Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh phong

Bệnh phong, người dân thường gọi là bệnh cùi hay bệnh hủi đã có từ rất lâu đời. Đặc thù của bệnh phong là không gây chết người nhưng gây tàn phế rất nặng, làm biến dạng thân thể người bệnh, mất sức lao động và có thể làm mất khả năng tự phục vụ của người bệnh. Hiện nay, đối với y học, bệnh phong không còn đáng sợ như trước nữa và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.

Khám, điều trị bệnh da liễu tại Bệnh viện Lê Lợi.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Bệnh phong do một loại trực khuẩn có "họ hàng" với trực khuẩn gây bệnh lao gây ra. Vi khuẩn gây bệnh phong có sức đề kháng rất yếu, chỉ có thể sống ngoài môi trường với điều kiện bình thường trong một ngày, nếu nhiệt độ cao và khô hanh có thể ngắn hơn. Với xà bông, vi khuẩn phong chết ngay lập tức. Vi khuẩn gây bệnh phong là một loại vi khuẩn có thời gian sinh sản dài nhất trong tất cả các loại vi khuẩn (từ l2 -13 ngày); thời gian ủ bệnh rất dài, từ 2-5 năm, có khi kéo dài đến 10 năm.

Bệnh phong lây nhiễm trực tiếp, không có trung gian truyền bệnh (như muỗi truyền bệnh sốt rét hoặc bệnh sốt xuất huyết), nghĩa là chỉ có bệnh nhân phong là mang vi khuẩn gây bệnh phong, chứa vi khuẩn phong. Người lành mắc bệnh phong là do tiếp xúc với bệnh nhân phong chưa được điều trị. Vi khuẩn từ người bệnh phong được thải ra môi trường xung quanh qua niêm mạc mũi có tổn thương khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc chảy nước mũi và qua các vết thương lở loét, chảy máu, mủ, dịch. Như vậy, nếu bệnh nhân phong chỉ bị một vài tổn thương trên da mà không bị lở loét thì vi khuẩn khó được thải ra ngoài môi trường. Khi ra ngoài môi trường, vi khuẩn gây bệnh phong chỉ có thể sống, tồn tại trong một ngày.

Người khỏe mạnh, trong quá trình lao động, da bị xây xát, chảy máu là nơi vi khuẩn gây bệnh phong xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh phong. Đây là con đường duy nhất dẫn đến mắc bệnh phong. Bệnh phong không lây qua ăn uống, hít thở, bắt tay, ôm hôn, quan hệ tình dục; không truyền từ mẹ sang con, không truyền qua vết cắn của súc vật hay muỗi đốt. Bệnh phong là một bệnh rất khó lây, lây chậm và ít lây vì vi khuẩn gây bệnh có sức đề kháng yếu, hiện có thuốc diệt rất hiệu quả, nhanh chóng.

BIỂU HIỆN CỦA BỆNH PHONG

Khi mới mắc bệnh phong, trên cơ thể người bệnh có những đám da thay đổi màu sắc có thể là màu trắng như lác biến, màu đỏ như dị ứng hoặc màu tím như lác đồng tiền... có thể rải rác toàn thân, thường ở phần hở, đôi khi xuất hiện ở phần kín trước. Những đám da đổi màu này không đau, không ngứa, không gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân. Nếu đưa những đám da này gần lửa, bệnh nhân không thấy nóng; cấu véo, châm kim bệnh nhân không thấy đau. Đây là dấu hiệu chính, quyết định có phải bệnh nhân bị bệnh phong hay chỉ mắc bệnh ngoài da thông thường khác.

CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH PHONG

Người bị bệnh phong tuyệt đối không được điều trị bằng bất cứ thuốc hay phương pháp y học cổ truyền nào mà phải đến khám tại trạm y tế, phòng khám da liễu tại các trung tâm y tế huyện, thành phố hoặc phòng khám da liễu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Hiện nay, tất cả bệnh nhân mắc bệnh phong đều được cấp thuốc điều trị miễn phí tại nhà. Nếu bệnh nhẹ, uống thuốc 6 tháng, nếu bệnh nặng uống 12 tháng liên tục. Khi tuân thủ uống thuốc theo phác đồ như thế, chắc chắn bệnh nhân khỏi bệnh phong. Tuy nhiên, bệnh phong chỉ có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm, khi chưa bị tàn phế như: mất cảm giác lan rộng, chưa có teo cụt các ngón tay, chân. Những tàn phế này sẽ không dừng lại ngay cả khi bệnh phong đã được chữa khỏi. Đây là đặc thù riêng của bệnh phong. Tuy vậy, khi bệnh phong đã được điều trị thì không lây cho người khác nữa.

BS. NGỌC CHẤN
(Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)