Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Nguy cơ lây bệnh từ bàn ăn

Dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác; người lớn mớm, nếm sữa/ thức ăn cho trẻ... đều là những thói quen không tốt của một bộ phận người Việt khi ăn uống. Những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt ấy hóa ra lại là con đường lây nhiễm bệnh tật hết sức dễ dàng.

GẮP CHUNG ĐŨA - DỄ LÂY LAN CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Khi ăn uống, người Việt thường có thói quen chấm chung một chén nước chấm và dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để thể hiện sự quan tâm, hiếu khách. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng trong khoang miệng chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn gây bệnh viêm gan, viêm loét dạ dày… có thể lây lan qua đường ăn uống chung.

Theo thống kê của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi trùng Helicobacter pylori (HP). Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày - tá tràng như: rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, đặc biệt vi khuẩn này được xếp vào nhóm đứng đầu gây ung thư dạ dày.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị Tiêu hóa Can thiệp - BV Nguyễn Tri Phương cho biết: "Vi khuẩn HP rất dễ lây thông qua đường tiêu hóa. Uớc tính, có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm khuẩn này, nhiều nhất là ở các nước đang phát triển do điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn nhiễm khuẩn. Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống chung đụng".

Việc dùng chung đũa muỗng còn có thể lây truyền các bệnh khác như: cảm cúm, quai bị, viêm gan…

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính mỗi năm có 48 triệu người bị bệnh, 128.000 người nhập viện và 3.000 người chết vì các bệnh lan truyền từ ăn uống. Một trong những bệnh đó là viêm gan siêu vi A. Đây là bệnh lây truyền qua con đường ăn uống, nguồn nước, tiếp xúc với các đồ vật có nhiễm phân của người bệnh dù là với lượng rất nhỏ từ người này sang người khác.

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP, virus viêm gan A… trong cộng đồng, BS Lưu Phương khuyên, trước hết mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu đến những nơi mà món ăn bắt buộc phải dùng chung thì nên có một đôi đũa hoặc muỗng riêng để gắp/múc thức ăn vào chén của mình và sử dụng đũa, muỗng của mình để ăn trực tiếp (tức là một mâm có 4 người thì có 5 đôi đũa, 1 đôi dùng chung chỉ để gắp thức ăn vào chén chứ không đưa vào miệng).

Ngoài ra, không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người. Nên tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh ăn uống.

"NHÁ" CƠM CHO TRẺ - ĐƯA CẢ Ổ BỆNH VÀO MIỆNG CON

Nhá cơm là thói quen thiếu vệ sinh nhưng lại khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Theo quan niệm của nhiều người, cho trẻ ăn cơm nhai mớm sẽ bảo vệ hệ tiêu hóa non yếu của bé. Song, đi cùng những miếng cơm ấy lại là mầm mống của các căn bệnh truyền nhiễm của người nhai cơm qua con đường ăn uống, đường hô hấp.

Đầu tiên phải kể đến là bệnh lỵ amip. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi họ tiếp xúc với nhau hoặc gián tiếp qua đường tiêu hoá. Trẻ cũng rất dễ lây bệnh viêm gan. Khi nhai cơm nước bọt, dịch tá tràng của người bị viêm gan có thể truyền bệnh cho trẻ qua con đường ăn uống. Đồng thời, trẻ cũng dễ mắc bệnh màng não cầu - là một loại song cầu khuẩn khu trú ở mũi, họng. Ngoài ra, thói quen hay kê miệng thổi hơi cho đồ ăn mau nguội, hay nếm một chút rồi đút cho con ăn… là những động tác vô tình lây truyền HP cho con của mình.

Do đó, BS.CKI Nguyễn Thị Thu Thảo khuyến cáo: không nên cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai mà cho trẻ ăn các thức ăn chế biến phù hợp với từng nhóm tuổi, lứa tuổi sao cho dễ tiêu hoá và hấp thu.

Nguồn: www.baobariavungtau.com.vn