Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Lật lại những vụ tự tử tàn nhẫn

Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tự tử, để lại dư chấn tâm lý nặng nề cho người thân, gây ám ảnh trong xã hội. Theo các chuyên gia tâm lý, tự tử là cách kết liễu cuộc sống theo kiểu ích kỷ, tàn nhẫn và tiêu cực nhất, ở nhiều trường hợp, đó còn là tội ác.

Cấp cứu một vụ tự tử tại bệnh viện (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Thiên

 

MẸ TỰ THIÊU CÙNG 2 CON

Vụ việc xảy ra cách đây hơn 2 tháng, nhưng những người dân sống gần căn nhà trọ số 422B đường Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu vẫn chưa hết bàng hoàng. Gia đình chị Hằng thuê căn nhà để mở cửa hàng sửa chữa điện tử điện lạnh. Chị Hằng bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên đau yếu nên ở nhà chăm con, gánh nặng gia đình dồn cả lên vai người chồng là anh Hồ Văn Tàu. Trưa 15-5, trong cơn cùng quẫn vì bệnh tật, nợ nần, chị Hằng mua xăng về, đóng kín cửa phòng trọ, tưới xăng lên người rồi tự thiêu cùng hai con, một cháu 10 tuổi cháu còn lại vừa mới lên 5.

Trong ánh mắt nặng trĩu đau thương, anh Hồ Văn Tàu kể: "Trưa 15-5, đang đi làm thì tôi nhận được tin nhắn của vợ: "Anh về ngay, mẹ con em đi đây". Vội vã trở về nhà, anh Tàu như đứt từng khúc ruột khi phải chứng kiến vợ con bị thiêu cháy toàn thân. Suốt thời gian mẹ con chị Hằng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), anh Tàu chỉ được nhìn những người thân yêu quằn quại đau đớn qua vách kính của phòng cách ly. Không ít lần, người đàn ông trụ cột của cả gia đình bưng mặt khóc nức nở như một đứa trẻ. Sau một tuần điều trị, do bị bỏng và nhiễm trùng quá nặng, chị Hằng không qua khỏi; mới đây, hai bé con anh Tàu Hồ Thị Ánh Nguyệt và Hồ Hoàng Sơn cũng lần lượt qua đời.

Anh Tàu kể, trước đây, vợ chồng anh cũng có một ngôi nhà nhỏ. Nhưng sau đó, chị Hằng vướng vào cờ bạc nên phải bán nhà trang trải nợ nần. Túng quẫn, bí bách khiến chị Hằng buồn bực, lo lắng rồi đi đến hành động cực đoan mà bản thân anh không thể tưởng tượng nổi.

Thời gian gần đây, việc tìm đến cái chết để giải quyết bế tắc, mâu thuẫn trong cuộc sống không còn là trường hợp cá biệt. Không ít người xem đó là giải pháp cuối cùng để giải thoát cho bản thân. Ngày 22-2-2016, ông Lê Minh Tiến (sinh năm 1959, trú tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) tới một quán nhậu trên đường Hùng Vương nhậu một mình. Sau khi uống hết 7 chai bia, ông Tiến lấy chai xăng đem theo tưới lên người rồi tự thiêu, dẫn đến tử vong. Cách đây không lâu, anh Lê Chung (40 tuổi, trụ tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) đã đâm chết vợ là chị Phạm Thị Ngọc (37 tuổi) rồi uống thuốc sâu tự tử do nghi ngờ vợ ngoại tình...

Bé Hồ Thị Ánh Nguyệt được đưa đi cấp cứu. Ảnh: Internet

 

SUY NGHĨ TIÊU CỰC CỦA BỆNH TRẦM CẢM

Bác sĩ Nguyễn Văn Lê, Phụ trách Phòng cấp cứu Bệnh viện Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) cho biết:. Bên cạnh đau đớn về thể xác mà bệnh nhân phải chịu, còn là nỗi đau đớn tột cùng của người thân. Khi đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhiều người mới thực sự thức tỉnh, khao khát được sống tiếp. Nhưng đôi khi sự thức tỉnh đó đã quá muộn màng.

Theo bác sĩ Bảo Bái, Phó giám đốc Bệnh viên Tâm thần tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử là do những người này gặp phải mâu thuẫn khó giải quyết, thất bại trong tình cảm, công việc,... dẫn tới trầm cảm. Hiện nay, có 5% bệnh nhân tới khám tại bệnh viện Tâm thần tỉnh mắc hội chứng này. Thông thường, bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ trên 2 tuần, bỏ ăn, buồn bã, lười giao tiếp, tập trung kém, dễ xúc động, không có hứng thú... hội chứng này rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành suy nhược cơ thể. Có đến 90% bệnh nhân trầm cảm không biết mình mắc bệnh. Họ thường tới bác sĩ nội khoa, đa khoa để thăm khám hoặc tự mua thuốc điều trị. Việc này dẫn tới bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn, dẫn tới tự sát. Ngoài ra, những người rơi vào trạng thái kích động mạnh do bị loạn thần kinh cấp cũng có thể làm hại bản thân và người xung quanh. "Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh nên nhanh chóng tới gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị đúng cách", bác sĩ Bái cho biết thêm.

Về mặt tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Chí Tăng, giảng viên tâm lý học trường Cao đẳng Sư phạm BR-VT cho rằng: Tự tử do bế tắc là hành vi ích kỷ và nông nổi. Họ chỉ quan tâm tới việc giải thoát cho bản thân chứ không hề nghĩ tới nỗi đau đớn, mất mát của người thân; một số trường hợp còn kéo theo con cái, vợ hoặc chồng chết chung. Đây là hành vi tàn nhẫn, trái với luân thường đạo lý. Nguyên nhân sâu xa là do những người này bị sợi dây tình cảm níu kéo. Song, nó không thể níu giữ họ lại với sự sống mà khiến họ nảy sinh suy nghĩ muốn chết cùng người thân để được "ở bên nhau" mãi mãi. Do đó, họ nhẫn tâm cướp đi sinh mạng của những người vô tội, khao khát sự sống. Cũng có trường hợp họ sát hại chính mình và người thân để trả thù, muốn người còn sống phải đau khổ, dằn vặt suốt đời. "Bất kỳ ai cũng đều phải nhận thức được rằng, cuộc sống là vốn quý giá nhất; phải quý trọng mạng sống của mình dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào", Tiến sĩ Nguyễn Chí Tăng nhấn mạnh.

Để vượt qua bế tắc trong cuộc sống, bản thân người trong cuộc cần tìm ra những nguồn động viên, xác định những thứ mình có để làm điểm tựa vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh đó, những người thân không nên xa lánh, mà phải đồng cảm và bộc lộ sự quan tâm một cách rõ ràng với những người đang bị rối nhiễu tâm lý. Xã hội cũng cần có sự chia sẻ, tạo điều kiện để họ có môi trường sinh hoạt lành mạnh và cơ hội để vươn lên trong cuộc sống.

 

Theo Sở Y tế, năm 2015, toàn tỉnh có 616 vụ tự tử; quý 1 năm 2016 có 96 trường hợp tự tử. Tại Bệnh viện Lê Lợi, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận và điều trị 58 trường hợp tự tử, trong đó có tới 31 người là nữ, một số trường hợp đã tự tử nhiều lần. Hầu hết các trường hợp tự tử ở độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi, chiếm 93,1%.

KHÁNH CHI