Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Người làm văn phòng thường gặp bệnh gì?

Đặc thù công việc khiến giới nhân viên văn phòng dễ mắc các bệnh về cơ xương khớp, viêm da, mờ mắt.

 

Đặc thù công việc là ngồi lâu, sử dụng máy vi tính nhiều, ít vận động, làm việc trong môi trường thiếu dưỡng khí, giới nhân viên văn phòng dễ mắc các bệnh về cơ xương khớp, viêm da, mờ mắt… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), ngồi lâu là "căn bệnh" thứ tư gây ra nhiều cái chết trên thế giới.

NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP

Mỏi mắt, rối loạn thị giác: Làm việc liên tục với máy tính sẽ khiến mắt không chỉ mỏi, nhức, mà còn có thể bị khô hoặc chảy nước, rối loạn thị giác. Biểu hiện của bệnh này là mắt mờ, nhìn hình có bóng đôi, khô mắt, nóng rát mắt, ngứa chảy nước mắt…

TS.BS Trần Thị Phương Thu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng khô, mỏi mắt, bạn nên để màn hình máy vi tính cách mắt từ 50-60cm, tầm nhìn màn hình phải thấp hơn mắt từ 10-20cm. Mỗi lần làm việc nên có chế độ nghỉ ngơi, chớp mắt thường xuyên để không gia tăng hiện tượng khô mắt và tổn thương sâu hơn lớp bảo vệ nhãn cầu".

Thiếu vitamin D: Vitamin D được nạp vào cơ thể phần lớn là từ ánh sáng mặt trời. Nếu bạn dành suốt 8 tiếng, thậm chí 10 tiếng ban ngày để "núp" trong văn phòng thì nguy cơ bị thiếu vitamin D là rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, cứ sau khoảng nửa tiếng làm việc, bạn nên đi lại ra cửa sổ nơi có ánh sáng mặt trời cho mắt được thư giãn và cơ thể hấp thu vitamin D. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung vitamin D bằng một số thực phẩm như: cá béo, trứng, nấm, sữa và các chế phẩm từ sữa...

Đau lưng, nhức tay, thoái hóa cột sống: BS.CKI Cao Thanh Ngọc (Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tuy không phải làm những công việc nặng nhọc nhưng dân văn phòng thường ngồi lâu liên tục, trung bình 6-8 tiếng/ngày, hay ngồi không đúng tư thế như cúi người ra trước và hai chân co, từ đó dễ dẫn tới thoái hóa cột sống.

Ngoài ra, việc gõ máy tính liên tục và bấm chuột, cổ ở tư thế bất động, máu kém lưu thông… là lý do vì sao giới nhân viên văn phòng dễ mắc các bệnh như hội chứng ống cổ tay (cánh tay đau nhức), thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa. Bác sĩ Thanh Ngọc khuyên hãy điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng như lưng thẳng, chú ý đến độ cao của bàn và ghế ngồi để hai tay vừa tầm trên bàn làm việc. Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Đồng thời, thường xuyên tự xoa bóp các khớp ngón tay để tránh sự nhức mỏi và co rút cơ. Sau giờ làm, bạn nên tập luyện, chơi các môn thể thao vừa sức như bơi lội, đi bộ, đạp xe…

Ngồi làm việc lâu trên máy vi tính, nhân viên văn phòng dễ mắc nhiều bệnh về mắt, cột sống...

 

PHÒNG NGỪA RA SAO?

Để cải thiện sức khỏe lâu dài và phòng ngừa các bệnh thường gặp của dân văn phòng, cần chú ý vệ sinh, không nên ăn uống tại bàn làm việc.

Bạn nên tổ chức công việc khoa học, nếu quá căng thẳng có thể trao đổi với cấp trên về cường độ làm việc; nên duy trì ở mức độ vừa phải, phù hợp với đồng hồ sinh học; học cách thư giãn, tránh mâu thuẫn hay căng thẳng với đồng nghiệp để tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ.

Ở nơi làm việc, bạn nên ngồi ghế dựa, thẳng lưng, bảo đảm giữ đường cong sinh lý của xương sống, không tựa hẳn vào lưng ghế, chỉ dựa từ thắt lưng trở xuống, chân đặt thẳng ngang với nền nhà, đầu gối vuông góc.

Bạn không nên ngồi một chỗ quá lâu, hãy nhớ nguyên tắc 20-20 khi ngồi làm việc: mỗi 20 phút ngồi liên tục thì đứng lên 20 giây để thư giãn bằng cách vươn vai, lắc lư cơ thể hay đi lại tại chỗ.

Giữ nhiệt độ phòng phù hợp, không nên bật máy lạnh quá thấp để tránh các bệnh về hô hấp. Nếu làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên, bạn có thể mặc thêm áo vest, đi vớ để giữ ấm chân.

Ngoài ra, bạn cũng nên ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao, giảm chất béo.

MỘT SỐ BÀI TẬP CÓ THỂ ÁP DỤNG TẠI VĂN PHÒNG

Bài tập cổ: Ngồi thư giãn trên ghế, mặt hướng về phía trước, đầu thẳng. Nhẹ nhàng gập đầu theo trình tự ra trước - về sau - quay sang trái - quay sang phải, lặp lại từ 5-10 lần. Lưu ý không xoay đầu liên tục vì dễ dẫn tới nguy cơ gãy đốt sống cổ.

Bài tập vai: Ngồi với tư thế thẳng lưng trên ghế, mặt hướng về phía trước, hai tay buông hai bên. Tiếp theo, nhún vai lên cùng một lúc, cho đến khi cảm thấy phần cơ cổ và vai căng ra, giữ trong vòng 5 giây rồi thả lỏng.

Bài tập cho lưng: Bạn hãy đứng dậy, 2 tay chống lên phần lưng phía dưới, sau đó từ từ uốn nhẹ lưng ra phía sau cho đến khi có cảm giác căng ở vùng cơ lưng là được, giữ tư thế đó trong vòng 5-10 giây, sau đó trở lại tư thế ban đầu. Động tác này có thể lặp lại nhiều lần và thường xuyên khi bị mỏi lưng do ngồi lâu.

Bài tập cổ tay: Ngồi thẳng, mặt nhìn về phía trước. Các ngón tay đan vào nhau, lòng hai bàn tay hướng ra phía ngoài. Sau đó đưa hai tay giương cao thẳng với thân người, giữ cho căng cánh tay trong vòng 10 giây và lặp lại 3-4 lần.

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn