Chuyển đổi số ngành Y tế Chuyển đổi số ngành Y tế
Cẩn thận sốc nhiệt mùa nắng nóng!

Thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình thường mở máy điều hòa cho trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, khi đang ở nhiệt độ ngoài trời cao, đột ngột bị thay đổi do bước vào phòng lạnh, cơ thể trẻ không kịp thích ứng dễ dẫn đến bị hiện tượng "sốc nhiệt".

 

Bác sĩ Phạm Đình Quý, Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Lợi khám cho trẻ bị viêm tiểu phế quản

 

Có thể dẫn đến hôn mê

Sốc nhiệt là hiện tượng cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp (như đang đi ngoài đường nắng nóng 37-38 độ C vào phòng máy lạnh đột ngột chỉ có 17-18 độ C…), sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột này có thể khiến cơ thể mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt... Trong trường hợp nặng, có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê.

Theo bác sĩ Phạm Đình Quý, Khoa Nhi Bệnh viện Lê Lợi, những trường hợp sốc nhiệt ở trẻ em không thường gặp, nhưng khi xảy ra thì rất nguy hiểm. Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự cách biệt rất lớn. Đặc biệt là vào mùa nóng khi trẻ chơi vận động ngoài trời mà bước ngay vào phòng bật điều hòa nhiệt độ thấp (17 đến 18 độ C) rất dễ bị "sốc nhiệt". Thân nhiệt do vùng đồ thị trong não điều khiển, khi nhiệt độ tăng cao khiến cho mạch máu giãn, kích thích ra nhiều mồ hôi. Còn khi nhiệt độ giảm thì mạch máu co lại, cơ thể tăng nhiệt.

Phòng tránh "sốc nhiệt"

Giải pháp để tránh bị sốc nhiệt do hoạt động ngoài trời nắng là cần dừng lại 5-10 phút đứng ở bóng râm cho ngừng tiết mồ hôi rồi mới bước vào phòng có điều hòa. Lưu ý phòng điều hòa không ở mức nhiệt quá thấp, ví dụ nhiệt độ ngoài trời 40 độ C thì điều hòa cũng cần ở mức 28 độ C. Khi trẻ bị sốc nhiệt, gia đình cần đưa ngay tới nơi có nhiệt độ ổn định, nhanh chóng làm ấm cơ thể cho nạn nhân và gọi cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Phạm Đình Quý lưu ý: "Hiện nay, trên thị trường một số loại máy điều hòa được quảng cáo có nhiều tính năng tốt, có thể tự điều chỉnh phù hợp với nhiệt độ cơ thể, do đó sẽ tránh những tác hại đối với cơ thể. Nhưng thực chất điều này không hoàn toàn đúng. Phần lớn các dòng máy điều hòa hiện nay không thể tự điều chỉnh phù hợp với nhiệt độ cơ thể người được. Do vậy, khi cho trẻ nằm điều hòa, cha mẹ cần phải giám sát trẻ. Trẻ nhỏ luôn cảm thấy nóng hơn người lớn, nhưng lại mau bị lạnh, mất nhiệt nhanh. Nhất là khi ngủ, trẻ rất hay đạp chăn ra khỏi người. Như vậy, khi nhiệt độ căn phòng giảm dần do dùng điều hòa mà cha mẹ không lưu ý điều chỉnh tăng lên thì trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh".

Với những hoạt động vui chơi của trẻ ngoài trời, cha mẹ nên tránh cho trẻ chơi dưới trời nắng và khi nhiệt độ quá cao. Nếu trẻ vẫn muốn chơi (vì trẻ con luôn luôn thích vận động) thì chọn nơi râm mát, có bóng cây. Khi trẻ chơi xong, cha mẹ hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi ở nơi có bóng râm, gió mát, cho trẻ uống nước bù điện giải. Khi trẻ đã ráo mồ hôi thì mới đưa trẻ vào phòng có bật điều hòa, nhưng ở nhiệt độ không quá thấp so với môi trường, khoảng 27 đến 28 độ C.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần giữ vệ sinh, nhất là đường hô hấp họng, miệng, mũi, hầu cho trẻ để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra. Nên súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên hạn chế cho trẻ ăn và uống các đồ lạnh trong mùa nóng.

MINH THIÊN