tế triển khai từ Trung ương tới địa phương như Bệnh án điện tử; hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh; Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm; Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng; Hệ thống báo cáo thống kê hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; cơ sở dữ liệu dược, mỹ phẩm…Các ứng dụng chuyên ngành thường kết nối giao tiếp với các đơn vị trực thuộc hoặc cơ sở y tế các tuyến tỉnh, thành phố, huyện, xã.

Từ các hệ thống thông tin chuyên ngành trên, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể:

- Cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình;

- Cơ sở dữ liệu về dược và mỹ phẩm;

- Cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế;

- Cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm;

- Cơ sở dữ liệu về HIV/AIDS;

- Cơ sở dữ liệu về khám, chữa bệnh;

- Cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm;

- Cơ sở dữ liệu về vệ sinh nhà tiêu và chất lượng nước sạch;

- Cơ sở dữ liệu về môi trường cơ sở y tế;

- Cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 7603/QĐ-BYT ngày 25/12/2018 về việc ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, gồm 11 danh mục: mã dịch vụ kỹ thuật tương đương; mã khám bệnh theo hạng bệnh viện; mã tiền giường theo hạng bệnh viện; mã tiền ngày giường bệnh ban ngày theo hạng bệnh viện áp dụng trong hóa trị, xạ trị hoặc hóa - xạ trị; mã thuốc tân dược; mã thuốc và vị thuốc y học cổ truyền; mã bệnh y học cổ truyền; mã vật tư y tế;  mã máu và chế phẩm máu; mã bệnh theo ICD 10; mã xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh và nội soi; bổ sung thêm danh mục mã vật tư. Bộ mã danh mục dùng chung là cơ sở dữ liệu đầu vào áp dụng trong phần mềm để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị có liên quan trên phạm vi toàn quốc.

d) Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế:

 - Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước; 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.

- Khai trương Cổng công khai Y tế, Cổng công khai giá thiết bị y tế là kênh thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, vi phạm trong quảng cáo…

- Hoàn thành 100% dịch vụ công mức độ 4 thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế ngày 30/6/2020, về đích trước thời hạn chính phủ giao 5 năm.

- Đã triển khai một số hệ thống thông tin lớn như hệ thống tiêm chủng quốc gia; hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc.

- Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 13 bệnh viện, 2 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, thanh toán chi phí không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; nhiều bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot, kết nối vạn vật trong y tế. Duy trì 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định bảo hiểm y tế.

- Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Ngày 25/9/2020, đã Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa.

- Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20. Tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc.

- Chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: đã ban hành kế hoạch 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử như Phú Thọ, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Thừa Thiên Huế,...

- Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19: triển khai phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh, Bluezone, Mạng an toàn COVID ….

1.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành y tế còn tồn tại một số vấn đề sau đây:

a) Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế đã xây dựng chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế.

b) Số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý;

c) Phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết cần thống kê không đồng nhất dẫn đến việc số liệu không chính xác, không mô tả đúng thực trạng;

d) Đối tượng chịu trách nhiệm thống kê phải thực hiện việc thống kê báo cáo thành nhiều lần.

đ) Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trong thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…

2. Cơ sở pháp lý

a) Quan điểm chỉ đạo của Đảng:

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong hình hình mới đã nêu rõ:

"Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế

Ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân."

- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ:

“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách”…

b) Căn cứ pháp lý:

Điều 58 Luật công nghệ thông tin năm 2006 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia như sau:

Điều 58. Cơ sở dữ liệu quốc gia

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia.

4. Chính phủ quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Điều 11 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước:

Điều 11. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích xã hội.

Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ trướng Chính phủ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia và quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia chịu trách nhiệm ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia đó.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành, lĩnh vực như cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, dân cư, hộ tịch, về thi hành án hình sự… Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật công nghệ thông tin.

b) Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó quan điểm tại Mục III của Quyết định số 749/QĐ-TTg quy định “Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.” Đặc biệt tại Mục V về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số của Quyết định số 749/QĐ-TTg đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp như sau: “2. Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ưu tiên triển khai trước các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, y tế.” và tại Khoản 1 Mục VIII của Quyết định số 749/QĐ-TTg quy định "Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ s, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quc gia v y tế."

Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, trong đó, các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm cả nhóm thông tin cơ bản về y tế (điểm h khoản 1 Điều 6). Tuy nhiên, Nghị định số 43/2021/NĐ-CP mới chỉ quy định một số thông tin cơ bản về y tế như thông tin về danh mục dùng chung trong lĩnh vực y tế, dữ liệu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhân lực y tế, trong khi đó, lĩnh vực y tế có phạm vi rất rộng, bao gồm các lĩnh vực từ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dược, trang thiết bị y tế, dân số đến cả bảo hiểm y tế. Đồng thời, tại Điều 7 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP cũng quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ cơ sở dữ liệu do Bộ Y tế quản lý.

Từ những lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là hết sức cần thiết và có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý nhằm hình thành một hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế bao gồm đầy đủ các thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành y tế và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu y tế của tổ chức, cá nhân.

II. MỤC ĐÍCH VÀ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

1. Mục đích xây dựng Nghị định

Nghị định được xây dựng nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực y tế.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị định

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan và sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

- Bảo đảm an toàn cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân; trong đó ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm, lao động, thương binh và xã hội.

- Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiện đại phù hợp với tổng thể chiến lược phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan nói riêng và Chính phủ điện tử nói chung.

- Nội dung quy định có tính khả thi cao và ổn định lâu dài; đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH:

Để tổ chức triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, Bộ Y tế đã thực hiện các hoạt động cụ thể như sau:

1. Nghiên cứu, đánh giá yêu cầu thực tiễn và nghiên cứu, tham khảo cơ sở dữ liệu quốc gia của một số ngành khác như Bảo hiểm, dân cư, doanh nghiệp...

2. Xây dựng dự thảo Nghị định, báo cáo đánh giá tác động Nghị định.

3. Tổ chức các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia về dự thảo Nghị định.

4. Gửi văn bản đến các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định.

5. Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo.

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH:

Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế dự kiến quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế tế. cụ thể:

1. Chương I. Quy định chung gồm các điều quy định về phạm vi điều chỉnh, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; những hành vi không được làm.

Về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Nghị định dự kiến điều chỉnh về việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, nội dung chính của dự thảo Nghị định là quy định cụ thể về các trường thông tin dữ liệu y tế trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để xây dựng, hình thành một hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế bao gồm đầy đủ các thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành y tế và nhu cầu khai thác của tổ chức, cá nhân.

Với phạm vi điều chỉnh như trên, dự thảo Nghị định áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực y tế, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Chương II. Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế gồm các điều quy định về thông tin, thu thập thông tin, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; khai thác, sử dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu, trong đó, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế dự kiến gồm các thông tin sau:

a) Thông tin về danh mục dùng chung trong lĩnh vực y tế

b) Dữ liệu về các cơ sở y tế bao gồm dữ liệu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng.

c) Dữ liệu về cơ sở có hoạt động đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe,

d) Dữ liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y tế;

đ) Nhóm thông tin về y tế dự phòng;

e) Nhóm thông tin về khám bệnh, chữa bệnh;

g) Nhóm thông tin về dược và mỹ phẩm;

h) Nhóm thông tin về quản lý thực phẩm;

i) Nhóm thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

3. Chương III. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

4. Chương IV. Điều khoản thi hành bao gồm các quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

V. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ Y TẾ SAU KHI ĐƯỢC BAN HÀNH

1. Dự kiến về chính sách, pháp luật

Để bảo đảm cho việc vận hành, duy trì, cập nhật thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, Bộ Y tế dự kiến xây dựng, ban hành theo thẩm quyền một số hướng dẫn kỹ thuật như quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu trao đổi, các quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu trong phạm vi dữ liệu chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý; ban hành quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

2. Dự kiến về nhân lực

Các nội dung trong Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế không làm phát sinh thêm tổ chức, bộ máy để bảo đảm việc thi hành Nghị định sau khi được ban hành vì nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện đã sẵn có tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng...Trong đó, tại Cục Công nghệ thông tin,  Bộ Y tế hiện có khoảng 70 cán bộ, công chức, viên chức (hơn 50% cán bộ có trình độ đại học về công nghệ thông tin trở lên); hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều có phòng công nghệ thông tin; tại các sở y tế cũng đều bố trí cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin.

3. Dự kiến về trang thiết bị

Quy định tại dự thảo Nghị định không phát sinh nguồn lực về trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe vì các trường thông tin quy định tại dự thảo Nghị định hầu hết đều là các trường thông tin dữ liệu có sẵn và hiện cơ sở đang quản lý, trong đó nhiều cơ sở đã thực hiện số hóa đối với những thông tin này.

Hơn nữa, hiện nay 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai các hệ thống phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS – Hospital Information System); nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), Hệ thống thông tin chẩn đoán, lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS/PACS), bệnh án điện tử (EMR). Vì vậy, khi hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các cơ sở chỉ cần nâng cấp, phát triển phần mềm hiện có để tích hợp, đồng bộ hóa các trường thông tin theo quy định tại dự thảo Nghị định vào cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về y tế (Bộ Y tế, Sở Y tế): Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế như Cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình; cơ sở dữ liệu về dược, mỹ phẩm; cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm…Vì vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được xây dựng và hình thành trên cơ sở nâng cấp, phát triển các phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế hiện có để tích hợp, đồng bộ hóa vào một phần mềm cơ sở dữ liệu chung cho ngành y tế.

IV. THỜI GIAN DỰ KIẾN TRÌNH THÔNG QUA ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ Y TẾ

Bộ Y tế dự kiến trình Chính phủ để xem xét thông qua đề nghị xây dựng Nghị định vào năm 2021 và đưa dự thảo Nghị định vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2022.

Trên đây là Tờ trình của Bộ Y tế về dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, Bộ Y tế kính trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định./.

(Xin gửi kèm theo: (1) Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế (2) Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Nghị định và tài liệu liên quan khác).

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Các Thứ trưởng (để biết);

- VPCP: Vụ KGVX, Vụ PL;

- Bộ Tư pháp (để p/h);

- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

  

 Nguyễn Thanh Long

 

 

 

 

 

BỘ Y TẾ
 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:           /BC-BYT

Hà Nội, ngày     tháng       năm 2021

 

 

 

BÁO CÁO

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin y tế và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực y tế

 

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Trong thời gian qua, ngành y tế đã từng bước đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động…Bộ Y tế đã tăng cường quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành hành lang pháp lý tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế.

1. Các thông tư quy định, hướng dẫn: Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn như Thông tư số 53/2014/TT-BYT về hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư số 49/2017/TT-BYT quy định về hoạt động y tế từ xa; Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử; Thông tư số 54/2017/TT-BYT ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

2. Đề án, kế hoạch Công nghệ thông tin y tế

Bộ Y tế tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xây dựng đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020 nhằm triển khai theo Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29/12/2017; thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

3. Các văn bản chuyên môn

- Lĩnh vực Chính phủ điện tử Bộ Y tế: Quyết định số 5641/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0 (bản cập nhật theo Quyết định số 7672/QĐ-BYT ngày 26/12/2018); Quyết định số 6085/QÐ-BYT ngày 30/12/2019 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0

- Lĩnh vực Tin học hóa khám chữa bệnh: Quyết định số 2153/QĐ-BYT ngày 25/05/2020 ban hành quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế, trong đó quy định  sử dụng mã bảo hiểm xã hội làm mã định danh y tế; Quyết định số 7713/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 công bố tài liệu tiêu chuẩn quốc tế giao thức bản tin HL7 phiên bản tiếng Việt; Quyết định số 3926/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 công bố tài liệu tiêu chuẩn kiến trúc tài liệu lâm sàng HL7 CDA phiên bản tiếng Việt áp dụng vào phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 3725/QĐ-BYT ngày 16/8/2017 về hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Lĩnh vực dự phòng, an toàn thực phẩm: Quyết định số 932/QĐ-BYT ngày 22/3/2016 về việc ban hành hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 1271/QĐ-BYT ngày 07/4/2016 ban hành hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lĩnh vực Y tế cơ sở: ​​​​​Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 về hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; Quyết định số 6764/QĐ-BYT ngày 08/11/2018 phê duyệt Chương trình đào tạo “Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng phần mềm thống kê y tế điện tử” cho cán bộ y tế tại các trạm y tế xã phường, thị trấn tham gia thực hiện mô hình điểm trạm y tế.

- Về đánh giá tình hình ứng dụng CNTT: Quyết định số 3219/QĐ-BYT ngày 31/7/2015 ban hành 06 bộ biểu mẫu báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế; Quyết định số 7562/QĐ-BYT ngày 29/12/2016 của ban hành 05 Bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế.

- An toàn thông tin và tiêu chuẩn chung: Quyết định số 4159/QĐ-BYT ngày 13/10/2014 quy định về đảm bảo an toàn thông tin Y tế điện tử tại các đơn vị trong ngành y tế; Quyết định số 4494/QĐ-BYT ngày 30/10/2015 về quy trình phản ứng với các sự cố an toàn, an ninh thông tin tại các đơn vị trong ngành y tế; Quyết định số 4495/QĐ-BYT ngày 30/10/2015 về hướng dẫn xây dựng nội quy an toàn, an ninh tại các đơn vị trong ngành y tế; Quyết định số 2035/QĐ-BYT ngày 12/06/2013 về danh mục kỹ thuật về CNTT trong lĩnh vực y tế.

- Các tài liệu chuyên môn khác: Quyết định số 5227/QĐ-BYT ngày 07/12/2015 về việc Hướng dẫn các yêu cầu năng lực đối với cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ngành y tế; Quyết định số 7399/QĐ-BYT ngày 19/12/2016 về hướng dẫn khung đánh giá chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin y tế.

Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (triển khai theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ): Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 02/10/2019 đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, ban hành các tài liệu chuyên môn hướng dẫn thực hiện.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

- Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC: 100%.

- Tỷ lệ các cơ quan trực thuộc có LAN, kết nối Internet tốc độ cao, kết nối WAN: 100%.

- Bộ Y tế đã chú trọng xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân;.... Một số Sở Y tế đã có trung tâm điều hành thông minh (TP. HCM, Phú Thọ, Quảng Ninh, Đồng Tháp).

- Hầu hết các cơ sở y tế đều có phòng máy chủ phục vụ cho hoạt động hằng này của đơn vị. Các cơ sở khám, chữa bệnh duy trì kết nối hệ thống thông tin khám chữa bệnh với hệ thống giám định, thanh toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 - Một số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hạ tầng internet vạn vật y tế: Kết nối thiết bị điện tử chia sẻ và truyền tải dữ liệu lên hệ thống, kết nối hệ thống HIS – LIS –RIS, PACS – EMR, định dạng người bệnh qua mã vạch, cảm biến, RFID. PACS không in phim đã triển khai thực tế 23 bệnh viện, qua đó tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong kết nối, hội chẩn điện tử thời gian thực.

- Bộ Y tế đã sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước cho một số hệ thống quan trọng như: hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

1. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế

a) Bộ Y tế đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế (LGSP – Local Goverment Service Platform) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ.

b) Kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công quốc gia.

c) Kết nối Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Y tế với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT.

d) - Kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.

2. Hệ thống nền tảng đặc thù, dùng chung cho các ứng dụng của Bộ Y tế

a) Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế (V.Office) đã kết nối, liên thông gửi nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đáp ứng nhu cầu gửi nhận văn bản trong cơ quan Bộ Y tế, với Văn phòng Chính phủ, Bộ/ngành, địa phương, đơn vị.

b) Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công Bộ Y tế: đã được xây dựng, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

c) Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế đã tích hợp đầy đủ các chức năng theo quy định, thu nhận dữ liệu từ các hệ thống khác như V.Office, Cổng dịch vụ công, hệ thống văn bản dùng chung ngành y tế.

d) Hệ thống thư điện tử công vụ cung cấp tài khoản cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Y tế, cho các đầu mối đơn vị, địa phương sử dụng để trao đổi công việc. 

đ) Hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai nhằm hỗ trợ đơn vị địa phương triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

e) Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử trung ương, địa phương

g) Hệ thống quản lý thông tin trạm y tế xã, phường thị trấn

h) Đã kết nối liên thông giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Thực hiện khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 6085/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0. Các hệ thống thông tin chuyên ngành trong cơ quan Bộ Y tế triển khai từ Trung ương tới địa phương, gồm có:

 

 

TT

Tên hệ thống thông tin

HTTT ứng dụng trong lĩnh vực quản lý nào của Bộ, ngành

1

Bệnh án điện tử

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

2

Hồ sơ sức khỏe điện tử

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

2

Hệ thống quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

3

Hệ thống quản lý dữ liệu về môi trường y tế

Lĩnh vực môi trường Y tế

4

Quản lý thông tin người bệnh điều trị hiếm muộn, vô sinh

Sức khỏe sinh sản

5

Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số - kế hoạch hoá gia đình

Quản lý về dân số - kế hoạch hóa gia đình và biến động về dân số trong ngành dân số - kế hoạch hoá gia đình

6

Hệ thống quản lý ngộ độc thực phẩm

Lĩnh vực an toàn thực phẩm

7

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm

Lĩnh vực y tế dự phòng

8

Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng

Lĩnh vực y tế dự phòng

9

Hệ thống báo cáo thống kê hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS

10

Hệ thống Quản lý số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS (HIVInfo3.0); Hệ thống quản lý thông tin chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS

Lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS

11

Cổng thông tin điện tử và hệ thống các dịch vụ hành chính công trực tuyến

Lĩnh vực quản lý nhà nước về Dược, Mỹ phẩm của Bộ Y tế

12

Hệ thống mạng chuyên gia; cơ sở dữ liệu Dược, Mỹ phẩm;

Hệ thống thông tin phần mềm hỗ trợ trực tuyến

Lĩnh vực quản lý nhà nước về Dược, Mỹ phẩm của Bộ Y tế

13

Hệ thống báo cáo, thống kê y tế

Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế 

14

Hệ thống quản lý nhân lực ngành Y tế

Tổ chức cán bộ

15

Hệ thống quản lý đào tạo, khoa học công nghệ ngành Y tế

Quản lý đào tạo, khoa học công nghệ

16

Quản lý thông tin thanh toán, giám định bảo hiểm Y tế

Thanh toán, giám định bảo hiểm y tế

17

Hệ thống thông tin báo cáo thống kê lĩnh vực Sức khỏe sinh sản, sức khỏe Bà mẹ trẻ em

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Bà mẹ-trẻ em

18

Hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện

Lĩnh vực quản lý Khám, chữa bệnh

 

Là các ứng dụng chuyên ngành phục vụ cho các lĩnh vực chuyên ngành của các đơn vị trong Bộ Y tế. Các ứng dụng chuyên ngành thường kết nối giao tiếp với các đơn vị trực thuộc hoặc cơ sở y tế các tuyến tỉnh, thành phố, huyện, xã.

Các ứng dụng chuyên ngành phục vụ cho công tác thu thập, xử lý thông tin chuyên ngành phục vụ công tác báo cáo, thống kê, điều hành ra quyết định của Bộ Y tế và tra cứu, tìm kiếm thông tin chuyên ngành y tế của cán bộ, công chức. người dân, doanh nghiệp.

Từ các hệ thống thông tin chuyên ngành trên, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cụ thể:

- Cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình;

- Cơ sở dữ liệu về dược và mỹ phẩm;

- Cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế;

- Cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm;

- Cơ sở dữ liệu về HIV/AIDS;

- Cơ sở dữ liệu về khám, chữa bệnh;

- Cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm;

- Cơ sở dữ liệu về vệ sinh nhà tiêu và chất lượng nước sạch;

- Cơ sở dữ liệu về môi trường cơ sở y tế;

- Cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 7603/QĐ-BYT ngày 25/12/2018 về việc ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, gồm 11 danh mục: mã dịch vụ kỹ thuật tương đương; mã khám bệnh theo hạng bệnh viện; mã tiền giường theo hạng bệnh viện; mã tiền ngày giường bệnh ban ngày theo hạng bệnh viện áp dụng trong hóa trị, xạ trị hoặc hóa - xạ trị; mã thuốc tân dược; mã thuốc và vị thuốc y học cổ truyền; mã bệnh y học cổ truyền; mã vật tư y tế;  mã máu và chế phẩm máu; mã bệnh theo ICD 10; mã xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh và nội soi; bổ sung thêm danh mục mã vật tư. Bộ mã danh mục dùng chung là cơ sở dữ liệu đầu vào áp dụng trong phần mềm để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị có liên quan trên phạm vi toàn quốc.

V. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

1. Hiện trạng hoạt động ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin y tế về cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế, đồng thời giúp công khai, minh bạch, hiện đại hóa các hoạt động của Bộ Y tế trên môi trường mạng, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước. Kết quả đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã cống bố 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao.

Thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn, Bộ Y tế đã công khai Ngân hàng dữ liệu ngành Dược.

Thiết lập Cổng thông tin Công khai giá Trang thiết bị y tế: việc công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh

Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện.

11 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thế thay bệnh án giấy. [1] Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện trong cả nước đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước, có lộ trình đáp ứng các tiêu chí của Thông tư số 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Tính chung cả nước trên cơ sở báo cáo của 54/63 tỉnh thành: 40,4% đơn vị đạt mức 1; 32,2% đạt mức 2; 21,4 đạt mức 3; 4,8% đạt mức 4; 1,1% đạt mức 5; 0,1 đạt mức 6 (bệnh viện thông minh) áp theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT.

Y tế từ xa cũng có bước phát triển vượt bậc, cùng với hệ thống công nghệ thông tin bệnh viện đã từng bước đưa y tế Việt Nam vươn cao, vươn xa:

Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động y tế từ xa trợ giúp. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai tư vấn khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân thông qua nền tảng VOV Bacsi24 do Đài tiếng nói Việt Nam xây dựng.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có giao cho ngành y tế “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT, đã tổ chức Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước vào 25/9/2020. Hiện toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có bệnh viện đăng ký, trong đó có một số bệnh viện của nước bạn Lào (02 bệnh viện) và Cam-pu-chia (01 bệnh viện) đã đăng ký làm bệnh viện tuyến dưới, một số bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án.

Về triển khai ứng dụng robot: Hiện nay có 4 hệ thống robot nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại là robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa. Một số bệnh viện lớn đã trang bị robot trong phẫu thuật, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh có cơ hội được chăm sóc sức khỏe với nhiều kỹ thuật hiện đại trong y khoa. Hệ thống phẫu thuật vận hành từ xa dưới sự điều khiển của các bác sĩ một cách chính xác, linh hoạt, an toàn và mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Một số bệnh viện đã trang bị robot như: Bệnh viện Việt Đức (năm 2012, Robot Renaissance), Bệnh viện Nhi Trung ương (năm 2014), Bệnh viện Bình Dân (năm 2016, robot Da Vinci), Bệnh viện Bạch Mai (năm 2017, Robot Mako và Rosa), Bệnh viện Chợ Rẫy (năm 2017, robot Da Vinci).

Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư (IBM Watson for oncology gắn với tên tuổi lớn toàn cầu) tại Bệnh viện K (năm 2017), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018), Quảng Ninh (năm 2018); ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; trong hỗ trợ tư vấn – chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện – đang được các doanh nghiệp nghiên cứu thử nghiệm như FPT, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú (cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử sụng thuốc).

Đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

3. Ứng dụng CNTT trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe

Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh đạt được một số kết quả như hoàn thành xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm tiêm chủng mở rộng, ngân hàng dữ liệu ngành dược, ứng dụng công khai y tế, các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19,...

Hồ sơ sức khỏe điện tử là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, triển khai được tại một số tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ....

Phần mềm tiêm chủng mở rộng triển khai trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.

Ngân hàng dữ liệu ngành dược được xây dựng với mục đích tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về y tế - sức khỏe và thói quen sử dụng thuốc của nhân dân.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh covid-19 như: ứng dụng khai báo sức khỏe y tế tự nguyện dành cho người dân ncovi, khai báo y tế điện tử bắt buộc dành cho người nhập cảnh và du khách Vietnam Health Declaration, Ứng dụng Covid-19 hỗ trợ đắc lực cho người dân phòng chống covid-19, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỏi đáp covid-19 tự động chatbot, ứng dụng bluezone cảnh báo bạn tiếp xúc gần với người nhiềm Covid-19, ứng dụng tư vấn bác sĩ miễn phí Vov bacsi24. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế cùng Đề án phát triển hệ tri thức Việt số hóa đã ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn) ngày 01/10/2020, gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng, chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.

4. Một số ứng dụng khác

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai được nhiều ứng dụng trong ngành như: Hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc; Hệ thống quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm; Hệ thống quản lý số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS nhằm mục đích cung cấp các công cụ phần mềm để quản lý giám sát đảm bảo chất lượng số liệu, phần mềm đã triển khai trên toàn quốc; Hệ thống quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ tại các cấp quản lý, các ngành liên quan góp phần xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

VI.  TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành y tế còn tồn tại một số vấn đề bất cập sau đây:

1. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế đã xây dựng chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung trong ngành y tế, cũng như yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế nói riêng.

2. Số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý;

3. Phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết cần thống kê không đồng nhất dẫn đến việc số liệu không chính xác, không mô tả đúng thực trạng;

4. Đối tượng chịu trách nhiệm thống kê phải thực hiện việc thống kê báo cáo thành nhiều lần.

5. Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trong thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…

VII. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý

a) Nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

b) Xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và ban hành các quy định hướng dẫn về quản lý, thu thập, khai thác và sử dụng dữ liệu y tế.

c) Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong ngành y tế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

d) Xây dựng, ban hành các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh; bảo đảm tính riêng tư của thông tin y tế trên môi trường mạng.

đ) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về án toàn thông tin, chữ ký số liên quan đến lĩnh vực y tế.

2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

 Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc triển khai hạ tầng số ngành y tế. Nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại. Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số y tế bao gồm:

a) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm dữ liệu quốc gia y tế đáp ứng sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế (gồm cả DC - Datacenter và DR – Datacenter Recovery):

- Nâng cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu đặt tại Cục Công nghệ thông tin để triển khai, duy trì các hệ thống của cơ quan Bộ Y tế: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Hải quan 1 cửa Bộ Y tế, Cổng dịch vụ công Bộ Y tế, hệ thống thư công vụ, hệ thống quản lý điều hành văn bản điện tử và hồ sơ công việc; một số hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kho dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hệ thống thông tin thống kê y tế điện tử; hệ thống thông tin báo cáo Bộ Y tế; hệ thống DRG; hệ thống nhân lực ngành y tế,..

- Thuê dịch vụ DC/DR phục vụ cho các hệ thống: Mạng kết nối y tế Việt Nam; Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; hệ thống HIV/AIDS; Dân số - kế hoạch hóa gia đình; Dược – mỹ phẩm; hệ thống công khai giá; hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, không truyền nhiễm; Hệ thống đấu thầu tập trung ngành y tế; hệ thống thông tin liên thư viện ngành y tế,..

b) Phát triển, nâng cấp hạ tầng tại trung tâm điều hành y tế thông minh tại các Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh phục vụ điều hành và quản lý chuyên môn nghiệp vụ.

c) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

d) Căn cứ vào nhu cầu và thực tiễn, các cơ sở y tế chuyên sâu (tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi...) lập các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của chuyên ngành làm nền tảng ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo.

3. Phát triển các hệ thống nền tảng

a) Phát triển nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu LGSP (Local Government Service Platform) Bộ Y tế, kết nối giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế.

b) Dịch vụ xác thực danh tính thông qua chữ ký số tại Bộ Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Dịch vụ đăng ký sinh, tử trên nền tảng số.

d) Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ tất cả các nguồn như người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến (IoMT – Internet for Medical Things) liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia.

đ) Xây dựng, phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở, cho phép thu thập dữ liệu y tế cơ sở nhanh chóng, thuận tiện, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống ID y tế (V20).

e) Phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động (Superapp) trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, hướng tới mạng xã hội y tế.

4. Phát triển dữ liệu

a) Sớm xây dựng, hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để trích chọn, đồng bộ hóa các dữ liệu chuyên ngành về y tế và các dữ liệu liên quan đến y tế để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về y tế và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu về y tế của doanh nghiệp, người dân.

b) Phát triển, hoàn thiện, chia sẻ cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung cho toàn ngành y tế.

c) Phát triển, hoàn thiện, cho phép sử dụng chung các cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế bao gồm cơ sở dữ liệu người bệnh, cơ sở dữ liệu nhân lực y tế, cơ sở dữ liệu các cơ sở y tế trên toàn quốc.

d) Phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực y tế:

- Phát triển cơ sở dữ liệu nhân lực ngành y tế.

- Phát triển cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động

đ) Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp.

e) Xây dựng, phát triển cổng dịch vụ dữ liệu mở y tế.

6. Phát triển nguồn nhân lực

a) Triển khai hợp tác, đào tạo các chuyên gia chuyển đối số về các công nghệ số áp dụng trong y tế gồm các tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, làm nòng cốt trong chuyển đối số y tế.

b) Lựa chọn, đào tạo, tập huấn các nhóm tối thiểu 05 người đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai các ứng dụng số trong ngành y tế bao gồm hồ sơ sức khỏe điện tử, thống kê y tế, phần mềm quản lý trạm y tế, bệnh án điện tử, tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, đăng ký khám bệnh trực tuyến, thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế. Các chuyên gia này sẽ tiếp tục đào tạo lại cho các cán bộ liên quan ở cơ quan tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đối số trong y tế.

c) Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại về lãnh đạo chuyển đối số y tế cho các lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, các lãnh đạo Sở Y tế.

 

Trên đây là Báo cáo thực trạng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin y tế và hiện trạng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực y tế, kính gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để xem xét đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

 

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Văn phòng Chính phủ (để b/c);

- Bộ Tư pháp;

- Các Thứ trưởng;

- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

Nguyễn Thanh Long

 

 

 

 

 

 



[1]Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa khu vực An Giang, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng khám Đa khoa Anh Quất, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, Bênh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy.

 

Gửi góp ý cho dự thảo
Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Họ và tên (Bắt buộc)
Thư điện tử
Địa chỉ
Tiêu đề góp ý (Bắt buộc)
Nội dung góp ý
Mã xác nhận
Mã xác nhận
Reload-Capcha